20:25 EDT Thứ ba, 30/04/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 18

Máy chủ tìm kiếm : 4

Khách viếng thăm : 14


Hôm nayHôm nay : 0

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 279626

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23010306

Trang nhất » Dưỡng linh » Văn - Thơ - Nhạc

Bài Mới

Nuôi Dạy Con Cho Đức Chúa Trời

Nuôi Dạy Con Cho Đức Chúa Trời

“Kìa, con cái là cơ nghiệp bởi Đức Giê-hô-va mà ra; Bông trái của tử cung là phần thưởng” (câu 3).

Xem tiếp...

VIA DOLOROSA

Thứ tư - 03/04/2019 21:34
VIA DOLOROSA

VIA DOLOROSA

Có lần cô và anh tranh cãi. Cô bảo dưới thân phận là một con người, thì con đường lên đồi Gogoltha nơi Chúa chịu đóng đinh là con đường dài, bởi vì giữa sự sống và cái chết là một sự dằng co phức tạp và mãnh liệt nhất.


                 Có lần cô và anh tranh cãi. Cô bảo dưới thân phận là một con người, thì con đường lên đồi Gogoltha nơi Chúa chịu đóng đinh là con đường dài, bởi vì giữa sự sống và cái chết là một sự dằng co phức tạp và mãnh liệt nhất. Anh bảo ba mươi ba năm sống trên mặt đất của Chúa mới là khổ nạn, mới dài. Cô hỏi tại sao. Anh đáp vì phải sống hằng ngày, phải chứng kiến người thân, bạn bè, thậm chí cha mẹ hay anh em quay mặt với Đức Chúa Trời, bị ngay cả người ở quê hương mình từ khước, như thế mới gọi là dài.
Cuộc tranh cãi đã không thể chấm dứt vì cô giữ ý cô và anh giữ ý mình. Mãi cho tới lúc cô nổi giận lên thì anh cười, và nói anh thua. Nhưng thật sự cô chẳng thấy anh thua chút nào. Sự nhượng bộ của anh, hoàn toàn “gentlement”, hoàn toàn vì muốn… yên thân, vì không muốn cô làm mặt giận.

                 Thuở ấy, xa xưa lắm, dẫu không hề dám mơ đến ngày có thể đặt chân đến một đất nước phương tây nào đó, huống gì là Do Thái, cô và anh vẫn biết rõ con đường Dolorosa ở nơi đâu. Vẫn nghe về chỗ Chúa Jesus đã bị hành hình.
                 Dolorosa Road có tên tiếng Việt là con đường khổ nạn, đường thương khó, nơi mà Chúa Jesus đã vác thập giá của mình đến nơi sẽ phải chịu đóng đinh. Con đường mà khi đọc tài liệu, cô biết dài chỉ khoảng một dặm, độ sáu trăm mét, bắt đầu từ pháo đào Antonia, tức là nơi viên tổng trấn Phi lát xử án Chúa Jesus dẫn lên đồi Golgotha, còn được gọi là Calvary hay đồi Sọ. Thánh Kinh chép: “Đức Chúa Giê-xu vác thập tự giá mình, đi đến ngoài thành, tại nơi gọi là cái Sọ, tiếng Hê-bơ-rơ gọi là Gô-gô-tha. Ấy đó là chỗ họ đóng đinh Ngài” (Giăng 19:17,18a).
                 Nhiều người nói Kinh Thánh không nhắc đích danh con đường mang tên Dolorosa ấy, nhưng là Cơ Đốc nhân, ai ai cũng biết con đường ấy có thật. Sử gia gọi đó là Con Đường Đau Đớn, một con đường dài từ thiên đường đến thế gian. Anh bảo không phải anh nghĩ rằng hành trình mà Chúa Jesus phải trải qua từ lúc bị bắt cho đến lúc bị hành hình như thế là ngắn, tuy nhiên anh vẫn thấy hơn ba mươi ba năm sống trên đất trong thân phận con người, nhìn thấy nhân loại chìm đắm trong tội lỗi và luôn chống lại Đức Chúa Trời, thì nỗi đau của Ngài thật là dài. Cô đáp:
                 - Em lại nghĩ Chúa hẳn phải đau đớn hơn, vì vậy mà trước khi lìa đời trên thập tự giá, Ngài mới kêu lên “Ê-li, Ê-li lam-ma sa-bách-ta-ni? “
                 Tân Ước Ma thi ơ chép những chữ ấy có nghĩa, “Đức Chúa Trời ơi! Đức Chúa Trời ơi! sao Ngài lìa bỏ con?” Anh hỏi lại:
                 - Vậy em nghĩ như thế nào khi Chúa kêu lên “sao Ngài lìa bỏ con”?
                 Cô nhìn anh. Có cảm giác như trong câu hỏi của anh ẩn chứa một sự thách thức, nghi ngờ về trình độ thuộc linh của mình, nên cô đã khựng lại một đôi giây trước khi trả lời với vẻ không vui, hệt như đang trả bài giáo lý:
                 - Bởi vì Chúa biết chắc chắn Đức Chúa Trời thánh khiết sẽ không chấp nhận Ngài khi Ngài mang đầy tội lỗi trên mình như vậy, mặc dầu tất cả tội lỗi đó là của con người, của nhân loại. Ngài cũng biết chắc với những tội lỗi ấy, Ngài sẽ phải xuống hỏa ngục, nơi không có tình yêu và sự hiện diện của Đức Chúa Trời.
                 Và sau đó cô nhấn mạnh:
                 - Vì vậy em mới nghĩ đó mới là điều đau đớn nhất, dài nhất mà Chúa Jesus phải chịu đựng.
                 Anh im lặng. Hôm đó hai người đã không nói gì thêm, nhưng lâu thật lâu sau đó, cố tránh lắm nhưng lại vẫncó lần nhắc đến chuyện này. Sau cùng như đế kết thúc, anh bảo có thể vì anh và cô đã nhìn tâm tư của Chúa bằng con mắt của loài người, suy nghĩ của loài người nên mới tranh cãi, “hơn thua” với nhau như vậy, bởi vì sự thật là với Chúa, khi bị Đức Chúa Trời lìa bỏ, hay sống mà nhìn thấy con người phải chịu hình phạt đời đời đều khiến Chúa đớn đau như nhau.
                 Cô cũng đã làm thinh khi nghe anh bảo vậy, nhưng trong lòng cô không mấy vừa ý. Cô thấy như anh có vẻ chỉ nói vì không muốn bàn về chuyện ấy nữa. Nhưng về sau, chuyện mà cô không bao giờ ngờ tới, là từ những suy nghĩ không tương đồng của anh và của cô, tưởng nhỏ, tưởng chỉ để tranh cãi, lại chính là những định hình trong đời sống phục vụ của hai người. Anh quan niệm cần phải có mục vụ cho công tác xã hội, giúp đỡ tha nhân như Chúa dạy “hãy yêu thương kẻ lân cận như mình”. Anh bảo:
                 - Từ Cựu Ước đến Tân Ước, Chúa đều nhắc đến lòng nhân từ, sự thương xót đối với người cô thế, thiếu thốn. Sách Giăng nhất nói,                  “Nếu ai có của cải đời này, thấy anh chị em mình đang túng thiếu nhưng chặt dạ, không giúp đỡ thì làm sao tình yêu thương của Đức Chúa Trời ở trong người ấy được”.
                 Anh nói thêm, chung quanh anh và cô đang có quá nhiều người túng thiếu, khốn cùng khiến  anh không thể nhắm mắt làm ngơ mặc dầu anh cũng chỉ đủ ăn. Cô đáp:
                 - Người thiếu thốn không thể chỉ kể ở vật chất. Chúa nói “người ta không chỉ sống nhờ bánh mà còn bằng lời Chúa”. Nếu không nói về Chúa, không đi truyền giáo, không làm chứng cho nhiều người như Chúa đã dạy thì ai sẽ biết đến lời Chúa, biết đến tình yêu của Ngài dành cho con người?
                 Sự bất đồng giữa cô và anh tăng lên mỗi ngày một nhiều khi hai người chọn phương cách làm việc cho mình trong Hội Thánh. Cô muốn ưu tiên cho công tác chứng đạo. Hai mươi tuổi, cô nóng nảy, kiêu hãnh, lúc nào cũng muốn thắng, lúc nào cũng muốn chứng tỏ mình đúng, cuối cùng cô và anh đã chia tay nhau một cách hết sức trẻ con. Nói cho đúng ra là cô vùng vằng khó chịu và trẻ con, tuyên bố không muốn làm việc chung cũng như không muốn có mối liên hệ mật thiết nào với anh nữa. Sau đó cô chuyển sang nhóm họp và sinh hoạt ở một Hội Thánh khác để tránh mặt anh.
                 Trong suốt một thời gian dài, cô đã cầu nguyện với Chúa, rằng nếu anh không phải là người Chúa chọn cho mình thì xin Ngài cho cô thêm sức để quên anh. Cô nỗ lực làm việc, hỉ hân nhận lãnh những công tác Hội Thánh giao cho mình để củng cố và chứng minh những gì từng nói với anh là đúng. Và rồi cuối cùng cô quên anh thật. Thỉnh thoảng nghe anh làm công tác thiện nguyện, cô mỉm cười một mình. Cô nhủ thầm thôi thì đường ai nấy đi.
                 Cô theo đường mình, lập gia đình và ra nước ngoài, một người có tâm tình hầu việc Chúa mà cô nghĩ rất hợp ý với cô. Đời sống cô êm ấm, hạnh phúc, không có điều gì để phàn nàn hay buồn chán. Mọi thứ đều hanh thông, chỉ trừ ở nước ngoài, cộng đồng người Việt ít ỏi, Hội Thánh cũng nhỏ, công tác cô nhận là đi truyền giáo, làm chứng đã gặp rất nhiều khó khăn, cản trở. Do tình trạng thiếu người chăn bầy ở mọi nơi, cô cùng chồng học thêm những lớp thần học để lo cho bầy chiên nhỏ của mình, nhưng dầu nhỏ, dầu ít cũng vô cùng chật vật. Có nhiều lúc cô cảm thấy hết sức tuyệt vọng khi loay hoay tìm người muốn vào ban chứng đạo đã hiếm, tổ chức được những buổi truyền giảng đã khó, mời thân hữu đến nhà thờ lại càng khó hơn. Gần như ai cũng từ chối với lý do bận bịu sinh kế, cả tuần chỉ có một ngày Chúa Nhật để chợ búa, cơm nước và lo việc nhà, không ai muốn dành thì giờ cho chuyện tìm hiểu linh hồn mình sẽ đi về đâu sau khi qua đời. Ngay cả những thân hữu chung quanh cô và bè bạn, nhìn thấy người có Chúa mặc dầu tiền bạc, của cải vật chất không nhiều nhưng đời sống có vẻ rất nhẹ nhàng thanh thản, đều tỏ ra rất thích mà khi được mời để nghe lời Chúa, để hiểu lý do vì sao những người tin Chúa sống được như vậy thì lại chẳng có ai muốn.
                 Hội Thánh ngày này qua tháng khác chỉ chừng đó người, và dường như tín đồ nào cũng chỉ muốn đến nhà thờ vào Chúa Nhật để lễ lạy, nghe giảng rồi về nhà. Vào những dịp lễ lớn, vẫn chừng đó người tham gia công tác trang trí, nấu nướng hay vào ban hát. Hằng tuần lơ thơ một vài người học Trường Chúa Nhật, dự các lớp giáo lý, các buổi cầu nguyện. Cảm giác cô đơn và nặng nề nhiều khi ập đến làm cô chỉ muốn khóc. Chồng cô an ủi qua lời thánh ca, “Theo Chúa từng ngày, mọi nẻo đường dài in dấu chân tôi và Ngài.” Anh hát:
                 - Đường vắng gập ghềnh đêm xuống sương rơi, ngực Chúa tôi nương bình an. Dẫu có lúc yếu mềm chùn bước trước bóng tối dày. Nhẹ êm Giê-xu khuyên tôi: “dẫu đường còn dài con đâu đơn chiếc”…
                 Thật ra chính bản thân cô cũng biết mình luôn nhận được Chúa tiếp trợ trên con đường phục vụ, nhưng tận trong thâm tâm, cô vẫn chùn chân. Cô đã vô cùng bối rối khi nghĩ cuộc sống có khi thăng có khi trầm, đời có lúc hanh thông lúc hoạn nạn, nhưng tại sao cô vẫn làm công việc Chúa giao không ngừng nghỉ, mà Ngài lại không đổ những cơn mưa ơn phước như Ngài từng hứa. Cô không dám trách Chúa, nhưng cô thấy buồn. Một lần gần như tuyệt vọng, cô nói với chồng rằng cô chỉ muốn rút lui về làm một tín đồ… bình thường như mọi người, Chúa Nhật lễ lạy rồi về nhà, không tham gia bất cứ việc gì. Chồng cô đã bật cười, hỏi:
                 - Như vậy trước nay em là tín đồ… bất bình thường sao?
                 Cô im. Anh ôm vai cô, vỗ về:
                 - Đã là tín đồ thì ai cũng giống nhau, cũng nhận được sự kêu gọi từ Thiên Chúa, nhưng sẽ có người đáp lời, có người không. Có người làm công việc lớn, người làm công việc nhỏ tùy theo sức mình và cả tùy theo ý chí và ý muốn của người đó. Em là người đã đáp ơn kêu gọi của Ngài, nên cứ cố làm hết sức lực và làm tròn trách nhiệm của mình. Kết quả, sẽ tùy vào sự quyết định của Chúa.
                 Cô thở dài. Với sự khích lệ từ chồng, cô lại tiếp tục cầu nguyện, lại tiếp tục cố gắng làm việc. Tuy nhiên hệt câu chuyện ngụ ngôn kể về người nông dân quang gánh cồng kềnh trên vai, đang khó nhọc đi trên đường thì gặp người tài xế xe tải thương tình cho quá giang, vậy mà lúc lên xe rồi vẫn cảm thấy nặng nề, mệt mỏi chỉ vì đã không chịu đặt quang gánh xuống khỏi vai; cô tuy đã cầu nguyện, đã xin Chúa ban sức, nhưng ngay sau khi cầu nguyện, là tâm tư lại trìu trịu khó nhọc. Gần như trong lòng cô không còn thấy niềm vui của người được phụng sự Thiên Chúa như ngày trước.
                 Cô đuối sức. Và sau một cuộc tranh cãi khá gay gắt với vài người bạn đồng môn, cô thật sự đã muốn dừng hẳn những việc mình đang làm ở Hội Thánh. Cô trở về nhà trong một tâm trạng hết sức khó chịu. Vừa giận dỗi, bực mình, lại vừa chán chường. Cô tự hỏi có phải Chúa đã không chọn cô hay chăng. Và chỉ muốn rũ sạch, buông xuống hết mọi thứ.
                 Người bạn đời của cô rất buồn. Anh cố gắng nói chuyện và giải thích với cô mọi điều. Nhưng với mọi điều anh nói, cô đáp lại là cô đều đã biết, đã nghe giảng, đã học qua, và cô như đã bịt tai lại trước mọi lời khuyên răn vỗ về của anh. Cô nhắc đi nhắc lại nhiều lần chuyện thối lui. Sau cùng, hai người đi đến quyết định là sẽ tham dự một kỳ trại dưỡng linh ở miền nam, vừa để lắng nghe tiếng Chúa qua các bài giảng, vừa để tâm tư cô thanh tịnh và được nghỉ ngơi ở một nơi xa nhà, xa Hội Thánh. Chồng cô bảo nếu như cô vẫn cảm thấy buồn bực chán nản, thì khi về sẽ trình cho ban trị sự là mình muốn ngưng làm việc, ngưng cộng tác trong một thời gian nào đó. Anh nói thêm, hoặc có thể là vĩnh viễn cũng được. Tuy nhiên anh nhấn mạnh, cô nên thận trọng suy nghĩ vì một người được dự phần trong công tác Chúa là được ơn của Chúa, chứ không phải là đang làm ơn cho Ngài, vì vậy hãy nên có một tâm tình vui vẻ đón nhận ơn ấy rồi làm việc cách hết lòng.
                 Và đó cũng là lần đầu tiên trong nhiều năm chung sống, người phối ngẫu của cô nghiêm mặt nói:
                 - Phần anh, anh vẫn sẽ tiếp tục hầu việc Chúa, nếu sau này em cảm thấy cô đơn vì không có điều gì để chia sẻ cùng nhau, nên cố gắng nhớ kỹ đó chính là em đã quyết định đứng ngoài cuộc sống của anh, quyết định không muốn làm người đồng hành cùng với anh. Và cuối cùng anh cũng xin em sau này đừng than phiền, hay cản trở anh bất cứ điều gì khi anh làm việc với Hội Thánh.
                 Cô lặng thinh không trả lời. Trong lòng cô đầy những mâu thuẫn. Cái tâm lý phức tạp, nửa muốn cầu xin Chúa cho mình tâm tình mới, nửa muốn “chấm hết” khiến cô đi dự trại với nỗi hoang mang trong lòng. Và chính vì vậy mà khi gặp một người bạn từng sinh hoạt chung với nhau ở Hội Thánh có người bạn trai cũ, cô đã hết sức lúng túng. Dễ thường đã hơn hai mươi năm kể từ khi rời khỏi quê nhà, cô và người bạn này mới có dịp ngồi lại nói chuyện với nhau. Chuyện trò, thăm hỏi một lúc, cuối cùng cô cũng vượt qua được cái ngập ngừng ban đầu. Bạn cô kể chuyện nhà, chuyện Hội Thánh, chuyện bạn bè và rồi chuyện người cũ của cô:
                 - Anh ấy cũng đã lập gia đình và vẫn làm những công tác chuyên lo cho người cơ nhỡ, thiếu thốn, từ tín đồ cho đến người ngoài nhà thờ.
                 Bạn cô nói, “phương hướng phục vụ của anh ấy xưa nay là vậy, bạn biết mà, phải không?” Cô khẽ gật đầu. Bạn cô kể tiếp:
                 - Có nhiều khi dễ dàng, nhưng cũng có lúc gặp khó khăn vì không được phép hoạt động. Đã vậy công việc hằng ngày thì không mấy dư giả tiền bạc lẫn thì giờ, mà phải lo quyên góp rồi còn phải tìm cách để nhà cầm quyền đồng ý, nên anh ấy cực lắm. Có lần chờ giấy phép lâu quá, nhóm của anh cứ tiếp tục hoạt động nên bị bắt và ngồi tù cả mấy tháng…
                 Cô ngồi im. Rất lâu. Cô không mường tượng ra hết được những gì anh làm, nhưng có thể thấy một phần tâm tư của anh. Và cô nhớ lại tất cả những điều cô và anh tranh cãi với nhau ngày trước. Cái cảm giác không phải ngẫu nhiên mà mọi chuyện lại xảy ra như vậy mà dường như Chúa muốn nói với cô điều gì đó khiến cô bối rối.
                 Sau bữa ăn chiều, cô nói với chồng sẽ đi dạo một vòng, rồi một mình thả bộ xuống con dốc phía sau hội trường, nơi rất ít người qua lại. Thời tiết tháng tư ấm áp và dịu mắt với những cụm hoa dại nhiều sắc màu nở hai bên lối mòn dẫn vào một khu rừng nhỏ như một bức tranh đẹp. Nhưng cô gần như chẳng thấy gì cho đến lúc câu Kinh Thánh trong buổi tĩnh nguyện ban sáng hiện ra với cô, “Hãy yên lặng và biết rằng Ta là Đức Chúa Trời”. Cô lặng lẽ ngồi xuống một phiến đá lớn ở ven đường.
                 Lòng cô rưng rưng. Cô vừa chợt nhận ra khi Chúa đặt để cô và anh vào những hoàn cảnh như thế, chẳng phải để tranh ai thắng ai, mà Ngài muốn cả hai nhìn thấy tình yêu thật sự của Ngài. Những gì cô trải qua chỉ là một phần nhỏ nhoi của cái “hằng ngày” và nỗi cô đơn Ngài phải gánh, và anh cũng chỉ chịu một vài lằn roi ít ỏi so với khổ hình Ngài đã cưu mang.  Điều Chúa muốn, là người nhận được ân điển, được Ngài gánh hết mọi tội lỗi, và được sống trong tình yêu Ngài như anh và cô thể nào, thì nên rao tin mừng ấy ra thể ấy qua lời nói, qua hành động, và qua đời sống của chính mình.
                 Cô ngoái nhìn lại tháng ngày làm việc với đồng môn, với anh em trong Hội Thánh, thấy hiện rõ ra hình ảnh mình, một người lúc nào cũng khư khư giữ ý riêng, luôn sống trong nặng nề và cay đắng những khi có tranh cãi, dù là tranh cãi lớn hay nhỏ. Ngay cả những tranh cãi vô bổ cũng làm cô bực bội rất lâu. Cô bỗng sực nghĩ ra trong khi mình than phiền và khó chịu, thì chồng cô là người cũng phải đối diện với những khó khăn ấy giống hệt như cô, cũng phải đương đầu với nỗi cô đơn và buồn bã không khác gì nhưng phản ứng của anh hoàn toàn khác. Anh tìm kiếm ý Chúa, rồi anh hợp tác, lắng nghe người chung quanh như câu nói của sứ đồ Phao lô mà anh rất thích, “mọi sự hiệp lại làm ích lợi cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời”.
                 Cô ngập ngừng và cô thở dài. Cảm thấy xấu hổ. Với chồng, và cả với người bạn cũ. Phải, mọi sự hiệp lại… Cô hiểu ra thêm, rằng công tác của Chúa giao phó không chỉ đơn thuần là một, nên mỗi người sẽ nhận một phần nào đó. Và sẽ chẳng có công tác nào quan trọng hơn công tác nào, mà thái độ, sự trung tín và tấm lòng khi làm việc Chúa mới quan trọng. Cô nghĩ đến việc thay vì hiệp tác, hỗ trợ hay khích lệ, cô và anh đã mất thì giờ để tranh luận, cãi cọ, đến nỗi tình cảm dành cho nhau cũng không còn.
                 Cô nắm hai bàn tay lại với nhau trong tư thế cầu nguyện. Cô nghe tiếng Chúa, “Nếu ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình, mỗi ngày vác thập tự giá mình mà theo Ta.” (*). Cô chậm chạp nghĩ đến con đường mình đang tiến tới phía trước, nghĩ đến những gì cần phải thay đổi. Cô biết đó sẽ là một con đường rất dài, rất hẹp và không hề khoảng khoát…  Tuy nhiên cô cũng biết, dẫu sao đi nữa, cũng không thể nào dài hơn, gập ghềnh hơn con đường Dolorosa Chúa đã từng đi qua.

 
HOÀNG NGA
Nguồn:songdaoonline.com
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn