08:15 EDT Thứ ba, 30/04/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 23


Hôm nayHôm nay : 3522

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 278942

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23008349

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Lời Khích Lệ

Thứ ba - 09/08/2016 02:57
Lời Khích Lệ

Lời Khích Lệ

Cậu học trò tên Tâm mở trên môi một nụ cười thật tươi, khi cô giáo dạy môn tiếng Anh trả lại cho Tâm bài làm của cậu mà cô vừa chấm xong, kèm theo với lời phê “xuất sắc”. Tâm nhìn đi, nhìn lại lời phê của cô giáo ghi trên bài tập của mình, sung sướng và cẩn thận cất nó vào trong cặp.
 

 

                Cậu học trò tên Tâm mở trên môi một nụ cười thật tươi, khi cô giáo dạy môn tiếng Anh trả lại cho Tâm bài làm của cậu mà cô vừa chấm xong, kèm theo với lời phê “xuất sắc”. Tâm nhìn đi, nhìn lại lời phê của cô giáo ghi trên bài tập của mình, sung sướng và cẩn thận cất nó vào trong cặp. Cuối giờ học, cô giáo đến nói với Tâm “Trò Tâm, em có khiếu tiếng Anh lắm. Em có ý định sau này vào đại học chuyên khoa ngoại ngữ không?”

                Thiệt ra là trong mấy năm ở bậc trung học, Tâm thật đói khát lời khen ngợi hay lời khích lệ. Gia đình của Tâm có nhiều xáo trộn và Tâm phải sống lây lất, mai nhà này, mốt nhà kia. Hầu như bạn bè của Tâm là những đứa lêu lỏng, học hành chểnh mãng. Do vậy, Tâm cũng chưa bao giờ suy nghĩ về việc học lên tới bậc đại học. Nhưng thiệt là may mắn, năm nay, cô giáo dạy Anh văn không tiếc lời khen ngợi và khích lệ Tâm. Những năm tháng trôi qua, giờ đây thì Tâm đã trưởng thành, đã lập gia đình và Tâm là giáo sư chuyên khoa ngoại ngữ. Nhìn lại cuộc đời đã qua và những thành công đã đạt được, Tâm luôn nhớ ơn đến người cô dạy Anh văn của mình thời trung học. Tâm thường tâm sự với bạn bè “Khi cô bắt đầu khích lệ, mình vừa vui mà vừa mắc cỡ làm sao ấy. Trước đó, chẳng hề có ai khích lệ mình như vậy cả. Khi được cô khích lệ, mình thấy mình đâu phải là người vô giá trị và mình nghĩ rằng phải cố gắng để thi đậu đại học mới được”.

                Kính thưa quý độc giả,

                Sự khích lệ là một trong những điều tối quan trọng của cuộc đời. Sự khích lệ nâng chúng ta ra khỏi những tầm thường và ảm đạm của cuộc đời và chỉ cho chúng ta những hứa hẹn thật thú vị và tươi sáng trong tương lai. Lời khích lệ bổ thêm sức lực trong lúc chúng ta gặp khó khăn. Sự khích lệ thách thức chúng ta theo đuổi những mục đích mà Thiên Chúa đã tạo dựng và đặt để trong lòng chúng ta.

                Có một phụ nữ kia đã lớn tuổi, vừa mới góa chồng, rất đơn côi và cảm thấy chán nản trong cuộc sống. Bà này bèn tìm đến người vợ mục sư trong nhà thờ để xin giúp đỡ. Sau nhiều lần lắng nghe và hàn huyên tâm sự, bà mục sư trao cho bà này một phong thư và nói rằng “Tôi có thể giúp bà, nhưng bà hứa phải làm theo một điều đơn giản mà tôi có ghi trong phong thư này”. Sau khi nhiều lần hối thúc và trấn an rằng “toa thuốc” trong phong thư không có hại bà mà cũng chẳng hại ai cả, người phụ nữ này mới mở phong thư ra để đọc. Lời khuyên ghi trong thư rất đơn giản như sau “Hãy đi mua một nắm hạt giống hoa mà bà thích, đem về gieo và trồng, đủ để làm một bó hoa mỗi tuần, tặng cho một người đau yếu hay một người đang trong tình trạng tuyệt vọng, cần đến lời khích lệ hay an ủi”. Mặc dù nghi ngờ hiệu quả của lời khuyên này, nhưng người phụ nữ vẫn làm theo. Vài tháng sau đó, bà đã tặng hoa hết người này đến người kia, những người đau yếu, cô đơn, cần có bạn bè để chia sẻ, cảm thông. Điều kỳ diệu là, giờ đây bà không còn chán nản nữa, nhưng thật sinh động và lạc quan. Có phải những cái ôm hôn, những lời cảm ơn của những người mà bà tặng hoa đã làm bà vui? Chính bà không biết rõ, nhưng một điều thật chắc chắn, đó là khi bà khích lệ người khác bằng những bó hoa, thì chính bà được người khác đáp trả bằng sự khích lệ.

                Kính thưa quý độc giả,

                Lời khích lệ giúp chúng ta tiến tới thay vì bỏ cuộc. Có bao giờ quý vị quan sát một lực sĩ chạy đường trường: khi gần về tới đích, mặc dầu chính người lực sĩ ở trong tình trạng kiệt sức, tàn hơi, nhưng trong tiếng reo hò, cổ vũ của nhiều người ủng hộ, anh đột nhiên tăng tốc độ và lao nhanh tới đích. Tự nhiên trong những giây phút cuối cùng, cho dầu cơ thể đã rã rời sau mấy ngàn thước chạy, người lực sĩ đột nhiên như được “tiếp tế” năng lực. Điều đã giúp anh thắng cuộc vào những giây phút cuối, chính là sự rèn tập, sự chịu đựng dẻo dai và quan trọng nhất, đó là sự khích lệ của những người ủng hộ anh. Nếu có ai đang cô đơn, buồn chán, thất vọng, gọi điện thoại đến quý vị vào những đêm hôm khuya khoắt, hãy nhớ đến sức mạnh của lời khích lệ. Những lời khích lệ làm mạnh mẽ lại tâm hồn yếu đuối trong nghịch cảnh, tăng thêm nghị lực và can đảm, và cũng nhắc nhở rằng chúng ta không cô đơn, nhưng trong nghịch cảnh, chúng ta vẫn đang còn có nhau.

                Trong lịch sử Kinh Thánh có ghi lại, Môi-se được Thiên Chúa trao cho sứ mạng giải thoát dân Do-thái ra khỏi ách nô lệ tại xứ Ai-cập. Khi dân Do-thái được giải thoát và sắp sửa được dẫn vào miền đất mà Thiên Chúa hứa ban cho họ để lập quốc, thì Giô-suê là người được trao chức vụ để hướng dẫn đoàn dân băng qua sông Giô-đanh, tiến vào nhận lãnh miền đất này. Đứng trước bao nguy hiểm và thử thách đang chờ đợi, Thiên Chúa đã khuyên Môi-se như sau: “Khi truyền giao chức vụ, con nên dùng lời khích lệ, củng cố tinh thần Giô-suê, vì Giô-suê sẽ dẫn dân qua sông, chiếm lấy đất con được ngắm nhìn." (Phục Truyền Luật Lệ Ký 3:28). Thật ra, Môi-se có rất nhiều điều để chuẩn bị cho chàng trai trẻ tuổi Giô-suê khi bàn giao trọng trách, nhưng Thiên Chúa biết điều Giô-suê cần nhất là lời khích lệ. Lời động viên của Môi-se đã thêm can đảm và nghị lực để giúp Giô-suê đánh thắng quân thù, tiến chiếm vùng đất hứa một cách thành công. Quý vị và tôi cũng vậy, chúng ta ai cũng cần lời khích lệ, khi phải đối diện với những trọng trách. Kể cả trẻ con, khi được khích lệ mỗi ngày, thay vì bị la lối nặng nề, sẽ học hành giỏi giang hơn và thành đạt hơn. Cộng sự viên trong sở hoàn thành công việc chu đáo hơn khi được khích lệ thường xuyên, vì lời khích lệ giúp họ thấy rõ tầm quan trọng của công việc mình đang làm.

                Lời khích lệ đập tan nỗi sợ hãi và gia tăng thêm lòng can đảm. Kinh Thánh có chép, Đa-vít là một dũng sĩ gan dạ của nước Do thái, đã làm quân ngoại xâm Phi-li-tin khiếp vía khi chàng hạ thủ tên khổng lồ xấc xược Gô-li-át. Tuy vậy, Đa-vít bị vua Sau-lơ ghen tức, ngày đêm săn đuổi, tìm cách tiêu diệt chàng. Trong những năm tháng Đa-vít bị săn tìm ráo tiết, phải lẩn trốn giữa núi rừng, thì Giô-na-than, con vua Sau-lơ, nhưng cũng là bạn chí thân của Đa-vít “đến kiếm Đa-vít và khích lệ ông vững lòng tin cậy Thượng Đế. Giô-na-than nói: "Anh đừng lo, cha tôi sẽ không bắt được anh đâu. Anh sẽ làm vua Y-sơ-ra-ên và tôi sẽ làm tể tướng; cha tôi biết rõ như thế." (I Sa-mu-ên 23:16-17). Chính lời khích lệ của Giô-na-than đã củng cố niềm tin và thêm phần can đảm cho Đa-vít vượt qua bao lần “thập tử nhất sinh” trong đời.

