16:00 EDT Thứ bảy, 04/05/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 80


Hôm nayHôm nay : 11494

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 37163

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23046196

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

“Con Ông Con Bà”

“Con Ông Con Bà”

“Y-sác yêu Ê-sau, vì người có tánh ưa ăn thịt rừng; nhưng Rê-bê-ca lại yêu Gia-cốp” (câu 28).

Xem tiếp...

Nghĩ Sao, Thành Vậy

Thứ hai - 03/10/2016 21:19
Nghĩ Sao, Thành Vậy

Nghĩ Sao, Thành Vậy

Kính thưa quý độc giả, Hôm nay Tiết Mục Đọc Sách của Phát Thanh Hy Vọng kính mời quý thính giả bước vào một hành trình mới đầy thích thú, khám phá những điều kỳ diệu ẩn dấu trong bản thân mình, mà khi được phát huy thì nó có khả năng biến đổi đời sống cá nhân.


              Kính thưa quý độc giả,

              Hôm nay Tiết Mục Đọc Sách của Phát Thanh Hy Vọng kính mời quý thính giả bước vào một hành trình mới đầy thích thú, khám phá những điều kỳ diệu ẩn dấu trong bản thân mình, mà khi được phát huy thì nó có khả năng biến đổi đời sống cá nhân. Hành trình này nằm trong quyển sách YOU ARE WHAT YOU THINK, tạm dịch là NGHĨ SAO, THÀNH VẬY của Tiến sĩ David Stoop được xuất bản vào Tháng Ba năm 2003 và được nhiều độc giả tán thưởng.

              Trước hết, chúng tôi xin có đôi lời giới thiệu về tác giả để quý thính giả làm quen với ông: Tiến sĩ David Stoop là một nhà tâm lý học, cũng là người sáng lập và đồng thời là giám đốc của Trung tâm Trị Liệu Gia Đình tại Newport Beach, California. Ông có văn bằng Tiến Sĩ từ Đại Học Nam California, hiện đang giảng dạy tại Viện Thần Học Fuller. Tiến Sĩ Stoop cũng làm việc trong Ban Giám Đốc Điều Hành của Hiệp Hội Tư Vấn Cơ Đốc Hoa Kỳ. Là tác giả của hơn hai mươi lăm quyển sách, bao gồm quyển sách rất nổi tiếng Forgiving the Unforgivable, tạm dịch là Tha thứ Cho Những Điều Không Thể Tha Thứ Được, Tiến Sĩ Stoop và người vợ thân yêu của ông, bà Jan, là đồng tác giả những quyển sách họ đã xuất bản. Ông bà chủ trì nhiều buổi hội thảo cùng các kỳ trại nghỉ dưỡng để bồi linh khắp thế giới.

              Trong quyển sách You Are What You Think, mà chúng tôi tạm dịch là “Nghĩ Sao, Thành Vậy”, Tiến Sĩ David Stoop chỉ cho độc giả của mình cách sử dụng việc tự nhủ nhằm đem lại những thay đổi tích cực trong thái độ và niềm tin. Tự nhủ, có thể là nói với chính mình trong những nơi riêng tư, cũng có thể là suy nghĩ trong đầu, hoặc thậm chí là bật lên thành lời. Tất cả những điều này sẽ định hình cảm xúc và hành động tốt đẹp hay tồi tệ của một người. Quyển sách phổ biến này được xếp vào loại “Sách Tự Học”, sẽ giúp độc giả vượt qua sự căng thẳng, cảm giác tội lỗi, sự trầm cảm, lo lắng bồn chồn hay giận dữ. Nó giúp độc giả giải phóng năng quyền của đức tin; chọn lựa những suy nghĩ tích cực, lành mạnh; và nhiều điều khác nữa.

              Nói về quyển sách You Are What You Think của Tiến Sĩ David Stoop, bà Dee Lundgrenren, một nhà tư vấn ở Quận Bucks, Tiểu Bang Pennsylvania, Hoa Kỳ, đã bình luận như sau:

              “Tôi thích cuốn sách này. Suy nghĩ của con người là điều quan trọng nhất có ảnh hưởng đến hạnh phúc và tâm tình vui vẻ, thoái mái của họ. Đây là một quyển sách thiết thực, dạy người ta cách sử dụng thuật tự nói chuyện, nghĩa là tự nhủ, tự nói với chính mình để định hình mọi cảm xúc của bản thân. Người ta ít khi để ý rằng mình có những lúc độc thoại hay tự nhủ, nhưng quyển sách này sẽ giúp họ suy nghĩ về những gì họ thường xuyên tự nhủ và ảnh hưởng của điều đó trên bản thân mình. Quan trọng nhất, chính là bạn sẽ học cách làm thế nào để thay đổi các suy nghĩ rập khuôn đó và kết quả của việc này sẽ đem đến những thay đổi tích cực trong cuộc đời bạn.”

             Kính thưa quý độc giả,

              Tiến sĩ William G. Covington, Jr., giáo sư tại các trường cao đẳng và đại học ở Missouri, Indiana, Ohio, Massachusetts, hiện đang là giảng viên của Đại học EDINBORO, tiểu bang Pennsylvania, cũng hết lời khen ngợi quyển sách You Are What You Think của Tiến Sĩ David Stoop như sau:

              “Tiến sĩ Stoop kết hợp những sự dạy dỗ trong Kinh Thánh với tâm lý học để chứng minh rằng sức khỏe tâm thần lành mạnh là căn nguyên giúp con người tạo cho mình một cuộc sống tốt đẹp hơn. Quyển sách này là ứng dụng thực tế của những nguyên tắc trên. Nó cho bạn biết phải làm gì để ứng dụng lý thuyết vào thực tế. Độc giả được chỉ cho cách thức thay đổi tinh thần chủ bại vào lối suy nghĩ dẫn đến hành vi tích cực.

              Ngay cả những người đã quen thuộc với việc xem trọng mặt tích cực của sự tự động viên bản thân vẫn có thể gặt hái nhiều lợi ích từ quyển sách này, qua việc được nhắc nhở về sức mạnh tiềm ẩn của điều này, vốn có sẵn trong mọi người. Tiến sĩ Stoop đưa ra nhiều ví dụ chứng minh sự thành công trong cuộc sống của nhiều người khác nhau đến từ các nền tảng và bối cảnh khác nhau. Ông giải quyết vấn đề chủ quyền của Thiên Chúa trong lãnh vực đức tin và lời tự thú thẳng thắn. Ông tiếp tục chỉ ra rằng việc tự nhủ với bản thân không phải là một cái gì đó mới lạ do chúng ta tạo ra, nhưng thực chất thì việc này vẫn luôn diễn ra. Vấn đề là làm thế nào để học cách sử dụng điều ấy cách thực tế nhằm đem lại ích lợi cho bản thân mới là quan trọng.

              Để bắt đầu hành trình đầy thú vị với quyển sách mới này, chúng ta hãy điểm qua phần nội dung của sách. Sách gồm có 12 chương được lần lượt liệt kê như sau:

  1. Tìm Kiếm Sự Tự Chủ
  2. Nghĩ Sao, Thành Vậy
  3. Sự Tự-Nhủ: Lời nói của Đức Tin
  4. Điều gì Hình Thành Sự Tự-nhủ của Chúng Ta?
  5. Sự Tự-Nhủ và Sự Giận Dữ
  6. Sự Tự-Nhủ và Sự Ngã Lòng
  7. Sự Tự-Nhủ và Tội Lỗi
  8. Sự Tự-Nhủ, Nỗi Lo Phiền, và Sự Lo Lắng
  9. Kiểm Soát Sự Căng Thẳng
  10. Lối sống Khẳng Định qua Sự Tự-Nhủ
  11. Sự Tự-Nhủ: Đức Tin hay Sự Giả Định?
  12. Sự Tự-Nhủ và Sự Tự Chủ
              Kính thưa quý độc giả,

              Hôm nay chúng ta sẽ bắt đầu chương thứ nhất của sách với Chương Đề “Tìm Kiếm Sự Tự Chủ”. Sách Châm Ngôn 25:28 trong Thánh Kinh chép rằng: Một người không có sự tự chủ khác nào một cái thành vách nát tường xiêu, lấy gì phòng thủ? Các diễn giả nóng cháy thường nhấn mạnh sứ điệp “Thái độ là tất cả!” Các huấn luyện viên cũng truyền đạt lẽ thật ấy một cách triệt để với các vận động viên họ huấn luyện. Bất cứ ai có làm việc với người khác đều biết thái độ là quan trọng ra sao trong việc quyết định kết quả viên mãn của mọi công tác. Sứ đồ Phao-lô nhấn mạnh tầm quan trọng của thái độ chúng ta khi ông viết,“Giờ đây hết thảy những thái độ và ý tưởng của anh chị em phải thường xuyên đổi mới để trở nên tốt đẹp hơn” (Ê-phê-sô 4:23).

              Tầm quan trọng của thái độ dường như thật rõ rệt đối với chúng ta khi chúng ta nhìn vào những người khác. Thường xuyên biết bao khi chúng ta nghĩ hoặc nói về một trong các con của mình hay nói về chồng hoặc vợ của mình rằng, “Họ có vấn đề trong thái độ của họ!” Chúng ta nhìn thấy những người có những ý định lớn lao nhất và các động cơ của họ đúng đắn về mặt thuộc linh lẫn đạo đức nhưng lại không thể thành công bởi vì họ có thái độ tiêu cực và tự phê phán.

              Thật nghịch lý, chúng ta mong muốn điều tốt nhất của Đức Chúa Trời cho bản thân và các mối quan hệ của mình. Chúng ta có những ý định đúng đắn và tốt đẹp; và chúng ta thành khẩn cầu nguyện và cẩn thận đề ra mục tiêu cho chính mình. Nhưng rồi chúng ta lại cứ rơi vào cùng một lề thói và khuôn mẫu hành vi cư xử vốn giữ chúng ta dậm chân tại chỗ mà chúng ta vẫn luôn ở-nghĩa là chỗ mà chúng ta không mong muốn. Kinh nghiệm cho thấy lặp đi lặp lại rằng những ý định tốt đẹp và những kỹ năng đề ra mục tiêu tốt nhất hoàn toàn không đủ.

              Tri thức cũng không bao giờ là đủ cả. Nhiều người có đủ loại khả năng gây ấn tượng và đã tích lũy vô số kiến thức và kỹ năng quan trọng, nhưng họ chưa bao giờ thật sự có thể làm cho cuộc sống họ tiến lên theo bất cứ chiều hướng nào. Chúng ta nhìn vào họ và lắc đầu, suy nghĩ đến tất cả mọi tiềm năng phí phạm đó, và tự hỏi vì sao họ lại đặt tất cả nỗ lực đó vào “việc sẵn sàng” khi đối với mọi người đang quan sát thì dường như họ không từng có ý định “khởi sự” chút nào.

              Theo một cách nhìn của con người, một điều dường như tạo nên sự khác biệt giữa những người thành công và những người thất bại chính là thái độ. Cho dù bạn là ai, thái độ thật sự là tất cả-nó là điều tạo nên sự khác biệt trong mọi khía cạnh của cuộc sống.

              Đúng thế, nhưng ngay cho dù chúng ta đồng ý rằng thái độ là tất cả, thì việc này vẫn nghe có vẻ hết sức thiển cận. Chúng ta phản kháng, “Khi tôi đối diện một vấn đề, tôi lập tức mong muốn làm việc dựa trên các mục tiêu của mình hoặc dựa trên việc mở rộng nền tảng kiến thức của mình. Điều này không thể đơn giản như việc thay đổi thái độ của tôi được!” Điều chúng ta có thể thật dễ dàng nhìn thấy là vấn đề nơi một người nào khác thực ra không có vẻ hiển nhiên, hay quan trọng như thế, khi chúng ta nhìn vào bản thân mình. Có lẽ là bởi vì những thái độ của chính chúng ta là một phần quá lớn trong chúng ta đến nỗi chúng ta thật sự không thể nhận ra chúng, và khi chúng ta thực sự nhận thức một vấn đề với thái độ của mình, việc đó chỉ làm chúng ta thất vọng bởi vì chúng ta không biết làm sao để thay đổi nó.

              Kính thưa quý độc giả,

              Phát Thanh Hy vọng xin tạm ngưng phần đọc sách hôm nay tại đây. Tuần sau chúng ta sẽ nói đến việc thế giới dường như nằm ngoài tầm kiểm soát và chúng ta làm thế nào để có thể hiểu được những cảm xúc của chính mình. Phát Thanh Hy vọng xin kính chúc quý thính giả một cuối tuần thật nhiều niềm vui và bình an bên gia đình cùng bạn bè. Hẹn gặp lại quý thính giả trong chương trình phát thanh lần tới.
 

Tiến sĩ David Stoop
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn