22:58 EDT Thứ tư, 15/05/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 38


Hôm nayHôm nay : 9401

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 160470

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23169503

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Phước Hạnh Của Sự Vâng Lời Chúa

Phước Hạnh Của Sự Vâng Lời Chúa

“Nếu ngươi nghe theo tiếng phán của Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi cách trung thành, cẩn thận làm theo mọi điều răn của Ngài, mà ta truyền cho ngươi ngày nay, thì Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi sẽ ban cho ngươi sự trổi hơn mọi dân trên đất” (câu 1).

Xem tiếp...

Xét Lại Lương Tâm

Thứ ba - 27/10/2015 21:22
Xét Lại Lương Tâm

Xét Lại Lương Tâm

Kính thưa quý độc giả, Trong những tuần trước, chúng ta có dịp tìm hiểu lương tâm là gì và lương tâm hành động ra sao.



                 Kính thưa quý độc giả,

                 Trong những tuần trước, chúng ta có dịp tìm hiểu lương tâm là gì và lương tâm hành động ra sao.

                 Lương tâm chính là sự ghi khắc của Đấng Tạo Hóa vào trong tâm khảm của quý vị và tôi những đạo đức cùng khả năng nhận định và phân biệt giữa điều tốt và điều xấu, giữa điều thiện và điều ác. Lương tâm nhắc nhở và hướng dẫn cách chúng ta sống và đối xử với những người chung quanh trong đời sống mỗi ngày. Lương tâm không chỉ dựa trên những quy định luật pháp trong xã hội, cũng không chỉ dựa vào truyền thống hay giá trị văn hóa, nhưng lương tâm hướng về những điều cao hơn thế nữa.

                 Vì lương tâm xuất phát từ Thượng Đế, nên lương tâm hướng một người về những luật lệ tuyệt đối của Đấng Tối Cao.

                 Tuy vậy, tùy theo quan điểm sống của một người, tùy theo niềm tin về sự hiện hữu của Đấng Tạo Hóa, chịu ảnh hưởng bởi quá trình giáo dục, kinh nghiệm và hoàn cảnh sống mà khả năng phân biệt cùng độ nhạy bén của lương tâm trong mỗi người rất khác biệt nhau.

                 Như trường hợp một sinh viên kia sống xa nhà và đang cư ngụ trong ký túc xá của trường đại học. Sau những ngày miệt mài bên bài vở, cuối tuần, anh thường tụ năm, tụ bảy với các bạn trong khu ký túc xá để cùng nhậu nhẹt giải khuây. Đây cũng là cách giải trí mà đại đa số các thanh niên xem là một chuyện bình thường thôi. Thế nhưng từ khi anh được một bạn khác rủ đi nhà thờ, anh bắt đầu thích thú và để tâm tìm hiểu về Đấng Tạo Hóa cùng những luật lệ yêu thương và công bình của Ngài. Qua Kinh Thánh là lời của Thiên Chúa, anh được nhắc nhở “đừng say rượu, vì rượu xui cho luông tuồng” (Êphêsô 5:18). Khi đọc đến đây, anh chợt hồi tưởng lại, lúc đã nhậu quá chén, anh và các bạn đã trở nên “luông tuồng”, đúng là “rượu vào lời ra”, và thường những lời qua tiếng lại trong các bàn nhậu mang tính bông đùa tục tĩu, hạ thấp phẩm giá người nói và làm tổn thương đến người nghe. Một nơi khác trong Kinh Thánh có khẳng định “chớ nói lời tục tỉu, chớ giễu cợt, chớ giả ngộ tầm phào, là những điều không đáng” (Êphêsô 5:4), khiến anh bắt đầu xét lại thói quen giải trí theo kiểu này.

                 Lại nữa, anh đang sống chung phòng với một người bạn gái. Vì cả hai còn đi học, chưa chính thức cưới hỏi với nhau, tuy vậy, họ đã chung sống như vợ với chồng. Theo quan điểm của xã hội ngày nay, với tinh thần cởi mở và tự do về tình dục, chuyện chung sống trước khi chưa thành hôn vẫn được nhiều người xem là “tự nhiên”. Tuy vậy, khi đọc Kinh Thánh, anh khám phá một trong Mười Điều Răn là “Không được tà dâm” (Xuất Êdíptô ký 20:14), mà “tà dâm” có nghĩa là khi một người có quan hệ tình dục ngoài hôn nhân. Trước đây, anh sinh viên này chưa bao giờ tiếp cận với lời Kinh Thánh, nên lương tâm anh thật mù mờ, chỉ dựa vào những quy ước của những người chung quanh anh, cho rằng chuyện nhậu nhẹt hay chung sống ngoài hôn nhân là chuyện bình thường, chẳng có gì “đáng báo động” cả. Tuy vậy, từ khi tìm hiểu về Đấng Tạo Hóa cùng luật lệ thánh khiết của Ngài, khả năng nhận biết đúng, sai, thiện, ác của anh đã thay đổi thật nhiều. Từ khi đọc Kinh Thánh là lời của Đấng Tạo Hóa nhắn gởi đến con người, lương tâm anh chợt nhận diện ra những thói quen và lối sống của anh trước đây có nhiều điều sai trật và cần được thay đổi.

                 Quý độc giả thân mến,

                 Lương tâm một người bị mù mờ vì thiếu hiểu biết về các luật lệ thánh khiết và đầy yêu thương của Đấng Tạo Hóa. Tệ hại hơn tình trạng lương tâm mù mờ là lương tâm chai lì, khi một người có thói quen thực hiện những việc ác hiển nhiên, không thể chối cãi, nhưng vẫn bỏ mặc qua những lời cảnh cáo của lương tâm. Kinh Thánh mô tả “lương tâm đã bị chai lì như bị thanh sắt đỏ nung đốt” (Êphêsô 4:2).

                 Chúng ta hãy hình dung một thanh sắt được nung lên thật nóng đến độ đổi sang màu đỏ, sau đó thanh sắt nóng đỏ này ấn lên làn da của một người. Mới đầu, chắc chắn người đó cảm thấy cực kỳ đau đớn, nhưng sau đó bị vùng da bị đốt sẽ mất hết cảm giác. Khi vùng da phỏng được lành, sẽ trở nên một vết sẹo cứng ngắc và chai lì, vì các đầu dây thần kinh đã bị thiêu hủy và không còn thể cảm nhận được nữa. Một lương tâm chai lì cũng tương tự như vậy. Lương tâm một người trước kia như một làn da còn bén nhạy, nhưng sau khi bị đốt cháy, bị thiêu rụi, bị “bịt miệng” quá lâu ngày, lương tâm nay đã trở nên chai cứng và vô cảm giống một vết thẹo vì phỏng nặng. Lương tâm chai lì cuối cùng trở nên im lặng khi những tội ác hiển nhiên cứ tái diễn liên tục trong đời sống của một người. Quả thật, nếu một người cứ thường xuyên làm điều ác, thì đến một lúc, người đó sẽ không còn cảm thấy áy náy hay còn nhận biết điều ác trong hành vi của mình nữa. Một con người gian ác vẫn cảm thấy “thản nhiên tự tại” trong các việc gian ác của mình. Đó là tình trạng của một người với một lương tâm đã trở nên chai đá.

                 Một tình trạng khác là lương tâm hư hỏng hay sai lệch, tức là khi một người mất khi khả năng phân biệt giữa điều đúng và điều sai, giữa điều chân lý và điều sai lầm. Lương tâm sai lệch có thể chấp nhận một điều hoàn toàn sai mà vẫn cảm thấy thanh thản, dễ chịu. Rõ ràng lương tâm chai lì và lương tâm sai lệch có điểm giống nhau, tuy vậy sự khác biệt là, trong khi lương tâm chai lì đã trở nên hoàn toàn vô cảm, thì lương tâm sai lệch vẫn còn nhạy cảm, tuy vậy sự phán xét của lương tâm sai lệch dựa trên những tiêu chuẩn hoàn toàn sai trật khi với luật lệ yêu thương của Đấng Tạo Hóa.

                 Như có một thời, người ta cổ động “tinh thần chiến đấu” qua các câu thơ đầy “sắt máu” như “nuôi đi em, cho đến lớn đến già; mầm hận ấy trong lồng xương ống máu; để thêm nóng mai kia hồn chiến đấu”, trong khi Chúa Cứu Thế Giê-xu nhấn mạnh rằng luật lệ hàng đầu của Đấng Tối Cao là tình yêu thương vô điều kiện, không phân biệt bạn và thù, như Ngài có từng khuyên răn: “Nhưng ta bảo các con, hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ làm tổn thương mình. Vì Ngài khiến mặt trời mọc lên cho người thiện cùng người ác, làm mưa cho người làm phải cũng như cho người làm quấy” (Ma-thi-ơ 5:44-45). Những điều vô tín, những lý thuyết vô thần, đã tiêm nhiễm vào suy nghĩ và quan niệm sống, đã khiến lương tâm nhiều người trở nên sai lệch. Thay vì làm theo luật lệ yêu thương như Đấng Tạo Hóa mong muốn, tâm hồn của những người có lương tâm sai lệch này lại cảm thấy thú vị và hào hứng để khơi cao lòng hận thù, đẩy mạnh chiến tranh, chém giết, tàn diệt và thủ tiêu.

                 Kính thưa quý độc giả,

                 Ngược với tình trạng lương tâm chai lì hay lương tâm sai lệch là lương tâm yếu đuối và lương tâm quá nhạy cảm.

                 Lương tâm yếu đuối là khi một người không thể khẳng định điều nào là đúng hay sai. Một người mang một lương tâm yếu đuối dễ bị người khác hiếp đáp và áp đặt quan niệm sống lên họ, khiến tiêu chuẩn của lương tâm vì vậy mà cứ tiếp tục thay đổi theo từng ngày và từng hoàn cảnh. Những người mang lương tâm yếu đuối, ngày hôm nay, nhìn nhận điều này là sai, nhưng ngày hôm sau, có thể cho điều này là đúng, khi bị người khác áp đặt và dẫn dụ.

                 Lương tâm quá nhạy cảm khi một người luôn luôn bị lương tâm cắn rứt trong những chi tiết nhỏ nhặt nhất, xảy ra trong từng giây, từng phút trong cuộc sống. Như trường hợp của một người kia, đang đi trên đường, chợt nhìn thấy một vỏ chai bể bên lề đường, lương tâm anh liền lên tiếng “Nếu có người nào khác đi qua mà lỡ dẫm chân lên vỏ chai bể này, có thể bị chảy máu và tôi sẽ là người có lỗi, vì đã đi qua trước, thấy vỏ chai bể mà không lượm lên”. Anh đã đi qua một lúc, muốn bỏ đi luôn, nhưng lương tâm anh lại cứ cắn rứt, khiến anh cuối cùng phải quay trở lại và lượm cái vỏ chai bể bên đường để liệng vào thùng rác bên cạnh. Có gì sai trật với chuyện lượm cái vỏ chai bể lên không? Dĩ nhiên là không, vì đây là một hành động rất tốt, cho thấy anh đã quan tâm đến người khác. Tuy vậy, lương tâm quá nhạy cảm của anh nhắc nhở anh ít nhất là vài chục lần trong một ngày. Những cái đinh trên đường, những hòn đá nhọn trên các thảm cỏ trên công viên, mớ gỗ ai để bên lề và vô số những điều nhỏ nhặt khác đã liên tục quấy động lương tâm anh, khiến tâm hồn anh trở nên qua lo lắng gần như muốn tê liệt. Đối với anh, sự an toàn của cả thành phố dường như là trách nhiệm của anh. Anh luôn luôn phải điều chỉnh hết điều nọ đến điều kia, nếu không, lương tâm quá nhạy cảm khiến anh cảm thấy áy náy, mắc tội làm sao ấy. Tình trạng lương tâm quá nhạy cảm, dễ đưa đến mặc cảm tội lỗi, trói buộc một người trong những luật lệ, chi tiết nhỏ nhặt, xuất phát từ nỗi sợ hãi bị phán xét hay sợ bị lên án. Điều này xảy ra đối với ai tin rằng có một Đấng Tối Cao, tuy vậy, những người này không có mối liên hệ thân thiết với Ngài, nên có thể nghĩ rằng Ngài là một quan án khó tính, luôn luôn chờ chực để bắt tội, nhưng không hề biết rằng Thượng Đế là Đấng Yêu Thương, hiểu rõ cũng như cảm thông với những yếu đuối và giới hạn của mỗi cá nhân.

                 Kính thưa quý độc giả,

                 Lương tâm là sự ghi khắc của Thượng Đế vào trong tâm hồn của mỗi chúng ta, để giúp quý vị và tôi có thể nhận thức được những luật lệ công bình và thương yêu của Ngài. Vì lương tâm thuộc về Thượng Đế, nên lương tâm chỉ có thể trở nên tốt lành, trong sạch và vững mạnh đúng nghĩa khi một người có mối liên hệ gần gũi với Đấng Tối Cao và được tiếp cận thường xuyên với lời hướng dẫn của Ngài.

                 Để có được mối liên hệ gần gũi với Thượng Đế, cách thức duy nhất, có một không hai và không có một cách nào khác trên thế gian này; đó là quý vị và tôi phải bằng lòng tiếp nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu vào trong tâm hồn và đời sống, vì chính Chúa Giê-xu có khẳng định: “Ta là đường đi, chân lý, và sự sống. Ta là Con đường duy nhất dẫn đến Cha” (Giăng 14:6)

                 Chúa Cứu Thế Giê-xu là ai và tại sao Ngài là con đường duy nhất dẫn đến Đấng Tối Cao? Làm lành, tu thân hay tu theo một tôn giáo nào đó, có thể đem quý vị và tôi trở về với Thượng Đế, có thể giúp quý vị và tôi khôi phục lại một lương tâm tốt lành đúng nghĩa hay không?

                 Như lương tâm chúng ta dư biết rằng, tất cả chúng ta đều thiếu sót và nhiều lần mắc tội với Đấng tạo dựng ra mình và như Kinh Thánh cũng khẳng định như sau: “Mọi người đều phạm tội, không đáng hưởng vinh hiển của Thượng Đế” (Rôma 3:23). Chính tội lỗi, trong muôn vàn hình thức khác nhau, đã ngăn cách quý vị và tôi với Đấng Tối Cao, khiến lương tâm chúng ta trở nên mù mờ, sai lệch và thậm chí chai lì như gỗ đá.

                 Cảm thương nhân loại đắm chìm trong màn đêm tội lỗi, để rồi bị Thượng Đế đoán phạt đời đời, nên cách đây hơn 2000 năm, Thiên Chúa Ngôi Hai, đã tự nguyện giáng trần, sinh ra trong một con người mang tên Giê-xu, để rồi sau đó, bị loài người khinh ghét và xử chết, đã treo và đóng đinh Ngài trên cây thập tự. Thật ra, đây cũng là chương trình cứu chuộc nhân loại của Thượng Đế, vì khi Chúa Cứu Thế Giê-xu bị đóng đinh và chết trên cây thập tự, Ngài đã tự nguyện chết thế, gánh thay bản án tội cho mọi người, trong đó có quý vị và tôi. Những ai nhìn nhận tội lỗi của mình và tin nhận vào sự chết thế của Con Trời, được Thượng Đế tha bỗng và được khôi phục lại mối quan hệ, như Kinh Thánh có khẳng định: “Vì Thượng Đế quá yêu nhân loại đến nỗi hi sinh Con Một của Ngài, để ai đặt niềm tin vào Con ấy sẽ không bị chết mất nhưng được sống đời đời… Ai bằng lòng tin nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền trở thành con Thượng Đế” (Giăng 3:16 & 1:12)

                 Một khi quý vị và các bạn tiếp nhận Chúa Cứu Thế, trong tâm hồn của chúng ta có Chúa Thánh Linh, là Thiên Chúa Ngôi Ba, luôn luôn hiện diện để hướng dẫn và giúp đỡ lương tâm chúng ta phân biệt điều đúng và điều sai, điều thiện và điều ác, theo như tiêu chuẩn tuyệt đối của Thiên Chúa, chứ không phải những luật pháp xã hội, hay những tiêu chuẩn tôn giáo, hay những hệ thống triết lý và đạo đức của loài người. Chính Chúa Thánh Linh sẽ soi tỏ cho lương tâm chúng ta những chân lý và đường lối phước hạnh, được bày tỏ trong Kinh Thánh, như thi sĩ Đa-vít đã từng kinh nghiệm mà nói rằng “Lời Chúa là ngọn đèn cho chân tôi, Là ánh sáng cho đường lối tôi” (Thi Thiên 119:105)

                 Ước mong quý vị và các bạn sớm tiếp nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu vào đời sống, và nhờ vậy, chúng ta có Chúa Thánh Linh trong tâm hồn, được tiếp cận với lời Thượng Đế trong Kinh Thánh, khiến lương tâm mỗi chúng ta được đổi mới, được trau giồi, được trở nên tốt lành đúng nghĩa và làm trọn chức năng hướng dẫn đời sống mỗi chúng ta, theo như ý định của Đấng Tối Cao.

                 Thà có được một lương tâm đúng đắn ngay bây giờ để được nhắc nhở, để được đi đúng đường, để hưởng muôn vàn phước hạnh, để giúp chúng ta kịp điều chỉnh ngay hôm nay, trước khi quá trễ, vì quý vị và tôi, trong một ngày không xa, đều phải ứng hầu trước Đấng tạo dựng ra mình, như Kinh Thánh khẳng định: “Thượng Đế sẽ xử đoán mỗi người căn cứ trên việc họ làm, việc thiện lẫn việc ác, kể cả những việc âm thầm kín giấu nhất” (Truyền Đạo 12:14)

                 Thân chào quý vị và các bạn.
 

Tùng Tri
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn