18:17 EDT Thứ năm, 02/05/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 32

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 30


Hôm nayHôm nay : 8964

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 16003

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23025036

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Dạy Con Cháu Theo Chúa

Dạy Con Cháu Theo Chúa

“Đừng làm theo đời này, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào” (Rô-ma 12:2).

Xem tiếp...

Tại Sao Tuổi Trẻ Bạo Động? (Bài 2)

Thứ ba - 12/07/2016 21:12
Tại Sao Tuổi Trẻ Bạo Động? (Bài 2)

Tại Sao Tuổi Trẻ Bạo Động? (Bài 2)

Kính thưa quý độc giả, Trong tháng tư vừa qua của năm 2007 đã xảy ra một cuộc thảm sát tàn khốc nhất trong sân trường của lịch sử hiện đại Hoa Kỳ.

                


                Kính thưa quý độc giả,

                Trong tháng tư vừa qua của năm 2007 đã xảy ra một cuộc thảm sát tàn khốc nhất trong sân trường của lịch sử hiện đại Hoa Kỳ. Đó là tại sân trường đại học bách khoa Virginia Tech, vùng Blacksburg, thuộc tiểu bang Virginia, cậu học sinh người gốc Nam Hàn, Seung-Hui Cho đã dùng súng hạ sát 27 học sinh, 5 nhân viên nhà trường, cùng làm trọng thương nhiều người khác nữa, trước khi dùng súng tự kết liễu đời mình. Điều đau buồn là hiện tượng kinh hoàng cứ lập đi lập lại trong hai mươi năm trở lại đây.

                Trong tuần trước, chúng ta đã bắt đầu cùng nhau tìm hiểu tại sao những học sinh trẻ tuổi lại có thể biến thành những tay sát nhân lạnh lùng như vậy. Những lý do chúng ta đã đề cập đến, thứ nhất là có những thiếu niên nuôi dưỡng sự bất mãn, lòng hận thù trong lòng từ năm này qua tháng nọ, cho đến lúc sự cay đắng, phẫn uất trở thành những hành vi bạo động; thứ nhì, đó là những thiếu niên bị gia đình, bạn bè, người thân ruồng bỏ, xa lánh, chẳng được ai quan tâm đến; thứ ba, đó là những thiếu niên có những khúc mắc, khó khăn trong đời sống tình cảm và tâm lý, đã trở nên chai đá, lạnh lùng, không thương người và không cảm nhận được tình thương.

                Trong tuần này, chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu thêm những lý do khác đưa đẩy tuổi trẻ vào con đường bạo hành và sát nhân.

                4./ Nhiều em thiếu niên trở nên bạo động vì khao khát muốn thấy mình được tôn sùng, muốn thấy mình là quan trọng.

                Các em này ra sức tìm kiếm một điều gì đó để thấy mình có uy quyền, thấy mình là nổi bật và người khác phải nể trọng. Các em này sống trong mộng tưởng, thấy mình trong đó là nhân vật đầy uy quyền và khả năng to lớn. Các em bị xem thường, ruồng bỏ, không ai thương mến, thấy mình bị cô lập và cô đơn, thường kiếm cách chôn giấu những cảm giác đau đớn của mình bằng cách sống với những ảo tưởng của quyền lực và địa vị quan trọng. Các em này không ý thức được sức mạnh giả tưởng thực ra là sự yếu đuối, là tính suy nhược của bản thân mình. Thay vì có đủ sức mạnh và bản lĩnh để đối diện với những tổn thương, chấp nhận mình cần Thiên Chúa và người khác giúp đỡ, các em này lại quay sang với những sức mạnh giả tạo trong những mộng tưởng.

                Việc tìm kiếm uy quyền thường biểu lộ qua những đồng phục quân đội của các nhóm lập dị. Các em này thích mặc đồ lính Đức quốc xã, mê súng ống, nghe nhạc ồn ào với lời lẽ căm hận và luôn mơ tưởng rằng người khác đang tôn sùng các em. Thần tượng của các em này thường là những nhân vật độc ác như Hitler, hay những nhân vật nham hiểm và đầy thủ đoạn trong lịch sử.

                5./ Một số thiếu niên bạo động có thể vì đang có bịnh thần kinh.

                Không phải ai có bệnh thần kinh đều có tâm tính cay đắng, hành vi bạo động cả, nhưng bệnh tật có thể khiến các em hành động như vậy. Để đạt được một đời sống trưởng thành, chúng ta cần cảm thấy khá bằng lòng về chính bản thân mình và những người chung quanh, và cũng cần học biết cách chế ngự những ham muốn bất chợt hay những cảm xúc tiêu cực. Nhưng đối với các em có trở ngại về thần kinh, các em này gặp nhiều khó khăn trong việc học, việc tập trung suy nghĩ, thường cũng khó mà cảm thấy bằng lòng về chính bản thân mình trong thế giới đầy ganh đua này. Các em này khó mà kiểm soát được những suy nghĩ, cảm giác và phản ứng của mình.

                Trong khi hầu hết chúng ta đang khi nóng giận, thì biết cách chế ngự để khỏi hành động nông nỗi, nhưng đối với các em chậm lớn và có bịnh thần kinh, khi giận dữ, thì chúng liền hành động mà không suy nghĩ. Các nghiên cứu mới nhất cho thấy có sự khác biệt lớn lao trong hệ thống thần kinh và não bộ giữa một người bình thường và những tội phạm trong lúc bốc đồng, đã gây ra những tội ác và bạo động. Sự kết hợp những cảm xúc tiêu cực về chính bản thân, lòng giận dữ, sự bốc đồng làm gia tăng xác suất phạm tội ác của các em bị bệnh thần kinh.

                6./ Các thiếu niên bạo động thường là những em lạc lối trong đời sống tâm linh.

                Hầu hết các em này không có mối liên hệ với Thiên Chúa. Những câu lạc bộ lập dị mà các em lui tới, những bạn bè bất bình thường mà các em giao du, thay thế những mối liên hệ bình thường với người xung quanh và cả mối liên hệ với Thiên Chúa. Vì trống vắng tâm linh và lạc mất hướng đi trong đời, các em này thường tự tạo nên ý nghĩa cho cuộc đời mình qua cái nhìn riêng của các em về thế giới này. Các em tự phán quyết ai là người xấu; đối với các em này, những người xấu là những ai không giống như các em. Các em cũng tự quyết đoán ai là người tốt và những người giống như các em hay chung một hoàn cảnh thường được cho là người tốt. Rồi sau đó, các em tự quyết định phải san bằng thang điểm. Nói tóm lại, các em này tự đặt ra cho mình một tôn giáo và các em tự cho mình là thánh thần với thẩm quyền quyết định ai đáng sống và ai phải chết. Có thể các em chưa đến nỗi bị khủng hoảng tinh thần đến nỗi tự cho mình là Thiên Chúa, nhưng các em luôn sống trong ảo tưởng rằng mình là con người siêu việt, vượt trội hơn mọi người khác và rất tự hào với những suy nghĩ và hành động của mình. Các em này có một cái nhìn hoàn toàn lệch lạc với thế giới thật mà các em đang sống.

                7./ Các thiếu niên giết người vì đã đánh mất hy vọng về một cuộc đời hạnh phúc và có ý nghĩa.

                Chúng ta đã từng nghe tin tức hay tận mắt chứng kiến những cuộc rượt bắn chém giết của các băng đảng. Khi bị tách rời ra khỏi xã hội, thất vọng vì không có cách nào vươn lên trong cuộc sống, sống không biết để làm gì, thì không có điều gì cản trở các em trộm cắp, nhập băng đảng, rượt đuổi, chém giết trên đường phố. Nhiều em thiếu niên không mong sống qua tuổi 20 và khi đề cập đến cái chết, các em này chẳng tỏ ra lo âu chút nào. Các em này đã hoàn toàn đánh mất hy vọng vào cuộc sống và chẳng bao giờ dám mơ ước đạt được một cuộc đời lành lặng, bình thường. Các em đã đánh mất hy vọng rằng cha mẹ và những người khác có thể cảm thông với các em. Các em không có hy vọng rằng sẽ có được một ngày hạnh phúc. Nhiều tay sát nhân trẻ tuổi đặt kế hoạch giết người hàng loạt rồi sau đó tự kết liễu đời mình vì các em này tuyệt đối không có một ý muốn ham sống nào cả.

                8./ Khi đánh mất hy vọng về một cuộc đời tốt đẹp, nhiều thiếu niên tỏ ra bất cần đời và trở nên bạo động.

                Sau nhiều năm tháng thấy mình bị cách biệt và không ai thương yêu, các em này trở nên tuyệt vọng. Các em này không còn quan tâm đến chính mình, người khác hay những hậu quả trong các việc làm của các em. Cách duy nhất để che dấu những vết thương lòng, những ước ao được quan tâm, được chú ý đến, đó là tỏ ra “bất cần đời”. Sau hàng trăm lần, thậm chí hàng ngàn lần bị làm ngơ, bị từ chối, tổn thương và hiểu lầm, các em này không còn chịu đựng nỗi niềm đau và bắt đầu khoác lên cái vỏ bên ngoài “bất cần đời”, xem thường tất cả mọi sự, với mục đích để gây lại sự chú ý, hay để lại một vết tích gì trong đời này, dù đó có thể là một vết tích đau thương cho nhiều người khác.

                9./ Nhiều thiếu niên bạo động vì sống trong bối cảnh văn hóa xem thường giá trị đời sống.

                Những vấn đề như phá thai hay “nan y tử quyền” (tức là chấm dứt trị bịnh, để một bệnh nhân chết mau, tránh kéo dài sự đau đớn vì cho rằng đã vô phương cứu chữa) cho thấy giá trị con người đang bị xem thường. Hàng triệu người Mỹ xem rất rẻ sinh mạng con người. Khi xã hội đánh mất đi niềm tin vào Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo ra con người và muôn loài, thì con người không còn nền tảng vững chắc nào để hiểu được chân giá trị cao quý và mục đích tốt lành của đời sống con người. Thay vì nhận thấy mỗi cá nhân là một tạo vật yêu dấu, được Thiên Chúa dựng nên giống như chân dung của chính Ngài, thì con người ngày nay chỉ thấy mình là một thực thể tình cờ trong một thế giới ngẫu nhiên và vô mục đích.

                Khi xem thường giá trị con người, cộng với sự mù lòa tâm linh, nỗi thất vọng về tương lai, không thể yêu ai và không thấy được yêu, một người dễ trở thành một kẻ sát nhân. Những người này xem thường mạng sống, bị trầm cảm, sống vô mục đích, đánh mất hy vọng, lạnh lùng, không tình cảm. Vì đời sống chẳng mang một ý nghĩa nào, nên ra tay chém giết thì có sao đâu.

                Kính thưa quý độc giả,

                Trong tuần tới, chúng ta sẽ cùng nhau đề cập đến những lý do còn lại đã đưa đẩy thiếu niên vào con đường bạo hành sát nhân, hầu có những biện pháp ngăn ngừa hữu hiệu cũng như giúp đỡ cho các em có được một đời sống tốt lành. Xin hẹn gặp lại quý vị.
 

Dr. Bruce Narramore, Psychologist , Narramore Christian Foundation - Tùng Tri lược dịch
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn