Kinh Lạy Cha - Bài 6
- Thứ tư - 05/08/2015 21:38
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Xin Tha Nợ Cho Chúng Con!
Quý vị còn nhớ ba điều Chúa bảo chúng ta cầu xin với Chúa khi cầu nguyện không? Ba điều đó liên quan đến nhu cầu vật chất, nhu cầu tâm linh và nhu cầu được bảo vệ. Đối với nhu cầu vật chất, Chúa bảo chúng ta cầu nguyện: “Xin cho chúng con hôm nay thức ăn đủ ngày.” Với nhu cầu tâm linh, Chúa dạy chúng ta cầu nguyện: “Xin tha tội cho chúng con như chúng con đã tha những người có lỗi với chúng con.”
Nhu cầu tâm linh là nhu cầu được tha tội. Tại sao được tha tội là nhu cầu quan trọng trong đời sống? Được tha tội là nhu cầu quan trọng trong đời sống vì điều quan trọng nhất trong đời sống là những mối tương giao. Sống là tương giao, là có mối quan hệ, chẳng những là tương giao giữa người với người nhưng cũng là tương giao giữa Tạo Hóa với tạo vật, giữa Đức Chúa Trời và loài người. Thiên Chúa tạo dựng con người để tương giao với con người nhưng tội lỗi đã cắt đứt mối tương giao đó vì Đức Chúa Trời thánh khiết không thể tương giao với con người tội lỗi. Mối tương giao giữa Đức Chúa Trời và con người chỉ có thể được nối lại khi vấn đề tội lỗi được giải quyết.
Khi cầu nguyện là chúng ta cầu nguyện với Đức Chúa Trời thánh khiết. Tội lỗi chúng ta cần phải được thanh tẩy chúng ta mới có thể diện kiến với Đức Chúa Trời thánh khiết. Được tha tội vì vậy là điều kiện tất yếu để có thể tương giao với Thiên Chúa Chí Cao, Đấng thánh khiết, không tội lỗi. Cầu nguyện xin Chúa tha tội cũng là để thường xuyên nhắc nhở chúng ta về nhu cầu được thanh tẩy hằng ngày. Thân xác nầy cần được tắm rửa mỗi ngày thể nào thì linh hồn chúng ta cũng cần được thanh tẩy mỗi ngày như vậy! Trong lời cầu nguyện, “Xin tha tội cho chúng con,” chữ “tội” trong nguyên văn là “nợ.” “Xin tha nợ cho chúng con.” Tội lỗi là món nợ con người phải trả và đây là món nợ ngàn đời con người chúng ta không bao giờ trả nổi! Chính Đức Chúa Trời đã trả món nợ đó cho chúng ta bằng một giá rất đắt. Giá đó là mạng sống của chính Con Đức Chúa Trời. Tội lỗi phải bị án phạt và bản án là cái chết cho nên Chúa Giê-xu phải mang bản án chết thay cho chúng ta để cứu chúng ta. Trọng tâm của Phúc Âm là ở đó: Chúa Giê-xu vô tội chết thay cho con người tội lỗi để đem chúng ta trở lại với Đức Chúa Trời, để tái lập mối tương giao Trời-người. Nhưng mối tương giao nầy chỉ được tái lập khi con người nhận mình là tội nhân và nhận rằng Chúa Giê-xu đã chịu chết thay cho tội của mình. Chỉ lúc đó chúng ta mới được tha tội và kinh nghiệm ơn cứu rỗi của Thiên Chúa.
Một vài năm trước tôi có nói với quý vị về một tấm thiệp Giáng Sinh trong đó có lời như sau: “Chúa đã đến để trả món nợ mà Ngài không mắc vì tôi mắc món nợ mà mình không thể trả.” Thật đúng như vậy. Chúng ta mắc món nợ tội lỗi ngàn đời không thể nào trả còn Chúa Giê-xu là Đấng vô tội đã bằng lòng gánh tội lỗi đó thay cho chúng ta. Chúa đã trả nợ, nhưng chúng ta phải tiếp nhận, nếu không việc Chúa trả nợ sẽ không có giá trị gì cho chúng ta cả. Quý vị là những người đã theo dõi câu chuyện Phúc Âm nầy hàng tuần hay mới nghe lần đầu hay thỉnh thoảng mới nghe. Dù quý vị là ai, là con người sinh ra trên trần gian nầy, chúng ta đều là tội nhân và cần ơn tha thứ của Thiên Chúa. Ơn tha thứ của Thiên Chúa đến với chúng ta qua cái chết thay thế của Chúa Giê-xu, chỉ cần lấy đức tin tiếp nhận, chúng ta sẽ kinh nghiệm ơn tha thứ đó. Khi tội lỗi được tha, mối tương giao giữa chúng ta với Thiên Chúa mới được tái lập và chúng ta mới kinh nghiệm một đời sống có ý nghĩa trên trần gian nầy và một bảo đảm cho đời sống vĩnh hằng trong Nước của Chúa. Không có mối tương giao đó, chúng ta không có Chúa trên trần gian nầy và sẽ đời đời trầm luân xa cách Chúa trong cả cõi vĩnh hằng. Ước mong quý vị nghe Phúc Âm hôm nay sẽ mở rộng tâm hồn để đón nhận ơn tha thứ và ơn cứu rỗi Chúa dành cho chúng ta. Quý vị có thể liên lạc với chúng tôi và cho chúng tôi biết quyết định của quý vị theo địa chỉ loan báo ở cuối chương trình.
Khi đã tin nhận Chúa và kinh nghiệm ơn tha thứ rồi, chúng ta vẫn tiếp tục sống trên trần gian nầy với nhiều tội lỗi, gian ác. Sống giữa dòng đời tội lỗi, chúng ta sẽ vẫn có những giây phút lỗi lầm và mắc tội với Chúa. Những lúc đó, chúng ta cũng cần ăn năn tội và xin Chúa tha thứ để mối tương giao giữa chúng ta với Chúa vẫn được tiếp nối. Lời Chúa hứa với chúng ta như sau:
Nếu chúng ta xưng tội mình thì Ngài là thành tín, công chính sẽ tha tội cho chúng ta và tẩy sạch chúng ta khỏi mọi điều bất chính (Thư I Giăng 1:9)
Đó chính là ý nghĩa của lời cầu nguyện: “Xin tha tội cho chúng con.” Cầu nguyện, “Xin tha tội cho chúng con” trước hết là công nhận mình là tội nhân trước mặt Chúa và tiếp nhận ơn cứu rỗi qua cái chết thay thế của Chúa Giê-xu. Đó là bước thứ nhất. Bước thứ hai là tiếp tục cầu nguyện “Xin tha tội cho chúng con” khi chúng ta sống mỗi ngày trên trần gian tội lỗi và cần ơn tha thứ của Chúa để giữ mối tương giao giữa chúng ta với Chúa luôn được tốt đẹp. Ước mong quý vị đã cầu nguyện “Xin tha tội cho chúng con như vậy” và sống đúng với điều mình tin tưởng và cầu xin.
Trong lời cầu nguyện, “Xin tha tội cho chúng con,” Chúa Giê-xu bảo chúng ta cầu nguyện thêm câu sau đây: “Như chúng con đã tha những người có lỗi với chúng con.” Lời cầu nguyện nầy cho thấy cầu nguyện chẳng những là mối quan hệ chiều đứng giữa chúng ta với Thiên Chúa nhưng cũng là mối quan hệ chiều ngang, giữa chúng ta với đồng loại. Đây không phải là lời cầu nguyện trả giá, nghĩa là không phải chúng ta có tha thứ cho người khác Chúa mới tha thứ cho chúng ta, không phải như vậy. Lời cầu nguyện “Xin tha tội cho chúng con như chúng con đã tha những người có lỗi với chúng con” hàm ý rằng chính bản thân mình tội lỗi bao nhiêu mà Chúa đã tha thứ thì chúng ta cũng phải sẵn sàng tha thứ cho những người có lỗi với mình. Lời cầu nguyện nầy cũng hàm ý rằng không tha thứ cho người khác chứng tỏ chúng ta chưa thật sự kinh nghiệm ơn tha thứ của Chúa vì không một người nào được Chúa tha thứ rồi mà lại không nhìn thấy con người tội lỗi của mình để rồi sẵn sàng tha thứ cho người khác bởi vì tội lỗi của mình quá lớn so với những lỗi lầm quá nhỏ của người khác đối với mình.
Kinh Thánh dạy:
Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Chúa Cứu Thế (Thư Ê-phê-sô 4:32)
“Tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em” đó phải là tâm niệm của chúng ta mỗi ngày trong mối tương quan giữa chúng ta với mọi người.
Sau nhu cầu vật chất, Chúa bảo chúng ta cầu xin ơn tha thứ của Chúa. Ơn tha thứ để được nối lại mối tương giao với Chúa và sống đời sống trong sạch mỗi ngày. Đây cũng là ơn tha thứ để chúng ta sẵn sàng tha thứ cho người khác khi họ có lỗi với chúng ta. Ước mong mỗi chúng ta sẽ cầu nguyện, “Xin tha tội cho chúng con như chúng con đã tha những người có lỗi với chúng con” và sống với lời cầu nguyện nầy để được giải hòa với Chúa và sống hài hòa với người chung quanh mỗi ngày.
Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành