Tái Sinh
- Thứ năm - 07/06/2018 20:58
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trong Câu Chuyện Phúc Âm lần trước, tôi có nói với quý vị về vấn đề thay đổi và thay đổi quan trọng nhất là thay đổi nội tâm, thay đổi từ bên trong mà Thánh Kinh gọi là tái sinh hay sinh lại. Tái sinh không có nghĩa là đầu thai kiếp khác nhưng tái sinh là sinh lại làm một người mới hoàn toàn. Đây là một ý niệm hoàn toàn mới mẻ đối với nhiều người. Khi Chúa Giê-xu nói về vấn đề tái sinh hay sinh lại lần đầu tiên với một nhà lãnh đạo tôn giáo thời đó, người nầy cũng không hiểu và Chúa Giê-xu phải giải thích cho ông như sau. Chúng ta hãy cùng nhau nghe toàn câu chuyện để hiểu rõ đề tài tái sinh Chúa Giê-xu trình bày trong phân đoạn Kinh Thánh nầy. Phúc Âm Giăng chương thứ 3 ghi như sau:
Trong vòng người Pha-ri-si, có người tên là Ni-cô-đem, là một người trong những kẻ cai trị dân Giu-đa. Ban đêm, người nầy đến cùng Đức Chúa Giê-xu mà nói rằng: Thưa thầy, chúng tôi biết thầy là giáo sư từ Đức Chúa Trời đến, vì những phép lạ thầy đã làm đó, nếu Đức Chúa Trời chẳng ở cùng, thì không ai làm được. Đức Chúa Giê-xu cất tiếng đáp rằng: Quả thật, quả thật, ta nói cùng ngươi, nếu một người chẳng sanh lại, thì không thể thấy được nước Đức Chúa Trời. Ni-cô-đem thưa rằng: Người đã già thì sinh lại làm sao được? Có thể nào trở vào lòng mẹ và sinh lần thứ hai sao? Đức Chúa Giê-xu đáp rằng: Quả thật, quả thật ta nói cùng người, nếu một người chẳng nhờ nước và Thánh Linh mà sinh, thì không được vào nước Đức Chúa Trời. Hễ chi sanh bởi xác thịt là xác thịt, hễ chi sinh bởi Thánh Linh là thần. Chớ lấy làm lạ về điều ta đã nói với ngươi: Các ngươi phải sinh lại. Gió muốn thổi đâu thì thổi, ngươi nghe tiếng động nhưng chẳng biết gió đến từ đâu và cũng không biết đi đâu. Hễ người nào sinh bởi Thánh Linh thì cũng như vậy (Phúc Âm Giăng 3:1-8)
Đó là cuộc đối thoại giữa Chúa Giê-xu và một lãnh đạo Do-thái giáo tên là Ni-cô-đem. Điều đầu tiên chúng ta thấy trong câu chuyện nầy là ông Ni-cô-đem đã đến gặp Chúa Giê-xu vào ban đêm. Ông là thành viên của Tòa Công Luận tức là Hội Đồng Tôn Giáo Tối Cao thời đó. Ông ngưỡng mộ Chúa Giê-xu, ông biết Chúa là người của Đức Chúa Trời qua những phép lạ mà ông đã nghe hay được chứng kiến. Tuy nhiên vì sợ, cũng có thể là sợ mất chức hoặc là sợ bị chê cười, ông đã không công khai đến gặp Chúa. Ngày nay cũng có nhiều người biết đạo của Chúa là đúng, những điều Chúa dạy là chân lý nhưng vì ngại ngùng hay sợ, những người nầy đã không đến với Chúa. Trong thời của Chúa cũng có những người như vậy và Kinh Thánh nói rằng những người nầy “chuộng danh vọng bởi người ta đến hơn là danh vọng bởi Đức Chúa Trời đến.” Nói khác đi họ sợ người hơn sợ Chúa.
Ông Ni-cô-đem cũng sợ như vậy nhưng ông đã tìm dịp đến với Chúa và vì vậy ông đã đến gặp Chúa lúc ban đêm. Câu đầu tiên ông Ni-cô-đem nói với Chúa là: “Thưa thầy, chúng tôi biết thầy là giáo sư từ Đức Chúa Trời đến vì những phép lạ thầy đã làm đó, nếu Đức Chúa Trời chẳng ở cùng, thì không ai làm được.” Đây là câu nói bày tỏ lòng khâm phục. Tuy nhiên Đức Chúa Giê-xu đã đi thẳng vào vấn đề và nói với ông: “Quả thật, quả thật, ta nói cùng ngươi, nếu một người chẳng sinh lại, thì không thể thấy được nước Đức Chúa Trời.” Câu nói của Chúa Giê-xu cho thấy rằng, công nhận hay khâm phục lời dạy và việc làm của Chúa không đủ nhưng chúng ta phải có kinh nghiệm tái sinh hay sinh lại. Đây là điều hoàn toàn mới đối với ông Ni-cô-đem. Ông chỉ thấy vấn đề trên bình diện vật chất vì vậy đối với ông sinh lại là trở vào lòng mẹ để sinh ra lần nữa! Chúa Giê-xu đang nói về vấn đề tâm linh nhưng Ni-cô-đem thì hiểu theo thể xác vì vậy Chúa đã giải thích thêm: “Quả thật, quả thật ta nói cùng người, nếu một người chẳng nhờ nước và Thánh Linh mà sinh, thì không được vào nước Đức Chúa Trời.” Đức Chúa Giê-xu cho ông Ni-cô-đem và chúng ta thấy sinh lại là nhờ nước và Thánh Linh mà sinh. Nhờ nước và Thánh Linh mà sinh nghĩa là gì? Trước khi Chúa Giê-xu xuất hiện để công bố Phúc Âm thì có một nhân vật đi trước Chúa là ông Giăng, người làm Lễ Rửa hay Lễ Báp-têm. Thời đó, khi một người công khai bày tỏ lòng ăn năn hối lỗi, cải tà quy chính thì người đó bày tỏ thái độ ăn năn hối lỗi bằng một nghi thức gọi là Lễ Rửa hay lễ Báp-têm. Lễ Báp-têm hay Lễ Rửa không phải là lễ để rửa tội vì tội của con người không thể dùng nước để thanh tẩy được. Chỉ một mình Chúa Giê-xu đổ máu vô tội của Ngài ra mới có thể chuộc tội cho chúng ta. Vì vậy, khi Chúa Giê-xu phán phải nhờ nước và Thánh Linh mà sinh Chúa muốn nói đến hai điều: (1) Nước nói đến lòng ăn năn hối lỗi thật sự qua lễ Báp-têm bằng nước bên ngoài. (2) Thánh Linh nói đến sức mạnh tái tạo bên trong mà Chúa Giê-xu đã so sánh giống như gió. Chúa phán: “Gió muốn thổi đâu thì thổi, ngươi nghe tiếng động, nhưng chẳng biết gió đến từ đâu và cũng không biết đi đâu. Hễ người nào sinh bởi Thánh Linh thì cũng như vậy.” Người nào sinh bởi Thánh Linh thì sẽ tự nhiên có những kết quả hiển nhiên cũng như ta không trông thấy gió nhưng biết là có gió khi thấy cây lá rung động.
Tôi không muốn đi vào những chi tiết thần học để làm Bạn khó hiểu. Tôi chỉ muốn trình bày cho Bạn chân lý của Phúc Âm cách đơn giản, đó là vấn đề cứu rỗi hay giải thoát chỉ đến khi con người được biến đổi từ gốc rễ. Sự thay đổi đó Thánh Kinh gọi là tái sinh hay sinh lại. Và sinh lại xảy ra khi một người bằng lòng ăn năn hối cải và để cho sức mạnh của Chúa biến đổi cuộc đời của mình. Đây là hai vấn đề then chốt mà xưa nay con người không vượt qua được vì lòng tự cao của mình. Nhận mình là người có tội cần phải ăn năn, đó là khó khăn thứ nhất. Để cho sức mạnh của Chúa tái tạo cuộc đời của mình, đó là khó khăn thứ hai.
Tôi là người hiền lương, không làm hại ai điều gì, tại sao bảo tôi có tội và ăn năn? Vấn đề tội lỗi của con người là vấn đề tiêu chuẩn đạo đức. Theo tiêu chuẩn và cái nhìn của chúng ta, chúng ta có thể thấy mình không có tội nhưng trong tiêu chuẩn và cái nhìn của Chúa thì “Mọi người đều đã phạm tội thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.” Trong mỗi con người chúng ta đều có một cái gì đó thiếu hụt, không đạt đến tiêu chuẩn của Thiên Chúa. Tội lớn nhất của con người là biết Đức Chúa Trời mà không tôn thờ Ngài. Thánh Kinh dạy:
“Họ dẫu biết Đức Chúa Trời mà không làm sáng danh Ngài là Đức Chúa Trời. Họ đã đổi vinh hiển của Đức Chúa Trời lấy hình tượng của loài người hoặc của điểu, thú, côn trùng” (Thư Rô-ma 1:21, 23).
Con người đã thờ tạo vật thay vì Tạo hóa. Đó là tội mà chúng ta phải ăn năn, từ bỏ.
Ăn năn từ bỏ có nghĩa là chúng ta phải hướng về Đức Chúa Trời và làm theo Lời Chúa dạy. Chúa chỉ dạy chúng ta một điều đơn giản, đó là: “Lấy tâm linh và lẽ thật mà phụng thờ Chúa.” Chúa chỉ cần tấm lòng thành của chúng ta. Một khi chúng ta thành thật ăn năn và bày tỏ lòng tin trọn vẹn nơi Chúa, Chúa Thánh Linh sẽ ngự vào tâm hồn chúng ta, thay đổi cuộc đời chúng ta để chúng ta trở thành một con người mới, một tạo vật mới. Đó là tiến trình tái sinh hay sinh lại mà chỉ người nào ở trong tiến trình đó mới hiểu được.
Bạn biết tại sao chúng tôi lại bỏ công rao giảng Phúc Âm hằng tuần trên đài phát thanh nầy như thế nầy không? Chỉ vì vâng theo lời dạy của Chúa và cũng chỉ vì muốn cho mọi người cũng có cùng một kinh nghiệm như chúng tôi, đó là kinh nghiệm tái sinh, biến đổi, trở nên một con người mới, trở thành con của Chúa. Lời Chúa dạy:
Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời (Phúc Âm Giăng 3:16)
Tóm lại một lời, chúng tôi chỉ muốn cho mọi người biết rằng Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta và Ngài muốn chúng ta sống một cuộc đời có ý nghĩa. Đời sống đó đến từ sự đổi mới trong tâm hồn mà chỉ một mình Chúa Giê-xu mới có thể ban cho chúng ta vì Ngài chính là Đức Chúa Trời trong thân xác con người. Ngài là Đấng duy nhất chịu chết thế cho con người, cũng là Đấng duy nhất đã sống lại. Những người tin Chúa đang kinh nghiệm sự sống của Chúa trong tâm hồn và đó chính là Phúc Âm chúng tôi muốn truyền đạt cho Bạn hôm nay.
Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành