Đừng Hạ Thấp Chồng Của Bạn

Đừng Hạ Thấp Chồng Của Bạn
Kính thưa quý độc giả, Tuần qua chúng ta đã bước sang chương thứ 17 của quyển sách Yêu Thương Và Tôn Trọng của Tiến Sĩ Emerson Eggerichs với chương đề: THỨ BẬC—ĐÁNH GIÁ CAO AO ƯỚC BẢO VỆ VÀ CHU CẤP CỦA ANH ẤY.



                Kính thưa quý độc giả,

                Tuần qua chúng ta đã bước sang chương thứ 17 của quyển sách Yêu Thương Và Tôn Trọng của Tiến Sĩ Emerson Eggerichs với chương đề: THỨ BẬC—ĐÁNH GIÁ CAO AO ƯỚC BẢO VỆ VÀ CHU CẤP CỦA ANH ẤY.

                Tưởng cũng nên nhắc lại rằng trong chương 16, chúng ta đã đề cập ao ước sâu xa Đức Chúa Trời tạo dựng bên trong người nam là làm việc và thành đạt. Một ao ước khác Đức Chúa Trời tạo dựng bên trong người nam là bảo vệ, là chu cấp cho vợ con và, nếu cần thiết, chết thay cho họ. Ao ước bảo vệ và chu cấp này là một phần của tính chất một người nam. Tôi cũng đã trình bày về ý nghĩa đích thực của “thứ bậc phù hợp với Kinh Thánh” mà phân đoạn Ê-phê-sô 5:22-24 nhắc đến: “Hỡi kẻ làm vợ, phải vâng phục chồng mình như vâng phục Chúa, vì chồng là đầu vợ, khác nào Đấng Christ là đầu Hội Thánh, Hội Thánh là thân thể Ngài, và Ngài là Cứu Chúa của Hội Thánh. Ấy vậy, như Hội Thánh phục dưới Đấng Christ, thì đàn bà cũng phải phục dưới quyền chồng mình trong mọi sự.”

                Quả thật là qua nhiều thế kỷ, nam giới đã dùng Thánh Kinh trong những cách thức ngu dốt, lạm dụng, và thậm chí xấu xa. Họ đã bào chữa cho mọi loại đối xử kinh khiếp đối với nữ giới, tất cả đều nhân danh “Kinh Thánh nói như thế” bởi vì họ chỉ sử dụng vế đầu mà cố ý bỏ qua vế sau. Nhưng Kinh Thánh không nói như thế. Kinh Thánh nói một điều gì đó khác hẳn với những gì do những người theo chủ nghĩa sô-vanh khẳng định. Kinh Thánh cũng nói một điều gì đó khác hẳn với những gì những người theo thuyết nam nữ bình quyền ngụ ý.

                Ý nghĩa đích thực của “thứ bậc phù hợp với Kinh Thánh” đã được giải thích rõ ràng ở vế tiếp theo trong phân đoạn Kinh Thánh nêu trên, rằng người chồng được ban cho trách nhiệm lớn lao là yêu thương vợ mình giống y như Đấng Christ đã yêu Hội Thánh và phó chính mình Ngài vì Hội Thánh. Đó là lý do vì sao người chồng có thiện chí vốn am hiểu phân đoạn kinh thánh này xem việc bảo vệ vợ mình như là bổn phận của chính mình. Nó không phải là sự vượt trổi hơn của nam giới nhằm mục đích hạ thấp nữ giới bởi trách nhiệm của nam giới là đặt bản thân mình trên người nữ và bảo vệ cô ấy.

                Liệu khái niệm về thứ bậc phù hợp với Thánh Kinh sẽ dẫn đến sự lạm dụng hay chuyên quyền nào đó chăng? Liệu một người nam sẽ lợi dụng việc làm đầu của gia đình bằng cách hạ thấp, và thậm chí, cư xử tệ bạc với vợ và các con của mình chăng? Vâng, điều này có thể xảy ra, nhưng bởi vì nó có thể xảy ra không có nghĩa là một người nữ nên từ chối cho phép chồng mình là cái đầu. Nếu một người chồng có ác ý, sự bạc đãi dù sao chăng nữa cũng sẽ xảy ra, cho dù cấu trúc của gia đình như thế nào đi nữa. Bất cứ vai trò thứ bậc nào được ban cho anh ta đều không có liên hệ gì với sự lạm dụng hay ngược đãi. Người có ác ý luôn đối xử với những người quanh mình cách lạm dụng. Nếu một người nam có thiện chí, lòng tôn trọng của vợ anh ta và vị trí thứ bậc của anh sẽ không khiến anh lạm dụng, bởi vì điều đó không ở trong bản chất của anh. Anh ta sẽ không sử dụng vị trí làm “đầu” của gia đình chống lại những người anh ta sẽ phải yêu thương và bảo vệ.

PHAO-LÔ CHỐNG LẠI VĂN HÓA CỦA THỜI NAY

                Kính thưa quý độc giả,

                Trong Ê-phê-sô 5, Phao-lô đưa ra mối quan hệ hôn nhân lý tưởng, theo đó, người vợ vâng phục chồng mình và ở dưới sự che chở bảo vệ của chồng. Người chồng yêu thương vợ mình đến nỗi sẵn sàng chết thay cho cô. Việc lợi dụng người vợ, hạ bệ cô, hoặc đối xử với cô như một kẻ thấp kém hơn thuộc bất cứ loại nào là điều cuối cùng mà một người chồng sẽ từng mong muốn thực hiện. Hầu hết các bà vợ tôi đã từng tư vấn đều đồng ý với “bức tranh lý tưởng” này—đến một mức độ nào đó. Như một người vợ đã nói, “Tôi muốn anh ấy là đầu; Tôi thật muốn biết anh ấy quan tâm đến các nhu cầu của tôi.”

                Khi nói muốn chồng mình là cái đầu, đa số bà vợ hàm ý không quá nhiều, cũng không quá ít—mà là vừa đúng mực. Người vợ Tin Lành không hề ngần ngại trước sự dạy dỗ phù hợp với Thánh kinh; cô ấy chỉ do dự trước những thái cực mà một người chồng có thể hành xử. Cô ấy không muốn chồng thống trị mình, đồng thời, cô ấy cũng không muốn chồng phải lệ thuộc vào cô.

                Tuy nhiên, như thường lệ, những áp lực của nền văn hóa thế tục, nơi mà các gia đình Cơ Đốc đang sinh sống, lại thường gây ra sự lộn xộn và mâu thuẫn. Thông thường cả vợ lẫn chồng đều phải làm việc để có thể chi trả các hóa đơn. Trong nhiều trường hợp, người vợ kiếm được nhiều tiền y như người chồng và đôi khi còn nhiều hơn chồng nữa. Đây là điểm gây ra những suy nghĩ lệch lạc làm sứt mẻ trong hôn nhân. Nó cám dỗ cô ấy nghĩ rằng mình không đang được đối xử là “đủ bình đẳng.” Trong những gia đình có thu nhập gấp đôi, nhịp sống nhanh đến mức chóng mặt của thời đại ngày nay thật dễ dàng khiến người ta dần cho rằng khái niệm về quyền làm đầu của người chồng và sự vâng phục của người vợ bắt đầu lỗi thời, lạc hậu.

                Nan đề mà nhiều phụ nữ gặp ngày nay—kể cả những bà vợ Cơ Đốc—chính là họ muốn được đối xử giống như một bà hoàng, nhưng sâu xa trong lòng, các bà kháng cự lại việc đối xử với chồng mình giống như một vị vua. Các bà không sẵn lòng nhận thức rằng, tận sâu trong lòng người chồng là ước muốn trở thành người chu cấp và bảo vệ cho vợ con — anh ấy muốn là một chiếc dù che chở vốn sẵn sàng chết thay cho vợ mình nếu cần phải làm điều ấy.

