15:06 EDT Thứ bảy, 27/04/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 19

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 18


Hôm nayHôm nay : 17466

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 266880

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 22996287

Trang nhất » Dưỡng linh » Văn - Thơ - Nhạc

Bài Mới

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

“Nhưng, hỡi anh em, xin anh em hãy răn bảo những kẻ ăn ở bậy bạ, yên ủi những kẻ ngã lòng, nâng đỡ những kẻ yếu đuối, phải nhịn nhục đối với mọi người. Hãy giữ, đừng có ai lấy ác báo ác cho kẻ khác; nhưng hãy tìm điều thiện luôn luôn, hoặc trong vòng anh em, hoặc đối với thiên hạ” (câu 14-15).

Xem tiếp...

Câu Chuyện Về Hai Người Thợ Hớt Tóc

Thứ hai - 21/05/2018 20:56
Câu Chuyện Về Hai Người Thợ Hớt Tóc

Câu Chuyện Về Hai Người Thợ Hớt Tóc

Lời mở đầu: Philip Yancey là một nhà văn Cơ-đốc nổi tiếng, với số sách khoảng 14 triệu được ấn hành, phổ biến và được chào đón nồng nhiệt khắp nơi trên thế giới.


                Lời mở đầu: Philip Yancey là một nhà văn Cơ-đốc nổi tiếng, với số sách khoảng 14 triệu được ấn hành, phổ biến và được chào đón nồng nhiệt khắp nơi trên thế giới. Các tác phẩm nổi tiếng của ông như “The Jesus I Never Knew” (tạm dịch là “Chúa Giê-xu Mà Tôi Chưa Hề Biết”) và “What’s So Amazing About Grace?” (tạm dịch là “Điều Gì Quá Diệu Kỳ Về Ân Điển?”) và hàng ngàn các bài viết được đăng trên rất nhiều các tạp chí, đã làm xúc động hàng triệu triệu người đọc. Câu chuyện ngắn sau đây là một ghi nhận trong đời sống thường nhật của tác giả. Xin kính mời quý vị cùng theo dõi.

                Niềm hạnh phúc dường như lẫn trốn những người tìm kiếm hay đeo đuổi nó. Mặc dù hay lẩn khuất, niềm hạnh phúc lại thường xuất hiện vào những lúc bất ngờ, như một kết quả phụ, như một điều thứ yếu kèm theo, chứ không phải là mục tiêu chính.

                Cuộc gặp gỡ với hai người thợ hớt tóc, một ở California và một ở Ấn độ, giúp tôi thấu hiểu thế nào là sự thỏa lòng, là tình trạng khoái lạc của tâm hồn trong nơi sâu thẳm nhất. Tôi đến một tiệm hớt tóc và gặp người thợ hớt tóc thứ nhất tại thành phố Los Angeles trước khi lên đường thực hiện một chuyến du hành ra hải ngoại vào những năm của thập niên 1960. Người thợ hớt tóc này làm chủ một tiệm hớt tóc có lót gạch bông bóng lộn và những dụng cụ tân thời bằng thép không rỉ sáng chói. Trong tiệm có bốn chiếc ghế với hệ thống lực đặc biệt mà người ta có thể nâng lên hay hạ xuống thật dễ dàng bằng cách chỉ đạp vào cái bàn đạp đặt ở chân ghế. Buổi sáng hôm đó chỉ có một mình người chủ tiệm và do vậy, tôi thấy mừng vì anh ấy có thể cắt tóc liền cho tôi, kịp cho tôi ra để phi trường trước giờ bay.

                Là một người đàn ông trạc ngoài năm mươi, có vẻ cáu kỉnh, người chủ tiệm dùng cơ hội này để trút đổ những bực dọc trong nghề hớt tóc hiện giờ. Anh nói: “Bây giờ kiếm sống thật là chật vật. Chẳng có ai tử tế biết giúp đỡ người khác. Đây, anh coi, cái anh chàng hớt tóc làm việc cho tôi, kỳ kèo tôi miết, hết đòi tiền thưởng lại đòi tăng lương. Nó không hề biết làm chủ một cái tiệm như thế này là phải lo lắng cả trăm điều. Tôi mà làm ra được đồng nào là phải trả thuế cho chính phủ”. Rồi cứ thế mà anh thợ hớt tóc này đưa ra những nhận định thật là cay đắng về tình trạng ì ạch của nền kinh tế, những chuyện ngớ ngẩn của luật an toàn lao động và thái độ vô ơn của khách hàng đối với anh. Khi tôi đứng dậy khỏi chiếc ghế, tôi có cảm tưởng rằng anh ấy phải trả cho tôi lệ phí chữa bịnh tâm lý mới phải, vì mình đã kiên nhẫn chịu đựng lắng nghe những trút đổ bực dọc của anh ấy. Nhưng thay vào đó, tôi đã trả anh ấy năm đô-la, một khoảng tiền khá lớn cho lệ phí hớt tóc vào thời đó.

                Một tháng sau đó, tôi có ghé ngang qua Úc châu và một vài nơi tại Á châu, trước khi dừng chân tại Vellore thuộc Ấn độ. Lại một lần nữa, tôi cần phải hớt tóc. Lần này tôi đến một tiệm hớt tóc nằm trên con đường chính băng ngang qua trước cửa bệnh viện Vellore. Người thợ hớt tóc đon đả hướng dẫn tôi vào ngồi trên chiếc ghế đơn độc trong tiệm. Thực ra, đó chẳng phải là cái ghế đúng nghĩa, nhưng chỉ là một sự chắp nối tạm thời những thanh kim loại đã rỉ sét lại với nhau, được bao lại bằng một miếng da thuộc đã rách tươm mà không hề có nệm nhồi bên trong. Khi tôi ngồi xuống, anh thợ hớt tóc vội biến ra khỏi cửa đi ra ngoài, rồi sau đó trở vào với một thau đựng nước bằng đồng đã móp méo. Anh cẩn thận bày ra thành hàng nào kéo, nào lược, nào dao cạo và cái tông-đơ hớt tóc bằng tay. Tôi rất khâm phục vì thái độ chững chạc và yên lặng của anh ấy. Anh ấy đúng là một người thợ lành nghề và yêu quý công việc của mình. Anh ấy sắp xếp những dụng cụ của mình một cách thận trọng và tỉ mỉ, giống như những y tá chuẩn bị dao kéo và dụng cụ mổ trong những ca giải phẫu nghiêm trọng trong bệnh viện vậy.

                Khi anh thợ hớt tóc đang liếc chiếc dao cạo thật hăng hái để chuẩn bị hớt tóc cho tôi, đứa con trai mười tuổi của anh ấy từ nhà vừa đến, mang đến đồ ăn trưa nóng hổi cho cha. Anh thợ nhìn tôi có vẻ như muốn xin lỗi và nói: “Thưa ông, xin ông vui lòng hiểu cho bây giờ là thời gian ăn trưa của tôi. Tôi có thể cắt tóc cho ông sau khi dùng xong bữa trưa không?” Tôi trả lời: “Chắn chắc là được rồi”. Vừa trả lời, tôi cũng mừng thầm vì thấy anh thợ hớt tóc cũng tự nhiên, không quá e dè, sợ hãi trước một người khách nước ngoài mang áo choàng bác sĩ như tôi. Tôi quan sát khi đứa con trai bày đồ ăn trưa ra trên chiếc lá chuối. Ngồi bệt xuống sàn, đôi chân xương xẩu đan chéo vào nhau, người cha thưởng thức món ăn trưa gồm có cơm, đồ chua, cà-ri và đậu hủ, trong khi đứa con trai đứng cạnh bên cha, sẵn sàng tiếp thêm đồ ăn vào trên tấm lá chuối. Ăn xong, anh thợ hớt tóc ợ một tiếng thật lớn, một dấu hiệu của một bữa ăn ngon miệng thỏa mãn, theo như phong tục địa phương ở đây.

                Nhìn thấy thái độ lễ phép của đứa con trong cung cách đối xử với cha, tôi bèn hỏi: “Con trai anh, lớn lên chắc cũng hành nghề hớt tóc giống anh, phải không?” Anh thợ hớt tóc vội trả lời với ánh mắt tự hào: “Thưa ông, chắc chắn rồi! Tôi hy vọng lúc đó tôi có được hai chiếc ghế. Cha con tôi có thể làm chung với nhau cho đến khi tôi nghỉ hưu. Rồi sau đó cái tiệm này thuộc về của nó luôn!”

                Khi đứa con trai còn đang dọn dẹp sau bữa ăn trưa, anh thợ hớt tóc bắt đầu làm việc. Một vài lần, tôi có cảm tưởng rằng cái tông-đơ cũ kỹ của anh như muốn giựt một vài cọng tóc của tôi bứt ra khỏi chân tóc, nhưng nhìn chung lại, bữa hôm đó tôi có được một bữa hớt tóc thật tốt đẹp. Hớt tóc xong, anh ấy xin tôi tiền cắt tóc: một rúp-pi, tức là chỉ bằng mười xu Mỹ. Khi liếc nhìn vào gương, hài lòng khi so lại với kỳ cắt tóc lần trước, tôi không thể nào không so sánh hai người thợ hớt tóc với nhau. Làm sao một người kiếm được chỉ bằng một phần năm mươi tiền cắt tóc của người kia, dường như lại có một đời sống hạnh phúc hơn.

                Tôi rất thỏa nguyện trong thời gian lưu lại tại Ấn độ. Từ những con người giống như anh thợ hớt tóc tại Vellore, tôi học được rằng sự thỏa lòng là một tình trạng nội tâm, một sự thật mà nhiều người đã quên lãng trước những chèn ép của nhiều màn quảng cáo ồn ào trong xã hội phương Tây ngày nay. Ở trong một xã hội đua đòi theo những tiện nghi vật chất, chúng ta lúc nào cũng bị nhồi sọ rằng sự thỏa lòng đến từ những điều bên ngoài, và chúng ta chỉ duy trì được sự thỏa lòng khi chúng ta mua thêm được một món đồ nào đó.

                Tôi tìm thấy được sự thỏa nguyện sâu thẳm trong những con người sống trong những hoàn cảnh thiếu thốn mà chúng ta, những người đang sống trong xã hội Tây phương, thường nhìn đến với cặp mắt thương hại hay ghê sợ. Thế thì bí quyết của họ là gì?

                Mặc dù người thợ hớt tóc tại Los Angeles đạt được mức giàu có, sung túc mà anh thợ hớt tóc tại Vellore không bao giờ dám mơ ước tới, nhưng anh sống trong một xã hội đầy dẫy tranh cạnh và bị thúc đẩy đi lên không ngừng vì con người thiếu hài lòng. Khi tiêu chuẩn cuộc sống được nâng cao chừng nào, thì ước vọng cũng được nâng cao lên chừng ấy.

                Hễ chúng ta càng để cho sự thỏa lòng của mình phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài như xe mới, quần áo thời trang, thanh danh nghề nghiệp, quyền cao chức trọng trong xã hội, thì chúng ta càng buông lỏng, để mặc cho những điều này kiểm soát và chế ngự nỗi niềm hạnh phúc của mỗi chúng ta.

                Quý thính giả thân mến,

                Ba yếu tố để nhận được sự thỏa lòng, đó là lòng khiêm nhượng, lối sống đơn giản và thái độ tự chủ, nhưng trên hết là biết phó thác vào Đấng Tạo Hóa là Đấng hay chăm sóc và làm ơn, như vua Đa-vít diễn tả qua vầng Thi Thiên 131 như sau:

                Chúa Hằng Hữu ôi, 
                Lòng con không tự hào, 
                Mắt con không kiêu hãnh, 
                Con không mơ việc cao xa, 
                Vượt quá tài sức mình. 
                Con đã làm lắng dịu tâm hồn, 
                Như trẻ thôi bú nằm yên bên mẹ, 
                Tâm hồn an tĩnh trong con. 
                Y-sơ-ra-ên, hãy hy vọng nơi Chúa Hằng Hữu Từ nay đến muôn đời.

                Lời Kinh Thánh cũng nhắc nhở về lợi ích của sự thỏa lòng như sau:

                Nhưng niềm tin kính và lòng mãn nguyện là lợi ích lớn. Vì con người ra đời tay trắng, khi qua đời cũng chẳng đem gì theo được, nên đủ ăn đủ mặc là thỏa lòng rồi. Người ham làm giàu thường mắc vào những cám dỗ và cạm bẫy, bị lôi cuốn vào những “lòng chảo” tham dục dại dột và tai hại, bị nhận chìm xuống đáy “biển” hư hoại và diệt vong. (1 Ti-mô-thê 6:6-9)

                Ước mong quý vị có một đời sống thỏa nguyện và biết tin cậy nơi Thiên Chúa nhân từ. Thân chào quý vị và các bạn.
 

“A Tale of Two Barbers” by Dr. Philip Yancey – Tùng Tri chuyển ngữ
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn