19:44 EDT Thứ năm, 09/05/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 52

Máy chủ tìm kiếm : 5

Khách viếng thăm : 47


Hôm nayHôm nay : 14207

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 92918

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23101951

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Phao-lô, Cha Thuộc Linh Của Ti-mô-thê

Phao-lô, Cha Thuộc Linh Của Ti-mô-thê

“Ta cũng nhớ đến đức tin thành thật của con, là đức tin trước đã ở trong Lô-ít, bà ngoại con, và trong Ơ-nít, mẹ con, ta chắc rằng nay cũng ở trong con nữa” (câu 5).

Xem tiếp...

Cảm Xúc Giận Dữ Và Cảm Xúc Sợ Hãi

Thứ ba - 18/10/2016 21:03
Cảm Xúc Giận Dữ Và Cảm Xúc Sợ Hãi

Cảm Xúc Giận Dữ Và Cảm Xúc Sợ Hãi

Kính thưa quý độc giả, Chúng ta đang ở chương thứ nhất của quyển sách YOU ARE WHAT YOU THINK, tạm dịch là NGHĨ SAO, THÀNH VẬY của Tiến sĩ David Stoop. Chương này nói về việc “Tìm Kiếm Sự Tự Chủ”.



                  Kính thưa quý độc giả,

                  Chúng ta đang ở chương thứ nhất của quyển sách YOU ARE WHAT YOU THINK, tạm dịch là NGHĨ SAO, THÀNH VẬY của Tiến sĩ David Stoop. Chương này nói về việc “Tìm Kiếm Sự Tự Chủ”. Tuần qua chúng ta đã nói đến việc thế giới của chúng ta hình như ngoài tầm kiểm soát, và điều này đã đưa đến những hệ quả nghiêm trọng cho con người về nhiều khía cạnh khác nhau.

                  Như đã trình bày, thái độ của một người là sản phẩm phụ của những kinh nghiệm mà họ đã nếm trải trong cuộc sống, và khi bị thúc ép để thay đổi thái độ của mình, con người thấy mình bất lực và bối rối trước một thế giới ngoài-tầm-kiểm-soát. Thử nhìn xem các con số thống kê về chỉ số gia tăng của nạn lạm phát, giá cả tăng vọt, và nợ nần quốc gia lên tới mức chóng mặt. Thêm vào đó là môi trường sống thay đổi, tài nguyên quốc gia bị tận dụng tối đa, không khí và nguồn nước bị ô nhiễm, thực phẩm ngày càng thiếu chất bổ dưỡng. Hơn thế nữa, cơ cấu xã hội dần thay đổi khi cấu trúc gia đình không thoát khỏi việc mất kiểm soát với các vụ ly hôn ngày càng nhiều. Kiểu gia đình ghép giữa những người đã ly dị hoặc đơn thân nuôi con càng khiến cho cấu trúc gia đình gia tăng mâu thuẫn, ảnh hưởng đến mọi thành viên, nhất là trẻ em. Thật vậy, có quá nhiều trẻ em lớn lên trong một thế giới hỗn loạn, mất kiểm soát, mất hướng đi, và nhiều người trẻ rơi vào tình trạng nghiện ngập ma túy.

                  Bởi vì sự hỗn loạn và căng thẳng, con người đi đến chỗ không cảm thấy khỏe mạnh. Sẽ không cần thiết phải nhắc lại các con số thống kê về bệnh tật của người dân Hoa Kỳ đã liệt kê trong bài nói chuyện tuần trước, sự thật hiển nhiên là ngoài các chứng bệnh như dị ứng, ung loét, cao huyết áp, mất ngủ thường xuyên, có quá nhiều triệu người bị tổn hại thần kinh đến mức cần sử dụng các loại thuốc an thần. Ngày nay hầu hết các nghiên cứu y khoa cho thấy rằng từ 75 đến 90 phần trăm của tất cả các bệnh tật đều do những sự căng thẳng của cuộc sống hiện đại gây ra. Nhưng chứng cớ về một thế giới bên ngoài vượt xa sự kiểm soát của chúng ta không gây cho chúng ta cảm giác bất lực và đau đớn bằng khi thấy mình không thể kiểm soát cuộc sống của bản thân. Chúng ta có thể tránh né, cố gắng phủ nhận nỗi đau ấy; nhưng sẽ không có cách nào làm cho cơn đau của chúng ta tan biến đi. Duy chỉ việc am hiểu thành thực về bản thân chúng ta và Đức Chúa Trời của chúng ta mới có thể làm điều đó. Vì thế, chúng ta cần hiểu những cảm xúc của mình.

                  Các nhà tâm lý học từng đồng ý rằng chúng ta thảy đều trải nghiệm ba cảm xúc căn bản, đó là: yêu thương, giận dữ và sợ hãi. Mỗi cảm xúc chúng ta trải nghiệm trong cuộc sống đều là một trong những cảm xúc căn bản này, hoặc là một sự kết hợp nào đó của cả ba. Tuần trước chúng ta đã biết rằng mỗi cảm xúc đều có sự chuyển động và phương hướng. Yêu thương là cảm xúc vốn luôn đưa chúng ta tiến về phía đối tượng, dù là một người, một vật thể hay một điều gì đó. Khi yêu thương một người hay ưa thích một vật thể hay một điều gì, chúng ta muốn đến gần, di chuyển đến hay hướng đến và ở bên cạnh người ấy, hay vật ấy, tức đối tượng của sự yêu thích, và đó là lẽ tự nhiên.

                  Kính thưa quý độc giả,

                  Tuần này chúng ta sẽ nói đến hai cảm xúc căn bản còn lại, đó là cảm xúc giận dữ và cảm xúc sợ hãi. Trong khi cảm xúc yêu thương đưa chúng ta tiến về phía đối tượng, thì sự chuyển động của cảm xúc giận dữ không chỉ là hướng tới, mà còn đồng thời nghịch lại một người, hoặc một vật thể hay điều nào đó. Như vậy, giận dữ là một cảm xúc tạo ra sự ngăn cách. Chúng ta di chuyển về phía đối tượng của cơn giận mình, nhưng với một cường độ đáng kể, hoặc là trút đổ xuống đối tượng đó hoặc là đẩy nó đi xa.

                  Sự chuyển động của cảm xúc sợ hãi, tức là cảm xúc căn bản thứ ba, thì luôn là lánh xa khỏi một người, một vật thể hoặc một điều gì đó. Nếu chúng ta sợ hãi, chúng ta sẽ lùi lại ngay lập tức. Chúng ta muốn chạy trốn khỏi đối tượng khiến chúng ta sợ hãi. Nếu là một người sợ thang máy hay các loại thang cuốn, chúng ta sẽ luôn đứng cách xa khỏi chúng. Nếu là người sợ sự đối đầu, chúng ta sẽ tránh né để không gặp những người có liên quan tới vấn đề và tránh bất cứ sự xung đột nào có thể xảy ra với người ấy.

                  Giận dữ và sợ hãi là những cảm xúc theo hướng trái ngược nhau, thường được gọi là những cảm xúc kích hoạt sự tranh chiến, một loại hội chứng hỗn loạn. Cảm xúc giận dữ chuẩn bị chúng ta để hướng đến sự tranh chiến-tiến tới để chống nghịch lại đối tượng làm chúng ta giận dữ và đẩy xa đối tượng ấy khỏi bản thân mình. Cảm xúc sợ hãi chuẩn bị chúng ta để chúng ta thoát thân-trốn chạy trước mối đe dọa. Cả hai cảm xúc giận dữ lẫn sợ hãi đều là những phản ứng trước một mối đe dọa. Thật thú vị biết bao, điều xảy ra về mặt sinh lý (trong thân thể con người) khi chúng ta tức giận thì y hệt như điều xảy ra khi chúng ta sợ hãi. Sự khác biệt của hai cảm xúc này nằm trong nhận thức của chúng ta về mối đe dọa-tức cách mà ta nhìn thấy điều vốn đang đe dọa mình.

                  Kính thưa quý độc giả,

                  Hãy giả định là bạn đang thăm viếng một người bạn ở một thành phố xa. Anh ấy sống tại một vùng có vẻ đáng sợ và nguy hiểm đối với bạn. Một buổi tối nọ, bạn mượn xe hơi của anh ấy và trở về nhà khá muộn. Bạn chỉ có thể tìm thấy một khoảng trống để đậu xe cách nhà anh ấy vài ngã tư.

                  Khi bạn khóa xe và bắt đầu đi bộ về phía ngôi nhà của bạn mình thì nghe tiếng bước chân đàng sau bạn. Thỉnh thoảng bạn đi chậm lại thì tiếng bước chân đó cũng chậm lại. Bạn đi nhanh hơn thì tiếng bước chân đó cũng nhanh hơn. Bạn bắt đầu bỏ chạy thì tiếng bước chân đó cũng chạy theo. Một người bình thường sẽ trải nghiệm điều gì trong tình cảnh đó? Vâng, đúng thế. Đó là nỗi sợ hãi! Thậm chí có thể xem là nỗi sợ hãi tột cùng nữa!

                  Bạn tiếp tục chạy bán mạng về phía nhà của bạn mình, nhưng ngay khi bạn đặt chìa khóa vào cánh cửa, thì lại có tiếng bước chân tiến tới đàng sau bạn và dừng lại. Một giọng nói từ phía sau vang lên, “Ha ha! Tớ bắt kịp cậu rồi!” Bạn xoay người lại và nhận ra rằng tiếng bước chân đó là của bạn mình. Giờ thì bạn cảm thấy thế nào? Ngay lập tức, bạn liền thấy tức giận!

                  Điều gì đã xảy ra? Trước hết là, những cảm xúc của bạn thay đổi từ sợ hãi sang tức giận trong một phần của giây. Và lý do chúng thay đổi như thế là dựa trên sự nhận thức của bạn về mối đe dọa. Khi mối đe dọa là những bước chân đuổi theo phía sau của kẻ vô danh, lạ mặt nào đó, bạn liền hình dung đủ loại sự việc khủng khiếp sắp có thể xảy ra nếu kẻ đuổi theo bắt kịp bạn. Khi mối đe dọa được nhận biết và không còn bị xem là một mối đe dọa nữa, sự giận dữ trở thành phản ứng tự nhiên.

                  Nếu người bạn ấy lại là ý trung nhân, là người yêu của bạn, bạn có thể nhìn thấy cả ba cảm xúc chính yếu có thể trộn lẫn ra sao giữa yêu thương, giận dữ, và sợ hãi. Chúng ta có thể đi từ yêu thương đến sợ hãi đến giận dữ-và trở đi trở lại giữa các cảm xúc này-trong một khuôn mẫu khiến chúng ta bối rối.

                  Kính thưa quý độc giả,

                  Khi chúng ta thêm vào ba cảm xúc căn bản này vô số các cảm xúc khác mà mình từng trải qua, thì những khía cạnh của cảm xúc lại thậm chí càng trở nên phức tạp. Chúng ta dùng từ ngữ cảm giác để miêu tả những cảm xúc này như cảm giác lo lắng, cảm giác tội lỗi, bồn chồn không yên, buồn rầu, phiền muộn, vui sướng, mừng rỡ, hài lòng, v.v. và v.v.

                  Mặt cảm xúc của con người vô cùng phức tạp, nhưng khi chúng ta hiểu ba cảm xúc căn bản và cách thức mà cả ba hoạt động, thì chúng ta có thể hiểu rõ hơn vô số cảm xúc khác. Việc am hiểu sự chuyển động của cảm xúc cũng sẽ giúp chúng ta phân loại điều mình đang trải nghiệm về mặt cảm xúc khi ở trong một chuỗi sự kiện giống như những điều được miêu tả bên trên vốn có cả ba cảm xúc đang hoạt động cùng một lúc.

                  Một vấn đề quan trọng khác để hiểu về ba cảm xúc căn bản trên là cách thức chúng có liên hệ với sự tự chủ. Các cảm xúc giận dữ và sợ hãi là những phản ứng trước những tình huống hay những con người gây ra mối đe dọa. Yêu thương là cảm xúc của sự tự chủ, vì khi yêu thương là sự đáp ứng của chúng ta, chúng ta có thể hành động trước cuộc sống, chứ không phải phản ứng lại cuộc sống.

                  Kính thưa quý độc giả,

                  Hôm nay chúng ta sẽ tạm dừng tiết mục đọc sách tại đây. Tuần sau chúng tôi sẽ trình bày về cách con người thường phản ứng như thế nào khi bị các loại cảm xúc làm cho bối rối và lúng túng. Chúng tôi cũng sẽ đưa ra những ví dụ cụ thể để giúp quý thính giả nhận định rõ vấn đề. Phát Thanh Hy vọng xin kính chúc quý thính giả một tuần thật nhiều niềm vui và bình an bên gia đình cùng bạn bè. Hẹn gặp lại quý thính giả trong chương trình phát thanh lần tới.
 

Tiến sĩ David Stoop
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn