09:11 EDT Thứ bảy, 27/04/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 90

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 89


Hôm nayHôm nay : 14668

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 263242

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 22992649

Trang nhất » Dưỡng linh » Học Kinh Thánh hằng ngày

Bài Mới

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

“Nhưng, hỡi anh em, xin anh em hãy răn bảo những kẻ ăn ở bậy bạ, yên ủi những kẻ ngã lòng, nâng đỡ những kẻ yếu đuối, phải nhịn nhục đối với mọi người. Hãy giữ, đừng có ai lấy ác báo ác cho kẻ khác; nhưng hãy tìm điều thiện luôn luôn, hoặc trong vòng anh em, hoặc đối với thiên hạ” (câu 14-15).

Xem tiếp...

Đấng Công Chính

Chủ nhật - 24/03/2024 00:15
Đấng Công Chính

Đấng Công Chính

“Có một Đấng công bình xem xét kỹ càng nhà kẻ ác; Đấng ấy xô những kẻ ác vào tai họa” (câu 12 BTT).


Đấng Công Chính 

Châm Ngôn 21:10-12

            “Có một Đấng công bình xem xét kỹ càng nhà kẻ ác; Đấng ấy xô những kẻ ác vào tai họa” (câu 12 BTT).

            “Đấng Công Chính quan sát nhà kẻ ác; Ngài ném kẻ ác vào tai họa” (câu 12 BDM).

            Câu hỏi suy ngẫm: Những kẻ ác có lối sống ra sao? Sự giáo dục có vai trò thế nào? Đấng Công Chính là ai? Bạn chuẩn bị nếp sống thế nào cho ngày phán xét sau cùng?

            Châm Ngôn 21:10-12 nhấn mạnh Đấng Công Chính sẽ đoán phạt kẻ ác. Lòng kẻ ác như đồng tiền hai mặt: mặt trái là nếp sống trong lòng luôn ao ước hay khao khát làm điều ác, thích gây đau khổ và tai họa cho người khác, và mặt còn lại là nếp sống bề ngoài luôn hà khắc với người lân cận. Cụm từ “ao ước điều ác” (câu 10) ám chỉ niềm đam mê, thèm muốn làm điều ác, khi chưa thể làm điều ác thì chúng ăn không ngon, ngủ không yên (Châm Ngôn 4:16-17). Thay vì giúp đỡ người lân cận, láng giềng, chúng lại hành hạ, lấy làm vui thích khi nhìn thấy sự đau khổ của người khác.

            Trong câu 11, Vua Sa-lô-môn nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục. Đầu tiên, khi kẻ nhạo báng chịu hình phạt, chúng sẽ thấy được mối liên hệ giữa tội ác và hình phạt (Châm Ngôn 19:25). Theo ý ông, nhờ giáo dục đúng đắn, người khờ dại có cơ hội suy nghĩ lại sau khi chịu hình phạt, biết được đâu là điều thiện nên làm và đâu là điều ác phải tránh, nhờ đó sẽ trở nên khôn ngoan. Còn người khôn cũng nhờ được giáo huấn, tri thức càng tăng thêm.

            Theo luật công bằng, tội lỗi phải chịu hình phạt. Dù kẻ ác có tránh được sự kết tội của pháp luật đời này, chúng cũng không thể thoát khỏi hình phạt của Đấng Công Chính (câu 12). Trong nguyên ngữ, từ Đấng Công Chính có nguồn gốc từ chữ saddiq, tức là Đấng gây ra sự hủy diệt, là Đức Giê-hô-va. Đấng Công Chính luôn bảo vệ lợi ích tốt nhất cho cộng đồng và thanh tẩy dân Chúa bằng cách xem xét kỹ càng nhà kẻ ác và loại bỏ chúng.

            Trong ngày phán xét sau cùng, Đức Chúa Trời sẽ chia người công bình và người gian ác thành hai nhóm. Những người có lòng thương yêu giúp đỡ người lân cận, được Chúa kể là công bình. Còn người hà khắc, không quan tâm đến người lân cận sẽ bị rủa và chịu hình phạt (Ma-thi-ơ 25:31-46). Chúa Giê-xu kết luận: “Những kẻ này (kẻ ác) sẽ vào hình phạt đời đời, còn những người công bình sẽ vào sự sống đời đời.” Xin Chúa nhắc nhở mỗi chúng ta biết tránh xa tội lỗi và ăn năn ngay khi phạm tội, hết lòng sống kính sợ Chúa để trở nên khôn ngoan. Cơ Đốc nhân phải sống công chính qua việc bày tỏ tình yêu thương, lòng thương xót đối với người lân cận như Chúa đã yêu và thương xót chúng ta. Hãy hướng tâm lên, chuẩn bị ra mắt Chúa trong ngày phán xét sau cùng, và tận hưởng Nước Thiên đàng Ngài sắm sẵn cho những ai tin nhận Ngài và sống đời công chính giống Chúa.

            Có những việc làm nào sai trái, thiếu công bằng, thiếu yêu thương bạn cần thay đổi không?

            Kính lạy Chúa là Đấng Công Chính, xin tha thứ những lỗi lầm của con và xin giúp con đi trên đường ngay nẻo thẳng của Chúa. Xin cho con biết bày tỏ sự công chính của Chúa qua cách cư xử với mọi người. Nhân danh Đức Chúa Giê-xu Christ, Amen!
 

Nguồn: httlvn.org


Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn