07:04 EDT Chủ nhật, 28/04/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 15

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 14


Hôm nayHôm nay : 4038

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 270078

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 22999485

Trang nhất » Dưỡng linh » Văn - Thơ - Nhạc

Bài Mới

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

“Nhưng, hỡi anh em, xin anh em hãy răn bảo những kẻ ăn ở bậy bạ, yên ủi những kẻ ngã lòng, nâng đỡ những kẻ yếu đuối, phải nhịn nhục đối với mọi người. Hãy giữ, đừng có ai lấy ác báo ác cho kẻ khác; nhưng hãy tìm điều thiện luôn luôn, hoặc trong vòng anh em, hoặc đối với thiên hạ” (câu 14-15).

Xem tiếp...

GIẤU CÁ TRÍCH TRONG TÚI ÁO CỦA MÌNH

Thứ ba - 25/02/2020 20:13
GIẤU CÁ TRÍCH TRONG TÚI ÁO CỦA MÌNH

GIẤU CÁ TRÍCH TRONG TÚI ÁO CỦA MÌNH

Albert Schweizer được hoàng gia Na Uy mời tới dự một bữa tiệc chiêu đãi, vinh danh ông sau khi được trao tặng giải Nobel Hòa Bình.

GIẤU CÁ TRÍCH TRONG TÚI ÁO CỦA MÌNH
 
         Albert Schweizer được hoàng gia Na Uy mời tới dự một bữa tiệc chiêu đãi, vinh danh ông sau khi được trao tặng giải Nobel Hòa Bình. Một dĩa cá trích được đặt trước mặt ông – là món mà ông không ăn được. Vì không muốn tỏ ra bất lịch sự nên khi nữ hoàng vừa quay đi, ông nhanh chóng trút dĩa cá vào túi áo khoác của mình.

         “Ông ăn món cá trích nầy nhanh quá nhỉ?” Nữ hoàng mỉm cười nhận xét:“Tôi mời ông ăn thêm chút nữa nhé?”

         Schweizer ước gì ông đã không giấu bữa tối vào túi áo của mình. Khi ấy ông cũng không thể từ chối, ít nhất là trong một dịp như thế. Dù đã dùng tới mánh khóe không mong muốn, có lẽ ông cũng không thể tiêu hóa nổi và cả quên đi bữa ăn ngày hôm đó. Nó khiến ông không kìm được mà phải kể lại câu chuyện nầy. Điều đó có khiến cho chúng ta băn khoăn “Liệu có bao nhiêu người giấu cá trích vào trong áo của mình?”

         Ngay thẳng thường đi đôi với sự khó xử, sự thật có thể gai góc và không dễ chịu. Nếu người nói ra sự thật không khéo léo, người nghe có thể sẽ phật lòng và cũng có thể bị tổn thương. Vậy trung thực và lòng tốt có đi đôi với nhau? Hay buộc ta phải chọn một trong hai?

         Tôi vẫn nhớ những ngày hai đứa con còn nhỏ, mỗi năm gia đình chúng tôi đều sắp xếp để về thăm ông bà nội tụi nhỏ một lần vào kỳ nghỉ hè. Chúng tôi đều bị say xe nên chọn phương tiện là tàu lửa. Nhưng vé tàu lửa rất đắt đỏ. Chúng tôi thường chọn việc sẽ mua vé ngoài luồng từ người soát vé trên tàu. Chúng tôi sẽ mua vé đưa tiễn người thân để vào sân ga và chọn tàu đúng tuyến mình cần đi, sau đó sẽ tìm cách nói chuyện với người soát vé. Họ sẽ cho chúng tôi lên tàu và sắp xếp chỗ. Nếu tàu ít người thì chúng tôi sẽ được thoải mái nằm trên giường nệm của toa họ chỉ định. Còn nếu hôm đó tàu đông thì họ sẽ cho chúng tôi nằm ở phòng của nhân viên, có  rất nhiều người chọn cách đi như vậy; số tiền họ có được sẽ chia nhau.
Chúng tôi đi như vậy được vài lần (mỗi năm một lần), bất chợt một hôm con gái tôi hỏi: “Ba mẹ ơi, mình đi như vầy là đi chui, mình không được bảo hiểm, không có một quyền lợi nào của người đi tàu mà lại đang góp phần làm thất thoát tiền của nhà nước…”


         Vợ chồng tôi nhìn nhau lặng lẽ, vì những điều một đứa trẻ nhận ra thì sao người lớn có thể không biết nhưng điều dối trá ấy lúc đó lại có lợi cho gia đình chúng tôi trong thời điểm khó khăn. Điều đáng xấu hổ ấy là bản chất tự nhiên của con người -như một phản xạ vô điều kiện- cứ có lợi thì làm. (từ khi nghe con bé lớn nói như vậy, chúng tôi đã chấm dứt việc đó, không còn đi tàu chui nữa.)

         Khá lâu sau đó chúng tôi sinh bé nhỏ. Chúng tôi nhớ lần đầu tiên dẫn con mình đi xe buýt, lúc đó con bé nhỏ sáu tuổi nhưng nhìn vào thì con bé chỉ như bốn tuổi. Khi người bán vé đến thu tiền, chúng tôi trả tiền cho cả bốn vé. Người bán vé nhìn con gái nhỏ của chúng tôi, ngạc nhiên nói:

         “Trẻ em năm tuổi trở xuống được miễn vé ạ.”.
         Chúng tôi đã mỉm cười cảm ơn và vợ tôi quay sang hỏi con bé:
         “Nhã Ca, con mấy tuổi?”.
         Con bé mạnh dạn trả lời: “Dạ con sáu tuổi”.

         Có vài người lớn xầm xì chung quanh “Con bé nhỏ xíu vậy ai biết nó sáu tuổi mà khai?”. Vợ tôi đã quay lại phía sau cười và nói nhỏ nhẹ “Dạ, chúng tôi biết, con bé biết và Ông Trời biết”.
         
Thoạt nhìn, việc nói dối tưởng chừng là dễ dàng và thoải mái hơn khi nói những sự thật khó khăn, bất lợi… Chính niềm tin nầy dẫn đến việc ta nói dối để che đậy một điều gì đó có lợi cho mình. Thế nhưng đây là một sai lầm mà càng để lâu càng khó sửa và khiến cuộc sống chúng ta mất đi phước hạnh.

         Chúa Giê-xu dạy: “Nhưng chỉ nên nói: ‘Phải, phải’ hay ‘Không, không’ là đủ. Còn thêm thắt điều gì là do ác quỷ mà ra” (Ma-thi-ơ 5:37 BTTHĐ). Ai trong chúng ta cũng do Đức Chúa Trời tạo nên từ bụi đất, và sự sống của chúng ta là do Chúa ban cho. Khi chúng ta hiểu được sự sống chết của chúng ta trong tay Chúa, thì sự giả dối chỉ đem đến chúng ta sự bất an, khi đã lún sâu vào tội lỗi do dối trá, lừa lọc nhau thì cuối cùng sẽ đi đến sự hình phạt đời đời. Cần nhớ rằng những lời nói giả dối, việc làm bất nghĩa đều là do “ác quỷ mà ra”. 

         1 Sử Ký 29:17a chép rằng “Lạy Đức Chúa Trời của con, con biết rằng Ngài xét lòng người và vui về điều ngay thẳng”. Ngay thẳng là cách để cảm thấy thanh thản.

         Chúng tôi sống ở gần biển nên có dịp là dẫn đám nhỏ mà chúng tôi nuôi dạy đi ra công viên đá banh sau đó cho tụi nhỏ vẫy vùng trong nước, điều mà tụi nhỏ rất thích. Nhưng không phải lúc nào nước biển cũng sạch và trong. Có những khi mưa xuống, nước từ các sông, suối đổ xuống chảy ra biển, nước biển chỉ có một màu đục ngầu và độ mặn mất đi rất nhiều. Vùng nước đục luôn ẩn chứa nhiều điều bất ngờ khó chịu. Chỉ khi thời tiết đẹp thì biển mới trong và sạch. Lúc đó chỉ cần có một chiếc kính bơi giản đơn là ta có thể nhìn thấu đáy biển- có thể có rác và mảnh vụn nhưng còn có những chú cá đầy màu sắc sặc sỡ, đám sò và cả sao biển nữa.

         Sự trung thực cũng vậy, nó làm cho chúng ta có thể nhìn thẳng vào mắt người khác và nhìn thấu trái tim họ, bởi không hề có màn che hay sự giả dối nào ở giữa. Nhưng chúng ta cần trung thực cả hai chiều - trong cách ta suy nghĩ về bản thân và cách ta hành xử với những người khác. Tự hiểu mình là điều tối cần thiết để có một tâm trí lành mạnh nhưng rất khó để tự mình làm việc đó. Vì vậy, muốn đời sống được trong sạch, trước hết chúng ta phải làm cho tấm lòng mình được trong sạch. Tuy nhiên, Kinh Thánh cũng cho biết:

          “Lòng người ta là dối trá hơn mọi vật, và rất là xấu xa: ai có thể biết được?” (Giê-rê-mi 17:9). Chúng ta không tự mình rửa sạch tấm lòng, nhưng cần ân sủng của Chúa.

         Lý do Chúa chú ý đến tấm lòng vì đó là trung tâm, là cốt lõi của con người. Tấm lòng bao gồm suy nghĩ, tình cảm, ý chí của chúng ta. Tấm lòng là con người thật của chúng ta. Từ tấm lòng đưa đến những việc làm và lời nói, hoặc lành, hoặc dữ. Lời nói và hành động chỉ là những biểu lộ của tấm lòng mà thôi.

         Chúa Giê-xu dạy: “Vì từ trong lòng mà ra những ác tưởng, những tội giết người, tà dâm, dâm dục, trộm cướp, làm chứng dối, và lộng ngôn" (Ma-thi-ơ 15:19).

         Châm Ngôn 4:23 cũng dạy: “Khá cẩn thận giữ tấm lòng của con hơn hết, vì các nguồn sự sống do nơi nó mà ra.”
Những ngày đầu tiên khi chúng tôi nhận trẻ mới vào lớp thì luôn có chuyện mất cắp xảy ra, những cây bút, thước kẻ hay bất kỳ thứ gì chúng tôi mua để sẵn cho các em học đều lần lượt biến mất. Khó chịu là điều tất yếu khi chúng ta biết được những hành động như vậy nhưng chúng tôi thấy thương bọn trẻ nhiều hơn, chúng là những đứa trẻ mồ côi, phải lăn lộn ngoài đời để tranh giành cái ăn, lại phải sống giữa những người xem việc ăn cắp là điều  bình thường thì việc bọn trẻ nhuốm bùn là điều có thể hiểu được.


         Điều đầu tiên chúng tôi dạy luôn là đạo đức vì tâm niệm “Đạo đức có thể bù đắp cho sự thiếu hụt về trí tuệ, nhưng trí tuệ mãi mãi không thể bù đắp cho sự thiếu hụt về đạo đức”

         Môn học đạo đức đó là Mười Điều Răn, được học đi học lại khi có một bạn mới vào lớp. Các em được giải thích từng điều răn và có thưởng khi thuộc lòng. Đến bây giờ thì bạn nào cũng thuộc lòng Mười Điều Răn và Bài Cầu Nguyện Chung. Điều đáng nói ở đây là không còn tình trạng phập phồng lo sợ mất mát bất kỳ một thứ gì trong nhà  nữa. Bọn trẻ biết đâu là điều tốt, điều nên làm. Chúng còn làm được những việc đáng khen tại trường học, được thầy cô khen vì kết quả học tập tiến bộ rõ rệt, ngoan ngoãn và thực hiện theo tiêu chí “người tốt việc tốt” mà nhà trường đề ra. Có lẽ chúng tôi là người vui nhất vì đã truyền đạt cho các em biết sống theo điều Chúa dạy luôn đem đến phước hạnh và sự vui vẻ xuất phát từ tấm lòng.

         Vì thế trung thực không những đi đôi với lòng tốt, nó còn là yếu tố rất căn bản cho lòng tốt. Thứ lòng tốt giả tạo làm vẩn đục chúng ta. Còn sống trong sự dối trá ngày nào, ta càng không thể giao tiếp, tin tưởng, hay biết cảm thông với người khác ngày đó. Lòng tốt không thể tồn tại trong một thế giới đầy ắp mặt nạ và những bóng ma của sự giả dối.

         Diogenes, triết gia Hy Lạp đã dành cả đời tìm kiếm sự trung thực và kết luận rằng không thể tìm được người trung thực. Thời đại nào cũng vậy, người trung thực rất khó tìm, nhưng đây là một đức tính vô cùng quan trọng. Trung thực không phải là sách lược hay nhất, mà là sách lược duy nhất và dấu hiệu nhận biết một người sống trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Đa-vít viết:
“Lạy Đức Giê-hô-va… ai sẽ được ở trên núi thánh Ngài? Đó là người bước đi ngay thẳng” (Thi 15:1-2).

         Tôi được nghe ba mẹ vợ kể lại câu chuyện về một người hàng xóm tham lam, ông ta nhìn thấy buồng chuối rất to nhà bên nầy đã bắt đầu chín mà vẫn còn trên cây. Sáng sớm hôm ấy, ông ta lẻn qua vườn và chặt buồng chuối về giấu trong phòng chứa lúa nhà mình. Ba mẹ vợ tôi phát hiện buồng chuối đã mất, nhìn xuống đất thấy có vết mủ chuối, ba mẹ đã đi theo vết mủ vào nhà ông hàng xóm. Ông ta rất sợ hãi vì lúc đó ba vợ tôi làm trưởng ấp, nếu phát hiện và hô lên thì ông sẽ bị bắt ở tù mà còn rất xấu hổ với bà con làng xóm. Ba mẹ đã nhỏ nhẹ nói chuyện với ông và chỉ vết mủ chuối dẫn thẳng vào buồng chứa lúa. Lúc đầu ông lớn tiếng chối tội nhưng ba mẹ nói chuyện cứng rắn một hồi thì ông khóc lóc rồi van xin ba mẹ là sẽ trả buồng chuối lại, đừng làm lớn chuyện. Ba mẹ đã khuyên nhủ ông đừng làm vậy nữa, buồng chuối cứ giữ lấy mà cho tụi nhỏ trong nhà ăn vì ngoài vườn ba mẹ vẫn còn. Từ đó về sau, ông hàng xóm không còn tật ăn cắp nữa, có gì ông cũng chạy qua hỏi ý kiến của ba mẹ.

         Có lẽ thật kỳ lạ và trái ngược nhưng là sự thật, con đường đúng đắn nhất để tiến xa hơn, để tìm tự do cho bản thân và nhìn thấy hạnh phúc của chính mình lại thường không phải trực tiếp theo đuổi những mục tiêu tìm cầu lợi ích cho bản thân mà bằng cách quan tâm đến lợi ích của người khác, giúp họ bớt sợ hãi và đau đớn, đóng góp vào niềm hạnh phúc của họ. Rốt cuộc những điều ấy rất đơn giản, không cần chọn lựa giữa việc sống tốt với người khác và sống tốt với chính bản thân mình. Hai điều đó là một. 

         Vậy nên hãy tin cậy hoàn toàn nơi Chúa, xin Ngài tha thứ và ban cho chúng ta một tấm lòng trung thực, để tính chân thật là một phần của bản tính chúng ta. Đấng đã khởi sự làm việc lành trong chúng ta luôn thành tín. Ngài sẽ làm điều đó.
Mặt khác, chúng ta hãy thường xuyên đem vào tâm trí chúng ta những hình ảnh, những tư tưởng trong sạch. Muốn vậy, chúng ta cần mỗi ngày thu trữ vào tâm trí mình Lời Chúa, bằng cách nghe và đọc Lời ấy để được Chúa phiếu trắng lòng mình, đổi mới tâm trí mình mỗi ngày.

         Hãy đến với Cha chúng ta ở trên trời và tâm sự với Ngài rằng:
 
““Đức Chúa Trời ôi! Hãy dựng nên trong tôi một lòng trong sạch,
Và làm cho mới lại trong tôi một thần linh ngay thẳng” (Thi. 51:10)

 
Nha Trang,  20/02/2020
THIÊN QUỐC
Nguồn: songdaoonline.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn