11:14 EDT Thứ bảy, 27/04/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 63


Hôm nayHôm nay : 16095

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 264669

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 22994076

Trang nhất » Dưỡng linh » Văn - Thơ - Nhạc

Bài Mới

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

“Nhưng, hỡi anh em, xin anh em hãy răn bảo những kẻ ăn ở bậy bạ, yên ủi những kẻ ngã lòng, nâng đỡ những kẻ yếu đuối, phải nhịn nhục đối với mọi người. Hãy giữ, đừng có ai lấy ác báo ác cho kẻ khác; nhưng hãy tìm điều thiện luôn luôn, hoặc trong vòng anh em, hoặc đối với thiên hạ” (câu 14-15).

Xem tiếp...

Phấn Khích Vì Khám Phá Ra Nguồn Phước

Thứ ba - 12/05/2020 21:17
Phấn Khích Vì Khám Phá Ra Nguồn Phước

Phấn Khích Vì Khám Phá Ra Nguồn Phước

Hôm nay người thân cùng nhau đổ về nhà cô Tân để thông công. Mọi người đều ngạc nhiên khi thấy Diên Hương như một con người khác hoàn toàn. Cô ta vui vẻ chào đón mọi người thay cho mẹ. Chỉ sau đó mọi người mới biết lý do đằng sau những nụ cười rạng rỡ ấy.

Phấn Khích Vì Khám Phá Ra Nguồn Phước
 
          Hôm nay người thân cùng nhau đổ về nhà cô Tân để thông công. Mọi người đều ngạc nhiên khi thấy Diên Hương như một con người khác hoàn toàn. Cô ta vui vẻ chào đón mọi người thay cho mẹ. Chỉ  sau đó mọi người mới biết lý do đằng sau những nụ cười rạng rỡ ấy. Bởi vì vừa mới đây thôi cô ta đã tìm được một việc làm rất ưng ý. Thời gian làm việc quá thích hợp để cô có thể vừa đi học vừa đi làm. Tuy không có chuyên môn nhưng thu nhập khá cao, nơi làm việc lại gần nhà và hơn tất cả là môi trường làm việc rất thân thiện bởi ở đó có nhiều tín hữu. Nhận thấy mình được Chúa chúc phước, Diên Hương muốn san sẻ để mọi người cùng được khích lệ.

          ‘Con chẳng bao giờ nghĩ rằng con sẽ tìm được một công việc như thế, nhưng sự thực là con đã được ký hiệp đồng dài hạn…’ Mọi người trong nhóm chăm chú lắng nghe. Bác Tiêu và dì Tiềm thì vui như mở hội. Nguồn vui ấy được bày tỏ trên khuôn mặt rạng ngời. Cả hai người đều hướng mặt về phía Mục sư, họ gật đầu như nhắn nhủ suy nghĩ và nhận định của họ đã đúng. Ân điển của Chúa tràn đầy không gian. Ân điển ấy toả ra khiến cho mọi người cảm thấy vui thoả.

          Khi mọi người đều đang chú ý lắng nghe Diên Hương san sẻ thì bỗng nhiên cô ta ngừng lại. Cô đổi giọng nói, và hướng mặt về phía dì Tiềm nói cách rất chân thành.

          “Con xin lỗi dì Tiềm và bác Tiêu. Hồi tuần trước con cũng không hiểu tại sao con lại có thể nói với dì Tiềm những lời đáng trách. Con thành thật xin lỗi. Đáng ra con nên suy nghĩ sâu xa hơn trước khi nói…'

          Dì Tiềm cười khì khì và gạt ngay. ‘Dì không bao giờ trách con!’ Nhưng không hiểu sao chỉ nói đến đây  những giọt lệ cứ đầm đìa trôi xuôi trên khuôn mặt của người phụ nữ đã có tuổi. Bác Tiêu cũng ngấn lệ, bà cố với tay lấy khăn giấy để lau mắt và lau cặp mắt kính. Lời xin lỗi của Diên Hương, giọt lệ của dì Tiềm như một sức mạnh nào đó gây ảnh hưởng lên tất cả mọi thành viên. Cô Tân và Diên Hương không thể nào lau hết những giọt lệ đang tuôn rơi lã chã. Họ ôm nhau thổn thức.

          Anh chị em khác trong nhóm dù không biết rõ ngọn ngành của những giọt lệ, nhưng cảm xúc có sức lan toả vào tâm tư của họ. Nụ cười hồn nhiên của con người có thể ảnh hưởng đến tâm tư, đến hành vi của con người và giọt lệ cũng tương tự. Sức mạnh của giọt lệ, con người vẫn chưa thể khám phá hết được. Nhưng giọt lệ của mọi người trong nhóm hôm nay bắt nguồn từ niềm vui. Niềm vui khi Chúa trả lời. Niềm vui ấy ngọt ngào và thoang thoảng như hương vị của loại hoa dạ li hương bung nở trong những đêm cuối mùa thu. Mục sư cũng đứng đó ngây người xúc động trước sự kiện đang xảy ra mà ông không thể ngờ tới.

          Dì Tiềm vẫn mang tính chất rất miền tây của bà, ‘Dì không bao giờ trách con. Bác Tiêu cũng không trách con. Chúng ta là những người đã được Chúa Cứu Thế Giê-xu chuộc ra khỏi chốn trầm luân...Cứ vững tâm mà bước đi đến với thành công trong đời nhé con gái...’
Giọt lệ của ăn năn không chỉ có sức mạnh phá vỡ những rào cản, những bức tường ngăn cách do cảm xúc gây ra. Giọt lên ăn năn còn gia cố thêm cho sức mạnh của ân điển hàn gắn nhanh hơn  những vết thương lòng. Giọt lệ của ăn năn làm cho tình cảm trong gia đình Chúa thêm sâu đậm, làm gia tăng cho mối thông công mang đậm bản sắc của con cái Chúa.


          Khoảnh khắc của xúc động trôi qua. Mục sư hắng giọng lên tiếng.

          ‘Chúng ta đến đây để được khóc rồi được cười... Chúa thương nên ban cho ta bao nhiêu thứ diệu kỳ, cá nhân tôi không thể ngờ được cuộc sống có nhiều bước ngoặt đến thế. Thật là phước hạnh khi chúng ta được Chúa dẫn dắt để gặt hái những quả ngọt. Cảm xúc này cũng sẽ qua đi, ngày mai Ngài lại ban cho cảm xúc khác, trong trạng thái khác, nhưng lời Chúa và lẽ thật của Ngài là thứ khiến ta trưởng thành. Chúa bảo, ‘Nếu các ngươi hằng ở trong đạo ta, thì thật là môn đệ ta, các ngươi sẽ biết lẽ thật, và lẽ thật sẽ giải thoát các ngươi.’ Ông ngừng và lưỡng lự đôi chút, bởi vì thường khi trích dẫn Kinh Thánh ông hay cho biết rất rõ địa chỉ của những câu Chúa nói, nhưng hôm nay ông cố tình  không nói đến địa chỉ. Ông tiếp. ‘Chúng ta đến đây để thông công và học lời Chúa.’

          Ông lớn tiếng tạ ơn Chúa vì Ngài đã trả lời sự cầu nguyện của mẹ con cô Tân. Ông cũng cảm ơn cháu Diên Hương đã mở lòng để Chúa dẫn dắt… và Ngài đã bắt phục cháu. Chính sự dũng cảm nói lời xin lỗi trước mọi người của cháu Diên Hương đã khởi động cho một ngày mới đầy phước hạnh...

          ‘Chúng ta sẽ cùng nhau học bài mới trong thư Phao-lô viết cho Hội Thánh Ê-phê-sô!’ Mục sư lên tiếng để giới thiệu.

          ‘Ơ, chúng ta chưa học hết các sách trong Thi Thiên. Sao hôm nay Mục sư lại chuyển sang bài mới?’  Ông Hùng hỏi muốn biết lý do khi Mục sư vẫn chưa nói xong.

          Mục sư cười khì khì, ông vỗ vai ông Hùng và trích dẫn câu nói của Einstein nhà khoa học nổi tiếng trong chất giọng khá khôi hài. ‘Ta định nghĩa thế nào là kẻ mất trí?’ Einstein  trả lời. ‘Kẻ mất trí là những ai cứ lần lần lữa lữa đi theo vết xe đổ của kẻ đi trước và lại cứ nằng nặc  đòi được gặt hái những thành quả mỹ mãn.’ Mục sư thổ lộ thêm. ‘Tôi không muốn chúng ta cứ bước theo lối mòn để Einstein hay ai đó nói chúng ta điên khùng…Ta nên học bài mới trong Tân Ước… và hy vọng tất cả anh chị em chúng ta sẽ gặt hái những thành quả mỹ mãn.’

          Ông Hùng hiểu ra nên cũng híp mắt cười theo. ‘Thế là Mục sư đang muốn hướng dẫn anh chị em trong nhóm thi triển đức tin trong Chúa trong sách Ê-phê-sô.’

          ‘Vâng! Chúng ta học bài mới vì tôi muốn tất cả chúng ta nhận ra cơ sở của nguồn phước trong danh Chúa.

          Ông bà anh chị em cùng đọc Ê-phê-sô chương một từ câu 1 đến 13. Hãy đọc chậm thôi và cả suy ngẫm nữa...’ Mục sư vừa nói vừa trao cho mỗi thành viên một mảnh giấy chứa đựng những câu hỏi mở, để anh chị em theo hướng đó cùng nhau thảo luận cho đỡ lãng phí thời gian. Bác Tiêu và dì Tiềm nhìn Mục sư vì họ biết ông đã làm đúng lời hứa. Mảnh giấy với những câu hỏi mở đã chứng tỏ ông bỏ ra rất nhiều thời gian để khảo cứu, cầu nguyện và soạn bài học cho anh chị em trong nhóm.

          Mọi người đều chia nhau đọc xong đoạn Kinh Thánh. Mục sư chỉ định bà Túc cầu nguyện để chúc phước cho bài học hôm nay.

          Bà Túc, nhìn Mục sư tỏ vẻ ái ngại vì bà cũng mới chỉ đến với Hội Thánh và cũng là thành viên mới nhất của nhóm học Kinh Thánh. Cái nhìn ấy muốn nói lên vẻ ái ngại vì bà Túc chưa quen cầu nguyện trước mặt mọi người. Nhưng được Mục sư khích lệ bà Túc cầu nguyện với chất giọng thanh thanh của một người phụ nữ đã bao nhiêu năm làm giáo viên môn văn trong trường trung học trước khi đến Úc.

          Cảm ơn bà Túc! Bà cầu nguyện hay lắm. Tuần sau tôi sẽ mời bà cầu nguyện nữa.’ Ông nói và cười khiến bà Túc cũng bẽn lẽn cười theo.

          ‘Chúng ta đã đọc xong Kinh Thánh...đã suy ngẫm, vậy chúng ta hãy cùng nhau đếm xem, trong những câu này chúng ta được hưởng bao nhiêu phước hạnh mà Thượng Đế ban cho chúng ta qua Chúa Cứu Thế Giê-xu?’

          ‘Ôi nhiều đấy! Tôi đếm sơ sơ cũng có thể nhận ra cả mười phước hạnh.’ Bà Túc xoè những ngón tay ra mà đếm. ‘Được chọn này, được nên thánh này, được trở thành con nuôi, được cứu chuộc bởi huyết Chúa, được ban cho khôn ngoan và thông sáng, được biết sự mầu nhiệm  trong ý muốn Chúa, được kế nghiệp, và được ấn chứng bởi Đấng Thánh linh.’

          ‘Cảm ơn bà Túc. Thế còn quý ông bà anh chị em khác thì sao? Chúng ta có bổ xung gì nữa hay không?’

          ‘Bà Túc giỏi quá xá. Bả đã đếm hết trơn rồi! Chúng tôi cũng đồng ý với bả.’ Dì Tiềm nhanh nhảu.

          ‘Đó là dì Tiềm nhận định, dì chưa hỏi mọi người mà đã nói ‘chúng tôi’… Ông Mục sư cười phá lên mang vẻ trêu trọc, khiến cho không khí của nhóm học vui nhộn hơn.

          ‘Ông Mục sư không được bắt nạt tui nhé…’ Và chị em trong nhóm lại càng vui hơn.

          ‘Tôi không bắt nạt dì Tiềm đâu nhé, bởi vì trong đoạn Kinh Thánh này có thể có đến mười bốn nguồn phước… Thế còn Diên Hương, cháu là người trẻ nhất trong nhóm, cháu thấy điều gì nữa hay không?’ Mục sư hỏi Diên Hương khi cô ta đang dán mắt vào cuốn Kinh Thánh.

          ‘Mục sư cho phép con được quyền lắng nghe các bác các dì.’

          Ông đồng ý và chuyển sang tất cả mọi người trong nhóm và đặt câu hỏi. ‘Quý ông bà anh chị em ấn tượng ra sao với câu đầu tiên Phao-lô viết cho Hội Thánh Ê-phê-sô?’
          Mọi người im lặng và chưa ai trả lời.

          ‘Tôi ấn tượng nhất là cách Phao-lô viết, ‘Phao-lô làm theo ý-muốn của Đức Chúa Trời.’

          ‘Tại sao Mục sư lại ấn tượng với cụm từ này?’ Ông Hùng hỏi để nghe trả lời.


          ‘Tại vì chúng ta vẫn hay làm theo ý của ta. Nhà tư tưởng và là con cái Chúa người Đức, Jurgen Moltmann bảo rằng câu nói ‘Ý Cha được nên,’ là lời thờ phượng sâu sắc nhất trong lịch sử nhân loại.  Không phải Chúa Cứu Thế Giê-xu chỉ dạy các môn đồ mà ngay cả trước khi lên đọa đầu đài, chính Chúa Cứu Thế đã nói ra câu này để dâng tất cả lên cho Cha.’ Câu này  dễ nói nhất mà có lẽ đang bị lạm dụng nhất.  Học giả William Barclay bảo rằng, ‘Nỗi thống khổ của thế nhân không phải là họ không tin Chúa. Họ tin Chúa, họ nhận ra Ngài hiện diện nhưng họ vẫn cứ khăng khăng quyết làm theo ý mình. Nỗi thống khổ của nhân loại xuất phát từ đây.’  Phao-lô mở đầu lá thư mà triết gia, nhà thơ lớn của nước Anh Coleridge cho rằng là ‘sáng tác tuyệt diệu nhất của con người’ và chúng ta không quên rằng  Phao-lô làm theo ý Chúa chứ không phải ý của ông. Có nghĩa là ông đã có thể bước ra khỏi nỗi thống khổ của thế nhân.  Bởi vì ông làm theo ý Chúa cho nên giá trị của lời ông nói, đã cả hằng ngàn năm nhưng cho đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị. Phao-lô mở đầu lá thư như thế để anh chị em chúng ta suy ngẫm, truy tầm và phát huy tối đa sự vâng phục. Là con cái Chúa, biết vâng phục để theo ý Chúa là khởi đầu cho mọi nguồn phước Chúa ban để cuộc sống thuộc linh của ta có bến đỗ.
Mười nguồn phước hạnh Phao-lô viết bà Túc đã đếm ra cho ta thấy chúng ta đang tận hưởng một kho báu vô tận mà nhiều khi ta không suy ngẫm để khám phá và tận hưởng mọi nguồn phước khiến cho chúng ta bị khô khan. Nếu ta biết rõ Chúa đã chọn ta trong vòng bà con để ta tận hưởng phước thiêng ta sẽ thấy cuộc sống này dù trải qua những nỗi đau, nhưng nguồn vui thì khôn tả.


          Người Việt chúng ta đề cao Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh, nhưng chữ phúc đứng trước nhất. Phúc là được bề trên ban cho, phúc như trái đầu mùa mở ra cho ta cả cánh đồng đang rộ lên mùa gặt... Chỉ có điều người Việt chúng ta chẳng biết bề trên đó là ai, do đó ta cứ bước đi lần lần lữa lữa trong lầm lũi. Còn chúng ta những con cái của Chúa, biết rõ ta được Chúa ban phước và Ngài đã chọn ta. Khi hiểu rõ sự quan tâm của Chúa ta sẽ cảm thấy phước hạnh ngọt ngào ra sao trong cuộc đời này.  Chúa đến để  ban phước, và phước của Ngài là mang ra sự hoà giải giữa Đức Chúa Trời và thế nhân. Ngài chọn ta để cùng Ngài mang ra sự hoà giải ấy. Ôi phước hạnh làm sao khi ta biết rõ sự tuyển chọn này.
‘Nhưng mà người Việt mình lại bảo gần lửa thì rát mặt đấy Mục sư.’ Ông Hùng lý sự.


          Mục sư nhìn ông Hùng đáp lại. ‘Rơm-rạ hay cỏ khô thì rất sợ lửa, còn vàng thật thì lại rất thích được gần lửa để càng ngày càng tinh khiết hơn.’
‘Sống theo Chúa là kỷ luật, và kỷ luật là khắc khổ...’ Vẫn ông Hùng trong cái vẻ rất gàn của mình, nhưng trong nhóm học cần lắm những người như ông Hùng. Bởi vì chính cái vẻ rất gàn của ông Hùng, lại thường là điểm nhấn khiến cho con cái Chúa phải quay lại đối diện với cái gàn của thế nhân mà họ đang sống chung.


          ‘Tôi không biết ông quan sát ra sao, nhưng cá nhân tôi theo Chúa từ bao nhiêu năm qua, tôi chẳng thấy tôi không vui chút nào. À có, tôi mất đi thói hay tụ tập nhậu nhẹt, à nữa tôi không còn nghiện rượu nữa, không chửi thề nữa, và không thích đánh nhau nữa… Tôi vui với Chúa hôm nay, và sẽ vui với Ngài trong vinh quang của Ngài.’

          ‘Chúa chọn ta và như bà Túc nêu ra mười điểm về nguồn phước Chúa ban, và mục đích là để ta chuyển tải vinh quang của Ngài trong thế gian.

          Tôi rất thích đoạn văn của học giả William Barclay viết về ý tưởng của Phao-lô trong Ê-phê-sô.

          ‘… theo Phao-lô thì vũ trụ không có Chúa Cứu Thế là vũ trụ lộn xộn, bất hoà, và đầy sự đổ máu. Sự chế ngự của con người đã phá vỡ mối liên kết xã hội đáng có giữa người và vật, người chia rẽ người, giai cấp với giai cấp, quốc gia với quốc gia, ý thức hệ với ý thức hệ, dân ngoại với dân Do Thái. Bản chất của thế giới bên ngoài thế nào thì bản chất con người cũng vậy. Trong con người nào cũng đều có sự căng thẳng, trong mỗi người là một cuộc nội chiến di động, một cuộc chiến tranh bất tận giữa hai khuynh hướng cao quí và thấp hèn. Con người luôn luôn bị xâu xé giữa ước muốn thiện và ác, trong cùng một lúc vừa yêu vừa ghét tội… Trong vũ trụ xuất hiện cuộc chiến giữa hai sức mạnh thiện ác, giữa tốt và xấu, giữa các thần linh và các thiên sứ, giữa Thượng Đế và ma quỉ. Tệ hại nhất là sự bất hoà, bất hiệp và sự phân cách giữa Thượng Đế với con người. Con người được tạo dựng để tương giao với Chúa lại trở nên xa lạ với Ngài. Vì vậy trong thế giới không có Chúa Cứu Thế không thể tìm thấy gì hơn là sự chia rẽ. Chia rẽ, không hoà hợp, không phải là mục đích của Thượng Đế, nhưng sự hoà hợp chỉ có được khi mọi sự hiệp một trong Chúa Cứu Thế.’  Ê-phê-sô trang 73 

          Người theo Chúa nhận ra để sống cùng lẽ thật ta cần phải biết quan sát. Ai đó bảo rằng ‘triết gia là những nhà quan sát tinh tường.’ Hành trình cùng Chúa Giê-xu ta phải là những con người biết quan sát. Quan sát thân thể ta, quan sát suy tư của ta để khiêm tốn, và từ đây phát huy cách nhìn ra thế nhân. Cơ Đốc nhân cần phải biết quan sát kỹ và suy ngẫm trong lời Ngài. Người quan sát tinh tường trong thế giới tự nhiên và trong lời Chúa là người sẽ gặt hái chuỗi thành quả mà ta sẽ cảm thấy không có gì có thể nào đánh đổi với những gì ta đã nhận ra.

          Người biết quan sát là người biết cảm thông. Mục sư nêu cách bác Tiêu quan sát…và ấn tượng.

          Học giả William Barclay đã quan sát và nhận định rất sâu sắc về bản chất con người trong thế gian. Chúng ta vẫn thường hay bị giằng xé từ trong tâm hồn và biểu đạt sự giằng xé đó qua lời nói và hành động, qua vũ lực và chiến tranh thảm khốc. Chúa Cứu Thế Giê-xu đến và hy sinh cho ta để có mối hoà hiệp với Thượng Đế  và ta được thông công với Ngài. Chúng ta đã được tuyển chọn cho mục đích tối thượng của đời, đó là, phụng sự Cha từ ái của chúng ta.

          Ông Hùng ngồi trầm ngâm suy ngẫm, khi nghe Mục sư nêu lên tầm quan trọng của người biết quan sát lời Chúa và thế giới tự nhiên ông nêu lên.
          
          ‘Trong thời gian mới đây, khi quan sát những cung bậc cảm xúc của người dân Úc, nếu không theo Chúa, không được môn đồ hoá để quan sát, tôi cũng như bao nhiêu người dân Úc, khi thiên tai xảy đến, họ cũng như đàn chiên lạc mà thôi.

          Từ khi vào hè, những trận cháy rừng lan toả hàng tháng trời. Khói lửa từ những cánh rừng già, lửa liếm vào đến thành phố, tro và khói ở khắp mọi nơi. Bệnh viện bỗng nhiên quá tải vì nhiều người già  không thể thở, không gian bao trùm khét lẹt mùi lửa khói. Bao nhiêu nhân viên cứu hoả bị lâm nạn vì  lửa thiêu, người ta rùng mình về một loại thiên tai. Khi không thể dập được những đám cháy, người ta bảo nhau chỉ có mưa, mưa một trận thật lớn thì mới hy vọng dập tắt những đám cháy khổng lồ.

          Nhưng chuyên viên nha khí tượng lên đài truyền hình và cảnh báo một bức tranh rất bi quan. ‘Sẽ không có mưa trong ít nhất vài tháng.’ họ hùng hồn tuyên bố, và người ta dĩ nhiên cứ ngán ngẩm bi quan theo phán đoán của giới khoa học.

          Hội Thánh Chúa không phân biệt giáo phái, kêu gọi nhau hạ mình để cầu thay cho quốc gia. Rồi trên trời xuất hiện những đám mây đen kéo tới. Mưa! Mưa to lắm! Mưa như tạt nước. Mưa đã dập tắt hết sạch những đám cháy. Lính cứu hoả thở phào vì họ không phải xông vào trong đám cháy nữa. Họ gạt nước mắt trở về nhà với vợ con. Nhưng mưa! Mưa to hơn cả sự cầu nguyện. Mưa gây nên một trận lụt. Lũ rừng phăng phăng cuốn trôi hết những gì đã cháy và người ta lại trách Chúa tại sao gửi xuống quá nhiều mưa. Mọi người chưa hoàn hồn và không biết điều gì sẽ xảy đến tiếp theo. Họ không thể nào đoán ra được dịch cúm Côvy-19 dù chẳng ai mời, nhưng nó cứ lừ bước đến.

          Lãnh đạo trong Hội Thánh kêu gọi con dân Chúa, hãy bình tĩnh, biết cách ly và nên ở trong nhà. Hãy áp dụng những gì mà người Do Thái năm xưa đã làm trước khi rời khỏi sứ Ai-cập. Vào nhà, đóng cửa và giết chiên con, rồi bôi huyết chiên con lên cửa… không ai ra ngoài, vì thần chết sẽ đi qua. Con dân của Chúa hôm xưa lắng nghe. Họ ở trong nhà và được bảo vệ an toàn. Con dân của Chúa hôm nay cũng phải biết lắng nghe, chỉ có điều chúng ta hôm nay không còn phải sát hại chiên con nữa. Chúa Cứu Thế Giê-xu đã hy sinh thay họ. Huyết của Chúa Cứu đã bảo vệ họ. Nhưng dứt khoát họ phải ở trong nhà và tuân thủ theo ý Chúa.

          Con dân của Chúa là sắc dân biết quý trọng tự do, nhưng con dân của Chúa cũng là những người biết  noi theo gương Cứu Chúa dâng lời cầu nguyện ‘Ý Cha được nên!’ có nghĩa là ta hướng đến với cuộc sống tự do thờ phượng Chúa, nhưng quan trọng hơn ta là những người con biết vâng theo lời Ngài.

          Khi ta tự cách ly trong nhà và để Đấng Thánh Linh dọn lòng thì ngoài kia, những ai không biết Chúa lằm bằm, họ quyết không muốn tuân thủ. Họ chỉ muốn được tự do làm tất cả những gì họ muốn mà thôi, không thoả mãn là họ lên án. Họ không cần kỷ luật, họ ghét kỷ cương và không theo ý ai hết, chỉ mỗi ý của họ là cao nhất mà thôi. Thần chết trong Cô-vy kẻ không biết có sự khác biệt giữa người trong quốc gia siêu cường hay quốc gia nghèo khó. Thần chết kết liễu cả hàng ngàn, hàng trăm và hằng triệu sinh linh.

          Chưa bao giờ tôi thấy cảm xúc của con người với những cung bậc khác nhau. Và tất nhiên nếu họ không đổ lỗi cho Chúa, họ sẽ tìm xem ai là thủ phạm. Và thủ phạm sẽ phải trả giá.’

          Mọi người trong nhóm cảm ơn ông Hùng đã nêu ra ý kiến rất hay.

          Mục sư nêu lên quan sát của triết gia Alain De Botton: ‘Con người hôm nay cũng đâu có gì khác biệt với những con người trong cái thời Sumerian về cảm xúc của họ.’ Tức là cảm xúc của con người thời hiện đại cũng chẳng khác bao niêu với cảm xúc của con người trong thời Abraham khi ông nghe tiếng Chúa gọi và xa rời xứ sở ảnh hưởng của văn hoá Babylon để  đi tìm cho mình một lối sống khác. Lối sống ấy là do Chúa chỉ định, lối sống của những con người của niềm tin, và ‘Ý Chúa được nên.’

          Cơ Đốc nhân cũng là những con người, chúng ta cũng thường trải qua những cung bậc của cảm xúc, chỉ có điều khác biệt là vì ta có Chúa, ta phải tỉnh táo hơn. Ta biết có Chúa hiện diện, có Ngài đồng hành, ta biết điều tiết cảm xúc của mình và mục đích điều tiết ấy là ‘Ý Cha được nên.’

          Chúa rất muốn ban phước lành cho chúng ta. Nhiều khi ta không trân trọng sự lựa chọn của Chúa nên ta hay bị lung lay trong mối tương giao với Ngài. Khi chúng ta nhận rõ; ta được chọn để cung phụng đấng thành tín là khi ta sẽ trân trọng tất cả những gì Ngài đã ban. Nhờ niềm tin vào Ngài để ta  chuyển hoá những bi quan thành lạc quan, những khiếm khuyết thành thế mạnh. Ta được Chúa lựa chọn để sống trong Ngài và hành trình cùng Ngài. Chúa lựa chọn và Ngài thật sự nâng niu, nên ta phải nhớ ta đang có giá trị rất lớn trong Chúa. Ai suy ngẫm và trân trọng sự tuyển chọn của Chúa và những phước thiêng liêng Ngài đã tận tay trao cho người đó hiểu rõ, họ đang có một vị thế rất lớn trong Ngài.

          Cảm ơn cháu Diên Hương. Lời xin lỗi của cháu đã là phương tiện để Chúa dẫn chúng ta được đi vào mối thông công ngọt ngào cùng Ngài. Đâu đây Phao-lô viết rằng ‘chúng ta trước mặt Chúa là hương thơm của Cứu Chúa’. Có lẽ không một hương thơm nào ngọt ngào trước mặt Chúa hơn là một tâm hồn biết ăn năn. Chúa dẫn ta hành trình qua những cung bậc của cảm xúc để khi nhận ra nguồn phước đang ở đây cùng ta, ta sẽ phấn khích để cùng Chúa khám phá và tận hưởng nguồn phước ấy.

          Phước đang ở đây, ai trân trọng Chúa, trân trọng cá nhân ta và người thân và không quên cầu nguyện cho Hội Thánh của Chúa tiếp tục bước đi trong sự phấn khích khi nhìn ra ta được chọn để trao phước lành. Hội Thánh là nơi cùng nhau tuyên bố, ‘Ý Cha được nên.’

 
MS UÔNG NGUYỄN
Nguồn: songdaoonline.com
Từ khóa: mọi người

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn