Đang truy cập : 13
•Máy chủ tìm kiếm : 3
•Khách viếng thăm : 10
Hôm nay : 4562
Tháng hiện tại : 51155
Tổng lượt truy cập : 26000220
“Anh em hãy tiếp lấy nhau cũng như Đấng Christ đã tiếp anh em, để Đức Chúa Trời được vinh hiển” (câu 7).
Kính thưa quý thính giả,
Ngày nay, một trong những điều mà chúng ta thường nghe những em thiếu niên than thở là việc cha mẹ không thể đem đến cho các em những chuẩn mực đạo đức trong những năm tháng định hình tính cách. Các em bộc lộ khao khát của mình bằng nhiều cách. Một em thiếu niên nói rằng “Tôi muốn tìm được ý nghĩa trong cuộc sống.” Em khác thì lại muốn “một chuẩn mực nào đó trong cuộc sống để mình có thể noi theo”. Một số thiếu niên khác lại muốn có “một điều gì đó để mình có thể bám vào” hoặc “một ai đó để chỉ cho mình cách sống”.
Những lời than vãn tuyệt vọng này không chỉ đến từ những thiếu niên thiếu hạnh phúc, và không hài lòng với cuộc sống mà hầu như tất cả mọi thiếu niên mới lớn đều cảm nhận và mong mỏi như vậy. Các em bối rối, thực sự bối rối về vấn đề của việc tồn tại trong cuộc sống. Thật khó để tìm được một em thiếu niên nào thông suốt về ý nghĩa và mục đích của cuộc sống mà không gặp phải những tranh chiến với bản thân và với thế giới bên ngoài hoặc có được tầm nhìn và nhận thức để có thể đối mặt với cuộc sống trong một thế giới rối ren, hay thay đổi và đáng sợ như hiện nay. Phần lớn nguyên nhân dẫn đến việc những em thiếu niên cảm thấy bối rối như thế có liên quan đến quá khứ tuổi thơ của các em.
Điều trước hết mà trẻ thường tìm kiếm ở cha mẹ đó là một sự hướng dẫn giúp đỡ trẻ phát triển những giá trị lành mạnh. Trẻ có tìm được những gì chúng cần từ cha mẹ hay không còn phụ thuộc vào hai yếu tố. Thứ nhất, bản thân cha mẹ của trẻ có được những giá trị đó hay không? Thứ hai, trẻ có chịu tiếp thu và chấp nhận những giá trị của cha mẹ chúng không? Trẻ khó làm được điều này nếu chúng không được cha mẹ yêu thương.
Chúng ta hãy cùng xem xét yêu cầu thứ nhất để có thể đem đến cho trẻ những gì chúng mong muốn. Cha mẹ phải có được một nền tảng bền vững cho cuộc sống. Đó chính là điều sẽ giúp ích cho chúng ta trong mỗi giai đoạn của cuộc sống: thời niên thiếu, tuổi thanh niên, trung niên, lão niên, trước những khủng hoảng trong hôn nhân, khủng hoảng tài chính, khủng hoảng về tình trạng của con cái, những lúc kiệt sức, và nhất là trước sự thay đổi không ngừng của xã hội mà trong đó những giá trị thuộc linh đang thoái hóa một cách nhanh chóng. Những người làm cha mẹ như chúng ta phải nắm lấy nền tảng quan trọng đó cho chính cuộc sống mình và rồi cho con cái mình. Theo tôi, đó mới chính là sản nghiệp quí báu nhất mà chúng ta có thể để lại cho những đứa con thân yêu của mình.
Vậy thì sản nghiệp không thể thiếu đó là gì mà có thể giúp chúng ta tìm được mục đích, ý nghĩa của cuộc sống và là thứ mà chúng ta có thể truyền lại cho con mình? Từ buổi sơ khai của nền văn minh nhân loại, rất nhiều người đã đi tìm một lời giải đáp cho câu hỏi trên nhưng có rất ít người khám phá được điều đó. Các triết gia đã không ngừng đấu tranh để tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi như thế từ nhiều thế kỷ nay. Những nhà ngoại giao quốc tế thỉnh thoảng cũng đưa ra câu trả lời. Những nhà thiết lập dự án của chính phủ hô hào rằng họ đang nắm giữ câu trả lời. Nhưng những đạo luật mà họ khó nhọc nghiên cứu và ban hành đó chỉ khiến chúng ta lệ thuộc vào con người (chính phủ) chứ chẳng có tác dụng gì đối với những tâm hồn trống rỗng và đầy nỗi khao khát. Trong lĩnh vực sức khỏe tinh thần, người ta cũng đưa ra những biện pháp giúp đỡ cho những vấn đề liên quan đến tâm lý tình cảm, những xáo trộn về mặt tinh thần, trạng thái tâm lý không ổn định, vấn đề thích nghi với môi trường mới và sự bất hòa trong hôn nhân.
Nhưng của cải quý giá, đem đến sự bình an này mà mỗi tấm lòng đều khao khát chính là Đức Chúa Trời. Ngài là Đấng thiết lập mối quan hệ cá nhân với mỗi người chúng ta nhưng cũng là Đấng mà chúng ta có thể chia sẻ với người khác. Chúa là sức mạnh của chúng ta trong nghịch cảnh và là nguồn an ủi những khi chúng ta đau khổ. Ngài ban sự khôn ngoan khi chúng ta bối rối và sửa dạy mỗi khi chúng ra lầm lỡ. Chúa là Đấng Cứu Giúp trong quá khứ, hiện tại và còn hứa hẹn nhiều điều hơn nữa trong cả tương lai. Ngài luôn dạy dỗ và dẫn dắt chúng ta mọi lúc, không để chúng ta cô đơn một mình. Ngài gần gũi với chúng ta còn hơn cả anh em ruột (Châm Ngôn 18: 24)
Chúa không những đưa ra những lời chỉ dẫn để chúng ta làm theo mà Ngài còn dành những lời hứa tuyệt vời cho những ai vâng lời Ngài. Đôi lúc, Chúa cho phép sự mất mát và đau đớn xảy đến với chúng ta nhưng đồng thời Ngài cũng luôn luôn dành sẵn một sự chữa lành và bù đắp những mất mát của chúng ta bằng những điều tốt hơn. Chúa không ép buộc chúng ta phải đón nhận Ngài nhưng luôn kiên nhẫn chờ đợi được chúng ta tiếp nhận. Chúa không ép chúng ta đi theo ý muốn của Ngài nhưng Ngài sẽ rất đau buồn khi chúng ta đi theo con đường sai trái. Chúa đã yêu chúng ta trước và Ngài muốn chúng ta cũng yêu Ngài. Dầu vậy, Chúa đã để chúng ta tự do lựa chọn, tiếp nhận Ngài hoặc từ chối Ngài. Chúa muốn chăm sóc chúng ta chứ không buộc chúng ta phải đón nhận Ngài. Ao ước lớn nhất của Chúa là muốn chúng ta trở thành con cái của Ngài nhưng Ngài không hề xâm phạm quyền quyết định của chúng ta. Nếu chúng ta cũng có cùng ý muốn đó, nếu chúng ta muốn nhận được tình yêu, sự quan tâm, mối quan hệ Cha con với Đức Chúa Trời thì điều chúng ta cần làm là tiếp nhận những điều Chúa ban cho. Ngài rất thận trọng nên không ép buộc điều này. Chúa vẫn đang chờ đợi chúng ta mở lòng mình với Ngài và trở thành con cái của Ngài. Hẳn nhiên, như bạn cũng đã đoán được, Ngài chắc chắn phải là một Đức Chúa Trời của từng cá nhân.
Mối quan hệ mật thiết, cá nhân với Đức Chúa Trời qua Con Một của Ngài là Chúa Giê-xu Christ chính là điều quan trọng nhất trong cuộc sống. Đây chính là điều mà giới trẻ đang khao khát. Đây cũng chính là ý nghĩa của cuộc sống, là một điều gì đó để chúng ta tin cậy, là một khái niệm cao hơn sự dạy dỗ, là nguồn an ủi khi mọi thứ dường như đổ vỡ. Trong Chúa có tất cả.
Bạn đã đón nhận mối quan hệ này chưa? Nếu chưa, bạn hãy nhờ một mục sư hay một người bạn là con cái Chúa giúp đỡ. Bạn cũng có thể viết thư và nhờ nhà xuất bản chuyển cho tôi, tôi sẽ gởi lại cho bạn những tài liệu hữu ích.
Quý thính giả thân mến,
Yếu tố cần thiết thứ hai để cha mẹ có thể đem đến cho con cái những điều họ có đó là giúp chúng tiếp thu và chấp nhận những giá trị của cha mẹ mình.
Chắc bạn cũng đã nhớ, trẻ khó có thể hòa hợp với cha mẹ và chấp nhận những giá trị của họ nếu bản thân chúng không thấy mình được cha mẹ yêu thương và chấp nhận. Nếu giữa cha mẹ và con cái không có một mối quan hệ khắng khít, yêu thương thì trước sự dạy dỗ của cha mẹ, trẻ sẽ phản ứng với sự giận dữ, cay đắng và thù hận. Khi đó, mỗi một yêu cầu (hay mệnh lệnh) của cha mẹ trong cái nhìn của trẻ đều là sự áp đặt và trẻ phải học cách phản kháng điều đó. Nghiêm trọng hơn, trẻ sẽ đón nhận những lời yêu cầu của cha mẹ bằng một thái độ cay đắng và khuynh hướng của chúng là làm trái lại tất cả những gì cha mẹ (những người có thẩm quyền trên chúng, kể cả Chúa) mong đợi.
Với thái độ và khuynh hướng sống như thế, bạn có thể hiểu được vì sao cha mẹ của những đứa trẻ nói trên cảm thấy rất khó khăn để dạy dỗ chúng về những giá trị đạo đức.
Để trẻ có thể chấp nhận cha mẹ mình (có mối liên hệ khắng khít với cha mẹ) cũng như chấp nhận những tiêu chuẩn của họ thì trước hết cha mẹ phải thật sự yêu thương và chấp nhận trẻ. Để giúp con cái có mối quan hệ mật thiết với Đức Chúa Trời như mình, thì cha mẹ cần phải yêu trẻ bằng một tình yêu thương vô điều kiện. Vì sao ư? Bởi vì đó chính là cách Chúa yêu thương chúng ta, yêu một cách vô điều kiện. Thật khó để chúng ta có thể mường tượng được tình yêu vô điều kiện của Đức Chúa Trời nếu chúng ta không được cha mẹ mình yêu thương theo cách đó. Đây là trở ngại lớn nhất và thường gặp nhất đối với nhiều người trong việc thiết lập một mối quan hệ cá nhân giữa họ với Đức Chúa Trời. Cha mẹ phải giúp con mình phòng tránh những trở lực nêu trên.
Làm sao cha mẹ biết được con cái của mình đã được chuẩn bị và sẵn sàng đón nhận tình thương của Đức Chúa Trời? Cha mẹ có thể biết được điều này bằng cách chắn chắn rằng họ đã đổ đầy nhu cầu tình cảm cho con cái. Cha mẹ không thể mong chờ con cái có một mối quan hệ thân mật, kết quả với Chúa trừ khi họ biết quan tâm đến nhu cầu tình cảm của con cái mình cũng như có một mối quan hệ mật thiết yêu thương với chúng.
Vâng, tôi đã từng gặp những Cơ Đốc Nhân trước đây vốn là những đứa trẻ bị nuôi dưỡng bằng đòn roi. Nhưng do chỉ toàn phải đón nhận những nỗi đau thể xác thay vì một tình yêu thương vô điều kiện nên những Cơ Đốc Nhân nói trên hiếm khi có được một mối quan hệ gần gũi, yêu thương với Đức Chúa Trời. Họ có khuynh hướng sử dụng tôn giáo của mình như một cách để trừng phạt người khác dưới danh nghĩa của sự giúp đỡ. Họ sử dụng những điều răn và nhiều câu Kinh Thánh để biện hộ cho những hành vi hà khắc và thiếu tình yêu thương của mình. Họ tự xem mình là những vị quan tòa thuộc linh có quyền xét đoán người khác. Dĩ nhiên, cuối cùng thì cũng có một số trong những Cơ Đốc Nhân nói trên nhận ra tình yêu của Đức Chúa Trời và nhận lấy tình yêu đó. Với Chúa, mọi việc điều có thể. Tiếc thay, nếu cha mẹ không đem đến cho con một nền tảng về tình yêu thương thì cơ may giúp chúng nhận ra tình yêu của Chúa sẽ là rất thấp.
Vậy, có hai yếu tố cần thiết để giúp đỡ về mặt thuộc linh cho trẻ. Đó là mối quan hệ cá nhân của cha mẹ chúng với Chúa và tình yêu vô điều kiện mà họ dành cho con mình.
Trong tuần tới, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu những cách thức khác nhau để đáp ứng nhu cầu tâm linh cho con trẻ. Xin hẹn gặp lại quý vị.
Dr. Ross Campbell
Nguồn: phatthanhhyvong.com
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn