09:16 EDT Thứ bảy, 27/04/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 99


Hôm nayHôm nay : 14785

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 263359

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 22992766

Trang nhất » Dưỡng linh » Văn - Thơ - Nhạc

Bài Mới

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

“Nhưng, hỡi anh em, xin anh em hãy răn bảo những kẻ ăn ở bậy bạ, yên ủi những kẻ ngã lòng, nâng đỡ những kẻ yếu đuối, phải nhịn nhục đối với mọi người. Hãy giữ, đừng có ai lấy ác báo ác cho kẻ khác; nhưng hãy tìm điều thiện luôn luôn, hoặc trong vòng anh em, hoặc đối với thiên hạ” (câu 14-15).

Xem tiếp...

CHẠY

Thứ ba - 03/12/2019 20:13
CHẠY

CHẠY

“Tôi nhắm mục đích mà chạy, để giựt giải về sự kêu gọi trên trời của Đức Chúa Trời” (Phi-líp 3:14)

CHẠY

        “Tôi nhắm mục đích mà chạy, để giựt giải về sự kêu gọi trên trời của Đức Chúa Trời” (Phi-líp 3:14)
 
        Thành phố nhỏ, nên những sinh hoạt của thành phố thường được nhiều người tham gia. Một trong những sinh hoạt cả nhà tôi rất thích là chạy bộ. Chúng tôi chạy khi có một tổ chức hay một việc ý nghĩa nào đó được tổ chức, như Against Cancer, Suicide Prevention, Child Abuse Prevention…

        Những chương trình chạy bộ, bao gồm cả chạy và đi bộ cho việc chống ung thư, ngăn cản tự tử, chống xâm hại tình dục trẻ em, vân vân, cùng những vấn đề không nhỏ khác đang xảy ra hàng ngày trong xã hội, thường được các cơ quan y tế, những tổ chức không vụ lợi (non-profit organisation) thực hiện, nhằm mục đích khích lệ người sống sót sau những căn bịnh hiểm nghèo như ung thư, tim mạch…, hoặc để giúp những người đang sống trong sự khủng hoảng tinh thần thoát được những nguy hiểm của nạn tự tử; cũng như  để nâng đỡ trẻ em, thanh thiếu niên bị xâm hại cơ thể. Một mục đích khác không kém  phần quan trọng trong những cuộc chạy này là để quảng bá nhằm nâng cao nhận thức về sức khoẻ, giảm các nguy cơ bịnh tật, và cuối cùng là quyên góp tiền để mang lại hy vọng cho bịnh nhân và nạn nhân.

        Người lớn khi ghi danh chạy thường phải đóng một số tiền nhất định, ít nhất là 35 đô la, trẻ em 30, sẽ nhận đuợc một T shirt có in chữ tùy theo chương trình, một tấm bảng giấy ghi tên mình và một vài món quà lưu niệm như bình thuỷ, tách uống trà... Với những cuộc chạy này sẽ có hai nhóm, nhóm 5 km và nhóm 10 km. Riêng người đi bộ thì hoặc phải hoặc không cần phải ghi danh trước tuỳ theo cuộc chạy lớn hay nhỏ, và cũng chia ra làm hai nhóm, 1,5 mile và 3 mlie. Người chính thức ghi danh sẽ nhận được áo và tấm bảng dán sau lưng với giòng chữ mình chạy vì ai, ba, má, anh chị em hoặc bạn bè, thân thuộc… Với tấm bảng này bạn sẽ tự ghi tên người mà bạn tưởng nhớ. Những chương trình chạy đường trường dài hơn như half hay full Marathon (việt dã) thì người ghi danh sẽ phải đóng tiền cao hơn, và ghi danh càng sớm thì càng đóng ít tiền hơn. Với những cuộc chạy Marathon lớn của các thành phố Boston, Chicago, New York, Honolulu, Berlin, Tokyo, vân vân, người tham gia chạy bộ còn phải đáp ứng môt số yêu cầu về tốc lực tuỳ theo tuổi tác và điều kiện sức khoẻ nữa.

