VỊ TRÍ CỦA KINH THÁNH TRONG CƠ ĐỐC GIÁO DỤC - Phần II

VỊ TRÍ CỦA KINH THÁNH TRONG CƠ ĐỐC GIÁO DỤC - Phần II
Theo Hêb 5:14, Cơ Đốc giáo dục phải giúp cho tín hữu có thể hấp thụ “thức ăn đặc”, “phân biệt điều lành và điều dữ” vì họ thường xuyên tập luyện ý thức đạo đức.


VỊ TRÍ CỦA KINH THÁNH TRONG CƠ ĐỐC GIÁO DỤC
 
Phần II: CƠ ĐỐC GIÁO DỤC PHẢI DỰA TRÊN KINH THÁNH, NHỜ KINH THÁNH HƯỚNG DẪN CON NGƯỜI ĐẾN VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI.
        Quá trình giáo dục Cơ Đốc có thể xảy ra tại nhà riêng, trong nhà thờ, trong các chương trình huấn luyện, hội thảo, trong các mối quan hệ trong và ngoài lớp học. Khi Cơ Đốc nhân dẫn dắt một buổi trò chuyện hay hoạt động nào đó với mục đích khám phá và áp dụng chân lý thuộc linh, nơi đó sự giảng dạy Cơ Đốc đang được thực hiện. Giảng dạy Cơ Đốc là nghệ thuật hướng dẫn con người khám phá, vận dụng chân lý để ý muốn của Đức Chúa Trời được thực thi trong đời sống. Vì vậy, các lớp học Kinh thánh, Trường Chúa Nhật là hình thức cả giáo dục Cơ Đốc; tại đó Kinh thánh là nội dung và là giáo trình hay tài liệu hướng dẫn trọng tâm.


       Chúng ta dạy lời Chúa không phải để thỏa mãn sự tò mò hay làm đầy kiến thức mà để biến đổi đời sống. Người giáo viên phải khám phá lẽ thật cho chính mình và chuyển giao chân lý cho người học. Sự giảng dạy chỉ thật sự xảy ra cho đến khi người học nhận được chân lý cho chính mình qua việc áp dụng chân lý trong thái độ, hành vi và lời nói hằng ngày. Nhiệm vụ của Cơ Đốc giáo dục không chỉ là dạy cho người ta biết về Chúa, mà là biết Chúa cách cá nhân, không chỉ biết về lời của Chúa mà là kinh nghiệm Lời Chúa trong đời sống, không chỉ là biết về công việc Chúa, mà là thực hiện công việc Chúa theo ý muốn Ngài, không chỉ là học biết về những điều làm đẹp lòng Chúa mà là sống đẹp lòng Chúa.

       Mục tiêu của Cơ Đốc giáo dục là sự trưởng thành. Nhưng sự trưởng thành đó phải được minh chứng trong cả ba lĩnh vực: tình yêu, đạo đức và thần học. I Ti-mô-thê 1:15 cho chúng ta biết về tiêu chí của sự răn bảo là tình yêu thương. Nhưng đây là tình yêu thương theo Kinh thánh, và tình yêu thương này chỉ có được khi kinh nghiệm, thực hành tình yêu của Chúa trong đời sống. Theo Heb 5:14, Cơ Đốc giáo dục phải giúp cho tín hữu có thể hấp thụ “thức ăn đặc”, “phân biệt điều lành và điều dữ” vì họ thường xuyên tập luyện ý thức đạo đức. Nhưng để những điều ấy xảy ra, Lời Chúa phải được thấm nhuần vào trong tư tưởng để chúng ta thực sự có thể suy nghĩ “ý nghĩ của Đức Chúa Trời” hầu nhìn nhận mọi việc một cách tin kính. Cho nên, dù mục tiêu là hình thành tình yêu hay những lựa chọn đạo đức thì tất cả đều liên hệ trực tiếp đến Đức Chúa Trời và phải nhờ Lời Ngài. Đó chính là mục tiêu thần học của Cơ Đốc giáo dục, có nghĩa là Cơ Đốc giáo dục phải giúp con người suy nghĩ về chính Đức Chúa Trời và suy nghĩ theo ý Ngài. Suy nghĩ đúng đắng về chính Đức Chúa Trời sẽ đưa con người đến chỗ suy nghĩ về hành vi của mình đối với người khác và với Chúa (Tình yêu và đạo đức). Kết quả là con người sẽ bước đến chỗ tận hiến, phục vụ Chúa và phục vụ anh em.

       Chúng ta có lòng tin chắc rằng Kinh thánh là lời của Đức Chúa Trời, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình (II Ti-mô-thê 3:14-16). Một người chuyên tâm và làm theo Lời Chúa là người đang trang bị để sống đẹp lòng Đức Chúa Trời, đem phước hạnh của Chúa đến cho người khác. Kinh thánh phải là nội dung trọng tâm của Cơ Đốc giáo dục, đưa con người đến “tiếp nhận Đấng Christ làm Cứu Chúa của mình, đồng đi với Ngài, tăng trưởng trong Ngài, biết Ngài, hầu việc Ngài, vâng phục, thờ phượng và tận hưởng Ngài”.

       45% là tỉ lệ tử vong của người bị suy tim trên tổng số nạn nhân mới mắc bệnh... Suy tim là tình trạng cơ tim mất khả năng bơm đủ máu theo nhu cầu của cơ thể. Không có trái tim hoặc trái tim không hoạt động, con người không thể sống. Cũng vậy, Cơ Đốc giáo dục không thể sống nếu không có Kinh thánh làm nền tảng, hoặc sẽ bị "suy tim" và dẫn đến "tử vong" khi Kinh thánh chỉ được đặt ở hàng thứ yếu.

(Còn tiếp)



 

Tác giả bài viết: Trần Thiên Ân