                Khi chúng tôi kết hôn, Sarah biểu lộ nỗi lo sợ rằng chúng tôi sẽ có thể thiếu thốn về mặt tài chánh. Cô ấy được nuôi dưỡng bởi một người mẹ đơn thân và đã biết được việc thường xuyên thiếu thốn tiền bạc là như thế nào. Tôi đã nói với Sarah, “Anh chịu trách nhiệm. Anh sẽ chu cấp cho gia đình của chúng ta. Em không cần phải lo lắng gì cả đâu.” Cô ấy chia sẻ rằng điều này cất đi một gánh nặng trên vai cô, và cô không còn lo âu nữa. Cô chọn tin cậy tôi. Nếu cô ấy vẫn cứ tiếp tục nặng lòng và lo lắng, rồi cứ đi theo tôi mà hỏi, “Anh ơi, liệu chúng ta sẽ luôn có đủ tiền chi dùng không?” thì điều đó rất có thể sẽ làm cho tôi căng thẳng.

CÁCH ĐỂ HẠ THẤP MỘT NGƯỜI CHỒNG VỚI BẢY TỪ NGỮ

                   Kính thưa quý độc giả,

                Ao ước chu cấp cho vợ mình là một điều gì đó Đức Chúa Trời đặt để sâu bên trong tâm hồn tôi—và tâm hồn của những người nam khác, vì điều ấy rất quan trọng. Thú thật là nam giới rất nhạy cảm trước những lời nhận xét có tính chất làm bẽ mặt trong lãnh vực chu cấp cho gia đình. Sau khi Sarah và tôi vừa mới hoàn tất một cuộc Hội Thảo Yêu Thương và Tôn Trọng, thì có một cặp vợ chồng nọ đến gặp và kể cho chúng tôi một câu chuyện. Dường như họ vừa xây nhà mới, và một cặp vợ chồng khác ngỏ ý muốn đi thăm căn nhà ấy. Chủ nhân của căn nhà mới nói, “Dĩ nhiên rồi; mời ông bà cứ đi xem.” Chẳng bao lâu sau đó, họ đưa cặp vợ chồng kia đi thăm khắp căn nhà mới xây của mình. Đó là một căn nhà đẹp đẽ, đầy đủ mọi tiện nghi mà người ta có thể hình dung được — nào là những đồ trang trí nội thất đáng yêu, nào là những quầy bếp cẩn đá cẩm thạch trắng. Quả thật là họ không hề tiết kiệm chi phí.

                Khi đang xem nhà mới được nửa chừng, lúc mọi người đang bước xuống các bậc thang sau khi ngắm nhìn tất cả các phòng ngủ trên lầu và nhiều phòng tắm sát cạnh bên, người vợ trong cặp vợ chồng đang làm khách thăm nhà quay sang chồng mình và nói, “Anh cần có thêm một việc làm.” Cặp vợ chồng chủ nhà ngạc nhiên, sửng sốt bởi lời nhận định của người vợ kia. Cả hai người đều có thể thấy tinh thần của người chồng chùn xuống trước chính mắt họ. Chỉ vài phút sau đó cặp vợ chồng khách cáo tra về.

                Điều đáng buồn gấp bội về câu chuyện này chính là người vợ vốn đã có lời nhận định với chồng mình về việc cần có thêm một việc làm nữa có lẽ thậm chí đã không nhận thức được điều mình đã làm. Cô ta chỉ đang bình luận về vẻ nguy nga của ngôi nhà họ đi thăm và không hề nghĩ rằng điều cô nói sẽ chạm tự ái của chồng cô. Nhưng cô đã thực sự chạm tự ái của anh ấy bởi vì cô chỉ không hiểu chồng mình hay nhu cầu cần bày tỏ lòng tôn trọng đối với anh ấy. Một quy tắc không tệ chút nào mà một người vợ nên tuân theo, đó là hãy tự hỏi, Những gì mình sắp nói hay sắp làm sau đây sẽ có vẻ như tôn trọng hay thiếu tôn trọng đối với chồng mình?
 

Tiến sĩ Emerson Eggerichs
Nguồn: phatthanhhyvong.com