Kính thưa quý độc giả,

             Thế giới chúng ta đang sống ngày càng bận rộn và thiếu thốn trầm trọng sự nghỉ ngơi cần thiết. Đối với rất nhiều người, cuộc đời là những chuỗi ngày liên tục lặn hụp triền miên trong tranh đấu, toan tính, ganh đua; sức lực mau kiệt quệ, tinh thần sớm hao mòn và niềm vui thì thật hiếm hoi.

             Điều này hoàn toàn đi ngược lại với ý định tốt lành của Đấng Tạo Hóa.

             "Sáng Thế Ký" là quyển sách đầu tiên của Thánh Kinh, ký thuật lại Thiên Chúa trong sáu ngày, đã sáng tạo trời và đất, muôn vật và muôn loài, trong đó có loài người chúng ta. Sau khi hoàn tất công trình sáng tạo, Ngài nghỉ ngơi trong ngày thứ bảy, như có chép: "Như thế, trời đất và vạn vật đều được sáng tạo xong. Đến ngày thứ bảy, công trình hoàn tất, Thiên Chúa nghỉ mọi việc. Thiên Chúa ban phúc và thánh hóa ngày thứ bảy (hay còn gọi là ngày Sa-bát), vì là ngày Ngài nghỉ mọi công việc sáng tạo".

             Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng, không hề bị mệt mỏi, không bị đuối sức như bạn và tôi, nhưng Ngài vẫn dành trọn một ngày để nghỉ mọi việc, vì Ngài muốn nêu một tấm gương tốt và nhắc nhở mọi người về nhu cầu cần được nghỉ ngơi.

             Các cư dân tại Trung Đông, trong Bình Nguyên Lưỡng Hà và xứ Ba-by-lôn, là những láng giềng của dân Do-thái, lập ra lịch với chu kỳ bảy ngày, dựa theo sự vận hành của mặt trăng và trong lịch của họ chỉ có một ngày nghỉ mỗi tháng, rơi vào ngày trăng tròn.

             Ngược lại, dân Do-thái là tuyển dân của Thiên Chúa, có một ngày nghỉ mỗi tuần và ngày nghỉ này không phụ thuộc vào chu kỳ vận hành của mặt trăng hay của bất kỳ thiên thể nào, nhưng chỉ đặt trên điều răn thứ tư trong Mười Điều Răn mà Đấng Tạo Hóa đã công bố:

             "Phải nhớ ngày Sa-bát và giữ làm ngày thánh. Các ngươi phải làm tất cả các công việc mình trong sáu ngày, nhưng ngày Sa-bát là ngày dành cho Chúa, Đức Chúa Trời của các ngươi. Trong ngày đó các ngươi, con trai con gái, tôi trai tớ gái, súc vật và cả đến khách ở trong nhà các ngươi đều không được làm việc gì cả. Vì trong sáu ngày Chúa đã dựng nên trời, đất, biển và mọi vật trong đó, nhưng Ngài nghỉ vào ngày thứ bảy. Như vậy Chúa chúc phước cho ngày thứ bảy và thánh hóa ngày ấy".

             Điều răn về ngày nghỉ mỗi tuần là điều răn dài nhất trong Mười Điều Răn, với khá nhiều chi tiết, vì Đấng Tạo Hóa muốn nhấn mạnh đến hai điều.

             Thứ nhất, điều răn này dành cho tất cả mọi người, bất luận là người làm chủ hay người làm công; bởi vì hễ là con người, thì ai cũng có nhu cầu cần được nghỉ ngơi như nhau.

             Thứ nhì, ngày nghỉ không phải chỉ để nghỉ ngơi khỏi những công ăn việc làm mỗi ngày, nhưng cũng là ngày để dành riêng ra cho Thiên Chúa, là thời gian được biệt riêng ra để hướng về Đấng Tạo Hóa, để công nhận chính Ngài đã dựng nên trời, đất và muôn vật ở trong đó.

             Người Việt chúng ta gọi ngày nghỉ mỗi tuần này là "Chúa Nhật", hay là "ngày của Chúa", là một tên gọi mang ý nghĩa thật gần với điều răn thứ tư của Thiên Chúa.

            Quý độc giả thân mến,

             Sự nghỉ ngơi đúng nghĩa không chỉ là nghỉ làm một ngày mỗi tuần để lấy lại sức, hay là nghỉ nhiều ngày để đi du lịch đó đây chẳng hạn, sau một thời gian dài làm việc để được phục hồi. Sự nghỉ ngơi đầy đủ chỉ có khi một người có thể trút bỏ bao gánh nặng âu lo trong tâm trí, từ giã bao toan tính đang đè nặng trong tâm hồn.

             Vào thế kỷ 18, thầy rabbi Levi Yitzchak, một hôm kia quan sát, thấy có rất nhiều người vội vã ngược xuôi qua lại trên quảng trường thành phố nơi ông cư ngụ. Ông lấy làm thắc mắc tại sao ai ai cũng vội vã cuống cuồng đến như vậy. Ông bèn chận một người lại và hỏi: "Anh ơi, tại sao anh lại hấp tấp vội vã quá sức vậy?", thì người kia trả lời: "Tôi đang chạy để kiếm kế sinh nhai đây!". Thầy rabbi bèn hỏi tiếp: "Làm sao anh biết là sinh kế của anh đang ở phía trước anh mà anh phải chạy theo mới bắt được nó? Rất có thể nó đang ở phía sau anh và anh phải dừng lại thì nó mới đuổi kịp anh được!".

             Thầy rabbi Levi Yitzchak đã nhắc lại kinh nghiệm của vua Đa-vít, là người có mối liên hệ thật gần gũi với Thiên Chúa. Vua Đa-vít nhận được sự yên nghỉ trọn vẹn khi vua không hấp tấp, không toan tính theo ý riêng, nhưng biết dừng lại để chiêm ngưỡng, để tin cậy, để phó thác trọn cuộc đời mình trong sự chăm sóc của Đấng Tạo Hóa và Ngài đã khiến bao phước hạnh tìm kiếm nối gót theo vua. Qua kinh nghiệm này, vua Đa-vít đã viết nên lời Thi Thiên 23 thật tuyệt vời như sau:

             "Chúa là Đấng chăn giữ tôi,
             Tôi sẽ không thiếu thốn gì.
             Ngài giúp tôi an nghỉ nơi đồng cỏ xanh tươi,
             Dẫn tôi đến bên bờ suối yên tịnh.
             Ngài phục hồi linh hồn tôi,
             Dẫn tôi vào đường lối công bình
             Vì cớ danh Ngài.
             ... trọn đời tôi, phúc lành và tình yêu thương sẽ theo tôi."

             Kính thưa quý độc giả,

             Thiên Chúa Ngôi Hai, cách đây hơn hai ngàn năm, vì yêu thương và muốn cứu nhân loại ra khỏi bản án phạt đời đời, nên đã tự nguyện giáng trần làm người trong một con người mang tên Giê-xu.

             Chúa Cứu Thế Giê-xu là con người duy nhất hoàn toàn vô tội, khi xét trước mọi luật pháp của con người và trong mọi tiêu chuẩn tuyệt đối thánh khiết của Thiên Chúa, nhưng do lòng ganh ghét của các nhà lãnh đạo Do-thái giáo đương thời, họ đã tìm cách bắt Ngài, hạch hỏi, lên án, vu oan, rồi tra tấn và cuối cùng xử chết đóng đinh Ngài trên cây thập tự.

             Thực ra, đây cũng là chương trình cứu chuộc nhân loại của Đấng Tạo Hóa, vì khi Chúa Cứu Thế Giê-xu bị đóng đinh thật nhục nhã và đau thương trên cây thập tự cho đến chết, đó là lúc Con Trời đang lãnh bản nợ tội thế cho cả nhân loại, đang chết thay cho mỗi chúng ta; hầu cho bất kỳ ai biết ăn năn tội và tin vào sự chết thế đó, thì người đó được Thiên Chúa tha bỗng, được kể là vô tội, không còn bị đoán phạt trong ngày sau cùng, nhưng được thừa hưởng thiên đàng phước hạnh đời đời bên Đấng Tối Cao.

             Trong những ngày có mặt tại thế gian này, Chúa Giê-xu có nhắc nhở về ích lợi của ngày Sa-bát yên nghỉ và chính Ngài cũng tự nhận mình chính là Chúa của ngày Sa-bát.

             Điều này có nghĩa gì?

             Vì Chúa Giê-xu đồng với Cha Ngài, đã sáng tạo nên muôn vật và muôn loài trong sáu ngày và yên nghỉ trong ngày thứ bảy.

             Vì Chúa Giê-xu đồng với Cha Ngài, đã ban cho loài người điều răn thứ tư, quy định loài người phải nghỉ ngơi và biệt riêng cho Đấng Tạo Hóa một ngày sau sáu ngày làm việc.

             Hơn thế nữa, nhờ sự chết thế của Chúa Cứu Thế Giê-xu, mà những ai người tin nhận Ngài thì được xem là vô tội, được làm hòa với Đấng tạo dựng ra mình, được thay đổi từ địa vị tội nhân trở nên con cái của Đấng Tối Cao, được tận hưởng thiên đàng phước hạnh, không còn lo sợ bị đoán phạt nữa nhưng được tâm linh được an bình và yên nghỉ trong mối liên hệ khắng khít đời đời với Thiên Chúa.

             Vấn nạn của thế giới thật bận rộn ngày nay không chỉ là người ta làm việc quần quật, "làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm", dày vò và không cho thân xác được nghỉ ngơi.

             Vấn nạn của thế giới thật căng thẳng ngày nay không chỉ là người ta mãi miết chạy đua theo những tham vọng riêng tư, đến nỗi tâm tư chất đầy toan tính, lo lắng và bất an.

             Vấn nạn của thế giới ngày nay cũng còn là sự bất ổn trong tâm linh, xô đẩy người ta bận rộn tìm kiếm nhiều triết lý, bận rộn xây dựng nhiều tôn giáo, rồi bận rộn tu tập, bận rộn tích lũy công đức, để leo cho thật cao trong bậc thang đạo đức, để sao trở nên thật uyên thâm trong triết lý tôn giáo, với ước vọng sẽ được trở thành những bậc cao trọng trong cõi đời đời.

             Thiên Chúa dựng nên công trình sáng tạo đẹp đẽ tuyệt vời và Ngài kêu gọi chúng ta đến yên nghỉ trong Ngài để tận hưởng công trình đó.

             Thiên Chúa cũng ban cho tất cả chúng ta Chúa Cứu Thế Giê-xu và Ngài kêu gọi bạn và tôi đến yên nghỉ trong Con Một yêu dấu của Ngài, là Đấng đã hoàn tất sự cứu chuộc cho loài người và chúng ta chẳng cần phải tất bật để làm thêm một điều nào khác nữa để được cứu.

             Chỉ duy trong Chúa Cứu Thế Giê-xu, là Chúa của ngày Sa-bát yên nghỉ, bạn và tôi mới có thể chấm dứt mọi nỗi bồn chồn, bất an, lo lắng và bận rộn quá sức; để rồi có thể đón nhận và kinh nghiệm sự nghỉ ngơi trọn vẹn cho thể xác, tinh thần và tâm linh, như chính Ngài đang kêu mời:

             "Những ai đang nhọc mệt và nặng gánh ưu tư, hãy đến với Ta, Ta sẽ cho các con được nghỉ ngơi. Ta có lòng khiêm tốn, dịu dàng; hãy mang ách với Ta và học theo Ta, các con sẽ được an nghỉ trong tâm hồn. Vì ách Ta êm dịu và gánh Ta nhẹ nhàng."

             Ước mong quý vị có thể nghỉ ngơi trọn vẹn và vui thỏa trong Chúa Cứu Thế Giê-xu.

             Thân chào quý vị và các bạn.
 

Tùng Tri
Nguồn: phatthanhhyvong.com