07:08 EDT Thứ tư, 08/05/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 34

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 32


Hôm nayHôm nay : 8211

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 72295

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23081328

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Tội Lỗi Và Ân Sủng

Tội Lỗi Và Ân Sủng

“Vả, luật pháp đã xen vào, hầu cho tội lỗi gia thêm; nhưng nơi nào tội lỗi đã gia thêm, thì ân điển lại càng dư dật hơn nữa” (Rô-ma 5:20).

Xem tiếp...

Sống Với Người Nhạy Cảm

Thứ ba - 27/01/2015 20:33
Sống Với Người Nhạy Cảm

Sống Với Người Nhạy Cảm

Kính thưa quý độc giả, Hôm nay chúng ta sẽ tiếp tục chương thứ 10 của quyển sách Yêu Thương Và Tôn Trọng của Tiến sĩ Emerson Eggerichs. Tuần trước chúng ta đã nói đến việc ĐỀ PHÒNG VIỆC TRỞ NÊN CAY ĐẮNG, BỰC TỨC.



             Kính thưa quý độc giả,

             Hôm nay chúng ta sẽ tiếp tục chương thứ 10 của quyển sách Yêu Thương Và Tôn Trọng của Tiến sĩ Emerson Eggerichs. Tuần trước chúng ta đã nói đến việc ĐỀ PHÒNG VIỆC TRỞ NÊN CAY ĐẮNG, BỰC TỨC.

             Thường thì người chồng không thể hoặc không cố gắng đối phó với những bà vợ lắm lời bởi vì họ sợ việc cảm thấy không xứng đáng và bị xem thường thiếu tôn trọng. Một người đàn ông đã thừa nhận trong lá thư gởi cho chung tôi, thừa nhận vấn đề nghiêm trọng của anh như sau:

             Tôi thường không bộc lộ chính mình với vợ tôi. Tôi che giấu nhiều điều trong suy nghĩ, cảm xúc và nhu cầu của mình vì lo sợ rằng những điều ấy sẽ đưa đến sự khước từ nếu tôi bày tỏ chúng ra... Tôi đã học biết trong rất nhiều năm rằng sự chân thật và sự cởi mở là cách thức của Đức Chúa Trời nhưng đã không thực sự sống như vậy cho đến mới gần đây.

             Trải qua nhiều năm tôi đã tiếp xúc với nhiều ông chồng cay đắng mà sự giận dữ của họ chỉ chực dâng trào ra. Khái niệm được truyền đạt trong tiếng Hy-lạp là ý tưởng về một vị đắng trong miệng. Bị làm cho cay đắng có nghĩa là bạn bị làm cho buồn bực và chọc tức, bị làm cho tức điên lên, phẫn nộ, và giận dữ. Người chồng bị làm cho cay đắng này có thể cục cằn thô bạo, hay chỉ trích cay độc, hoặc đầy phẫn nộ. Thay vì cởi mở với vợ, anh ta đóng chặt đáy lòng mình, tạo ra cảm tưởng rằng có rất ít điều anh ta thấy là trang nhã về cô ấy. Người chồng cay đắng không cởi mở với vợ.

             Có lẽ một mức độ cay đắng nào đó vẫn còn là một nan đề trong cuộc hôn nhân của bạn. Câu trả lời cho sự cay đắng là lắng nghe lời dạy khuyên êm dịu của Đức Thánh Linh. Điều đó có thể tạo nên những phép lạ, như lá thư của một người vợ cho thấy rõ.

             Vợ chồng cô đã tham dự một trong những Hội Nghị về Yêu Thương và Tôn Trọng của chúng tôi. Tuy nhiên, cô vẫn cảm thấy đau buồn và bị tổn thương về mặt tình cảm. Ngày hôm sau chồng cô gay gắt chỉ trích cách lái xe của cô. Cảm nhận là vợ mình đã bị tổn thương nên sau đó người chồng đã hỏi xem mọi việc có ổn không. Cô ấy cho anh biết cô cảm thấy ra sao—cô không thể làm hài lòng anh ta khi cô lái xe—và anh ta cãi lại, nói rằng cảm nghĩ của cô là sai trật, làm cho cô cảm thấy tồi tệ hơn. Lá thư viết tiếp:

             Nhưng khoảng năm phút sau, anh ấy đã đến tìm tôi để nói với tôi rằng anh xin lỗi, và rằng nếu những gì anh đang làm [là] hữu ích nhưng thực ra lại đem đến sự tổn hại, thì anh sẽ dừng lại ngay tức khắc. Rồi chúng tôi ôm choàng lấy nhau và mọi sự kết thúc. Thật tuyệt biết bao! Chỉ là một việc nhỏ nhưng thật tuyệt!

             Kính thưa quý độc giả,

             Người chồng này đã quyết định tập trung vào con người bên trong của mình. Thay vì dùng lý lẽ để giải thích cho thái độ hay sự phê phán, chỉ trích tiêu cực của mình, anh ta xem xét lại. Anh lắng nghe tiếng phán êm dịu, nhỏ nhẹ ấy trong lòng mình. Khi anh cởi mở với vợ anh, thì cô ấy cảm nhận được tình yêu của anh dành cho cô! Giá mà mọi người chồng có thể nhận ra sức mạnh trong tình yêu của họ và vợ họ mong mỏi có được tình yêu ấy biết dường nào. Sau đây, tôi xin đọc những câu mà tôi đã trích từ những người vợ khác nhau, vốn khao khát có được sự cởi mở và một chút sự mềm mại dịu dàng nơi người chồng của họ:

             Tôi cần anh ấy hiểu rõ và sẵn sàng đáp lời từ tấm lòng của anh chứ không phải từ cảm xúc giận dữ. Điều đó không hiệu quả.

             Thay vì rút lui và xa lánh, chồng tôi đã bắt đầu làm những việc tôi chỉ mong ước anh ấy lẽ ra đã phải làm trong quá khứ (ví dụ như, chia sẻ tâm sự với tôi).

             Những điều đáng kinh ngạc đã bắt đầu xảy ra. Anh ấy đã bắt đầu bộc lộ tấm lòng mình. Chúng tôi thật sự có những cuộc đối thoại hơn là những cuộc độc thoại.

             Kính thưa quý độc giả,

             VẬY THÌ LÀM THẾ NÀO BẠN SẼ SỐNG VỚI NGƯỜI NHẠY CẢM NÀY?

             Vào lúc này nhiều ông chồng có thể đang nói, “Chao ôi! Tôi không biết mình đang rơi vào điều gì khi tôi cưới con người quá nhạy cảm này?” Đúng vậy, bạn không biết nhưng bạn cần phải cảm ơn về sự nhạy cảm của cô ấy và nhiều khía cạnh của nó. Sự nhạy cảm của cô ấy giúp cô ấy có thể thức cả đêm với bọn trẻ khi chúng đau bệnh. Sự nhạy cảm của cô ấy là điều thôi thúc cô ấy tận tâm phục vụ bạn khi bạn nằm một chỗ vì cảm cúm, than van, rên rỉ, và mong muốn có một viên thuốc trị cảm cúm khác. Vâng, sự nhạy cảm của cô ấy đôi lúc khiến cô cảm thấy rằng bạn đang đóng chặt cửa lòng với cô, rằng bạn tức giận với cô. Bạn có thể bị cám dỗ để nói, “Ồ, làm ơn đừng quá nhạy cảm như thế,” nhưng tốt hơn hãy nhận thức rõ bạn phải chấp nhận những điểm yếu của cô cùng với những điểm mạnh của cô.

             Kính thưa quý độc giả,

             Người chồng nào cũng phải có quyết định về sự nhạy cảm và nhu cầu của vợ mình. Anh ta có thể đóng chặt cửa lòng mình và từ chối cởi mở, hoặc anh ta có thể tiến về phía cô ấy và nối kết với cô ở những mức độ mới của sự cởi mở. Một trong những bước đơn giản nhất song lại hữu hiệu nhất bạn có thể thực hiện là chỉ việc chia sẻ chuyện trong ngày của bạn với cô ấy. Nếu bạn không muốn nói chuyện vào lúc ấy, hãy nói đôi điều như, “Có vài việc đã xảy ra tại nơi làm việc hôm nay, và có lẽ mình có thể nói chuyện về việc đó sau, nhưng ngay bây giờ anh chưa muốn nói gì hết. Còn giữa anh và em thì mọi sự vẫn ổn cả.” Câu cuối cùng đó là điều cô ấy sẽ đang tìm kiếm. Cô ấy cần sự đoan chắc một lần nữa rằng tâm trạng của bạn không có liên hệ gì đến cô ấy.

             Khi bạn có nói gì thì hãy đặc biệt cảnh giác về việc tỏ ra gay gắt trong lời nói. Một người đàn ông có đặc trưng là thật mạnh mẽ trong việc diễn đạt những ý kiến của mình. Lời nói của người chồng có thể nghe gay gắt mà chính anh ta không nhận ra điều đó. Có thể là bạn đã không định ý tỏ ra gay gắt, nhưng vợ bạn xìu xuống ngay trước mắt bạn. Khi bạn chỉ nêu lên những sự kiện và đưa ra ý kiến của mình cách kiên quyết, bạn đã kẹp chặt cái ống thở của cô ấy lại.

             Cách đây vài năm, một trong những đứa con trai tuổi thiếu niên của chúng tôi đang trò chuyện với mẹ trong một cách thức mà Sarah cho là vô cùng gay gắt. Cô ấy nói cách kiên quyết, “David, con vui lòng đừng nói với mẹ cách đó.” Theo Sarah thì cậu bé nhìn vào cô ấy như thể cô đến từ một hành tinh khác vậy.

Cậu bé nói, “Mẹ muốn nói gì cơ? Đó là cách con nói chuyện với bạn bè con mà.”

             “Cái gì?” Sarah đáp. “Mẹ không phải là một trong những bạn bè của con. Mẹ là mẹ của con, và mẹ là một phụ nữ.” Vì vậy David đã có một bài học hữu ích ngày hôm ấy có tựa đề là “Tại sao Bạn Không Nên Tỏ Ra Gay Gắt.”

             Và còn một điều nữa. Trước nguy cơ nghe có vẻ như một kỷ lục bị phá vỡ, hãy nhớ rằng nếu bạn có thiện chí và cởi mở với vợ mình về mặt tình cảm, cô ấy sẽ cảm thấy gần gũi với bạn và cởi mở với bạn về mặt tình dục. Nói cách khác, bạn không được cởi mở để “có được quan hệ tình dục.” Một người vợ nhìn thấy thấu suốt điều này và bị tắt nghẽn ngay về mặt tình dục. Nhưng khi bạn thật sự đáp ứng nhu cầu tình cảm của cô ấy, cô ấy sẽ có sự đồng cảm với nhu cầu về tình dục của bạn. Đức Chúa Trời đã hoạch định hôn nhân là có tính cộng sinh.

             Bạn sẽ tìm thấy nhiều ý tưởng hơn trong bảng liệt kê những lời khuyên dưới đây. Nhưng điều chính yếu là hãy tin cậy tấm lòng của vợ bạn. Hãy cởi mở chính mình với cô ấy, và bạn sẽ thoát khỏi Chu Kỳ Rồ Dại khi Chu Kỳ Tiếp Sinh Lực ngân nga theo bạn.

             VỢ BẠN CẢM THẤY BẠN CỞI MỞ VỚI CÔ ẤY KHI

  • bạn chia sẻ những cảm nghĩ của mình, nói về ngày đã qua và những khó khăn của bạn.
  • bạn nói, “Chúng ta hãy trò chuyện,” hỏi vợ mình xem cô đang cảm nghĩ điều gì, và hỏi thăm ý kiến của vợ.
  • nét mặt bạn cho thấy bạn muốn trò chuyện—ngôn ngữ thân thể thư giãn, tiếp xúc bằng mắt tốt.
  • bạn đưa cô ấy đi dạo để trò chuyện và hồi tưởng lại bạn đã gặp gỡ cô ấy như thế nào hoặc có thể là bạn nói chuyện về bọn trẻ và những vấn đề cô ấy có thể đang gặp với chúng.
  • bạn cầu nguyện với cô ấy.
  • bạn dành sự chú ý trọn vẹn cho cô ấy... không phải những lời đáp qua loa trong khi đang cố gắng xem ti-vi, đọc báo, hoặc viết email.
  • bạn thảo luận những mối quan tâm về tài chánh, những sự thay đổi trong nghề nghiệp có thể xảy ra, hoặc những ý tưởng cho tương lai bạn.

             Kính thưa quý thính giả,

             Phát Thanh Hy vọng xin tạm ngưng phần đọc sách hôm nay tại đây. Chúng tôi ước mong quý thính giả sẽ đón nghe phần kế tiếp của quyển sách Yêu Thương và Tôn Trọng để hiểu nhiều hơn về người vợ hay người chồng của mình và cùng nhau xây dựng một gia đình hạnh phúc. Phát Thanh Hy vọng xin kính chúc quý thính giả một tuần thật nhiều niềm vui và bình an bên gia đình cùng bạn bè. Hẹn gặp lại quý vị vào chương trình phát thanh lần tới.
 

Nguồn: phatthanhhyvong.

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn