VỊ TRÍ CỦA KINH THÁNH TRONG CƠ ĐỐC GIÁO DỤC - Phần I

VỊ TRÍ CỦA KINH THÁNH TRONG CƠ ĐỐC GIÁO DỤC - Phần I
Kinh thánh là nền tảng của Cơ Đốc giáo dục vì qua những trang Kinh thánh, Cơ Đốc nhân nhận biết Chúa là ai và Ngài hành động như thế nào. Cả Kinh thánh Cựu ước và Tân ước đều nói đến Cơ Đốc giáo dục


VỊ TRÍ CỦA KINH THÁNH TRONG CƠ ĐỐC GIÁO DỤC
 
      Kinh thánh luôn được khẳng định là nguồn tài liệu quan trọng nhất trong tất cả các chương trình huấn luyện. Tuy nhiên, trong thực tế, đặc biệt là trong Cơ đốc giáo dục, Kinh thánh đang được đặt ở đâu? Đây là vấn đề cần được đặt ra để bàn thảo và trả lại cho Kinh thánh đúng với vị trí đáng phải có trong Cơ Đốc giáo dục.

     Một trong những lợi thế của chúng ta ngày nay là sự phong phú về những tài liệu có sẵn dưới dạng in, hay dạng điện tử… Tuy nhiên, lợi thế này có thể trở thành mối nguy cho Cơ đốc giáo dục khi chúng ta không sử dụng đúng nơi, đúng cách. Khuynh hướng của chúng ta là sử dụng những điều có sẵn, không dành thời gian để chính Kinh thánh dạy dỗ mình. Như thế, chúng ta rơi vào cảm bẫy của việc ỷ lại và tìm ý tưởng, giảng dạy tài liệu đó hơn là điều Kinh thánh dạy. Tôi không nói rằng việc tìm ý tưởng, tham khảo tài liệu có sẵn là sai, nhưng vấn đề là thẩm quyền của Kinh thánh có thể bị xem nhẹ. Hãy nhớ rằng khi làm công tác Cơ đốc giáo dục, nhiệm vụ của chúng ta là dạy lời Chúa, tin Chúa, lớn lên và phục vụ Ngài.

     Sự dạy dỗ Cơ Đốc bắt đầu từ Kinh tháng; Kinh thánh là nền tảng của Cơ Đốc giáo dục. Lời Chúa không chỉ là nội dung của sự dạy dỗ Cơ Đốc mà còn là nguồn gốc cung ứng những nguyên tắc, những chỉ dẫn để con người thực hiện quá trình giáo dục Cơ Đốc.
 
Phần I: KINH THÁNH – NỀN TẢNG CỦA CƠ ĐỐC GIÁO DỤC

     Kinh thánh là nền tảng của Cơ Đốc giáo dục vì qua những trang Kinh thánh, Cơ Đốc nhân nhận biết Chúa là ai và Ngài hành động như thế nào. Cả Kinh thánh Cựu ước và Tân ước đều nói đến Cơ Đốc giáo dục:

1. Cựu ước: truyền lệnh cho cha mẹ phải dạy con cái về Đức Chúa Trời (Xuất 12:26-27; Giô-suê 4:6-7, 21-22, Phục truyền 6:4-9), cho biết sự phục hưng đến từ việc tra xét Luật pháp (Lời Chúa), tuân giữ, làm theo và dạy lại cho người khác. (E-xơ-ra 7:10).

     Nắm bắt những kỷ năng, kiến thức để nuôi dạy con là nhu cầu không thể phủ nhận của các bậc làm cha mẹ, nhưng đừng quên rằng Đức Chúa Trời đã truyền lệnh cho mình trách nhiệm dạy Lời Đức Chúa Trời, là lời sống, cứu được linh hồn. Sách hướng dẫn, những kỹ năng có thể giúp cha mẹ biết cách cung ứng cho con về mặt thể chất, tinh thần. Khi dạy cho trẻ những kỹ năng, kiến thức, trẻ có thể tiếp thu hoặc không, có thể áp dụng hoặc không nhưng khi dạy Kinh thánh cho trẻ, chính Lời Chúa sẽ dạy, biến đổi và làm cho trẻ chẳng những trưởng thành về phần thuộc linh, mà cũng về thuộc thể, tâm linh và tình cảm.

2. Tân ước: Ma-thi-ơ 28:16-20 chỉ ra trọng tâm, thẩm quyền, nội dung, gương mẫu cũng như những nguyên tắc của Cơ Đốc giáo dục. Chúa Giê-xu và các sứ đồ trong thời Tân ước nhấn mạnh đến tầm quan trọng và thẩm quyền của Lời Đức Chúa Trời. Lời Chúa có thể hướng dẫn, cáo trách, sửa trị, uốn nắn một con người (II Ti-mô-thê 3:16-17; I Phi 2:2; Heeb 5:11-14; Ê-phê 4:11-14…). Tất cả chúng ta đều biết giá trị của những phẩm chất đạo đức trong lối sống, tầm quan trọng của những quyết định chi phối đến mọi hoạt động trong cuộc sống. Nhưng chính mối liên hệ với Chúa, sự hiểu biết, bén nhạy với lời Chúa lại là điều chi phối đến mọi điều khác trong cuộc sống.

     Chúng ta có được niềm tin qua sự dạy dỗ của Kinh thánh và qua những con người trong Kinh thánh. Họ cũng mang những bản chất rất đỗi con người như chúng ta, được Chúa kêu gọi, đáp ứng tiếng gọi, thất bại và yếu đuối và được phục hồi bởi ân điển của Đức Chúa Trời.

(Còn tiếp)


 

Tác giả bài viết: Trần Thiên Ân