        Chạy, có thể nói là môn thể thao… ít tốn tiền nhất. Chỉ cần đôi giày thể thao đúng, tốt, và đặc biệt dùng để chạy là đủ. Những “phụ tùng” kèm theo như quần áo, bình nước, vớ, vân vân, dù cũng cần nhưng không nhất thiết lắm phải sắm chúng nếu như bạn chỉ chạy tối đa ở mức 5 đến 10 km. Nhưng hệt như tất cả các bộ môn thể thao khác, chạy bộ cần kỷ luật và phải có chương trình tật dợt hẳn hoi. Ngày nay nếu không có điều kiện tham gia các câu lạc bộ hoặc tìm ra một người huấn luyện, trước khi ghi danh cho một cuộc chạy, bạn có thể tự download một số chương trình miễn phí từ internet cho Smartphone, Iphone. Khi theo sát những chương trình này, bạn sẽ được hướng dẫn chạy bao nhiêu km trong ngày, hay trong tuần, và chạy với tốc độ như thế nào. Hẳn nhiên, nếu như học với một huấn luyện viên, bạn sẽ có lợi điểm là được chỉ dẫn trực tiếp, được trả lời những câu hỏi, thắc mắc cá nhân, và cũng sẽ được… khen ngợi nếu bạn làm tốt. Nhưng cả hai chương trình huấn luyện với thầy dạy hay lấy từ internet xuống, đều đòi hỏi bạn phải có ý chí thật tốt để không rơi vào cảnh “hôm nay tôi lười quá, thôi mai làm cũng được”, và chẳng mấy chốc là sẽ bỏ luôn, hoặc chỉ làm được nửa đường.

        Rất nhiều người nói “tôi chạy không được”. Thực tế thì ngoại trừ vì lý do sức khỏe, bị những bịnh liên quan đến tim mạch hoặc phổi, hay bị chấn thương mắc cá, đầu gối vân vân, cần được sự cho phép của bác sĩ, thường những người chưa bao giờ chạy vẫn tưởng mình không làm được. Cá nhân tôi, lúc chạy không được thì chỉ vì… lười hoặc không cố gắng.

        Có nhiều người đã ví von đời sống hằng ngày là một cuộc chạy không ngừng. Chạy marathon. Chạy đường trường. Và trong những cuộc chạy đó, người ta nói có người được tiếp sức, có người không. Phần lớn người ta chạy đua với đồng tiền, với thế lực, với danh tiếng, và cũng có nhiều người, buồn hơn là phải chạy đua với cái chết. Nhưng với sự ví von đó, tôi nghĩ ngay cả các bậc tu sĩ, những vị thiền sư, hay những người được người đời tôn sùng vì có đời sống khổ hạnh, thậm chí những kẻ ẩn náu ở núi cao, hang động vân vân, cũng đã phải “chạy” mỗi ngày như bất cứ con người nào trên thế gian. Họ chạy với cái mục đích đã tự đề ra, chạy để tránh những rắc rối của cuộc đời, bởi nếu không… chạy thì làm sao có thể chống lại sự cám dỗ, chống lại sự đòi hỏi theo lẽ tự nhiên của chính bản thân mình. Để ăn uống kham khổ, chắc chắn người ta đã phải “giữ mình”, tránh hết tất cả của ngon vật lạ đã đành, mà những thức ăn thức uống hằng ngày cũng phải tiết chế, giảm xuống tới mức tối thiểu.

        Tôi thích chạy, dù không nhiều và không đều đặn. Riêng với những cuộc chạy đua với vật chất thì tôi thuộc loại những người chạy dở và lười. Mẹ tôi thuở sinh tiền vẫn hay than thở, rằng lẽ ra tôi phải hơn kiểu người chỉ “đủ ăn”. Ý mẹ tôi nói tôi có thể trở nên giàu có nếu như tôi chịu nỗ lực sử dụng những khả năng cùng những năng khiếu bẩm sinh về thủ công để kiếm tiền. Tôi hay trêu lại bà rằng chỉ vì tôi có máu nghệ sĩ, thơ phú giống như bà nên chỉ thích nhàn nhã với tư tưởng của người xưa, “Thu ăn măng trúc, đông ăn giá. Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao”. Tôi nói với mẹ tôi, chỉ cần cuộc sống không túng thiếu là đủ rồi, và trêu thêm là tôi chỉ muốn thực hiện lời Chúa dạy trong bài cầu nguyện chung ,“xin cho con hôm nay đồ ăn đủ dùng”.

        Chạy, có khi cũng không phải chỉ để đua tài, hay làm cho sức khoẻ tốt hơn mà còn có một kiểu chạy khác, muốn hay không cũng phải chạy, và chạy mà không biết phía trước như thế nào, không biết mình có thể dừng lại ở đâu. Đó là chạy… trốn khi kẻ thù đang đuổi theo phía sau. Tôi nghĩ hầu hết người Việt đều đã phải trải qua kinh nghiệm này, trong thời gian xảy ra chiến tranh và cả sau khi chấm dứt chiến tranh. Chạy di tản ra khỏi vùng binh lửa ác liệt, rồi chạy để thoát ra nước ngoài. Và những ai chạy kiểu này, đều đã phải chạy… trối chết, chạy bạt mạng, chạy không thể dừng.

        Kinh Thánh ghi lại rất nhiều nhân vật chạy kiểu này. Từ chuyện Lót và gia đình ông được thiên sứ báo tin để chạy lên núi thoát khỏi sự huỷ diệt thành Xô-đôm, đến chuyện ông Môi-se chạy trốn qua xứ Ma-đi-an sau khi giết người Ê-díp-tô, rồi ông Giô-na chạy quanh chạy co để trốn việc thực hiện lời Chúa… Mỗi người chạy mỗi cách. Nhưng người mà tôi khâm phục nhất trong chuyện “tẩu vi thượng sách” này là vua Đa-vít.

        Sách Samuel I ghi lại chuyện Đa-vít chạy trốn vua Sau-lơ hàng bao nhiêu năm, bao nhiêu chốn, chỉ vì vua Sau-lơ sợ Đa-vít là con rể của mình sẽ tiếm ngôi. Càng về sau vua càng tị hiềm hơn vì Đa-vít được dân chúng yêu mến sau khi đánh thắng nhiều quân thù. Vua không thể tha cho kẻ được ca tụng “Sau-lơ giết hàng nghìn, còn Đa-vít giết hàng vạn”, nên đã xem Đa-vít là kẻ thù của mình và quyết giết cho bằng được, vì vậy chàng dõng sĩ bèn phải… chạy. Bao phen Sau-lơ cho phép phò mã của mình quay về cung phục vụ thì ngược lại cũng là bấy nhiêu phen Đa-vít lại phải chạy, và cứ chạy đến đâu, vua cũng theo đến đó. Ông đã phải chạy mãi cho đến tận khi vua băng hà.

        Chuyện vua Đa-vít chạy trốn vua Sau-lơ chắc na ná như… Lưu Bị trốn Tào Tháo, chắc chắn là không… vui gì cả vì chết chóc đuổi theo sau lưng. Người chạy thú vị và vui vẻ nhất có lẽ là sứ đồ Phao lô. Ông thường lấy hình ảnh người lực sĩ điền kinh để làm thí dụ trong thư tín gửi cho các Hội Thánh. Và mặc dầu là người Do Thái, nhưng lỗi lạc trong lãnh vực văn chương, tinh thông văn hoá Hy Lạp , tôi nghĩ sứ đồ Phao-lô đã rất gần gũi , rất quen thuộc với các cuộc tranh tài. Ông ví sánh việc phục vụ Chúa như một cuộc đua trong đó người vận động viên là cơ đốc nhân phải “quên lửng sự ở đang sau mà bươn theo sự ở đàng trước”. Nếu như các bạn tham gia một cuộc chạy nào đó, bạn sẽ thấy rõ điều này hơn. Bạn sẽ hiếm khi nào để ý người chạy ở đàng sau mà sẽ cố gắng vượt hơn người ở phía trước, hoặc nếu là người chạy chuyên nghiệp, hẳn bạn sẽ quên cái thành tích cũ của chính mình để đạt được cái tốt hơn.

        Điều quan trọng nhất cho người tham dự những cuộc chạy bất kể ngắn hay dài, nếu không gặp những bất trắc trên đường là sẽ về được tới đích. Trừ những vận động viên    thực thụ có thể cảm thấy buồn khổ, thất vọng khi không đạt được thứ hạng mình muốn, thì những người chạy amateur, mang tính chất tài tử, nghiệp dư thì đều có cảm giác rất  sung sướng và hãnh diện khi chạm chân ở vạch mức cuối cùng. Nói như sứ đồ Phao lô là “đã xong sự chạy”, đã đạt được vòng nguyệt quế lên đầu.

        Khi Phao lô nói “tôi nhắm mục đích mà chạy, để giựt giải về sự kêu gọi trên trời của Đức Chúa Trời” (Philip 3:14), ông đã khích lệ tín đồ Cô-rinh-tô “Anh em há Chúa Jêsus biết rằng trong cuộc chạy thi nơi trường đua, hết thảy đều chạy, nhưng chỉ một người được thưởng sao?” (9:24), và tiếp “Vậy, anh em hãy chạy cách nào cho được thưởng”. Tuy nhiên dầu dùng hình ảnh của vận động viên chạy điền kinh, nhưng Phao-lô cũng nhắc nhở mục đích của những người tranh tài để giật giải thưởng vật chất với người theo Chúa. Ông viết, họ phải tự mình chịu lấy sự đố kỵ ở chung quanh nhưng chỉ được những vòng nguyệt quế sẽ bị huỷ hoại, biến mất theo thời gian, trong khi tín đồ “chịu vậy để được mão triều thiên không hay hư nát” (9:25).

        Thống kê cho biết cứ vào đầu năm, sẽ có rất nhiều người đặt ra cho mình những kế hoạch để có sức khỏe tốt hơn, cơ thể đẹp hơn, vân vân. Tuy nhiên sau chừng vài tháng con số tiếp tục những kế hoạch này sẽ giảm xuống, và cho đến cuối năm thì có đến 54% số người muốn ăn uống khoẻ mạnh hơn sẽ bỏ cuộc; 44% sẽ không còn tập thể dục và 41% trở lại sức nặng cơ thể ban đầu. Tương tự như vậy, trong nhà thờ thì vào lễ Giáng Sinh hoặc vào đầu năm mới, số người tự hứa nguyện sẽ đi nhóm đều đặn, sẽ đọc Kinh Thánh hàng ngày, sẽ cầu nguyện nhiều hơn, sẽ hầu việc Chúa bất cứ lúc nào có dịp tiện, vân vân và vân vân sẽ từ từ xuống dốc và cũng có khi còn… chẳng thấy đâu.

        Thành thật mà nói thì tôi cũng đã nằm trong những con số thống kê ấy. Cả về mặt thể chất, lẫn tâm linh. Đầu năm nào cũng hứa và cuối năm lại càng thấy mình có vẻ tệ hơn… năm ngoái. Mới đây tôi được nghe đùa, “thôi thì có còn hơn không, chạy được chừng nào thì chạy, tập được chừng nào thì tập”.

        Với thể chất thì quả là “có hơn không” thật. Lâu lâu tôi tham dự một, hai cuộc chạy ngăn ngắn 5 cây số, nên trước ngày chạy có tập dợt đều đặn vài tuần, và sau đó là có giữ được “không khí” thêm vài tuần, hay vài tháng nữa, do đó tính tới tính lui cũng… đỡ hơn so với những ngày không làm gì hết! Trong hành trình theo Chúa, sứ đồ Phao-lô chắc chắn đã chạy theo gương tiên tri Ê-sai “Nhưng ai trông đợi Đức Giê-hô-va chắc chắn được sức mới, Cất cánh bay cao như chim ưng, Chạy mà không mệt nhọc, Đi mà không mòn mỏi.” (Ê-sai 40:31), ông cũng dạy tín đồ không làm kẻ chạy bá vơ và đánh gió (I Cô-rinh-tô 9:26) nên tôi hoàn toàn không thích tinh thần “có hơn không”.

        Tôi thật rất muốn như Phao-lô đã khẳng định trong thư gửi cho Ti-mô-thê, “Ta đã đánh trận tốt-lành, đã xong sự chạy, đã giữ được đức-tin” (Ti-mô-thê II: 4:7). Và chắc hẳn bạn cũng như tôi, nên sắp cuối năm, sắp xong một đoạn đường của năm cũ, xin gửi đến các bạn lời Chúa hứa, “Danh Đức Giê-hô-va là một pháo đài kiên cố, Người công chính chạy đến đó, tìm được nơi trú ẩn an toàn.” (Châm Ngôn 18:10), cùng lời chúc hãy cùng nhau chạy cho cách nào để được thưởng.

 
                                                                                         HOÀNG NGA
Nguồn: songdaoonline.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn