VỊ TRÍ CỦA KINH THÁNH TRONG CƠ ĐỐC GIÁO DỤC - Phần Cuối

Hội thánh nào nắm giữ Cơ Đốc giáo dục là một Hội thánh sống và trưởng thành. Người nào làm công tác Cơ Đốc giáo dục biết đặt Lời Chúa làm trọng tâm là người đang xây nền vững chắc cho Cơ Đốc giáo dục và cho Hội thánh ngày mai.


VỊ TRÍ CỦA KINH THÁNH TRONG CƠ ĐỐC GIÁO DỤC
 

Phần III: NGƯỜI GIÁO VIÊN CƠ ĐỐC PHẢ KIH NGHIỆM SỰ BIẾN ĐỔI TỪ LỜI CHÚA VÀ LỚN LÊN NHỜ LỜI CHÚA
 
        Kinh thánh là trọng tâm của Cơ Đốc giáo dục và là trọng tâm trong đời sống của người thực hiện công tác này. Người giáo viên Cơ Đốc đóng vai trò quan trọng và để thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng – sản sinh ra những Cơ Đốc trưởng thành, người đó phải có một số đặc điểm. Trong bài này tôi xin nhấn mạnh vài điều:

1. Một người kinh nghiệm sự biến đổi từ tội nhân trở nên con cái Đức Chúa Trời bởi quyền năng của Lời Chúa (Giăng 1:12). Trách nhiệm của một giáo viên Cơ Đốc là phải giúp người khác biết Chúa, biết Lời Chúa và ý muốn của Ngài. Giáo viên là cầu nối giữa Chúa Giê-xu và học viên của mình. Vì vậy, nếu không có Chúa Giê-xu trong lòng, người giáo viên không thể hoàn thành nhiệm vụ.

2. Một người khao khát đọc và học lời Chúa. Có người nói rằng có 3 bước trong một lớp học Kinh thánh, học viên sẽ: (1) yêu mến giáo viên; (2) yêu mến Kinh thánh của giáo viên; (3) Cuối cùng, yêu Chúa của giáo viên. Điều nầy có nghĩa là học viên sẽ khó lòng đạt đến bước 2 nếu họ không thấy giáo viên của mình yêu mến Kinh thánh. Chỉ có một người khao khát đọc, học lời Chúa mới có thể được chính lời Chúa cảm động, biến đổi và trưởng thành trong đời sống thuộc linh. Và như thế, người ấy sẽ có nhiều điều để chia sẻ, truyền đạt cho học viên của mình bằng cả kinh nghiệm, tâm huyết.

3. Một người có một cam kết phục vụ Chúa trong trách nhiệm là một giáo viên Cơ Đốc. Được kêu gọi trở thành một giáo viên Cơ Đốc là một điều quan trọng. Vì người được kêu gọi sẽ thực hiện nhiệm vụ bằng cả tấm lòng, làm việc hết lòng cho Chúa chớ không phải con người (Cô-lô-se 3:23). Họ cũng sẽ hết sức cẩn trọng trong chức vụ vì biết rằng chính Chúa là Đấng đánh giá họ và vì họ đang thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng, có giá trị đời đời. Ngoài ra, họ có thể chịu đựng, chiến thắng mọi thử thách, ngăn trở trong công tác vì sức mạnh của họ đến từ Chúa.

       
       Sự cam kết sẽ giúp chúng ta vượt qua khó khăn trong chức vụ. Đôi khi giáo viên dễ cảm thấy nản lòng, muốn từ bỏ khi phải đối mặt với những tấn công từ ma quỉ thông qua những người xung quanh, nhất là khi có những hiểu lầm, hoặc tấn công từ những người đã từng rất gần gũi, rất hiểu mình. Chính sự cam kết giúp cho người giáo viên Cơ Đốc đứng vững trong chức vụ khi được nhắc nhở về ân điển, tình yêu của Đức Chúa Trời cùng những lời hứa của Ngài để vượt qua. Nếu thiếu cam kết, thiếu sự kêu gọi, người giáo viên có thể dễ dàng rời bỏ chức vụ. Và quyết định này có thể sẽ ảnh hưởng đến nhiều học viên.

4. Một người có sự hiểu biết về:

       (i) Điều mình dạy. Rõ ràng rằng một giáo viên Kinh thánh phải biết Kinh thánh. Muốn như thế, người đó phải là học trò của Kinh thánh trước. Giáo viên phải được chính Kinh thánh dạy trước khi dạy Kinh thánh cho người khác. Không có gì sai khi dạy theo một chương trình, kế hoạch nhưng người giáo viên phải học từ Kinh thánh (khác với việc học từ người soạn tài liệu), được chính lời Chúa dạy dỗ và cầu xin Chúa giúp chính mình biết điều phải truyền đạt cho học viên. Người giáo viên Cơ Đốc cũng phải giúp người khác hiểu biết điều Chúa đã làm và phải biết áo dụng lời Chúa trong đời sống cá nhân. Giáo viên phải là người tiếp nhận lời Chúa cách hết lòng và trình bày lời Chúa cho học viên với lòng tin kính, trân trọng thẩm quyền của Kinh thánh. Để có thể đạt được điều này, giáo viên phải là người khao khát học, đọc, áp dụng Lời Chúa.

       (ii) Cách dạy. Người giáo viên cần biết những yếu tố liên hệ trong Cơ Đốc giáo dục. Giáo viên cần nhận biết những mục đích, phương pháp và vai trò của mình. Hiểu biết về bản chất con người, những nhu cầu thuộc linh, thuộc thể của những nhóm tuổi khác nhau để đáp ứng những nhu cầu khác nhau là cần thiết. Những trang bị nầy có thể giúp giáo viên khuấy động bài học, điều khiển buổi học kết quả, hữu ích. Chúa Giê-xu, vị thầy vĩ đại luôn quan tâm đến những người Ngài muốn tiếp xúc, cung ứng những sứ điệp đáp ứng nhu cầu của họ.

       Tác giả của cuốn Living By The Book đã nói về ba giá trị căn bản của việc học Lời Chúa: (1) cần thiết cho sự lớn lên (I Phi-e-rơ 2:2); (2) Cần thiết cho sự trưởng thành thuộc linh (Hê 5:11-14); (3) Cần thiết cho hiệu quả thuộc linh (II Ti-mô-thê 3:16-17). Qua quá trình học hỏi lời Chúa, chúng ta sẽ có ích nhất là bốn lợi ích: (1) tìm thấy một quá trình lớn lên đơn giản nhưng đáng tin cậy; (2) có được một sự tự tin xứng đáng để vận dụng lời Chúa cho chính mình trong việc lựa chọn, trong việc nhận định, phân biệt; (3) Kinh nghiệm niềm vui khi khám phá chân lý cho chính mình; (4) Trở nên sâu sắc hơn trong mối quan hệ với Đức Chúa Trời. và đây cũng chính là những điều mà Cơ Đốc giáo dục muốn hướng đến. Học hỏi từ kinh nghiệm của những bậc tiền nhân trong lịch sử giáo hội, chúng ta có thể xác quyết mạnh mẽ như tác giả Hê-bơ-rơ rằng: Lời Chúa là lời sống và linh nghiệm, sắt hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến đỗi chia hồn, linh, cốt, tủy, xem xét tư tưởng và ý định trong lòng. Lời Chúa là lời hằng sống đã hành động trong đời sống của các bậc tiền nhân, của thế hệ chúng ta và cả thế hệ sau.

       Hội thánh nào nắm giữ Cơ Đốc giáo dục là một Hội thánh sống và trưởng thành. Người nào làm công tác Cơ Đốc giáo dục biết đặt Lời Chúa làm trọng tâm là người đang xây nền vững chắc cho Cơ Đốc giáo dục và cho Hội thánh ngày mai.

       Hỡi những bậc cha mẹ, hãy dạy Lời Chúa cho con cái; những giáo viên Cơ Đốc, hãy dạy Lời Chúa cho học viên, những người giảng, hãy giảng Lời Chúa cho hội chúng, cho bầy chiên của Ngài; những bậc lãnh đạo, hãy đặt Lời Chúa trong ưu tiên hàng đầu của kế hoạch, những chương trình. Đức Chúa Trời sẽ làm phần việc còn lại – hành động trong lòng người nghe, người tham dự. Đức Thánh Linh là Đấng sẽ thay đổi tấm lòng, làm cho lớn lên và cảm thúc họ tiếp nhận và phục vụ Chúa. Nguyện Chúa giúp hết thảy chúng ta luôn trân trọng thẩm quyền của Lời Ngài, kính trọng và truyền đạt Lời Ngài cho mọi người trong mọi dịp tiện. 

 

Tác giả bài viết: Trần Thiên Ân