                Lời khích lệ dẫn đến sự lựa chọn tốt đẹp hơn. Thông thường chúng ta quyết định một chuyện gì, dựa trên cảm xúc hơn là thực tế. Do vậy, khi chúng ta đang nản lòng, chúng ta thường thối lui hoặc lựa chọn những điều tầm thường, nhỏ mọn. Nhưng khi chúng ta được khích lệ, chúng ta sẽ đánh giá sự việc khách quan hơn, để dẫn đến những lựa chọn tốt đẹp hơn. Sự khích lệ cũng giúp cho bầu không khí và mối liên hệ với những người chung quanh trở nên tích cực và hòa đồng hơn.

                Quý độc giả thân mến,

                Chúng ta có bao giờ tranh thủ những cơ hội để nói những lời khích lệ không? Khi đang khích lệ một người nào đó, là chúng ta đang giống như Thiên Chúa nhân từ, hướng dẫn người khác đến một tương lai tốt đẹp thay vì một cuộc đời vô ích, tàn lụi, hư mất. Thí dụ như trường hợp của một cậu bé tên Tân, một thiếu niên lêu lỏng, kết bè kết bạn với những đứa cũng giống như Tân. Tân chẳng biết hướng đi cuộc đời là gì và để làm gì. Nếu không có ai hướng dẫn, thì chắc cuộc đời của Tân là sẽ gia nhập băng đảng, rồi lâm vào cảnh tù tội thôi. Nhưng thật may mắn cho Tân, cậu có một người dì, đến nhà Tân ở chơi trong mấy tháng. Dì ra sức làm quen, làm bạn với Tân và dùng mọi cơ hội để khích lệ cậu bé. Dì nói “Tân à, dì tin là cháu có thể trở thành một bác sĩ giỏi. Cháu thông minh, mấy môn khoa học điểm cháu cũng khá đấy chứ. Cháu lại khéo tay, khéo chân nữa. Đâu, cháu cố gắng để thành bác sĩ giải phẫu mới được”. Khi nghe lời khích lệ này, Tân chớp mắt liên miên và hơi khựng lại, nhưng những suy nghĩ tích cực đã được gieo vào những suy nghĩ của Tân. Với sự khích lệ thường xuyên của dì, thay vì tụ họp với đám bạn lêu lỏng, Tân dành thời giờ tham gia sinh hoạt với các bạn cùng lứa trong nhà thờ. Những giờ học Kinh Thánh trong mỗi Chúa Nhật, tâm hồn Tân được đầy ắp những lời khích lệ. Tân vô cùng kinh ngạc vì trước đây, Tân nghĩ lời Kinh Thánh chắc là thiên về đoán xét nặng nề, nhưng càng đọc, Tân càng được khích lệ và nâng đỡ. Lời Kinh Thánh diễn tả tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa đối với con người như:

                “Bảo vệ con như con ngươi mắt Chúa
                Che kín con dưới bóng cánh quyền năng” (Thi Thiên 17:8)

                Lời Kinh Thánh cũng bày tỏ chương trình cứu rỗi kỳ diệu cho nhân loại của Thiên Chúa qua sự hy sinh đau thương của Cứu Chúa Giê-xu:

                “Vì Thượng Đế yêu thương nhân loại đến nỗi hy sinh Con Một của Ngài, để tất cả những người tin nhận Con Thượng Đế đều không bị hư vong nhưng được sự sống vĩnh cửu.” (Giăng 3:16)

                Tâm hồn Tân đã được hoàn toàn đổi mới. Tân tiếp tục học xong bậc trung học và vào trường y khoa, sau đó trở thành bác sĩ, đem những khả năng để cống hiến cho đời. Chính người dì của Tân đã dùng những lời khích lệ để xoay hướng cuộc đời của Tân ra khỏi ngõ cụt tăm tối, hướng Tân đến một cuộc đời đầy trọn ý nghĩa và niềm vui. Người dì của Tân đã thực thi lời dạy trong Kinh Thánh được chép như sau: “Nhưng hằng ngày, hãy khích lệ nhau - trong thời gian gọi là “ngày nay” - để không ai bị tội lỗi quyến rũ mà ngoan cố, cứng lòng.” (Hê-bơ-rơ 3:13)

                Ước mong quý vị và tôi cũng biết tranh thủ ngay trong hôm nay và mỗi ngày, để nói một lời khích lệ với một người khác, hướng dẫn họ vào một cuộc đời có ý nghĩa, hạnh phúc và tốt đẹp hơn.

                Tuy vậy, trước khi chúng ta có thể khích lệ một người nào khác, chính mỗi chúng ta cũng cần được khích lệ thật nhiều. Ai là nguồn khích lệ tràn đầy, chẳng bao giờ vơi trong cuộc đời của mỗi quý vị và tôi?

                Xin mời quý vị cùng khám phá với chúng tôi trong chương trình phát thanh tuần tới. Kính chào quý vị và các bạn.
 

“The Gift of Encouragement” by Dr. Clyde Narramore - Tùng Tri lược dịch
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn