Dây Cứu Sinh Qua Sự Truyền Cảm Bằng Xúc Giác

Dây Cứu Sinh Qua Sự Truyền Cảm Bằng Xúc Giác
Trong tuần trước, chúng ta được giới thiệu đến cặp vợ chồng trẻ và thật lý tưởng là Pete và Patsy. Thế nhưng cuộc tình lý tưởng của họ đã trải qua nhiều thử thách trong những năm đầu trong hôn nhân. Và bằng cách nào họ đã vượt qua những thử thách để chung sống với nhau thật hạnh phúc như trên thiên đường vậy. Xin mời quý vị theo dõi tiếp câu chuyện của Pete và Patsy như sau:


Dây Cứu Sinh Qua Sự Truyền Cảm Bằng Xúc Giác


         Kính thưa quý thính giả,
 

         Trong tuần trước, tiến sĩ Gary Chapman cho chúng ta biết là rất quan trọng để ôm nhau, gần gũi bên nhau trong những cơn khủng hoảng khi người vợ hay chồng quý vị có ngôn ngữ tình yêu chính là “Truyền Cảm Bằng Xúc Giác”. Cũng trong tuần trước, chúng ta được giới thiệu đến cặp vợ chồng trẻ và thật lý tưởng là Pete và Patsy. Thế nhưng cuộc tình lý tưởng của họ đã trải qua nhiều thử thách trong những năm đầu trong hôn nhân. Và bằng cách nào họ đã vượt qua những thử thách để chung sống với nhau thật hạnh phúc như trên thiên đường vậy. Xin mời quý vị theo dõi tiếp câu chuyện của Pete và Patsy như sau:
 

         Ba tháng đầu thật hào hứng, dọn nhà, tìm được căn hộ mới, vui hưởng cuộc sống bên nhau. Nhưng khoảng sáu tháng sau ngày cưới, Patsy bắt đầu cảm thấy Pete xa lánh nàng. Chàng làm việc nhiều giờ hơn, và khi ở nhà, thì dành khá nhiều giờ với máy vi tính. Cuối cùng khi nàng nói lên cảm nghĩ cho rằng chàng xa lánh nàng, thì Pete nói chàng không xa lánh nàng mà chỉ cố gắng đạt tới đỉnh cao trong công việc. Patsy không hài lòng, nhưng nàng quyết định để cho chàng tự do.
 

         Patsy bắt đầu mở rộng tình bạn với các bà sống trong chung cư. Thường thường khi biết Pete sẽ đi làm về trễ, nàng đi mua sắm với một người bạn thay vì đi thẳng về nhà sau giờ làm việc. Đôi khi nàng không có nhà khi Pete đi làm về. Điều đó khiến chàng rất bực bội, và buộc tội nàng vô tâm và vô trách nhiệm. Patsy bắt bẻ: “Đúng là lươn ngắn lại chê chạch dài. Ai vô trách nhiệm? Anh còn chẳng thèm gọi báo cho tôi biết lúc nào về. Làm sao tôi chờ được khi chẳng biết giờ nào anh có nhà chứ? Mà khi về nhà anh cũng dành hết thì giờ cho máy vi tính. Anh đâu có cần vợ, anh chỉ cần máy vi tính thôi”.
 

         Pete lớn tiếng đáp trả: “Tôi cần có vợ chứ. Cô không hiểu sao? Tất cả vấn đề là ở chỗ đó. Tôi cần một người vợ”
 

         Nhưng Patsy không hiểu. Nàng vô cùng bối rối. Cuối năm đầu tiên, Patsy thấy tuyệt vọng. Sau cùng cô bình thản gợi ý: “Em sẽ đi tìm tư vấn hôn nhân. Anh có muốn đi với em không?” Nhưng Pete đáp: “Tôi không cần tư vấn hôn nhân. Tôi không có thì giờ đi gặp tư vấn hôn nhân. Tôi không đủ tiền trả cho tư vấn hôn nhân.” Patsy nói: “Vậy thì em đi một mình”. Pete trả lời lại: “Tốt thôi, dù sao cô mới cần tư vấn hôn nhân.”
 

         Đàm thoại kết thúc. Patsy cảm thấy hoàn toàn cô đơn, nhưng tuần sau đó nàng hẹn với một tư vấn hôn nhân. Sau ba buổi, nhà tư vấn gọi Pete và hỏi anh có sẵn sàng tới để nói chuyện về quan điểm của anh đối với hôn nhân của hai người hay không. Pete đồng ý và tiến trình chữa lành bắt đầu. Kết quả là sáu tháng sau họ rời văn phòng tư vấn hôn nhân với hôn nhân mới.
 

         Tôi nói với Pete và Patsy: “Các bạn học được gì trong việc tư vấn đã xoay ngược được hôn nhân của các bạn?”
 

         Pete nói: “Thưa Tiến sĩ Chapman, chủ yếu là chúng tôi học nói ngôn ngữ yêu thương của nhau. Nhà tư vấn không dùng từ đó, nhưng khi ông giải thích trong cuộc hội thảo hôm nay thì ánh sáng chợt lóe trong tôi. Tâm trí tôi quay về kinh nghiệm tư vấn, và tôi nhận ra đó chính là điều xảy ra với chúng tôi. Cuối cùng chúng tôi đã học nói ngôn ngữ yêu thương của nhau.”
 

         Tôi hỏi: “Vậy thì ngôn ngữ yêu thương của anh là gì?”
 

         Anh nói không một chút do dự: “Truyền cảm bằng xúc giác”
 

         “Còn của cô là gì, hả Patsy?”
 

         “Thưa Tiến sĩ Chapman, thời gian chất lượng. Đó là điều tôi khao khát trong những ngày anh ấy dành toàn thời gian cho công việc cùng máy vi tính.”
 

         “Bằng cách nào cô học biết ngôn ngữ yêu thương của Pete là truyền cảm bằng xúc giác?”
 

         Patsy nói: “Cần có thời gian. Dần dần tôi khám phá ra được qua sự tư vấn. Lúc đầu, tôi nghĩ là Pete cũng chẳng nhận ra được.”
 

         Pete nói: “Cô ấy nói đúng. Tôi thấy bất an trong tâm hồn và phải tốn một thời gian khá lâu tôi mới nhận ra rằng vì cô ấy thiếu chung đụng với tôi làm tôi buồn rầu và tìm cánh xa lánh cô. Tôi không hề nói cho cô ấy biết rằng tôi muốn được vuốt ve, mặc dù bên trong tôi khao khát được nàng đưa tay ra vuốt ve tôi. Lúc còn hẹn nhau, tôi luôn luôn là người chủ động trong việc ôm nhau, hôn nhau, và cầm tay nhau và lúc nào cô ấy cũng sẵn sàng đáp ứng. Tôi cảm thấy cô ấy yêu tôi. Nhưng sau khi lấy nhau, có những lúc tôi muốn gần gũi thì cô ấy lại không đáp ứng. Có lẽ với những trách nhiệm trong công việc mới khiến cô ấy mệt mỏi. Tôi không biết nhưng tôi cho là như vậy. Tôi cảm thấy cô ấy cho là tôi không hấp dẫn. Thế là tôi quyết định không chủ động nữa vì tôi không muốn bị khước từ. Vì vậy tôi chờ xem thử bao lâu cô ấy mới chủ động ôm hôn hoặc đụng chạm hoặc muốn có những ái ân bên nhau. Nhưng rồi tôi thấy không chịu đựng được. Việc xa lánh của tôi là nhằm tránh nỗi đau khi ở bên cô ấy. Tôi cảm thấy bị khước từ, hất hủi và ghét bỏ.”
 

         Sau đó Patsy nói: “Tôi không hề biết anh ấy cảm nghĩ như thế. Tôi biết anh ấy không đến với tôi. Chúng tôi không ôm nhau và hôn nhau như trước, nhưng tôi cứ cho là vì đã cưới nhau, nên bây giờ chuyện đó không còn quan trọng đối với anh ấy. Tôi biết anh ấy chịu áp lực công việc làm. Tôi không hề biết là anh ấy muốn tôi chủ động.
 

         “Anh ấy nói đúng. Suốt nhiều tuần tôi chẳng đụng đến anh ấy. Tôi không nghĩ tới chuyện đó.Tôi lo cho bữa ăn, giữ cho nhà cửa sạch sẽ, giặt ủi cho anh ấy và tìm cách tránh xa anh ấy. Thật tình tôi không biết mình có thể làm gì khác hơn. Tôi không hiểu được việc tránh né anh ấy hoặc việc anh ấy không chú ý đến tôi. Chẳng phải là tôi không thích đụng chạm, mà là vì chuyện đó không hề quan trọng đối với tôi. Dành thì giờ cho tôi mới khiến tôi thấy mình được yêu thương, được quý trọng và quan tâm. Thực sự không phải là vấn đề chúng tôi có ôm nhau và hôn nhau hay không. Chừng nào anh ấy còn chú ý đến tôi, thì tôi thấy mình còn được yêu thương.
 

         “Phải một thời gian thật lâu chúng tôi mới tìm ra gốc rễ của vấn đề, nhưng khi đã tìm biết là mình không đáp ứng được nhu cầu tình cảm yêu thương của nhau, chúng tôi bắt đầu xoay ngược được tình thế. Khi tôi bắt đầu chủ động truyền cảm bằng xúc giác với anh ấy, thì chuyện lạ xảy ra. Nhân cách, tinh thần anh ấy thay đổi tận gốc. Tôi có một người chồng mới. Khi đã tin tưởng rằng tôi thật sự yêu anh, thì anh lại bắt đầu đáp ứng nhiệt tình hơn mọi nhu cầu của tôi.”
 

         Tôi hỏi: “Anh ấy có còn máy vi tính ở nhà không?”
 

         Cô nói: “Dạ có, nhưng anh ấy ít xử dụng, mà anh ấy xử dụng thì cũng không sao vì tôi biết anh ấy không cưới máy vi tính. Chúng tôi cùng làm chung với nhau nhiều việc và tôi để cho anh ấy tự do dùng máy vi tính khi anh muốn.”
 

         Pete nói: “Điều khiến tôi ngạc nhiên trong buổi hội thảo hôm nay là cách ông giảng về những ngôn ngữ của tình yêu đã đưa tôi trở về những năm của kinh nghiệm đó. Ông nói trong hai mươi phút chính điều chúng tôi phải mất sáu tháng mới học được.”
 

         Tôi nói: “Vấn đề không phải là các bạn học trong bao lâu mà là học giỏi tới mức nào. Hiển nhiên, các bạn đã học giỏi lắm.”
 

         Kính thưa quý thính giả,
 

         Pete chỉ là một trong nhiều người có ngôn ngữ yêu thương chính là truyền cảm bằng xúc giác. Về mặt tình cảm, họ khao khác người phối ngẫu đến vuốt ve và gần gũi với họ. Luồn bàn tay qua mớ tóc, xoa nhẹ lưng, cầm tay, ghì ôm, ân ái với nhau, tất cả đều là những “truyền cảm yêu thương”, đều là dây cứu sinh của người lấy sự truyền cảm bằng xúc giác làm ngôn ngữ yêu thương chính của mình. Xin hẹn quý thính giả trong tuần tới.
 

Dr. Gary Chapman
Nguồn: phatthanhhyvong.com