CƠ ĐỐC GIÁO DỤC VÀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA HỘI THÁNH - Phần II

CƠ ĐỐC GIÁO DỤC VÀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA HỘI THÁNH - Phần II
Một giáo sĩ người Nam Phi đã nói: “Truyền giáo và thành lập Hội thánh địa phương chỉ là bước khởi đầu. Đề hoàn thành mệnh lệnh của Đấng Christ khiến muôn dân trở nên môn đồ của Ngài, chúng ta phải giúp Hội thánh dạy cho tín hữu biết tuân theo mọi điều Đấng Christ phán truyền. Đó chính là Cơ Đốc giáo dục. Thật đáng tiếc, không có nhiều người được huấn luyện về Cơ Đốc giáo dục”


CƠ ĐỐC GIÁO DỤC VÀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA HỘI THÁNH

Phần II: MỆNH LỆNH CỦA KINH THÁNH VỀ CƠ ĐỐC GIÁO DỤC

     Nhận biết nền tảng Kinh thánh của Cơ Đốc giáo dục sẽ giúp chúng ta tiếp tục nỗ lực cho Chúa trong việc “trồng” người Cơ Đốc qua Lời Chúa, đặc biệt trong thời đại mà dường như thẩm quyền của Lời Chúa đang bị xem nhẹ trong mọi lựa chọn, hành vi, cách cư xử của người Cơ Đốc. Cả Cựu ước và Tân ước đều nói đến Cơ Đốc giáo dục:

Cựu ước

1. Cựu ước truyền lệnh cho cha mẹ phải dạy con cái về Đức Chúa Trời.
     Theo Xuất 12:26-27; Giô-suê 4:6-7, 21-22, những hòn đá kỷ niệm được xem là một cơ hội và sự nhắc nhở dành cho cha mẹ để dạy lại cho con cháu biết Chúa là ai trong đời sống của cá nhân và dân tộc họ.

     Theo Phục Truyền 6:4-9, Môi-se cho biết các bậc phụ huynh phải sốt sắng tận dụng mọi cơ hội dạy Lời Chúa cho con cái họ hằng ngày, qua cách sống gương mẫu.

2. Sự Phục Hưng đến từ tra xét luật pháp (Lời Chúa), giữ làm theo và dạy lời ấy lại cho người khác.
     Ê-xơ-ra 7:10 “Vì E-xơ-ra đã định chí tra xét luật pháp của Đức Giê-hô-va, giữ làm theo, và dạy cho dân Y-sơ-ra-ên biết những luật pháp và giới mạng”. Khi dân Y-sơ-ra-ên đang trải qua thời kỳ hết sức khó khăn, Đức Chúa Trời dùng E-xơ-ra để dẫn nhóm người thứ hai từ Ba-by-lôn trở về. Lee Roberson từng nói: “Mọi thứ thăng trầm theo người lãnh đạo”. E-xơ-ra, người lãnh đạo đã góp phần đem đến sự phục hưng cho dân sự khi làm gương trong sự suy gẫm, làm theo và dạy Lời Chúa cho dân sự.

Tân ước

     Ma-thi-ơ 28:16-17 cho biết sự tập trung của Cơ Đốc giáo dục là chính con người của Chúa Giê-xu. Họ thờ lạy hay thờ phượng Chúa. Vì vậy, Cơ Đốc giáo dục có Đấng Christ là trọng tâm (I Tê-sa-lô-ni-ca 1:9).

     Ma-thi-ơ 28:18 cho biết thẩm quyền của Cơ Đốc giáo dục bắt nguồn từ Đấng Christ. Thẩm quyền của Ngài đến từ Đức Chúa Cha. Chúa giao trách nhiệm cho chúng ta thực hiện Cơ Đốc giáo dục, nhưng thẩm quyền thuộc về Lời Chúa, chứ không thuộc về chúng ta.
Ma-thi-ơ 28:19-20 Chính Chúa Giê-xu làm gương về thực thi Cơ Đốc giáo dục khi Ngài kêu gọi các môn đồ, dạy dỗ họ, giúp họ trưởng thành và tiếp tục sứ mệnh Chúa giao phó.


     Về mặt ngữ pháp (nguyên ngữ), “khiến muôn dân trở nên môn đồ” là một động từ mang tính mệnh lệnh, và đề cặp đến một quá trình giáo dục liên tục. Đây là động từ chính, một mệnh lệnh, một chỉ thị chúng ta phải vâng theo. “Hãy đi” có nghĩa là dù đi đến đâu, hãy làm điều này, điều kia, đóng vai trò một động từ kết hợp hơn là động từ chính của câu. Hay nói cách khác, câu này có thể được viết như sau: Khi các con ra đi, hãy chia sẻ Tin Lành cho mọi người, giúp mỗi người lớn lên trong Đấng Christ để trở thành một người môn đồ hóa người khác: “Làm Báp-tem” đề cập đến việc một người quyết định tin nhận Chúa, trở thành một môn đồ của Chúa. “Dạy” đề cập đến sự huấn luyện, giáo dục, chỉ dẫn, tư vấn để giúp người đó hòa nhập, trưởng thành trong đời sống Cơ Đốc.

     Ma-thi-ơ 28:20a cho thấy công tác của Cơ Đốc giáo dục được đề ra theo mệnh lệnh của Đấng Christ. Công tác bao gồm dạy lời Chúa và vâng theo mọi điều Chúa Giê-xu đã truyền. Ma-thi-ơ 28:20a cho biết ưu điểm hay thuận lợi của Cơ Đốc giáo dục là sự hiện diện của Đấng Christ trong công tác này (Giô-suê 1:9; Hê-bơ-rơ 13:5).

     Đó là lý do Howard Hendrick nói: “Cơ Đốc giáo dục không phải là một lựa chọn, đó là mệnh lệnh; không phải là một thứ xa xỉ, đó là cuộc sống; không phải là một thứ đẹp đẽ chúng ta muốn có, đó là điều cần thiết cho ta phải có; không phải là một phần trong công tác của Hội thánh, đó là công tác của Hội thánh; không phải là điều bắt nguồn từ bên ngoài, đó là bản chất bên trong. Cơ Đốc giáo dục là điều bắt buộc, không phải là một tùy chọn.”

     Một giáo sĩ người Nam Phi đã nói: “Truyền giáo và thành lập Hội thánh địa phương chỉ là bước khởi đầu. Đề hoàn thành mệnh lệnh của Đấng Christ khiến muôn dân trở nên môn đồ của Ngài, chúng ta phải giúp Hội thánh dạy cho tín hữu biết tuân theo mọi điều Đấng Christ phán truyền. Đó chính là Cơ Đốc giáo dục. Thật đáng tiếc, không có nhiều người được huấn luyện về Cơ Đốc giáo dục”

     Theo II Ti-mô-thê 2:2, Phao-lô hướng dẫn chúng ta huấn luyện những người chúng ta đã đưa họ đến với Chúa. Có thể nói điều Phao-lô nói ngụ ý rằng nếu không có Cơ Đốc giáo dục đúng đắn, việc truyền giáo đánh mất tiềm năng nhân rộng của nó. Không chỉ Cơ Đốc giáo dục phải tiếp tục sau khi truyền giáo, mà còn là yếu tố làm cho truyền giáo hiệu quả hơn!
Trong mối quan hệ giữa truyền giáo và giáo dục, chúng ta có thể minh họa bằng vòng tron sau đây:

 
     “Ra đi” và “đem về Chúa” đề cập đến công tác của truyền giảng. “Dạy” và “huấn luyện” đề cặp nhiều đến quá trình dạy và đào tạo người tin về niềm tin và sự phục vụ. Khi một người đươc dạy và huấn luyện đúng cách, đúng thời điểm, người ấy được trang bị tốt cho việc ra đi và tiếp tục đem người khác về với Chúa.

(Còn tiếp)



 

Tác giả bài viết: Trần Thiên Ân