TÓM LƯỢC GIÁO LÝ GIÁO DỤC

TÓM LƯỢC GIÁO LÝ GIÁO DỤC
Nếu Kinh Thánh đã được viết mà không nhằm để giáo dục thì bản chất sự khải thị của Kinh Thánh đã hoàn toàn thay đổi. Vì tôn giáo của Kinh Thánh là một tôn giáo dạy bảo, và Đức Chúa Trời của Kinh Thánh là một Đức Chúa Trời dạy bảo [Gióp 36:22]
TÓM LƯỢC GIÁO LÝ GIÁO DỤC
 
     Tại sao phải giáo dục? Nếu Kinh Thánh đã được viết mà không nhằm để giáo dục thì bản chất sự khải thị của Kinh Thánh đã hoàn toàn thay đổi. Vì tôn giáo của Kinh Thánh là một tôn giáo dạy bảo, và Đức Chúa Trời của Kinh Thánh là một Đức Chúa Trời dạy bảo [Gióp 36:22]

Các giáo sư trong Kinh Thánh.

     Sự dạy dỗ được gắn liền vào kinh nghiệm tôn giáo của người Y-sơ-ra-ên. Đối với dân Y-sơ-ra-ên, bản chất của tôn giáo là biết và giữ luật pháp của Đức Chúa Trời. Môi-se, người ban luật pháp vĩ đại, cũng đã trở thành đại giáo sư của dân Y-sơ-ra-ên (Phục 4:5-6). Để giữ luật pháp cách trung tín, họ cần phải nguyên cứu luật pháp cách chuyên cần (Phục 5:31). Không phải là sự trùng khớp ngẫu nhiên mà Luật pháp còn được gọi là “Torah” – một chữ cũng có nghĩa là “sự chỉ dạy.”

     Các thầy tế lễ và người Lê-vi không phải chỉ là những người canh giữ hệ thống tế lễ, họ còn được giao nhiệm vụ dạy dỗ cho dân chúng (Lê-vi 10:11). Trong thời kỳ hậu lưu đày, các thầy tế lễ giữ một vai trò đặc biệt quan trọng là những giáo sư của dân Y-sơ-ra-ên (Nê-hê-mi 1:10). Bắt đầu với Sa-mu-ên (I Sa-mu-ên 12:23), các tiên tri cũng làm nhiệm vụ các giáo sư.

     Trung tâm giáo dục quan trọng nhất trong thời Cựu ước là ở gia đình. Các bậc cha mẹ được liên tục thúc giục hãy kể lại cho con cái của họ nghe biết về những việc lớn lao của Đức Chúa Trời (Xuất 12:26-27, 13:14) và họ được khuyến khích hãy chỉ dạy cho con cái về các Điều Răn của Đức Chúa Trời (Phục 6:1-10). Trong thời kỳ tác giả các sách khôn ngoan, thì cha và mẹ đã chia sử trách nhiệm này (Châm 1:8-9).

     Trong thời kỳ Tân ước, sự dạy dỗ có một ý nghĩa mới trong chức vụ của Chúa Giê-xu. Dạy dỗ là nhiệm vụ tiêu biểu nhất của Ngài (Mat-thi-ơ 5:1-2; Lu-ca 4:14-15) và người ta nhận biết Ngài như là “Thầy”. Các môn đồ (Mác 4:38), các kẻ thù nghịch (Ma-thi-ơ 8:19) và các bạn hữu (Giăng 11:28) đều xưng Ngài bằng “Thầy”. Trong nhiều lần lặp lại, Chúa Giê-xu tự kể mình như là “Thầy” (Ma-thi-ơ 23:10; Ma-thi-ơ 14:14; Lu-ca 22:11; Giăng 1:13-14).

     Trong Đại Mạng Lịnh (Ma-thi-ơ 28:19-20), Chúa Giê-xu đã ra lệnh cho những kẻ theo Ngài hãy khiến người ta trở nên môn đồ (người học trò) và dạy họ giữ những giáo huấn của Ngài. Các Cơ Đốc nhân đầu tiên đã coi trọng mạng lịnh giáo dục này, họ đã bền lòng giữ lời dạy của các sứ đồ (Công 2:42) và chỉ dạy lẫn cho nhau (Công 18:26).

     Dạy đạo là chiến lược truyền Tin lành chính yếu trong thời Tân ước. Ngay sau Lễ Ngũ Tuần, các môn đồ Cơ Đốc đã dạy đạo ở khu vực đền thờ (Công 5:42) trên căn bản hàng ngày. Các giáo sĩ Cơ Đốc đã đến Á Châu và Âu Châu, dạy dỗ Tin lành ở bất cứ nơi nào họ đến (Công 15:35, 18:11, 28:31). Dạy đạo và giảng đạo là khác nhau nhưng là những hoạt động có liên hệ chặt chẽ với nhau. Nơi nào có Hội Thánh mới được thành lập, nơi đó có các giáo sư Cơ Đốc (Rô-ma 12:7, I Cô 12:28, Ga-la-ti 6:6, I Ti-mô-thê 5:17; Tít 2:3). Trong các gia đình Cơ Đốc, sự dạy đạo cho các con cái cũng rất quan trọng như đã từng có ở giữa dân Y-sơ-ra-ên thời xưa (Ê-phê-sô 6:4)

Những Mục Đích Của Giáo Dục:

     Cơ Đốc Giáo Dục có những mục đích căn bản cần đạt đến. Những mục đích này có thể được liệt kê như: hướng dẫn các Cơ Đốc nhân đến sự khôn ngoan, sự chỉ dẫn trong đời sống hằng ngày, sự hạnh phúc, sự ăn năn tội lỗi và lầm lẫn, ảnh hưởng của trật tự xã hội, sự tươi mới thuộc linh, sự thánh khiết đạo đức, học biết và bảo tồn truyền thống cùng giáo dục Cơ Đốc, huấn luyện Cơ Đốc nhân làm chứng cách có hiệu quả, và sự tự tồn tại trong một xã hội chống nghịch với các giáo huấn Cơ Đốc. Kinh Thánh dạy và minh họa một số phương pháp giáo dục. Những phương pháp này bao gồm: kỷ luật, gương bản thân, chỉ dạy, những bài học mẫu, những thí dụ, đặt câu hỏi, học Kinh Thánh, các hành động tiêu biểu, sự lặp lại, cả nhóm tham gia và sự vâng lời.

     Ngày nay, sự giáo dục vẫn liên hệ mật thiết với nhịp đập của sự phát triển Cơ Đốc Giáo. Những ai muốn sống theo giáo huấn của Chúa Giê-xu ở giữa một nền văn hóa thế tục cần phải hiểu ý nghĩa của những sự giáo huấn đó. Những ai muốn chia sẻ Tin lành với một thế giới hư mất phải có một sự hiểu biết thông suốt về sứ điệp cứu rỗi. Đây là nhiệm vụ của Cơ Đốc Giáo Dục.
 
 

Tác giả bài viết: Dịch bài của Jack D. Terry, Jr.