Thái Độ Biết Ơn

Thái Độ Biết Ơn
Kính thưa quý độc giả, Thái độ kêu ca phàn nàn luôn đưa đến những hậu quả tai hại. Quy luật bất biến của Thiên Chúa là “hễ ai ưa phàn nán oán trách thì đời sống sẽ cằn cỗi, khô hạn như trong sa mạc”.





                 Kính thưa quý độc giả,

                 Thái độ kêu ca phàn nàn luôn đưa đến những hậu quả tai hại. Quy luật bất biến của Thiên Chúa là “hễ ai ưa phàn nán oán trách thì đời sống sẽ cằn cỗi, khô hạn như trong sa mạc”.

                 Ngược với thái độ kêu ca phàn nàn là thái độ biết ơn. Sách Lu-ca chương 17 trong Kinh Thánh có chép lại một câu chuyện như thế này:

                 “Một ngày kia, Chúa Giê-xu đang lên Giê-ru-sa-lem, đi ngang qua Sa-ma-ri và Ga-li-lê. Khi vào làng kia, có mười người phung đón Ngài, đứng đằng xa, cất tiếng nói rằng: “Giê-xu ơi, hỡi thầy, xin thương xót chúng tôi cùng.” Khi Ngài thấy họ, liền phán rằng: “Hãy đi, tỏ mình cùng thầy tế lễ.”

                 Số vào thời Chúa Giê-xu, tức là khoảng 2000 năm trước, trong xã hội Do-thái lúc bấy giờ, những người mắc bệnh phung cùi bị xem là ô uế và phải sống cách ly với gia đình và xã hội. Họ chỉ được trở lại hội nhập với xã hội bình thường chỉ khi nào được các thầy tế lễ Do-thái xem xét và chứng nhận là đã được sạch bệnh phung cùi.

                 Khi mười người phung thấy Chúa Giê-xu thì khẩn thiết cầu xin được chữa sạch bệnh, thì Ngài liền bảo họ đến gặp thầy tế lễ để được chứng nhận là mình đã được sạch phung.

                 Kinh Thánh kể tiếp:

                 “Xảy khi họ đang đi thì được sạch. Có một người trong bọn họ thấy mình được chữa lành, bèn trở lại, lớn tiếng tôn vinh Đức Chúa Trời, sấp mặt xuống nơi chân Giê-xu mà cảm tạ Ngài. Vả, người đó là người Sa-ma-ri.”

                 Trong câu chuyện được kể lại, Chúa Giê-xu làm phép lạ chữa lành cho mười người phung, nhưng duy chỉ có một người biết ơn Trời, trở lại để cảm tạ người đã cứu mình, còn chín người kia không hề quay lại để nói một lời cảm ơn. Câu chuyện nói lên một thực trạng đau buồn của xã hội ngày nay rằng những người có thái độ biết ơn Trời và biết ơn ân nhân của mình chỉ là một thiểu số nhỏ bé, với tỷ lệ một phần mười mà thôi.

                 Câu chuyện cũng nói lên thái độ biết ơn là một lựa chọn có tính cá nhân, vì cả mười người được chữa lành như nhau, nhưng chỉ duy một người lựa chọn quay lại để bày tỏ lòng biết ơn.

                 Hơn nữa, người tỏ lòng biết ơn trong câu chuyện được ghi lại là người Sa-ma-ri. Số là người Do-thái gốc rất khinh dễ và không muốn giao thiệp với người Sa-ma-ri là những người tạp chủng giữa Do-thái và sắc dân ngoại bang, do vậy người Sa-ma-ri thường kiếm cách tránh né người Do-thái. Tuy vậy, người Sa-ma-ri trong câu chuyện, vì lòng biết ơn sâu xa đến nỗi đã vượt qua những hàng rào định kiến, quay trở lại tìm Chúa Giê-xu vốn là người Do-thái, để rồi không chỉ đơn thuần nói lời cảm ơn, nhưng đã “sấp mặt nơi chân Chúa Giê-xu mà cảm tạ Ngài”.

                 Mà thật vậy, thái độ biết ơn không phải là những lời nói suông “cảm ơn” hay “thank you” mà đôi khi chúng ta nói gần như là “tự động”, rất “máy móc” trong những giao tiếp mỗi ngày.

                 Thái độ biết ơn là khi một người trân quý trong lòng về một hành vi tử tế hay một cử chỉ tốt bụng mà mình vừa nhận được.

                 Thái độ biết ơn gây ảnh hưởng thật sâu đậm và to lớn trên đời sống của một người, khiến thay đổi cả tương lai của người đó.

                 Tạp chí “Mind and Body” (tạm dịch là “Tinh Thần và Thể Xác”) tại Hoa Kỳ vừa làm một cuộc thăm dò với đề tài “Hai Mươi Cách Thức Để Thấy Bình Tĩnh Hơn, Vui Vẻ Hơn và Khỏe Mạnh Hơn”, công bố cách thức đi đầu hơn hết là “biết ơn về mọi điều tốt lành trong cuộc sống”.

                 Các cuộc nghiên cứu của các trường đại học như Duke hay Columbia, tại Hoa Kỳ cho thấy những người thường xuyên đi nhà thờ, sống biết ơn Trời, thì thấy đỡ căng thẳng trong vấn đề tiền bạc, sức khỏe; áp huyết thấp hơn người khác; nếu có bệnh tật hay phải trải qua một cơn giải phẫu, thường bình phục mau chóng hơn. Những người sống với tấm lòng biết ơn Đấng Tạo Hóa thường tránh được nạn trầm cảm, ít bị rơi vào tình trạng rượu chè hút sách, ít phạm pháp, có đời sống hôn nhân hạnh phúc và sống được lâu dài hơn.

                 Bên cạnh lợi ích sức khỏe và tinh thần, thái độ biết ơn làm thay đổi lối sống và mục đích sống của một người. Thái độ biết ơn thúc đẩy một người một cách tự nhiên, khiến người đó ao ước được làm hơn cả bổn phận quy định cho mình, để làm sao có thể bộc lộ ra bên ngoài tấm lòng cảm kích ở bên trong.

                 Người viết bài này nhận xét, trong công việc của nhà thờ hay hội thánh, những người biết ơn Thiên Chúa thật sâu đậm, thường tình nguyện làm việc vượt quá bổn phận mà luật lệ hay tôn giáo quy định cho họ, như trong thuật ngữ của hội thánh là “vừa muốn vừa làm”, vì họ được thúc đẩy từ tấm lòng cảm kích bên trong.

                 Kính thưa quý độc giả,

                 Trở lại với câu chuyện mười người phung cùi, mặc dầu mười người được Chúa Giê-xu chữa lành, nhưng chỉ có một người quay trở lại để cảm tạ Ngài. Khi thấy chỉ một người quay trở lại, Chúa Giê-xu liền hỏi: “Há không phải mười người đều được sạch sao?” Thực ra, Chúa Giê-xu cố tình hỏi để chỉ ra một tình trạng đau lòng, đó là thái độ vô ơn đang chiếm đa số, khi Ngài nói tiếp: “Chín người kia ở đâu? Trừ người ngoại tộc nầy ra, há không còn ai khác nữa trở lại tôn vinh Đức Chúa Trời ư?” (Lu-ca 17:17-18)

                 Rồi Chúa Giê-xu nói với người duy nhất đã quay trở lại để cám ơn Ngài rằng: “Hãy đứng dậy mà đi; đức tin ngươi đã cứu ngươi.” (Lu-ca 17:19)

                 Qua câu chuyện, chúng ta thấy Chúa Cứu Thế Giê-xu, hay chính là Thiên Chúa Ngôi Hai trong thân xác con người, rất để ý và rất quan tâm về thái độ biết ơn của ơn của bạn và tôi. Ngài trở nên đau đớn và quặn thắt khi thấy chín người vô ơn, nhưng Ngài cũng tỏ ra vui mừng, để ban thêm nhiều phước hạnh cho một người có tấm lòng biết ơn.

                 Khi Chúa Giê-xu nói với người Sa-ma-ri quay trở lại rằng: “đức tin ngươi đã cứu ngươi”, thì điều này có nghĩa gì?

                 Vì tấm lòng cảm kích và biết ơn, mà người Sa-ma-ri đã nhận ra rằng, ân nhân của mình chính là Thiên Chúa, vì chỉ duy Thiên Chúa mới có thẩm quyền siêu cao như vậy, có thể chữa bệnh phung ngay tức thì chỉ qua một lời phán. Thái độ biết ơn của người Sa-ma-ri đã khiến anh nhận ra con người Giê-xu chính là Thiên Chúa trong thân xác của một con người, như câu chuyện có chép “Có một người trong bọn họ thấy mình được chữa lành, bèn trở lại, lớn tiếng tôn vinh Đức Chúa Trời, sấp mặt xuống nơi chân Giê-xu mà cảm tạ Ngài”.

                 Do đức tin nơi Chúa Giê-xu chính là Thiên Chúa trong thân xác con người, mà người Sa-ma-ri biết ơn này còn được cứu về phần tâm linh nữa, tức là được Thiên Chúa tha thứ cho mọi tội lỗi và được hưởng nước thiên đàng phước hạnh đời đời trong nơi vĩnh cửu. Chín người vô ơn kia, dầu được sạch bệnh phung, nhưng còn vấn vương mãi món nợ tội với Đấng Tạo Hóa, do vậy sau khi qua đời, sẽ đi vào nơi xa cách đời đời với nguồn phước hạnh. Chỉ duy một người biết ơn, không những được sạch phung, mà còn được sạch tội, do vậy được nhận thêm món quà vô giá, là sự sống sung mãn bất tận nơi thiên đường mai sau.

                 Trong khi thái độ biết ơn là mãnh đất màu mỡ để cho hạt giống niềm tin, khi gieo vào sẽ nẩy mầm và trở nên kết quả, thì ngược lại, lòng vô ơn khiến một người mù lòa trước sự hiện hữu của Đấng Tạo Hóa, đưa đến thái độ chối bỏ tình thương và món quà cứu rỗi của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Có thể nói, thái độ bất tin kính vào Thượng Đế của dòng nhân loại ngày nay, bất chấp bao bằng chứng hiển nhiên trong thiên nhiên và trong lịch sử, là xuất phát từ thái độ vô ơn, như sứ đồ Phao-lô có khẳng định: “Từ khi sáng tạo trời đất, những đặc tính vô hình của Thượng Đế - tức là quyền năng vô tận và bản tính thần linh - đã hiển nhiên trước mắt mọi người, ai cũng có thể nhận thấy nhờ những vật hữu hình, nên họ không còn lý do chữa tội. Dù biết Thượng Đế nhưng họ chẳng tôn vinh hay tri ân Ngài” (Rô-ma 1:20-21).

                 Thế mới biết thái độ biết ơn không chỉ giúp một người sống vui, sống khỏe mạnh, sống tràn đầy ý nghĩa trong cuộc đời trước mặt, nhưng còn chuẩn bị trong tấm lòng người đó một mãnh đất màu mỡ, sẵn sàng cho hạt giống niềm tin vào Thượng Đế, để rồi khi cơ hội đến, người đó có thể đón nhận món quà cứu rỗi vô giá nữa vào trong đời sống nữa.

                 Quý độc giả thân mến,

                 Có ba mức độ biết ơn.

                 Mức độ sơ cấp đầu tiên là tập thói quen biết dâng lên lời cảm tạ khi nhận được một phước hạnh, một niềm vui, một sự an ủi nào, như Kinh Thánh có khuyên bày: “chúng ta hãy luôn luôn dâng lên Thượng Đế sinh tế của chúng ta bằng lời ca ngợi từ môi miệng xưng danh Ngài” (Hê-bơ-rơ 13:15). Tuy đây là bước khởi đầu sơ cấp, nhưng vô cùng quan trọng, vì khi làm được như vậy, bạn và tôi tự tách mình ra khỏi 90% số người đang sống vô ơn và gia nhập vào 10% số người biết cảm kích và trân quý những ơn phước tốt lành đến từ trên cao.

                 Mức độ trung cấp tiếp theo, như sứ đồ Phao-lô có nhắn nhủ: “Dù trong hoàn cảnh nào cũng hãy dâng lời tạ ơn” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:18). Điều này có nghĩa là, bạn và tôi không chỉ tạ ơn Thiên Chúa trong thuận cảnh, nhưng trong nghịch cảnh, cũng vẫn có thể tìm thấy một điều tốt, một điều lành, một phương diện tích cực để tạ ơn. Khi làm được như vậy, bạn và tôi có thể tránh được thái độ hay phàn nàn oán trách than thở trước những nan đề lớn nhỏ mỗi ngày.

                 Matthew Henry là một học giả Kinh Thánh lừng danh vào đầu thế kỷ 18. Một ngày kia, ông bị bọn cướp trấn lột và đêm hôm đó, Henry đã ghi xuống cuốn nhật ký của ông như sau:

                 Hãy để cho lòng ta cảm tạ ơn Thượng Đế.

                 Thứ nhất, bởi vì cho đến bây giờ ta mới bị ăn cướp; trước đây ta chưa bao giờ bị bọn cướp đón đường cả.

                 Thứ nhì, bởi vì mặc dầu bọn chúng cướp cái ví tiền, nhưng chúng nó không cướp mất mạng sống của ta.

                 Thứ ba, bởi vì mặc dầu chúng nó cướp sạch những gì ta có trên người lúc đó, nhưng cũng chẳng đáng giá là bao.

                 Thứ tư, ta là người bị cướp, chứ ta không phải là quân đi ăn cướp.

                 Mức độ cao cấp của lòng biết ơn là học biết cảm tạ ơn Thiên Chúa vì mọi hoàn cảnh nữa, như sứ đồ Phao-lô có nói: “Hãy luôn luôn cảm tạ Thượng Đế, Cha chúng ta về mọi điều” (Ê-phê-sô 5:20). Điều này có nghĩa là, bạn và tôi phải tin tưởng trọn vẹn vào tình yêu tuyệt đối, phải biết phó thác trọn vẹn vào chương trình tốt lành lâu dài của Thiên Chúa, đến nỗi có thể ca ngợi Ngài về nghịch cảnh trước mắt mà mình đang phải hứng chịu.

                 Chúa Cứu Thế Giê-xu, hay chính là Con Thượng Đế trong thân xác một con người, đã nêu một tấm gương trọn vẹn về lòng biết ơn, vì Ngài đã từng cảm ơn về nghịch cảnh đau thương mà Ngài phải gánh chịu và đương đầu.

                 Trong đêm khi Chúa Giê-xu sắp bị một môn đệ phản trắc dẫn lính tới bắt, để rồi họ cùng nhau xử án và cuối cùng đóng đinh Ngài trên cây thập tự, Ngài đã dự một bữa ăn với các môn đồ. Sứ đồ Ma-thi-ơ đã ký thuật lại buổi ăn tối cuối cùng đó như sau:

                 “Khi đang ăn, Chúa Giê-xu lấy bánh, cảm tạ Thượng Đế rồi bẻ ra chia cho các môn đệ. Ngài dạy: “Đây là thân thể Ta, các con hãy lấy ăn!” Chúa cũng rót nước nho, cảm tạ rồi đưa cho các môn đệ: “Các con hãy uống vì đây là máu Ta, máu đổ ra cho nhiều người được tha tội, ấn chứng Giao ước mới giữa Thượng Đế và nhân loại” (Ma-thi-ơ 25:26-28)

                 Qua lời ký thuật, chúng ta thấy khi Chúa Cứu Thế Giê-xu lấy bánh, Ngài cảm tạ Chúa Cha trước khi bẻ ra để chia cho các môn đệ, mặc dầu Ngài biết rằng thân thể của mình cũng sắp sửa bị đòn roi đánh đập tàn nhẫn khiến vỡ tan ra như chiếc bánh này. Khi Ngài rót nước nho, một lần nữa, Ngài lại dâng lời cảm tạ, mặc dầu biết rằng, mình sẽ bị đóng đinh trên cây thập tự, thân bị giáo đâm, máu huyết tuôn tràn như dòng nước nho này. Chúa Giê-xu vẫn dâng lời cảm tạ về nghịch cảnh khốn cùng đau thương, về thập hình dã man mà Ngài sắp sửa gánh chịu, vì Ngài thấy được chương trình tốt đẹp đời đời của Chúa Cha; đó là qua thân thể vỡ tan, qua dòng huyết vô tội tuôn đổ của Ngài, mà nhiều người khi tin vào sự chết thế, đền nợ tội thay của Ngài, sẽ được Thiên Chúa thứ tha và ban cho sự sống đời đời.

                 Ước mong qua bằng chứng tình yêu của Con Một Thiên Chúa, quý vị vào tôi từ bỏ được thái độ kêu ca phàn nàn, hay nghi ngờ trách móc về sự chăm sóc của Thiên Chúa, và thay vào đó là thái độ biết ơn, vững lòng tin về sự nhân từ của Ngài, để rồi những phước hạnh tuyệt vời từ trên cao cứ mãi tuôn tràn trong đời sống của mỗi chúng ta, từ nay đến cho đến muôn đời.

                 Thân chào quý vị và các bạn.

 

Tùng Tri
Nguồn: phatthanhhyvong.com