11:13 EDT Thứ bảy, 27/04/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 65


Hôm nayHôm nay : 16079

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 264653

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 22994060

Trang nhất » Dưỡng linh » Học Kinh Thánh hằng ngày

Bài Mới

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

“Nhưng, hỡi anh em, xin anh em hãy răn bảo những kẻ ăn ở bậy bạ, yên ủi những kẻ ngã lòng, nâng đỡ những kẻ yếu đuối, phải nhịn nhục đối với mọi người. Hãy giữ, đừng có ai lấy ác báo ác cho kẻ khác; nhưng hãy tìm điều thiện luôn luôn, hoặc trong vòng anh em, hoặc đối với thiên hạ” (câu 14-15).

Xem tiếp...

Trẻ Em Với Ngôn Ngữ Của Tình Yêu

Thứ hai - 20/07/2020 21:14
Trẻ Em Với Ngôn Ngữ Của Tình Yêu

Trẻ Em Với Ngôn Ngữ Của Tình Yêu

Trong những năm tháng qua, chúng ta đã cùng nhau khám phá năm ngôn ngữ của tình yêu trong mối liên hệ vợ chồng và những người trưởng thành yêu nhau. Năm ngôn ngữ đó là lời khẳng định, thời gian chất lượng, quà tặng, hành động phục vụ và truyền cảm bằng xúc giác. Thế nhưng trong thế giới trẻ em hay trong mối liên hệ giữa cha mẹ và con cái, tình yêu có được diễn tả qua năm ngôn ngữ mà chúng ta đã học qua không?


Trẻ Em Với Ngôn Ngữ Của Tình Yêu


         Kính thưa quý thính giả,
 

         Trong những năm tháng qua, chúng ta đã cùng nhau khám phá năm ngôn ngữ của tình yêu trong mối liên hệ vợ chồng và những người trưởng thành yêu nhau. Năm ngôn ngữ đó là lời khẳng định, thời gian chất lượng, quà tặng, hành động phục vụ và truyền cảm bằng xúc giác. Thế nhưng trong thế giới trẻ em hay trong mối liên hệ giữa cha mẹ và con cái, tình yêu có được diễn tả qua năm ngôn ngữ mà chúng ta đã học qua không? Tiến sĩ Gary Chapman trình bày vấn đề này như sau:
 

         Khái niệm về ngôn ngữ của tình yêu có áp dụng cho trẻ em không? Những người tham dự các khóa hội thảo của tôi về hôn nhân thường hỏi tôi như vậy. Câu trả lời tuyệt đối của tôi là có. Khi trẻ em còn bé, bạn không biết ngôn ngữ yêu thương chính của chúng. Vì thế, cứ thử hết năm ngôn ngữ cho chúng thì bạn sẽ tìm ra thôi. Nhưng nếu quan sát cách cư xử của chúng, bạn có thể học biết ngôn ngữ của chúng khá sớm.
 

         Bobby sáu tuổi. Khi bố đi làm về, Bobby nhảy vào lòng bố, với tay lên, làm rối tung tóc bố. Bobby muốn nói gì với bố? “Con muốn được vuốt ve.” Nó vuốt ve bố vì nó muốn được bố vuốt ve. Ngôn ngữ yêu thương chính của Bobby có thể là “Truyền cảm bằng xúc giác.”
 

         Patrick ở kế nhà Bobby. Nó năm tuổi rưỡi và là bạn chơi chung với Bobby. Tuy nhiên, bố của Patrick đối diện một cảnh khác hẳn khi đi làm về. Patrick hớn hở kêu: “Bố ơi, lại đây. Con muốn cho bố xem cái này nè. Lại đây.”
 

         Bố nó nói: “Chút xíu đi, Patrick, bố muốn xem báo một chút.”
 

         Patrick bỏ đi một chút nhưng mười lăm giây sau, lại nói: “Bố qua phòng con đi. Con muốn cho bố xem ngay bây giờ, bố ơi. Con muốn cho bố xem ngay bây giờ.”
 

         Bố nó đáp: “Chút xíu đi con trai. Để bố đọc xong đã.”
 

         Mẹ Patrick gọi nó, và nó phóng tới. Mẹ nó nói bố bị mệt và nên để cho bố đọc báo vài phút .
 

         Patrick nói: “Nhưng mẹ ơi, con muốn cho bố xem cái con mới làm.”
 

         Mẹ nó nói: “Mẹ biết rồi, nhưng cứ để bố đọc vài phút đã.”
 

         Sáu mươi giây sau, Patrick chạy lại với bố và thay vì nói, nó nhảy lên tờ báo của bố, cười to. Bố nói: “Con làm cái gì vậy,Patrick?”
 

         Patrick nói: “Con muốn bố vào phòng con, bố ơi. Con muốn cho bố xem món đồ con làm.”
 

         Patrick yêu cầu gì? “Thời gian chất lượng.” Nó muốn được bố hoàn toàn chú ý tới mình, và nó sẽ không dừng cho tới khi được thỏa mãn, cho dù có phải tạo ra một hồi kịch.
 

         Nếu con bạn thường tặng quà cho bạn, gói kỹ rồi trao cho bạn với niềm hân hoan đặc biệt trong ánh mắt, thì ngôn ngữ yêu thương chính của con bạn có thể là “Quà tặng”. Nó tặng quà cho bạn vì nó muốn được nhận quà. Nếu bạn thấy con trai bạn hoặc con gái bạn lúc nào cũng tìm cách giúp đỡ em nó, có thể ngôn ngữ yêu thương chính của nó là “Hành động phục vụ.” Nếu nó luôn luôn khen bạn đẹp, giỏi giang và làm việc thật tốt thì ngôn ngữ yêu thương chính của nó là “Lời Khẳng định.”
 

         Tất cả mọi điều đó thuộc trong phạm vi tiềm thức của trẻ. Nghĩa là trẻ không suy nghĩ với ý thức rằng: “Nếu mình tặng quà thì ba mẹ sẽ cho mình quà; nếu mình vuốt ve thì sẽ được vuốt ve lại” nhưng hành động của trẻ được thúc đẩy bởi những ước muốn tình cảm riêng của nó. Có lẽ do kinh nghiệm, trẻ học biết rằng khi mình làm hoặc nói điều gì, trẻ luôn nhận những đáp ứng từ cha mẹ. Do đó, trẻ sẽ làm hoặc nói những điều có kết quả đáp ứng được nhu cầu tình cảm của riêng mình. Nếu mọi chuyện đều êm xuôi và nhu cầu tình cảm của trẻ được đáp ứng, thì trẻ sẽ tăng trưởng để trở thành những người lớn có tinh thần trách nhiệm. Nhưng nếu nhu cầu tình cảm không được đáp ứng, khi trẻ lớn lên, có thể là người không tôn trọng luật lệ, mang trong người sự oán hận vì cha mẹ không đáp ứng nhu cầu tình cảm cho mình, và tìm kiếm sự bù đắp cho tình yêu ở những nơi không an toàn.
 

         Tiến Sĩ Ross Campbell, nhà phân tâm học đầu tiên nói với tôi về bể chứa tình cảm yêu thương, bảo rằng suốt nhiều năm điều trị các trẻ vị thành niên dính líu trong chuyện lăng nhăng về tình dục, ông chưa hề gặp một thiếu niên nào được cha mẹ đáp ứng nhu cầu tình cảm yêu thương cả. Ý kiến của ông cho rằng hầu hết mọi trường hợp lăng nhăng tình dục nơi trẻ vị thành niên đều bắt nguồn từ bể chứa tình cảm yêu thương trống rỗng.
 

         Bạn có thấy điều đó xảy ra đâu đó trong đời sống mỗi ngày không? Một thiếu niên bỏ nhà ra đi. Cha mẹ nó vò đầu bứt tai, nói: “Sao nó lại có thể làm được chuyện này khi mình đối xử với nó như thế chứ?” Nhưng thiếu niên này thì trả lời với nhà tư vấn như sau: “Cha mẹ tôi chẳng thương tôi, họ không hề thương tôi bao giờ. Họ thương em tôi, nhưng không bao giờ thương tôi.” Thật ra, phụ huynh có yêu thiếu niên đó hay không? Đa số trường hợp thì có. Vậy thì vấn đề ở đây là gì? Rất có thể là phụ huynh này chưa hề học cách truyền đạt yêu thương theo ngôn ngữ mà trẻ có thể hiểu được.
 

         Có lẽ họ đã mua găng tay chơi bóng, cùng đi xe đạp để bày tỏ tình thương, nhưng trẻ thì lại đang kêu la: “Có ai chơi bóng với con không? Có ai cùng chạy xe với con không?” Sự khác biệt giữa việc mua găng tay và chơi bóng đối với trẻ có thể chính là sự khác biệt giữa bể chứa yêu thương trống rỗng với bể chứa đầy tràn. Cha mẹ có thể thật lòng thương con mà đa số là như vậy, nhưng thật lòng vẫn chưa đủ. Chúng ta còn phải học nói ngôn ngữ yêu thương chính của con cái mình nếu muốn đáp ứng nhu cầu tình cảm yêu thương của chúng.
 

         Kính thưa quý thính giả,
 

         Trong tuần này, chúng ta hãy xem lại ngôn ngữ thứ nhất là lời khẳng định đối với trẻ con.
 

         Thông thường thì cha mẹ nói lời khẳng định khi con còn nhỏ. Ngay cả trước khi trẻ hiểu được lời nói, cha mẹ vẫn bảo: “Cái mũi xinh quá nè, mắt đẹp lắm, tóc quăn quăn thật xinh,” và vân vân. Khi trẻ bắt đầu biết bò, chúng ta tán thưởng từng cử động của trẻ với “Lời Khẳng Định”. Khi trẻ bắt đầu biết đi và đứng một chân dựa vào ghế, chúng ta đứng cách đó sáu bảy bước rồi khuyến khích: “Tới đây, đi tới, tới đây. Giỏi lắm! Bước tới. Giỏi lắm, bước tới đi.” Trẻ đi được nửa bước, té xuống, chúng ta nói sao? Chúng ta không nói: “Ngu quá, không biết đi hả?” nhưng thường thì chúng ta nói: “Ờ, giỏi, cố gắng bước tới đây con!” Thế là bé lại đứng dậy và cố gắng lần nữa. Tại sao khi trẻ lớn lên, những lời khẳng định của chúng ta lại biến thành những lời lên án? Khi trẻ được bảy tuổi, chúng ta bước vào phòng, bảo nó cho đồ chơi vào hộp đồ chơi. Mười hai món đồ chơi nằm trên sàn. Sau năm phút, chúng ta trở lại, bảy món đã ở trong hộp, nhưng chúng ta nói gì? “Mẹ đã bảo con dẹp tất cả đồ chơi đó. Nếu không dẹp mẹ sẽ đánh đòn” Thế còn bảy món đã ở trong hộp thì sao? Sao chúng ta không nói: “Johnny à, con đã cất bảy đồ chơi vào hộp rồi. Giỏi lắm” Bạn sẽ thấy năm món còn lại sẽ nhảy vào hộp luôn! Khi trẻ lớn lên, chúng ta có khuynh hướng lên án những thất bại của trẻ hơn là khen ngợi những thành công của chúng.
 

         Đối với trẻ có ngôn ngữ yêu thương chính là “Lời Khẳng Định” thì những lời tiêu cực, chỉ trích, hạ thấp phẩm giá của chúng ta gây kinh hoàng cho tâm thần của trẻ. Hàng trăm người lớn đã ba mươi lăm tuổi vẫn còn nghe vang vọng bên tai những lời lên án hai mươi năm về trước: “Mày mập quá; ai mà thèm cặp bồ với mày.” Mày có học hành gì đâu. Không khéo là mày bỏ học nửa chừng thôi.” “Tao không thể tin nổi là mày ngu tới cỡ đó.” “ Mày thật vô trách nhiệm, chẳng đời nào khá nổi.” Nhũng người trưởng thành phải vật lộn mãi với giá trị bản thân bị giảm thấp và cảm thấy không được yêu thương suốt đời minh khi ngôn ngữ yêu thương chính của họ bị chà đạp theo kiểu tai hại như vậy.
 

         Trong tuần tới, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu những ngôn ngữ yêu thương còn lại đối với các em. Xin hẹn gặp lại quý vị.
 

Dr. Gary Chapman
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: năm ngôn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn