23:29 EDT Chủ nhật, 05/05/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 61

Thành viên online : 1

Máy chủ tìm kiếm : 3

Khách viếng thăm : 57


Hôm nayHôm nay : 11069

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 52358

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23061391

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Kỷ Niệm Tuổi Thơ

Thứ tư - 14/09/2016 21:16
Kỷ Niệm Tuổi Thơ

Kỷ Niệm Tuổi Thơ

Kính thưa quý độc giả, Mùa Trung Thu lại một nữa về với chúng ta, gợi nhớ bao kỷ niệm êm đềm của thời thơ ấu. “Tết Trung Thu rước đèn đi chơi, Em rước đèn đi khắp phố phường, Lòng vui sướng với đèn trong tay, Em múa ca dưới ánh trăng rằm”



                 

                 Kính thưa quý độc giả,

                 Mùa Trung Thu lại một nữa về với chúng ta, gợi nhớ bao kỷ niệm êm đềm của thời thơ ấu.

                 “Tết Trung Thu rước đèn đi chơi,
                 Em rước đèn đi khắp phố phường,
                 Lòng vui sướng với đèn trong tay,
                 Em múa ca dưới ánh trăng rằm”

                 Mùa Trung Thu thuở nào, khi còn ở quê nhà, khi những cửa tiệm chưng bày những hộp bánh trung thu thật đẹp, với những cái bánh nướng, bánh dẻo thật ngon, nhưng cũng thật đắt tiền, cả năm mới lũ con nít chúng tôi mới được dịp ăn có một lần. Nhưng điều cuốn hút tôi nhất là những cửa tiệm cũng chưng bày thật nhiều lồng đèn, đủ các màu sắc, đủ các hình dạng, từ những cái đèn giấy xếp hình ống đơn sơ, cho đến những cái đèn hình ngôi sao, hình bươm bướm, rồi những chiếc đèn kéo quân quay vòng vòng, gợi cho tôi không biết bao nhiêu tò mò và thích thú.

                 Dĩ nhiên là đứa con nít nào cũng năn nỉ để xin ba mẹ mua cho mình một chiếc lồng đèn thật đẹp theo lòng ham thích của mình. Sau nhiều ngày hồi hộp và chờ đợi, thì đêm trung thu đã đến. Sau khi ăn tối xong thật sớm, lũ con nít trong xóm kéo túa nhau ra đường, đốt ngọn đèn cầy bé xíu, gắn vào cái lồng đèn. Các ánh đèn lung linh sắc đỏ, sắc vàng, sắc xanh, sắc tím, trộn lẫn và phản chiếu trên các khuôn mặt trẻ thơ đầy hồn nhiên và vui sướng. Đêm trung thu bỗng nên trở nên thật đẹp, thật thơ mộng, với muôn lồng đèn lấp lánh trong cả xóm, trong cả con đường, hòa với tiếng hát, với nụ cười rạng rỡ của các em nhỏ.

                 Trung thu đem lại bao nhiêu kỷ niệm êm đềm của thời thơ ấu, xây dựng nên trong tôi những suy nghĩ đẹp đẽ về gia đình, về chòm xóm, về bạn hữu và về quê hương. Điều này cũng đúng như các nhà tâm lý cho biết, kỷ niệm thời thơ ấu có một tầm ảnh hưởng to lớn trên một người như thế nào. Những kỷ niệm tuổi thơ hình thành nếp sống mỗi ngày của một người trưởng thành.

                 Mà thật vậy, những nỗi lo sợ lớn nhất của một người trưởng thành đến từ những lo sợ trong thời thơ ấu. Những bất an của một người đã lớn tuổi cũng xuất phát từ những âu lo của thuở nhỏ. Những hy vọng và những ước mơ đeo đuổi trong suốt một đời người cũng được hình thành từ những ham thích của thời tuổi thơ. Cái nhìn về chính mình, cái nhìn về những người chung quanh như thể nào, đều bắt nguồn từ những kỷ niệm của những năm tháng đầu đời.

                 Những kỷ niệm tuổi thơ, những điều đã xảy ra, những điều đã nhận được thời còn thơ, sẽ vĩnh viễn để lại những ấn tượng sâu sắc, xây dựng nên cá tính, ước muốn cũng như ảnh hưởng trên tương lai lâu dài của một người. Do vậy, mà tục ngữ có khuyên rằng: “Dạy con từ thuở còn thơ” và Kinh Thánh, sách Châm Ngôn 22:6 có hướng dẫn:

                 “Hãy huấn luyện trẻ thơ con đường chúng nên theo, để khi về già chúng cũng không đi lạc”

                 Quý độc giả thân mến,

                 Sau khi đã định cư tại Úc trong nhiều năm, hình ảnh của những đêm trung thu giờ đây chỉ còn sống trong những kỷ niệm. Sống tại nước ngoài, với văn hóa khác biệt, với thời khóa biểu thật bận rộn, cả cha mẹ lẫn con cái, chẳng mấy ai còn có thời giờ để ý đến trung thu. Nếu có chăng thì chỉ vì các cửa tiệm Á châu có bày bán bánh trung thu khiến tôi sực nhớ là mùa trung thu đã đến và thông thường là chỉ mua bánh về ăn để uống trà, để rồi kể lại cho con cái nghe về những kỷ niệm trung thu của chính mình.

                 Các con tôi, mặc dầu sống ở nước ngoài, nhưng rất thích đồ ăn Việt Nam và cũng thích ăn bánh nướng, bánh dẻo của mùa trung thu nữa. Có một vài lần, nhà thờ chúng tôi có tổ chức đêm trung thu, làm lồng đèn cho các em, rồi cho chúng rước đèn chung quanh khuôn viên nhà thờ, tập cho chúng nó các bài hát trung thu quen thuộc. Tuy chỉ được rước đèn, ăn bánh và hát các bài hát trung thu có một vài lần, nhưng những kỷ niệm tuyệt đẹp này vẫn cứ in mãi thật sâu sắc trong tâm trí các con tôi. Mặc dầu sống giữa một thế giới với các đồ chơi điện tử, nhưng một vài lần rước đèn trung thu cũng khiến chúng nhớ mãi những chiếc lồng đèn thủ công làm bằng giấy kiếng. Mặc dầu chúng quen tiếng Anh hơn tiếng Việt, nhưng một vài lần được thưởng thức không khí trung thu, khiến chúng còn nhớ mãi bài hát “Rước Đèn Tháng Tám” cho đến nay. Thế mới biết sức mạnh của những kỷ niệm thời thơ ấu thật là sâu đậm đến dường nào.

                 Sống trong một xã hội quá sức bận rộn như thế này, tôi thật tình ước ao có được những đêm trung thu thật êm đềm như ngày nào, thảnh thơi và an bình dưới ánh trăng, để cha mẹ con cái sum họp vui vầy bên nhau, bên những chiếc lồng đèn với hương vị của mùa trung thu. Những đêm trung thu như vậy bắt buộc cha mẹ phải tạm chấm dứt những cuộc chạy đua, để dành thời giờ cho con, để đem cho chúng nó những kỷ niệm đẹp thời thơ ấu, và những kỷ niệm này sẽ trở nên những hành trang quý giá cho cuộc đời của chúng mai sau.

                 Khi qua tới nước ngoài, ai ai cũng tất bật cho công ăn việc làm. Đa số các bậc cha mẹ nghĩ rằng, mình phải ráng ra sức làm việc, để có nhiều tài chánh, hầu có nhiều phương tiện để lo việc học hành, cho cuộc đời tương lai cho con cái. Các bậc cha mẹ này nghĩ rằng, khi con cái mình thấy mình bận rộn làm việc để lo cho gia đình, để lo cho chúng nó ăn học, thì tự nhiên chúng nó sẽ thấy sự hy sinh, thấy được tình thương mà mình cho chúng nó. Nhưng trong thực tế, con cái chúng ta thấy gì và nghĩ gì?

                 Dưới cái nhìn của con trẻ, cha mẹ chỉ mải mê làm việc mà không có thời giờ để quan tâm, để thăm hỏi gì đến chúng. Trong một cuộc thăm dò gần đây trong các em thiếu niên, một em đã trả lời như vầy:

                 “Con hình như lúc nào cũng sống trong những trận chiến. Nhìn bên ngoài, thì đó là việc liên quan đến việc ở trường, như các bạn có thích mình không, rồi bài vở, nhưng bên trong nội tâm, đó là con luôn luôn tự hỏi trên đời này, có ai cảm thông hay hiểu con không. Con không làm sao diễn tả được tấm lòng đau khổ của con khi muốn được cha mẹ để ý, quan tâm đến để hiểu con hay để cảm thông với con. Con nghĩ rằng chắc là cha mẹ có muốn để ý đến con, nhưng mà sao không phải là như vậy. Cha mẹ hình như đã quá xa lơ xa lắc với cái tuổi thiếu niên nên không còn nhớ là tụi con đang suy nghĩ gì. Do vậy, tụi con phải tự suy nghĩ và kiếm cách xoay sở một mình, và điều này thật buồn mà cũng thật đáng sợ nữa”.

                 Kính thưa quý độc giả,

                 Các cuộc thăm dò gần đây trong giới trẻ đã khiến các bậc phụ huynh vô cùng kinh ngạc. Từ hồi nào đến giờ, các bậc cha mẹ nghĩ rằng mình đã chu toàn bổn phận, đem lại sự ấm no cho gia đình, tạo nên các phương tiện tài chánh để giúp con cái có điều kiện học thêm, hầu mở rộng cánh cửa tương lai cho chúng. Nhưng giống như một người tình đơn phương, chúng ta yêu con cái chúng ta thật nhiều, hy sinh cho chúng nó cũng thật lớn lao, nhưng con cái vẫn không nhận ra tình yêu mà chúng ta dành cho chúng nó.

                 Thật vậy, chúng ta thành công trong việc chu cấp cho con cái các phương tiện vật chất, nhưng lại thất bại trong việc bày tỏ tình thương của mình đến với con. Tình thương chúng ta dành cho con vẫn tràn đầy, nhưng lại không được bày tỏ một cách rõ ràng theo như cái nhìn hay theo như ngôn ngữ của con trẻ.

                 Con cái chúng ta thực sự muốn gì?

                 Đứng đầu trong tất cả các ước muốn của con trẻ, là được cha mẹ thương yêu trong một tình thương vô điều kiện và được cha mẹ bày tỏ thái độ chấp nhận chúng.

                 Trong cái nhìn và ngôn ngữ riêng của con trẻ, chúng cảm nhận được cha mẹ yêu thương khi chúng thấy ít nhất là ba điều sau đây:

                 Thứ nhất, cha mẹ dành thời giờ để tìm hiểu và cảm thông con cái, cũng như dự phần trong cái thế giới của chúng nó. Chúng ta có còn nhớ, lần cuối là khi nào, chúng ta ăn chung với con cái mình để lắng nghe chúng nó chuyện trò? Khi chúng nó bắt đầu thổ lộ cho chúng ta những suy nghĩ sâu kín của chúng, chúng ta có vội vàng phản ứng, vội nhăn mặt, vội đưa ra cách giải quyết vấn đề, thay vì kiên nhẫn tiếp tục lắng nghe cũng như bày tỏ thái độ cảm thông với chúng?

                 Thứ nhì, cha mẹ có thành thật với con cái, hay chỉ tỏ ra mình luôn luôn đúng, luôn luôn hoàn hảo? Nếu các bậc cha mẹ cứ tự cho mình là luôn luôn đúng, chẳng bao giờ tâm sự với con trẻ về những khiếm khuyết của chính bản thân mình, chẳng bao giờ hạ mình xin lỗi chúng, thì điều này chỉ làm cho con cái càng rối trí, càng lúng túng khi chúng phạm những lỗi lầm. Chúng nó sẽ sợ hãi và sẽ dấu kín những vi phạm, những thất bại của chúng và các bậc cha mẹ chẳng hề hay biết gì về các điều này cho đến khi quá trễ. Nên nhớ, nguyên tắc để được gần gũi thân mật là hạ mình và thành thật, cho dầu đôi khi mình có thể bị tổn thương.

                 Thứ ba, cha mẹ có thương yêu con cái vô điều kiện không? Con cái sẽ dựng nên “hàng rào phòng thủ” nếu chúng ta có khuynh hướng đoán xét, đối xử với chúng dựa trên thành tích hay khả năng. Nếu con cái chúng ta không đạt thành tích xuất sắc như con bạn bè, con hàng xóm, chúng ta có giảm thiểu tình thương với chúng nó hay không? Không có gì hạnh phúc hơn trong tấm lòng của con trẻ, khi nó biết rằng, nó luôn luôn là con của cha mẹ nó, cho dầu chúng nó có thất bại hay thành công.

                 Tết Trung Thu bánh quà đầy mâm

                 Em bé nhà ưa đứng quây quần
                 Đòi hạt sen bánh dẻo đầy nhân
                 Em muốn ăn bốn, năm ba phần

                 Ước mong mỗi lần trung thu đến, chúng ta là bậc cha mẹ, có dịp nhìn lại con cái, để xem chúng nó có nhận ra tình thương tràn đầy mà chúng ta dành cho chúng nó hay không, để tạm ngưng cuộc chạy đua với cuộc sống, mà dành thời giờ đổ đầy trong cuộc đời chúng nó những kỷ niệm tuổi thơ tuyệt đẹp, sẽ trở nên những hành trang quý giá trong cả quãng đời của chúng trong tương lai.

                 Thân chào quý vị và các bạn.
 

 Tùng Tri
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn