19:10 EDT Thứ năm, 02/05/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 31

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 30


Hôm nayHôm nay : 8964

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 16305

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23025338

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Dạy Con Cháu Theo Chúa

Dạy Con Cháu Theo Chúa

“Đừng làm theo đời này, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào” (Rô-ma 12:2).

Xem tiếp...

Nguồn Gốc Của Ngôn Ngữ

Thứ ba - 08/11/2016 20:20
Nguồn Gốc Của Ngôn Ngữ

Nguồn Gốc Của Ngôn Ngữ

Kính thưa quý độc giả, Ngôn ngữ, phổ biến nhất là qua tiếng nói, là yếu tố quan trọng hàng đầu để tách biệt loài người với tất cả các động vật khác. Chỉ duy con người mới có ngôn ngữ hoàn chỉnh,



                Kính thưa quý độc giả,

                Ngôn ngữ, phổ biến nhất là qua tiếng nói, là yếu tố quan trọng hàng đầu để tách biệt loài người với tất cả các động vật khác. Chỉ duy con người mới có ngôn ngữ hoàn chỉnh, để diễn tả mọi ý tưởng, mọi cảm xúc; có thể mô tả các sự vật hiển nhiên trước mắt hay diễn tả các ý niệm trừu tượng sâu sắc; có thể đề cập đến các vấn đề thuộc về quá khứ, các sự kiện trong hiện tại hay các điều trong tương lai chưa thực sự xảy ra.

                Các nhà khoa học thí nghiệm trên các thú vật và các loài chim, dạy chúng đáp ứng lại với một vài tiếng nói đơn giản. Thí dụ như loài vượn, sau khi được huấn luyện, có thể sử dụng một vài điệu bộ hay cử chỉ để diễn tả một vài cảm xúc của chúng. Nhưng khả năng diễn tả cảm xúc bằng một vài dấu hiệu đơn giản của loài vượn hay loài chim còn quá đơn giản, không thể nào so sánh được với khả năng ngôn ngữ diệu kỳ của con người.

                Tiếng nói hay ngôn ngữ luôn đi đôi, gắn liền với mọi sinh hoạt đời sống của con người, khiến loài người là loài duy nhất, là trội hẳn, là hoàn toàn cách biệt với muôn loài khác. Thế thì con người có được tiếng nói hay ngôn ngữ từ lúc nào?

                Có phải tiếng nói được phát triển được từ những tiếng hú, tiếng gào đơn sơ và được hoàn chỉnh qua quá trình tiến hóa chậm chạp hay tiếng nói là một khả năng bẩm sinh, hễ sinh ra làm người thì tự nhiên là có khả năng này để sẵn sàng nói được? Nhiều triết gia và nhiều nhà ngôn ngữ học đã tranh luận thật nhiều về câu hỏi này, nhất là từ khi Charles Darwin đề xướng nên giả thuyết tiến hóa vào giữa thế kỷ 18.

                Nhiều chuyên gia, vì không muốn chấp nhận sự hiện hữu của Đấng Tạo Hóa, nên tìm cách giải thích nguồn gốc của tiếng nói hay ngôn ngữ qua các phương cách tự nhiên. Họ cho rằng trong quá trình tiến hóa từ loài khỉ cho đến con người, thanh quản đã tự điều chỉnh để có thể phát ra nhiều thanh âm khác nhau, đồng thời bộ não cũng lớn dần ra, giúp cho con người có thể kiểm soát và sử dụng các dây phát âm trong bộ thanh quản hữu hiệu hơn để phát ra tiếng nói. Theo lối giải thích này, thoạt tiên con người thô sơ chỉ biết hú hay biết gào để diễn tả suy nghĩ và cảm xúc, nhưng qua quá trình tiến hóa lâu dài, đã tự hoàn chỉnh thanh quản để đạt được tiếng nói thật phức tạp và sinh động như ngày nay.

                Thế nhưng, gần đây, các nhà khoa học đồng ý rằng, kích thước của não bộ không liên hệ gì đến khả năng kiểm soát hay mức độ thông minh của một người, nhưng chính do cấu trúc bên trong của bộ não. Hễ là con người, dầu đầu to hay đầu nhỏ, đều có thể có một khả năng trí tuệ tương tự nhau, vì do cấu trúc não là của con người.

                Hơn thế nữa, nhà ngôn ngữ học lừng danh thế giới của thế kỷ 20 vừa qua, giáo sư Noam Chomsky, mặc dù không tin vào sự hiện hữu của Đấng Tạo Hóa, cũng không thấy thỏa mãn với lối giải thích cạn cợt bên ngoài của giả thuyết tiến hóa, nên ông đã bỏ công để tự nghiên cứu và tìm hiểu về nguồn gốc của tiếng nói và ngôn ngữ.

                Giáo sư Noam Chomsky quan sát rằng, nếu đặt một em bé chưa biết nói và một con mèo con vào chung một môi trường có tiếng nói, thì sau một thời gian ngắn, đứa bé có khả năng nhận biết tiếng nói và bắt đầu nói được, trong khi con mèo chẳng bao giờ nói được cả. Như vậy, tiếng nói hay ngôn ngữ là một khả năng bẩm sinh chỉ có nơi con người mà thôi.

                Giáo sư Noam còn nhận thấy, mặc dù có nhiều thứ tiếng khác nhau trên thế giới, nhưng tất cả ngôn ngữ của loài người đều có chung một quy luật ngữ pháp phổ quát, đã được thiết kế sẵn trong mạch não con người, mà hễ là con người thì ai ai cũng biết, không cần phải đến trường lớp gì cả, thí dụ như tự nhiên ai ai biết nói cũng có thể phân biệt từ nào diễn tả sự vật hay danh từ, từ là diễn tả hành động hay động từ; tự nhiên khi biết nói thì người ta nói “tôi muốn ăn cơm”, chứ chẳng ai nói “cơm ăn muốn tôi” cả.

                Chưa hết, giáo sư Noam quan sát rằng, một đứa bé mới sinh, chỉ cần nghe và thu nhận những nét căn bản trong tiếng nói mẹ đẻ, và nhờ khả năng bẩm sinh cùng quy luật ngữ pháp phổ quát đã được đặt sẵn trong não bộ, nó có thể học và biết nói trong một thời gian rất ngắn. Nói một ngắn gọn, mỗi con người được sinh ra đều được trang bị một cách bẩm sinh để sẵn sàng nói, để có thể nói đúng quy luật ngữ pháp một cách thật căn bản hầu có thể truyền đạt và thông tin qua tiếng nói.

                Những nhận định trung thực và sâu sắc của vị giáo sư đứng đầu về ngôn ngữ học này, đã cho thấy giả thuyết tiến hóa hoàn toàn sai trật, vì nếu con người tiến hóa từ loài khỉ, thì loài khỉ phải có một khả năng tương đối nào đó về tiếng nói chứ. Quá trình tiến hóa là lâu dài và chậm chạp từng bước một, thế nhưng tại sao khả năng ngôn ngữ của loài khỉ và loài người lại quá chừng cách biệt. Trong khi giả thuyết tiến hóa dựa trên tình cờ và ngẫu nhiên, nhưng trong tất cả mọi ngôn ngữ đều có những quy luật và cấu trúc chặt chẽ cần thiết để việc trao đổi thông tin được chính xác. Hơn nữa, các ngôn ngữ khác nhau nhưng lại có chung những quy luật ngữ pháp căn bản, cho thấy khả năng về tiếng nói hay ngôn ngữ đến từ một Đấng duy nhất tạo dựng nên con người.

                Kính thưa quý độc giả,

                Chỉ nội quan sát một đứa bé học nói là bạn và tôi đã thấy thật lạ lùng làm sao. Mới sinh ra bé chưa biết nói gì. Sau nhiều tháng nghe mẹ ru cha nói, bé bắt đầu bập bẹ tập nói. Những tiếng đầu tiên đơn giản như “má” hay “ba”, rồi theo thời gian với những mệnh đề ngắn ngủi như “đi chơi”, “đi ăn” hay “đi ngủ”, rồi đến những câu dài hơn. Dầu ngữ pháp của tiếng mẹ đẻ phức tạp đến đâu, bé vẫn học được một cách tự nhiên và sử dụng vào tiếng nói mỗi ngày. Khi lên năm, bé đã biết được hầu hết những quy luật ngữ pháp căn bản của tiếng mẹ, mặc dù vốn từ vựng của bé vẫn còn ít ỏi. Sau đó, vốn từ vựng bỗng nhảy vọt, để khi bé chỉ vừa tới tuổi thiếu niên là có thể nói chuyện huyên thuyên cả ngày. Trẻ con học nói thật mau chóng là bằng chứng của một động lực bẩm sinh, có sẵn trong não bộ, thúc đẩy một người tìm cách để thông tin và truyền đạt.

                Động lực và khả năng bẩm sinh để thông tin và truyền đạt càng biểu lộ rõ ràng hơn ở nơi các trẻ em bị điếc, tức là các em không nghe và không nói được. Đối với các em bị điếc, cha mẹ phải sử dụng ngôn ngữ ước hiệu bằng dấu và các em sẽ mau chóng lĩnh hội và truyền đạt qua ngôn ngữ ra dấu này. Nếu cha mẹ điếc mà các em vẫn có thể nghe được, thì các em sẽ trở nên lưu loát trong tiếng nói và thành thạo luôn cả trong ngôn ngữ ước hiệu bằng dấu nữa.

                Thế nhưng khả năng bẩm sinh về ngôn ngữ, thông tin và truyền đạt không chỉ dừng đến đó.

                Vào năm 1980, một trường học dành cho các em bị điếc được thành lập tại Nicaragua. Có khoảng 500 em nhỏ bị điếc được gom từ các làng mạc về đây. Các em này chưa bao giờ được huấn luyện về một ngôn ngữ ước hiệu bằng dấu nào cả. Ở nhà, mỗi em truyền đạt với cha mẹ của mình bằng những điệu bộ hay động tác riêng, chẳng em nào làm giống em nào cả.

                Thế nhưng từ khi được gom lại trong trường với nhau, các em đã mau chóng thành lập một ngôn ngữ ước hiệu riêng giữa các em với nhau. Mới đầu, những ước hiệu này chỉ sơ đẳng, nhưng chẳng bao lâu đã trở nên một loại ngôn ngữ thường xuyên với ngữ pháp và cú pháp riêng biệt hẳn hòi. Nhà chuyên môn về thần kinh học, cô Judy Kegl quan sát sự kiện này và mô tả đây là “một trường hợp đầu tiên có ghi xuống thành văn kiện về sự ra đời của một ngôn ngữ”.

                Cô nói tiếp: “Các em nhỏ khoảng từ ba đến bốn tuổi, phải dùng các điệu bộ tạm thời để truyền đạt với nhau mỗi ngày. Nhưng cũng do khả năng bẩm sinh về ngôn ngữ có sẵn trong mỗi em, từ những điệu bộ này đã phát triển nên một ngôn ngữ hoàn chỉnh”. Đây là loại ngôn ngữ riêng do các em quy ước với nhau, không theo một tiền lệ hay quy định nào của một ngôn ngữ trước đó. Trong bối cảnh xã hội bình thường, ngôn ngữ được lưu truyền từ thế hệ trước đến thế hệ sau, nhưng các em điếc này không có một ngôn ngữ chung nào trước đó để dạy nhau hay truyền đạt cho nhau và ngôn ngữ ước hiệu ra dấu mà các em truyền đạt với nhau trong trường là hoàn toàn do các em lập nên. Đây là một bằng chứng hùng hồn về khả năng bẩm sinh trong truyền thông và ngôn ngữ mà Đấng Tạo Hóa đã ban tặng chỉ riêng cho con người mà thôi. Thực vậy, giả thuyết tiến hóa sẽ giải thích như thế nào về sự kiện tuyệt vời của trường điếc tại Nicaragua?

                Quý độc giả thân mến,

                Kinh Thánh là lời của Đấng Tạo Hóa, ngay trong chương Sáng Thế Ký đầu tiên, mô tả về công trình sáng tạo vạn vật của Ngài, đã lập lại nhiều lần mệnh đề “Thiên Chúa phán”, thí dụ như:

                Thiên Chúa phán : "Phải có ánh sáng."

                Thiên Chúa phán : "Phải có một cái vòm ở giữa khối nước, để phân rẽ nước với nước."

                Thiên Chúa phán : "Nước phía dưới trời phải tụ lại một nơi, để chỗ cạn lộ ra." vv.

                Động từ “phán” hay “nói” ngay trong những câu mở đầu nhất của Kinh Thánh bày tỏ ngôn ngữ hay khả năng truyền thông bắt nguồn từ Thiên Chúa, là một đặc tính của riêng Ngài.

                Trong công trình sáng tạo, qua lời phán, Thiên Chúa đã sáng tạo nên mọi vật và mọi loài khác trước, rồi sau cùng mới tạo nên con người. Thế thì tại sao Thiên Chúa phải “phán” trong khi con người chưa xuất hiện, chưa ai được dựng nên? Ai sẽ nghe lời Ngài phán lúc đó?

                Thực ra, các lời phán này được ghi lại trong Kinh Thánh, để tất cả mọi người trong mọi thế hệ, trong đó có quý vị và tôi, vẫn có thể “nghe” được, vẫn có thể nhận ra được rằng, Thiên Chúa chính là Đấng duy nhất sáng tạo ra muôn loài, là Đấng có thẩm quyền tuyệt đối trên mọi sự.

                Sáng Thế Ký 1:27 có ghi: “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình. Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa”.

                Vì chỉ duy loài người chúng ta, chứ không một loài thọ tạo nào khác, được dựng nên theo hình ảnh và đặc điểm của Thiên Chúa, cho nên chỉ duy con người mới có được khả năng bẩm sinh về ngôn ngữ và thông tin thật tuyệt vời, giống như Đấng sáng tạo ra mình.

                Nhờ ngôn ngữ hay tiếng nói mà chúng ta giao thiệp và xây dựng những nhịp cầu với nhau.

                Nhờ ngôn ngữ hay tiếng nói mà chúng ta có thể thưa chuyện và tương giao với Đấng tạo dựng ra mình.

                Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta khả năng ngôn ngữ và truyền thông, rồi Ngài cũng gởi đến bạn và tôi quyển Kinh Thánh, để bày tỏ về Ngài và hướng dẫn chúng ta vào con đường phước hạnh, như chính Ngài có phán: “Quyển sách kinh luật này chớ xa miệng con, hãy suy gẫm ngày và đêm hầu cho cẩn thận làm theo mọi điều đã chép trong sách; vì như vậy đường lối con mới được thịnh vượng và thành công” (Giô-suê 1:8).

                Quý độc giả thân mến,

                Khả năng ngôn ngữ và truyền thông là ưu tiên hàng đầu của Đấng Tạo Hóa, vì Ngài muốn chúng ta nhận biết Ngài thật rõ ràng và trọn vẹn. Do vậy, Ngài không dừng lại qua lời chép trong Kinh Thánh, nhưng cách đây hơn hai ngàn năm, chính Thiên Chúa Ngôi Hai đã tự nguyện giáng trần để đến với con người, sinh ra trong một hài nhi mang tên Giê-xu.

                Chúa Giê-xu đã lớn lên, sống một đời sống nhân lành và vô tội, nhưng cuối cùng đã hy sinh chịu chết nhục nhã trên cây thập tự, để lãnh thế bản nợ tội, chết thay cho nhân loại, hầu cho bất cứ ai tin vào sự hy sinh chết thế đó của Con Trời, thì được Thiên Chúa tha tội và nhận được sự sống đời đời trong nơi thiên đàng, như chính Chúa Cứu Thế Giê-xu có tuyên bố: “Vì Thượng Đế yêu thương nhân loại đến nỗi hy sinh Con Một của Ngài, để tất cả những người tin nhận Con Thượng Đế đều không bị hư vong nhưng được sự sống vĩnh cửu” (Giăng 3:16)

                Chúa Cứu Thế Giê-xu là sự giải bày trọn vẹn về Thiên Chúa cho mỗi chúng ta.

                Nếu bạn và tôi muốn biết bản tính thánh khiết tuyệt đối của Thiên Chúa, hãy nhìn vào đời sống, cùng mọi lời nói và hành động của Chúa Cứu Thế Giê-xu.

                Nếu bạn và tôi muốn xác định, Thiên Chúa yêu chúng ta đến mực nào, hãy nhìn vào sự chết thế hy sinh thật đau đớn và nhục nhã của Con Một Thượng Đế trên cây thập tự, vì tội lỗi của bạn và tôi.

                Nếu bạn muốn biết đâu là chân lý, đâu là con đường cứu rỗi thực sự giữa muôn vàn triết lý và tôn giáo của con người, hãy lắng nghe những lời nói đầy chân tình và trong sáng từ miệng Chúa Cứu Thế Giê-xu.

                Thiên Chúa vì yêu và không muốn chúng ta bị lầm lẫn, nên Ngài đã sai Chúa Cứu Thế Giê-xu giáng trần, để trở nên Lời Sống, là sự bày tỏ rõ ràng, sống động và trọn vẹn về Thiên Chúa. Do vậy, Chúa Cứu Thế Giê-xu còn có danh hiệu là Thiên Ngôn hay Ngôi Lời, như sứ đồ Giăng có diễn tả: “Ban đầu có Ngôi Lời. Ngôi Lời với Thượng Đế từ nguyên thủy vì Ngài là Thượng Đế Ngôi Hai. Ngôi Lời đã giáng thế làm người, cư ngụ giữa chúng ta, tràn đầy ân sủng và chân lý” (Giăng 1:1& 14).

                Ước mong chúng ta từ nay, trân quý món quà truyền thông và ngôn ngữ mà Thiên Chúa đã ban tặng cho mỗi chúng ta, sử dụng khả năng diệu kỳ này để xây dựng nhau, để tương giao với Đấng Chí Cao, để đón nhận Lời Hằng Sống từ trời, như chính Chúa Cứu Thế Giê-xu có tuyên phán: “Người ta không phải chỉ sống nhờ bánh mà thôi mà còn nhờ vào những lời phán của Thượng Đế.” (Ma-thi-ơ 4:4).

                Thân chào quý vị và các bạn.
 

Tùng Tri
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn