06:51 EDT Thứ bảy, 27/04/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 25

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 24


Hôm nayHôm nay : 13060

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 261634

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 22991041

Trang nhất » Dưỡng linh » Văn - Thơ - Nhạc

Bài Mới

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

“Nhưng, hỡi anh em, xin anh em hãy răn bảo những kẻ ăn ở bậy bạ, yên ủi những kẻ ngã lòng, nâng đỡ những kẻ yếu đuối, phải nhịn nhục đối với mọi người. Hãy giữ, đừng có ai lấy ác báo ác cho kẻ khác; nhưng hãy tìm điều thiện luôn luôn, hoặc trong vòng anh em, hoặc đối với thiên hạ” (câu 14-15).

Xem tiếp...

Truyện ngắn mùa Phục Sinh: MỐI TÌNH MUÔN THUỞ VIỆT – MIÊN.

Chủ nhật - 17/04/2022 08:21
Truyện ngắn mùa Phục Sinh: MỐI TÌNH MUÔN THUỞ VIỆT – MIÊN.

Truyện ngắn mùa Phục Sinh: MỐI TÌNH MUÔN THUỞ VIỆT – MIÊN.

Đáng lẽ sau tháng tư năm 1975 Nhân dân Campuchia phải được sống trong thanh bình hạnh phúc, họ đem hết tài năng trí tuệ để xây dựng đất nước thật sự độc lập và phồn vinh. Nhưng sau ngày Phnôm-Pênh được giải phóng, đêm trường trung cổ lại trùm lên đất nước.

Truyện ngắn mùa Phục Sinh:
MỐI TÌNH MUÔN THUỞ VIỆT – MIÊN.

     Đáng lẽ sau tháng tư năm 1975 Nhân dân Campuchia phải được sống trong thanh bình hạnh phúc, họ đem hết tài năng trí tuệ để xây dựng đất nước thật sự độc lập và phồn vinh. Nhưng sau ngày Phnôm-Pênh được giải phóng, đêm trường trung cổ lại trùm lên đất nước. Hơn một nghìn ngày đêm đen tối người dân phải sống trong lo âu và sợ hãi. Nhân dân Campuchia bị đày vào một tai họa mới, họa diệt chủng và chiến tranh biên giới với các nước láng giềng xung quanh.

     ...
     Mười năm làm công tác dân vận trên đất nước Chùa Tháp đã cho họ một mối tình Việt Nam - Cao Miên tốt đẹp. Hơn thế nữa, họ đã trở thành đôi vợ chồng hạnh phúc, những đứa con ra đời mang hai dòng máu Việt - Miên hòa quyện trong một gia đình Cơ-đốc làm sáng danh Chúa.

     Huy Bình đang tra Vietbible tự điển phần mềm Kinh thánh để hoàn chỉnh bài giảng ngày mai cho Lễ Phục Sinh. Vì anh là Quản nhiệm Hội Thánh Tin Lành Báp-tít Battambang (Nam Phương). Tết năm mới của người Campuchia gọi là Chan Chơ-nam Thơ-may đã qua một tuần lễ rồi, thế nhưng lễ hội nầy còn kéo dài đến hết cuối tháng tư, đây là lúc mùa khô đã chấm dứt, mùa mưa đang đến. Nông dân chuẩn bị gieo vụ lúa chính trong năm.

     Huy Bình thư giãn một lúc, anh ra ngoài sân để hóng mát... Mười năm trước đây lại trở về với anh…

     Anh nhớ lại mối tình của anh với Sary Thom, một cô gái Miên bây giờ đang là vợ anh. Sary Thom có đôi mắt đen huyền quyến rũ, sáng ngời và phúc hậu. Cô nói được tiếng Việt khá thành thạo, vì cô là sinh viên ngoại ngữ khoa tiếng Việt của Trường Đại học Phnôm-Pênh, nhà cô ở thành phố Battambang nầy. Khi cô bước vào năm thứ hai, thì chế độ diệt chủng Pôn-Pốt/Iêng Xa-ry đã hủy hoại đất nước họ. Gia đình cô đã bị đưa đi cải tạo tập trung rồi tất cả đều chết trong trại tù khét tiếng Toul Sleng.
Ngày đó, tại thành phố Battambang nầy, Pôn-Pốt/Iêng Xa-ry đã cho mười chiếc xe tải chở người về núi Numsumboaut để giết hại, trong đó có Sary Thom. Nhờ sự hướng dẫn của người dân, quân đội Việt Nam đã nhanh chóng tiến quân lên vùng núi đó. Giao tranh đã xảy ra ác liệt ở lưng chừng đồi khoảng bậc tam cấp số 105. Nhưng rồi lực lượng ta cùng lực lượng Mặt trận Dân tộc Đoàn kết Cứu nước của bạn đã nhanh chóng phá vỡ thế cố thủ, và đánh thẳng lên ba ngọn núi ấy kịp thời. Đơn vị họ đến nơi thì thấy bọn chúng đã giết chết gần hết số người bọn chúng đã chở đi, và tháo chạy. May thay cho Sary Thom còn sống sót, cô bị bọn chúng cột chặt vào thân cây chờ giờ hành huyết. Bọn chúng thật dã man, chúng chặt đầu bằng dao, hoặc đập đầu bằng búa rồi xô xác họ xuống cái giếng trời sâu hun hút trông như một cái hố tối tăm không đáy. Huy Bình đã mở trói cho Sary Thom, rồi lấy bi đông nước cho cô uống. Sary Thom đã được cứu sống trong thời khắc ấy.


     Sau nầy Sary Thom được trở về nhà, cũng là lúc Huy Bình được điều động về làm công tác chính sách dân vận, chuyên gia thành lập và xây dựng chính quyền địa phương tại thành phố Battambang. Tình cờ Sary Thom đã gặp lại Huy Bình trong một cuộc meeting lớn tại quảng trường trung tâm thành phố Battambang. Họ nhìn nhau với đôi mắt của tình yêu nồng thắm mà không chút ngại ngần. Họ được nói với nhau lời yêu thương sau giờ meeting. Sau đó ít lâu, trên hành lang thành cầu lớn, đường bắt vào Tòa thị chính thành phố, lời cầu hôn của Huy Bình được Sary Thom chấp nhận. Nhưng rồi công việc khẩn cấp của một chuyên gia dân vận đã đưa Huy Bình đi gấp trong một đêm tối trời âm u. Mưa như trút nước xuống dòng sông Sê-ra-pốc. Anh vội lên một tàu chiến của Lữ đoàn 270 Công Binh trên bến sông nầy. Sary Thom nghẹn ngào đưa tiễn, trong nước mắt nhớ thương, họ hẹn nhau ngày gặp lại. Huy Bình giờ phút chót còn dặn dò Sary Thom:
"Em hãy giữ đức tin mình với Chúa, anh sẽ trở về, cầu Chúa phù hộ cho em".


     Con tàu lao vút nhanh trong đêm tối. Sary Thom không biết cuộc chiến nầy sẽ bao giờ mới chấm dứt. Không biết rồi đây anh sẽ đi đến nơi đâu? Số phận anh rồi sẽ ra sao…? Tương lai sao quá mịt mù tăm tối, nhưng dẫu vậy, cô vẫn còn tin vào Chúa. Một niềm tin được anh truyền đạt và cấy ghép vào tâm hồn cô. Mấy tháng sau, Huy Bình nhận được tin thơ của Sary Thom từ một người bạn:
“Con lạy Chúa van xin Ngài cứu vớt
Bao con tàu gặp nạn giữa đêm nay
Xin Chúa thương kiếp sống những người trai
Đã hiến trọn cuộc đời cho Tổ quốc.
Những bà mẹ trắng canh dài thao thức
Cầu mong con mình thoát cảnh hiểm nguy
Đau đớn làm sao cho buổi phân kỳ
Nếu biển cả dìm thân tàu vĩnh viễn.
Xin Chúa thương bao mối tình êm đẹp
Hẹn ngày về cùng xây đắp duyên tơ
Và những người thiếu nữ tuổi hoa mơ
Đang mỏi mắt đợi chờ trên bến cũ!”...

 
     Một thời gian sau, Huy Bình được trở lại công tác nơi cô đang sống. Họ không ngờ có ngày hôm đó… Cuộc hội ngộ thấm đẫm nước mắt lấn niềm vui, hạnh phúc dâng trào…

     Năm 1989 Liên hợp quốc có Nghị quyết buộc Quân đội Việt Nam phải rút hết quân về nước. Vậy là Sary Thom phải theo chồng về Việt Nam. Họ định cư ở Huyện Tân Biên Tỉnh Tây Ninh. Nơi đây Huy Bình đã từng chứng kiến hàng đoàn quân Pôn-Pốt/Iêng Xa-ry xua quân xâm chiếm Việt Nam. Tàn sát xứ sở và con người vô tội năm 1978. Bởi vậy, Mặt trận Dân tộc Đoàn kết Cứu nước Campuchia được thành lập và kêu gọi Quân đội Nhân dân Việt Nam giúp đỡ giải phóng đất nước họ thoát họa diệt chủng. Hơn một năm ở Việt Nam, vợ chồng họ tích cực học lời Chúa qua các khóa đào tạo, huấn luyện từ những người lãnh đạo và Giáo sĩ nước ngoài. Năm 1990 họ làm hộ tịch sang định cư tại Campuchia. Biết Huy Bình là chuyên gia giúp bạn trên mười năm nên Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Việt Nam giúp đỡ. Vậy là hồ sơ họ thuận tiện về thủ tục pháp lý. Hiện giờ họ có hai quốc tịch Việt - Miên.

     Họ được trở về ở nhà ở của ba mẹ Sary Thom để lại. Chính quyền mới còn cấp thêm một căn phòng rộng hơn một trăm mét vuông để làm nơi nhóm lại thờ phượng Chúa và sinh hoạt cho Hội Thánh. Hội Thánh Tin Lành Báp-tít Battambang (Nam Phương) được sinh hoạt tự do dưới chính quyền mới, dân chủ trong pháp luật của nước sở tại. Huy Bình là mục sư Quản nhiệm Hội Thánh đó.
     Huy Bình đang miên man nhớ lại hơn mười năm về trước…
     ...
     Trong khi lễ hội Chan Chơ-nam Thơ-mây vẫn đang tiếp diễn bên ngoài. Tiếng trống bập bùng làm anh vui sướng cho cuộc đời được Chúa dắt chăn. Là chuyên gia dân vận anh rất am hiểu nếp sống văn hóa của người dân Campuchia:
Trước đây ở Cam-pu-chia chùa gắn liền với đời sống người dân. Mỗi chùa là một trường học do vị Sãi cả trông nom. Trường học trong nhà chùa xưa kia dạy các môn sử, địa, đạo lý và kinh Phật bằng tiếng Pa-li. Chùa còn là nơi hội họp hàng ngày để bàn bạc công việc, làm ăn, cứu giúp những người cơ nhỡ. Hòa giải những vụ xích mích trong nhân dân. Tất cả những điều đó làm cho Sư sãi rất có uy tín lớn trong quần chúng. Vì thế, những ai đi xa có dịp trở về, câu chuyện đầu tiên là hỏi thăm về chùa chiền Sư sãi. Ngôn ngữ nói chuyện với nhà Sư cũng phải là ngôn ngữ thanh bạch, kính trọng.


     Theo phong tục một người đàn ông Campuchia bình thường (15 tuổi trở lên) trong đời mình phải trải qua một thời gian thí phát vào chùa từ sáu tháng đến một năm để trả ơn Trời, Phật và trả công nghĩa cho cha mẹ. Cũng có người tu đến ba năm, có người nhân đó khoác áo cà sa suốt đời. Phải tu đến mười năm mới trở thành Hòa thượng và hai mươi năm mới trở thành Thượng tọa. Người đi tu được xã hội coi là có văn hóa. Vì theo đạo Phật người Campuchia thường thực hiện “ngũ giới” tức là năm điều răn của Đức Phật: Không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói bậy, không uống rượu. Điều nầy tác động đến bản chất hiền hậu chân thật của người Khơ-me.

     Ngoài đạo Phật giáo Tiểu thừa (Thé-ra-va-da) là Quốc giáo, ở Campuchia còn có Phật giáo Đại thừa (Ma-ha-ya-na) của người Hoa và người Việt. Người Chàm và người Mã Lai thì lập riêng những nhà thờ Hồi giáo. Cũng có một số nhà thờ Thiên Chúa giáo và Tin Lành dành riêng cho người phương Tây và Việt Nam. Đất nước của nền văn minh Ăng-co cũng là xứ sở của những hội hè, và các lễ nghi nông nghiệp cổ xưa. Cũng như nhiều cư dân nông nghiệp khác ở vùng Đông Nam Á, nhân dân Campuchia căn cứ vào chu kỳ chuyển vận của mặt trăng mà định ra lịch pháp. Chính vì vậy, mà lễ Chúa Giê-xu Phục Sinh lại cũng nhằm vào hạ tuần tháng tư. Vì Cơ-đốc giáo cũng tính lễ Chúa nhật Phục Sinh vào tuần sau trăng tròn của tiết xuân phân, nhằm tháng tư dương lịch…

     Chính sự am hiểu nền văn hóa trên, nên vợ chồng mục sư đã có cách tiếp cận để truyền bá đạo Chúa cách có hiệu quả. Rất là khó khăn cho sự phát triển Tin Lành, vì Phật giáo là Quốc giáo của xứ sở Chùa Tháp nầy. Nhưng tạ ơn Đức Chúa Trời, qua đời sống cách ăn nết ở của gia đình mục sư đã cảm hóa đồng bào Khơ-me. Hàng ngày Huy Bình - Sary đều dành thời gian ra đi chứng đạo và chăm sóc tín hữu. Hội Thánh thường xuyên mở cửa nhà thờ để truyền giảng đạo Chúa. Số người trở lại ngày một đông hơn. Để có nguồn nhân sự phục vụ Chúa, Huy Bình thường đưa các sinh viên tin Chúa đi về Việt Nam thực tập, tìm ân nhân giúp đỡ tài chính cho những em đi học Trường Kinh Thánh từ Việt Nam.

     Hai con của Huy Bình - Sary cũng đã tốt nghiệp Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn từ Việt Nam trở về cùng ba mẹ lo hầu việc Chúa trong Hội Thánh. Chúng nó thường hay tổ chức truyền giảng cho sinh viên các trường Cao đẳng, Đại học ở thành phố Battambang và thủ đô Phnôm-Pênh. Hai con của họ cũng được đặt tên từ ý nghĩa phước hạnh của Chúa: Di-rê Thom và Sa-lom Thom (Sự sắm sẵn lớn và sự bình an lớn).

     Bài đã chuẩn bị hoàn chỉnh thì cũng là lúc Sary Thom gọi anh đi nghỉ sớm vì ngày mai là lễ Phục Sinh. Hội Thánh sẽ cử hành lúc tưng tưng sáng như tinh thần ngày xưa lúc Chúa sống lại. Nhưng không hiểu sao, Huy Bình lại nắm tay cô cùng đi bách bộ về hướng bên kia cầu. Trăng hạ tuần về khuya vẫn sáng rỡ rỡ, tỏa xuống dòng sông Sê-ra-pốc ánh sáng êm đềm huyền ảo như một người “Mẹ” hiền. Đó là ngôn ngữ văn hóa Khơ-me chỉ về mặt trăng nơi vùng đất thấp hay bị ngập lụt là Mẹ, còn mặt trời thì nóng và khô hạn là Cha.

     Đi ngang qua cầu, tự dưng lòng Sary Thom chùng xuống, nhưng anh không hiểu, chỉ thấy cô đang vui vẻ bỗng đâu lại buồn. Huy Bình cứ gặn hỏi mãi mà cô không nói ra lời. Họ quay về… Đến cây cầu vừa mới đi qua… Sary Thom nghẹn ngào kể cho anh nghe câu chuyện của chàng trai Việt mà cô đem lòng yêu mến. Lúc ấy Trung Kiên là sinh viên thần học Tin Lành Việt Nam Miền Nam sang Campuchia thực tập truyền giáo ở hải ngoại. Sary Thom là sinh viên năm hai của trường Đại học Phnôm-Pênh được Trung Kiên làm chứng về Chúa Giê-xu trong một lần trường được giao lưu cùng Đoàn truyền giáo sang thăm Campuchia năm đó. Sayry Thom đã thầm yêu Trung Kiên khi mà anh tỏ lời nhưng cô vẫn còn do dự. Ngày ấy Trung Kiên có tặng cho cô cuốn Kinh Thánh Tân-ước của Hội Ghê-đê-ôn và tập truyện “Sự tích trái sầu riêng” ca ngợi mối tình cao đẹp và thủy chung của một chàng trai người Việt với cô gái dân tộc Khơ-me. Cô đã chôn cất rất kỹ sau bao năm dưới chế độ diệt chủng đang hiện hữu trên đất nước cô.

     Số phận của Trung Kiên đã an bài trên dòng sông nầy, trên chính trên cây cầu nầy. Đoàn truyền giáo đã về được Việt Nam, còn Trung Kiên lúc đó vì quá yêu Sary Thom nên nán ở lại vài tuần. Thế rồi, thời điểm thay đổi giữa hai chế độ sau năm 1975. Cách mạng Campuchia do Pôn-Pốt/Iêng Xa-ry đã bắt anh đi hành huyết rồi xô xác anh xuống, trôi chảy dưới dòng sông nầy. Cô nghẹn ngào, nước mắt chảy dài… Huy Bình cầm lòng không được cũng khóc theo, Sary Thom nói:
     Dòng sông Sê-ra-pốc bắt nguồn từ nước Thailand chảy vào địa phận Campuchia qua Battambang rồi đổ về vùng trũng thấp phình ra thành Biển Hồ. Sau đó thu nhỏ dần về hướng thủ đô Phnôm-Pênh gặp sông Mê-Kông ở ngã tư gọi là sông bốn mặt. Một nhánh gọi là Mê-Kông hạ, nhánh kia đổ về phía tây là Bát-Xắc chảy xuôi sang đất Việt Nam và rồi ra biển đông có tên gọi là Tiền Giang và Hậu Giang… Vậy là máu của Trung Kiên đã trở về đất mẹ Việt Nam. Huy Bình an ủi cô chắc chắn là linh hồn Trung Kiên được yên nghỉ nơi nước vĩnh hằng của Thiên Chúa. Sary Thom bỗng vững vàng nắm chặt tay anh, mắt cô nhìn thẳng vào đôi mắt anh và nói:
     "Cảm tạ Đức Chúa Trời đã cho anh cùng Quân đội Việt Nam sang cứu dân tộc của em. Cảm ơn anh đã đem tình yêu Chúa cho em được biết và tin cậy Ngài. Cảm ơn anh đã lập Hội Thánh Chúa trên đất nầy để cứu đồng bào và dân tộc em. Và em vô cùng cảm tạ Chúa đã đem anh đến với em, và cho chúng ta có hai đứa con mang hai dòng máu Việt - Miên thật ngọt ngào, hạnh phúc".
     Họ trở về trong một giấc ngủ bình an. Trăng vẫn sáng rỡ rỡ về khuya như tình yêu của họ cũng trong sáng vậy.
Lễ Phục Sinh sáng nay thật sớm, trời chưa sáng hẵn thế mà tín hữu đã có mặt đông đủ ở nhà thờ… Những bài Thánh ca, biệt Thánh ca, những vần thơ, những tiểu phẩm, hoạt cảnh mua, những lời cầu nguyện thật phước hạnh được dâng lên cho ba ngôi Đức Chúa Trời. Lời Chúa với sứ điệp từ mục sư Quản nhiệm với chủ đề:

     “Huyền nhiệm Chúa Phục Sinh”.

     Bài tập trung trọng tâm cho phần hai là: "Tinh thần đón Chúa phục sinh":
     … Ngay từ khi tin Chúa phục sinh được loan báo ra, những người chống đối Chúa đã vội tìm cách bác bỏ và phủ nhận. Tiếc thay mọi nỗ lực của họ như một bong bóng nổ tung, vì Chúa sống lại hiện ra sờ sờ làm sao chối bỏ được. Chính sự hiện diện của Chúa là bằng chứng hùng hồn, là năng lực sống động của Hội thánh đầu tiên. Kể từ đó đến nay Cơ-đốc giáo cứ tiếp tục phát triển không ngừng mặc dầu gặp nhiều khó khăn bách hại.

     Chúa Cứu Thế sống lại cho chúng ta sự vui mừng bình an. “Hai người đàn bà đó bèn vội vàng ra khỏi mộ… cả mừng.”Ma-thi-ơ 28:8 Bao nhiêu thất vọng chán chường và sợ hãi mấy ngày khi chứng kiến Chúa của họ bị bắt, bị đánh đòn dã man, rồi đóng đinh Chúa họ trên cây thập tự.

     Họ đau lòng tuyệt vọng biết bao, nhưng vì yêu Chúa nên họ chuẩn bị hương liệu quý, để sau ngày Sa-bát họ sẽ đi thật sớm đến nơi phần mộ. Mục đích là tẩm thêm thuốc thơm cho xác chết của Thầy mình. Họ đến nơi chỉ thấy ngôi mộ trống, họ càng thêm tuyệt vọng, họ gặp được Chúa phục sinh mà cứ tưởng là người làm vườn. Nhưng rồi thiên sứ báo cho họ biết Thầy họ đã sống lại và hẹn họ qua xứ Ga-li-lê gặp Ngài. Chúa gặp họ và phán “Bình an cho các ngươi, đừng sợ hãi”...

     Ngày nay du khách đi đến xứ Do Thái tức Y-sơ-ra-ên (Israel) có thể đến thăm ngôi mộ trống. Chúa Giê-xu đã Phục sinh, nơi đó có ghi mấy giòng chữ: “Ngài không ở đây đâu, Ngài đã sống lại rồi”.

     Xưa nay con người vẫn sống trong sự bất an, lo âu và sợ hãi. Chúa sống lại ban cho chúng ta sự bình an bất biến, sự vui mừng mãi mãi. Là Cơ-đốc nhân bạn đã kinh nghiệm sự vui mừng nầy chưa? Nếu là Cơ-đốc nhân mà bạn đang sống trong u buồn thì chính bạn không có Chúa phục sinh sống trong lòng bạn rồi. Hãy vui mừng, ca hát và ngợi khen, vì đời sống chúng ta đã thuộc về Chúa sống. Phúc-âm là hai từ: “Tin lành” là “Tin mừng” là “Tin vui” sao ta lại sống trong tinh thần mệt mỏi, chán chường, thất vọng và u buồn?

     Dù cuộc sống chúng ta còn muôn ngàn khó khăn, nhưng chúng ta phải kinh nghiệm rằng chúng ta sống trong trần gian là thì giờ ngắn ngủi, chúng ta là lữ khách và bộ hành trên đất. Một ngày kia tiếng kèn của thiên sứ được trổi khúc, chúng ta sẽ được cất lên và sống với Chúa mãi mãi.

     Nghe tin Chúa phục sinh, trong lòng rộn lên niềm vui cũng chưa đủ. Niềm vui đó cũng chưa trọn vẹn cho đến khi nào được đến để thờ lạy Ngài. “Hai người cùng đến gần…và thờ lạy Ngài.”Ma-thi-ơ 28:9.

     Vinh dự và phước hạnh thay cho những ai đến gặp và thờ lạy Ngài. Ai hết lòng tìm kiếm Chúa ắt sẽ được gặp được Ngài. Họ đâu có ngờ rằng đi thăm mộ Chúa chết mà nay đã gặp Chúa sống. Phần mộ là nơi u buồn nhất đã trở thành nơi vui vẻ hân hoan. Lúc đó chắc chim sẽ hót, hoa sẽ nở, nước sẽ reo, bầu trời thật xanh trong lạ lùng với những cơn gió nhẹ làm mát lòng người. Và ở đây, niềm vui cũng chưa thật trọn vẹn cho đến khi họ được chia sẻ niềm vui với các môn đồ, với mọi người… Cơ-đốc nhân chân chính sẽ không bao giờ thấy thỏa lòng khi chỉ riêng mình có được niềm vui và tâm linh mình thỏa thích tôn thờ Chúa. Cơ-đốc nhân chân chính sẽ thỏa lòng khi được dịp chia sẻ niềm vui của mình có, cho nhiều người khác là những người chưa biết và chưa gặp Chúa phục sinh. Vì không biết và không tin Chúa đã sống lại, nên nhiều người vẫn còn sống trong buồn lo sợ hãi.

     Dù có làm môn đồ Chúa đi nữa, nhưng không biết và không tin sự kiện Chúa đã phục sinh thì chúng ta cũng có thể sống thiếu sự bình an. Sự hiểu biết và tin tưởng nầy chỉ có được khi những người đã có kinh nghiệm trong Chúa đi ra rao truyền Tin Lành cứu rỗi của Chúa Giê-xu.
     
     Tôi hy vọng rằng: Hoa phục sinh sẽ nở rộ trong lòng mỗi Cơ-đốc nhân khi ta quyết tâm ra đi loan báo Tin Lành “Chúa đã sống lại rồi”.

     Nhà thơ Tường Lưu đã có hàng ngàn thi phẩm ca ngợi Chúa qua các thi tập. Nhân đây tôi xin trích một đoạn trong bài: “Sống hôm nay” của ông trong thi tập Tâm Linh số 12 để chia sẻ cùng Hội Thánh:
“Sống đi ta sống hôm nay
Sống vui, tận hưởng một ngày Chúa ban
Hãy nghe chim hót rộn ràng
Hãy xem hoa nở, dịu dàng hương bay
Trên cao lờ lững áng mây
Mặt trời đang nhuộm ngọn cây phớt hồng
Giơ tay chào đón hừng đông
Thánh ca… ta hát mà lòng ta vui
Cảm ơn Chúa, một bầu trời
Cảm ơn Chúa, một cuộc đời hôm nay
Hãy quên quá khứ chông gai
Cũng không nghĩ tới ngày mai… làm gì
Hôm nay… ta cứ vui đi".

 
     Sau giờ lễ, Hội thánh có một bữa tiệc thông công thật vui vẻ. Món thịt heo quay được chấm với nước Pra-hoc và Tuk-trei là hai loại nước chấm cổ truyền không thể thiếu được trong đời sống bữa ăn của người Campuchia. Họ ăn trong tinh thần vui vẻ hân hoan, có nhiều bạn thanh niên nam nữ còn tặng những lẵng hoa tươi thắm cho ông bà mục sư Quản nhiệm Hội thánh của họ. Và đặc biệt có một cụ già trên bảy mươi tuổi đề nghị ông bà mục sư nên dành thời gian vui vẻ nầy, tâm sự câu chuyện tình Việt - Miên xa xưa ấy để bữa tiệc thông công thêm phần ấm áp trong tiếng vỗ tay vỡ òa, phấn khích…
 
Hồ Galilê – Mùa Thương khó/Phục sinh 2022.

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn