06:44 EDT Thứ bảy, 27/04/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 22

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 20


Hôm nayHôm nay : 13009

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 261583

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 22990990

Trang nhất » Dưỡng linh » Văn - Thơ - Nhạc

Bài Mới

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

“Nhưng, hỡi anh em, xin anh em hãy răn bảo những kẻ ăn ở bậy bạ, yên ủi những kẻ ngã lòng, nâng đỡ những kẻ yếu đuối, phải nhịn nhục đối với mọi người. Hãy giữ, đừng có ai lấy ác báo ác cho kẻ khác; nhưng hãy tìm điều thiện luôn luôn, hoặc trong vòng anh em, hoặc đối với thiên hạ” (câu 14-15).

Xem tiếp...

MẮT ƠI MỞ RA

Thứ ba - 26/05/2020 21:20
MẮT ƠI MỞ RA

MẮT ƠI MỞ RA

Chúa diệu kỳ. Ngài cho ta con mắt để chiêm ngưỡng càn khôn. Chúng ta có thể dùng cặp mắt để ngắm vầng thái dương hệ xa tít tắp. Nhưng kỳ lạ thay! Những hàng lông mi kề ngay trên mắt, vai trò của chúng là để bảo vệ mắt, ấy thế mà chúng ta lại không ai có thể tự nhìn thấy mi mắt của mình.
 

MẮT ƠI MỞ RA
 
          ‘Làm sao để biết tôi có lông mi?’ Mục sư hỏi khi mọi người vừa ngồi xuống ghế quanh chiếc bàn để thông công cùng nhau.

          ‘Chuyện dễ như đi ăn phở, thế mà ông Mục sư cũng hỏi!’ Ông Hùng lên tiếng tỏ vẻ chế diễu nhưng ông cũng nói thêm.

          ‘Có hai hoặc ba cách. Thứ nhất là ông hãy soi vào gương, thứ hai là lấy tay sờ vào, thứ ba là cách mà ông đang hỏi...’

          Mục sư cảm ơn ông Hùng khi ông đang nở nụ cười khoái trá.

          ‘Bộ ông Mục sư muốn trang điểm… muốn kẻ lông mi như chị em phụ nữ hay sao mà hôm nay bỗng nhiên hỏi câu trái khoáy?’ Vẫn cách nói đậm đặc tính trêu trọc của dì Tiềm.

          ‘Chắc là ông Mục sư có điều gì rất hay muốn giới thiệu cho chúng ta cho nên ông mới hỏi như thế.’ Bác Tiêu thì thận trọng hơn.

          ‘Tôi thấy nếu ông Mục sư hỏi cái gì đó, nhất định ổng đang có một chủ đề hứng thú cho anh chị em chúng ta. Chỉ là ổng chưa nói thôi. Tôi đồng ý với chú Hùng. Chúng ta có ba cách để biết rằng mình  có lông mi.’ Cô Tân giãi bày theo cách của người rất kín tiếng nhưng có đầu óc quan sát rất tốt. Ngừng trong giây lát như để lấy hơi và quan sát phản ứng của mọi người. Bà nhoẻn miệng nói lên sự khôi hài. Trong cách khôi hài ấy luôn luôn biểu lộ bộ óc nhạy cảm và rất thông minh.

          ’Nếu ông Mục sư muốn trang điểm hay muốn kẻ lông mi, chắc chắn cháu Diên Hương sẽ cho ông mượn đồ nghề… Tôi sẽ yêu cầu con gái sẽ dạy ông thật cặn kẽ và sẽ giúp ông kẻ mi nữa.’ Mọi người trong nhóm hỉ hả cười.

          ‘Tôi đã ở cái tuổi thuộc dạng U60 rồi… chưa bao giờ kẻ mi và nhất định sẽ không có khoản trang điểm… Chỉ là tôi hay nghe người ta hay nói về cụm từ tự lực, tự cường rồi biết bao nhiêu thứ có thể tự làm nhưng trong mấy ngày qua tôi soạn bài học cho anh chị em và cứ suy nghĩ mông lung về một việc. Chúa diệu kỳ. Ngài cho ta con mắt để chiêm ngưỡng càn khôn. Chúng ta có thể dùng cặp mắt để ngắm vầng thái dương hệ xa tít tắp. Nhưng kỳ lạ thay! Những hàng lông mi kề ngay trên mắt, vai trò của chúng là để bảo vệ mắt, ấy thế mà chúng ta lại không ai có thể tự nhìn thấy mi mắt của mình. Ta phải nhờ ai đó, hay vật ngoại thân như tấm gương phản chiếu để biết ta có mi mắt. Chị em phụ nữ thì dứt khoát phải nhờ đến những tấm gương, vật ngoại thân để trang điểm và chải chuốt. Thứ gần mắt là thế, vậy mà ta cũng phải cần đến ngoại vật để giúp ta nhìn ra, chắc chắn Thượng Đế muốn nhắc nhở chúng ta nhiều lắm. Nhiều khi vật gần ta nhất lại là vật hay bị lãng quên nhất. Lý do? Ta không nhìn thấy và cần lắm vật ngoại thân để giúp ta nhận ra.

          Theo tôi, nếu Thượng Đế không trao cho chúng ta tất cả những thứ rất đơn giản như dưỡng khí để sống còn, lực hút của trái đất để ta đứng vững, hay nắng và mưa thì con người có kiêu ngạo đến đâu cũng chẳng bao giờ dám nói về sự tự lực hay tự cường. Chúng ta cần lắm sự hỗ trợ để có thể mở mắt ra và nhìn thấy thế gian.

          Tôi thích lắm câu nói của triết gia Stephen Covey khi nhắn nhủ, ‘We see the world, not it is, but as we are – or as we are conditioned to see it.’ Tạm dịch, ‘Thế gian mà ta nhìn thấy đó không thật sự là hiện trạng của nó, ta nhìn thấy thế gian theo cảm nhận của ta.’ Qua đây tôi có thể nói rằng chúng ta cũng không bao giờ có thể nhìn thấy thế gian theo nhãn quan của Chúa, đấng tạo nên nó. Chúng ta nhìn vào thế gian theo thói quen, theo phong tục tập quán và theo những gì đã ảnh hưởng sâu nặng trong tâm khảm của mỗi chúng ta. Đây cũng là lý do tôi khích lệ anh chị em đọc lời Chúa để biết về Ngài và hãy suy ngẫm trong những lời mình đọc. Chúng ta hãy tập quan sát. Vầng thái dương hệ ngoài kia ta nhìn thấy thật ra rất mờ… lương tâm mà ta nhận thấy mình đang có cũng không bao giờ rõ cho dù cả hai đều hiện diện. Ta cần được Chúa mở ra cho ta nhận ra.

          Bác Tiêu nghe Mục sư nói mà khuôn mặt của bà như sáng lên. Bà đợi Mục sư ngừng nói và liền đem lời khích lệ.

          ‘Hơn nửa đời người soi gương và chỉnh sửa mặt mũi, hôm nay tôi lại nhận ra, mình chỉnh mi mắt, đánh phấn, thoa son, mà ít khi nào để ý tới lý do ta cần vật ngoại thân để giúp mình chỉnh xửa. Vật càng gần ta thì ta lại càng phải cần vật ngoại thân để giúp ta nhìn rõ hơn.
Cảm ơn Mục sư!  Câu ông hỏi tưởng ngớ ngẩn và bị trêu trọc nhưng chứa đựng bài học sâu xa. Tôi thiết tưởng, hôm nay chúng ta chẳng cần học bài nữa, chỉ suy ngẫm như vậy cũng đủ cho ta biết rõ những phiếm diện của ta.’  

          ‘Chúng ta nhất định phải học quan sát thân thể ta, và quan sát thế gian. Chúng ta cũng không bao giờ  quên học lời Chúa. Chúng ta không bao giờ quên ta là môn đệ của Ngài.’ Ông Hùng nhắc nhở tiêu điểm của những buổi nhóm lại và thông công với nhau.

          'Nào ông Hùng! Hôm nay ông được vinh dự đọc Ê-phê-sô chương 1 từ câu 15-13.’ Mục sư yêu cầu.
 
          Ông Hùng cầm quyển Kinh Thánh lên và đọc. Ông đã từng làm công chức cho nên ông có giọng đọc rất rõ ràng. Cách đọc của ông có thể gây truyền cảm đặc biệt cho những người nghe.

          ‘Ông Hùng đã đọc xong. Vậy ông có thể nêu cho mọi người biết Phao-lô đã viết gì? Và vị sứ đồ này  cầu nguyện ra sao?’
          'Mục sư ơi! Ông đì tôi hay sao mà hôm nay bắt tôi vừa phải đọc, rồi lại là người đầu tiên phải phát biểu cảm tưởng cùng sự quan sát lời Chúa trong Kinh Thánh?’  Ông Hùng cười hệch hệch như muốn trốn tránh.
          “Mục sư không đì ông đâu, được đọc rồi được phát biểu trước nhất là vinh dự đấy!’ Bác Tiêu nhìn và nhắc ông Hùng đi vào trọng tâm của bài học.
          ‘Quý vị hãy cho tôi thêm  khoảng ba phút để tôi đọc lại kỹ hơn...’

          Mọi người gật đầu đề ông Hùng đọc lại kỹ hơn.

          ‘Theo quan sát của tôi thì điểm quan trọng Phao lô muốn nhấn mạnh là ở câu 17-18. Vị sứ đồ khả kính này cầu nguyện để các tín hữu được mở mắt ra, để họ hôm xưa và cũng như chúng ta hôm nay là hiểu biết Chúa nhiều hơn và yêu kính Ngài nhiều hơn. To love God more we must know Him better. Đây là những điều mà chỉ trong tình thương yêu của Chúa ta mới có thể nhìn ra...’ Ông Hùng cất giọng rất trầm để bày tỏ dòng suy tư.

          ‘Có ai trong chúng ta nghĩ rằng mắt mở ra để nhìn thấy giá trị của vật chất? Giá trị của tinh thần, và giá trị hơn tất cả là sự hiện diện của Chúa?’ Mục sư hỏi tiếp.

          ‘Theo cháu thì tôn giáo truyền thống của chúng ta không bao giờ coi trọng vật chất mà hệ thống tôn giáo của chúng ta hay đề cao giá trị của tinh thần...’ Xuân An một nữ tu mới đến với Chúa và là thành viên mới nhất của Hội Thánh lên tiếng trả lời.

          ‘Đây là vấn đề không phải chỉ của tôn giáo chúng ta khi cho rằng vật chất là tồi tệ chỉ có tinh thần mới cần được đề cao. Thế giới của Hy-lạp và La-mã trong thời Chúa giáng sinh và khi Phao-lô viết Ê-phê-sô có khá nhiều các trường phái chỉ đề cao tinh thần và coi rẻ vật chất. Nhưng người theo Chúa thì không! Vật chất, tiền bạc, vinh quang không phải là tồi tệ mà sự lạm dụng mới đáng quan tâm. Cơ Đốc nhân nhận rõ tất cả mọi thứ trao cho ta đều có giá trị và đều có thể bị lạm dụng. Ta lạm dụng vật chất và chúng ta lạm dụng cả tinh thần. Ban đầu Chúa tạo dựng nên càn khôn, Ngài bảo rất tốt và hết thảy đều tốt. Chúa trao cho chúng ta làm quản gia của tất cả những thứ tươi tốt đó. Khi tổ phụ của loài người xa ngã, chúng ta đã biến tất cả những cái tốt lành thành tồi.’

          ‘Điểm quan trọng tôi muốn chúng ta cùng suy ngẫm. Chúa hoá thân làm người, và ở đây ta sẽ thấy ý  tưởng và tinh thần của Chúa đã trở thành vật chất và thân thể ấy là tốt. Thật ra ta cần Chúa mở nhãn quan của ta ra để nhìn thấy chân giá trị của mọi vấn đề, và quan trọng hơn là ta có mối thông công cùng Chúa.’

          Ông Hùng kiên nhẫn đợi rồi điểm thêm câu nói qua sự quan sát của ông. ‘Phao-lô cầu nguyện để mắt ta mở ra để thấy Ngài. Phao-lô gọi Hội Thánh là  thân thể của Chúa. Mắt ta phải mở ra để thấy giá trị của vật chất và tinh thần. Tinh thần là tốt bởi vì nó hướng ta bước tới vinh quang thật của ta. Mắt phải mở ra để nhìn thấy tình yêu thương của Chúa và tình cảm của ta trong tình yêu thương của Ngài. Mắt tâm linh phải được mở  ra để nhìn thấy Chúa là cơ sở hướng dẫn chúng ta cùng nhau bước đến với sứ sở của hoàn thiện. Chúa muốn khích lệ ta tự tin hơn để đến cạnh Ngài và đây là động lực chính khiến ta thay đổi. Đó là ăn năn… Bởi vì ta rất hay lạm dụng...’

          Mục sư chăm chú lắng nghe. Ông gật đầu để khích lệ ông Hùng và mọi thành viên nói lên sự quan sát của họ. Nếu Chúa Cứu Thế Giê-xu bảo rằng; ‘Hễ nơi nào có hai hoặc ba người nhân danh ta họp lại thì có ta ở giữa họ.’ Đấng Thánh Linh của Chúa đang ở đây trong vòng anh chị em. Người khiêm nhường, người trong trắng và chân thành rất dễ nhận ra Chúa hiện diện.

          ‘Tôi mới học được điều này, ‘Corruptio optimi pessima (corruption of what is best is the worst corruption); sự lạm dụng tệ hại nhất là lạm dụng những thứ giá trị nhất.’ Mục sư nêu quan sát của ông trong những bài học.  

          ‘Có hệ giá trị nào cao hơn cho chúng ta là tình yêu thương của Chúa? Có phẩm giá nào cao hơn là ta được làm chủ thân thể này của chúng ta và nay thân thể này đã được Chúa cứu chuộc?’ Mục sư hỏi trong giọng nói và khuôn mặt bày tỏ sự xúc động bởi vì chính ông đã suy ngẫm và nhận ra giá những giá trị mà Chúa tận tay ban cho ông, cho Hội Thánh, cho con cái của Ngài xuyên suốt qua dòng lịch sử.

          Ông nêu thêm. ‘Chúng ta được chọn không phải chỉ tinh thần mà cả thân thể của chúng ta nữa. Chúng ta không chỉ đơn giản là được chọn, chúng ta còn được chọn để trao gửi niềm tin... Ôi còn giá trị nào hơn khi biết rõ Chúa trân trọng chúng ta? Chúng ta được trao gửi tình yêu thương, được trao gửi cả một hệ giá trị, nếu chúng ta không tìm hiểu để biết Chúa hơn, để thương Ngài hơn trong sự cưu mang của Ngài thì lẽ dĩ nhiên chúng ta sẽ lạm dụng Chúa và thế gian của Ngài. Tôi ước sao chúng ta không bao giờ lạm dụng lòng tốt, sự cưu mang của Chúa.
          Cả nhóm học đang tập trung lắng nghe và thảo luận với nhau về một thế giới mà Chúa mở mắt ra để thấy.
          Bỗng nhiên tiếng gõ cửa mỗi lúc một to hơn. Bao nhiêu con mắt nhìn ra phía cửa.

          Cô Tân nhanh nhảu ra mở cửa. Diên Hương hối hả bước vào. Cô nhanh nhảu xin lỗi vì hôm nay bị trễ giờ.

          ‘Con hết việc đúng giờ, nhưng trên đường về, chiếc xe buýt phải đi lòng vòng vì người ta xửa đường, do đó con bị trễ.’ Vừa nói cô vừa ngồi xuống cùng mọi người và hỏi.
          ‘Hôm nay ông Mục sư vẫn cho chúng ta cùng học trong thư Ê-phê-sô đấy chứ ạ? Và cô dì chú bác đã thảo luận đến đâu rồi cho con biết với.’
Bác Tiêu nhanh nhảu tóm tắt cho Diên Hương hiểu những gì mọi người đã thảo luận. ‘Bài học  hôm nay hứng thú lắm… Cháu có nhìn thấy mi mắt của cháu hay không?’

          ‘Có ạ!’
          ‘Thế cháu nhìn thấy mi mắt của cháu bằng cách nào?’
          ‘Cháu phải nhìn ngắm nó qua gương ạ!’ Diên Hương cười.
          ‘Bài học ngày hôm nay là ta phải nhờ Chúa mở mắt ta ra để nhìn thấy những thứ mà Chúa nhìn thấy. Phao-lô cầu nguyện để mắt ta được mở ra để có sự khôn ngoan thông sáng, và nhìn thấy tình yêu thương của Chúa… Cháu ngồi xuống dự đi. Hay lắm!’

          Bà Túc cũng nhắc thêm. ‘Chúng ta không nhìn thấy giá trị của mình và của anh chị em khác đâu. Nan đề của cuộc sống là ta hay tự suy diễn. Cuộc sống này chỉ mỗi Chúa có đủ tư cách nhìn thấy giá trị cách trọn vẹn và Ngài muốn ta kiên nhẫn cầu nguyện để chúa mở mắt ra và nhìn rõ nhau và để đem tình yêu thương của Chúa cho nhau. Phao-lô cầu nguyện để ta nhìn thấy giá trị của cuộc sống có hy vọng trong Ngài. Trong Chúa không có chuyện vì chán, vì bất mãn với cõi dương gian nên ta nhảy vào đi tìm cái gì đó trong giá trị của cõi âm. Trong Chúa không có mê tín dị đoan là thế. Trong Ngài chứa đầy tất cả luật pháp và ân điển. Chúng ta phải có trách nhiệm tìm hiểu trong lời Chúa và tìm hiểu những tiềm ẩn trong ta và để thương nhau...’

          Mục sư đợi mọi người giải thích cho Diên Hương hiểu về nội dung vài học đã thảo luận, nay ông đem ra câu nói của John Calvin, người có thể nói là cha đẻ ra một Thuỵ Sỹ hiện đại, và ảnh hưởng của học thuyết Calvinism người ta không thể đánh giá hết trong thế giới hôm nay.
          
          ‘Man never achieves a clear knowledge of himself unless he has first looked upon God’s face, and then descends from contemplating him to scrutinize himself’. ‘Con người sẽ không bao giờ có thể tự hiểu chính mình trừ khi họ phải ngước lên nhìn vào Chúa và sau đó mới có thể suy ngẫm và tìm hiểu  thêm về mình.’ Anh chị em thấy đó, triết gia nối tiếng của thời hiện đại bảo ta không thể nhìn thấy thế gian theo đúng thực trạng của nó, ta nhìn vào thế gian theo cảm xúc của ta, rồi John Calvin cho rằng ta không thể nào hiểu chính mình, nếu ta không trước tiên được mở mắt ra để nhìn vào Chúa trong cuộc sống và tiếp theo là cách ta nhận dạng về chính ta.

          Chúng ta thường không nhìn và hay sống bởi cảm xúc, đành rằng, Chúa tạo nên cảm xúc của ta, nhưng Ngài tạo nên cả lý trí và ý chí. Chúng ta đã bị ảnh hưởng của chủ nghĩa lãng mạn ‘love me, love my dog’ ta lãng mạn hoá thói xấu của mình và ra lệnh, người yêu tôi phải thương ngay cả cái thói hư tật xấu của tôi. Nhưng đây không phải là dấu ấn của cuộc sống. Không phải là điểm nhấn của người đồng hành cùng Chúa. Ngài từ vô thường đã hoá thân trở thành người. Ngài đã từ ý tưởng trở thành vật chất và đem thông điệp cho chúng ta đó là tin vào Phúc Âm và ăn năn rồi được biến đổi. Mỗi chúng ta đều trải qua quá trình điều chỉnh chính mình theo tiêu chuẩn của Ngài... Chúng ta đến đây để thông công và học Kinh Thánh, mục đích là để cho Đấng Thánh Linh có cơ sở, có chất liệu thực để dọn lòng ta. Học và hành là nghĩa vụ của giáo dục Cơ Đốc nhân.
Diên Hương nghe thật chăm chú. Cô ta còn lấy mảnh giấy ghi chép lại những ý chính đã thảo luận.


          Ông Hùng thủng thỉnh đóng góp ý tưởng thật hay cho bài học.

          ‘Thật ra mỗi chúng ta đều muốn có một sự thay đổi trong mình. Chỉ là do kiêu ngạo hay mù quáng mà ta không biết thôi. Nguyễn Du khóc, ‘bề trong như đã bên ngoài còn e.’ Tự trong sâu thẳm cõi lòng mình, chúng ta đều muốn có vinh quang. Chúng ta đều muốn có hạnh phúc, và hướng đời đến hạnh phúc, nhưng ta lại không muốn thay đổi để được tận hưởng hạnh phúc…đây là mâu thuẫn rất  lớn của đời. Tôi nghe nhiều người muốn quốc gia của ta cũng là một siêu cường nhưng người ta vẫn cứ trơ trơ và hành sử như một tên tiểu nhược vì không dám thay đổi. Tuần trước Mục sư đã trêu tôi bằng cách trích dẫn câu của Einstein rằng ‘kẻ mất trí là người cứ lầm lũi đi theo vết xe đổ của người đi trước nhưng lại cứ mong gặt hái kết quả mỹ mãn’. Câu ông trêu, nhưng tôi suy nghĩ thật nhiều. Chúng ta biết rõ, ta rất phiếm diện và muốn thay lắm nhưng vì áp lực của xã hội của văn hoá và phong tục tập quán, đó là những thứ đã làm mờ mắt của ta đấy. Cái áp lực bên ngoài ấy níu kéo ta. Cái sợ ấy làm ta không thể trưởng thành. Phan Chu Trinh cách đây gần một trăm năm đề xuất ‘khai dân trí, chấn dân khí…’ Tại sao? Bởi vì ông nhìn ra giới hạn và muốn có một sự thay đổi… Chúng ta muốn thay đổi nhưng vắng hẳn hệ quy chuẩn làm nền tảng để đổi… Tôi ước gì người ta biết Chúa và được mở mắt để nhận ra nền tảng của hệ quy chuẩn có giá trị theo Chúa để được khai dân trí, và chấn dân khí…’

          Mọi người nhìn ông Hùng và gật đầu về cách nhìn ra nền tảng của sự thay đổi trong đời.

          Mục sư đem ra câu chuyện để kể về một thế giới muốn được phát triển hay hơn và cần thay đổi, nhưng lại không có cơ sở nhất định. Câu chuyện của nhà tâm lý trị liệu Adam Jay Edward trong một đại hội rất lớn mà trong đó các nhà tư tưởng hàng đầu của thế giới được mời tới đại học Vienna của nước Áo để bàn về tính thay đổi cần thiết trong xã hội loài người.

          Đến cuối đại hội, Ts, Jay Edward Adam yêu cầu để được phát biểu trước các học giả, nhà tư tưởng của toàn cầu về tầm quan trọng của con mắt ta được mở ra để nhìn vào Chúa Cứu Thế Giê-xu và lấy Ngài làm hệ quy chuẩn cao nhất, ý nghĩa nhất, sâu thẳm nhất cho cuộc sống và cho tâm hồn của con người. Mắt phải mở ra để ta nhìn thấy càn khôn xung quanh do Chúa ban cho ta có giá trị nhất định.

          Bà Túc hắng giọng rồi kể cho mọi cùng nghe câu chuyện của tiên tri Eli-sê. Vị tiên tri của Do Thái năm xưa có môn đệ lo sợ vì có nạn ngoại xâm. Nhà tiên tri cầu nguyện để Chúa mở mắt môn đệ của ông, chỉ để cho anh ta nhìn thấy thế giới mà anh ta chưa bao giờ nhìn thấy… Khi mắt được mở ra ông biết quân ta đông hơn quân địch. Niềm tin của anh ta được củng cố.  

          Bác Tiêu nói thêm về đứa con gái của bà hồi còn học trong trường cô ta rất thích đọc truyện của C.S .Lewis một triết gia của Oxford, nhà biện giáo lẫy lừng nhưng ít ai biết ông để lại cho đời với một pho sách mấy chục cuốn The Chronicle of Narnia. Bác Tiêu cứ tấm tắc khen ngợi tài diễn tả nhân vật và không gian của bộ sách quý ấy. Đây là câu chuyện viết về một đám trẻ có nhan vật Lucy đi vào đằng sau tủ quần áo và được mở mắt ra để nhìn thấy một thế giới. Alan một sư tử nhưng rõ ràng là hậu duệ của Judah, là hiện thân Chúa Cứu Thế Giê-xu. Hollywood đã tận dụng tài năng của đạo diễn Peter Jackson người New Zealand để tạo ra một tập phim dài đầy lôi cuốn. Sản phẩm của C.S Lewis cả hằng tỷ đô trước khi Harry Potter được mọi người biết đến. 

          Mục sư nghe mọi người nói chuyện và trau dồi những kiến thức mà anh chị em trong nhóm đã thu lượm, họ đã sử dụng rất hữu ích kiến thức đó. Ông muốn đem chủ đề mở mắt, mở tai ra để nhìn thấy và gia tăng niềm tin và cả trí tuệ của con người. Trong Ê-phê-sô chúng ta thấy Phao-lô cầu nguyện để con cái Chúa có thể nhìn vào tâm linh con người và nhận biết tầm vóc của tình yêu thương Thiên Chúa. Cuộc sống này không bao giờ có thể cạn kiệt nguồn vui nếu ta biết Chúa dẫn ta và mở mắt ta để nhìn thấy thế giới, cái thế giới quan của Ngài. Có lẽ cả sách Khải Huyền là một thông điệp Chúa muốn ta nhìn vào thế gian, nhìn vào lịch sử, vào sáng tạo và kết cuộc của thế gian theo nhãn quan của đấng tạo nên tất cả.’

          ‘Con mắt là cửa sổ của tâm hồn’ chúng ta đã thường nghe. Hôm nay ta học để biết thêm, Phao-lô nói ta nhờ Chúa mở mắt thuộc linh ra để ta nhận ra, chúng ta đang được bao bọc trong tình yêu thương và trong ân điển của Chúa.

          Chúa hiện  diện rõ ràng như mi mắt của ta nhưng ta không nhìn thấy đâu. Tình yêu thương của Ngài cũng hiện diện, nhưng có lẽ nó quá gần, quá quan trọng mà nhiều khi ta chẳng bận quan tâm. Ta cần lắm anh chị em trong cộng đồng chỉ cho ta biết thứ ta không nhìn thấy.

          Khi mắt của lòng ta được mở ra, là khi ta có niềm tin. Niềm tin ấy hướng ta đi, và trong cuộc hành trình này chúng ta sẽ có nhiều thay đổi.  Ts. Larry Crabb gọi rằng đây là cuộc thay đổi từ trong ra ngoài.

 
 MS UÔNG NGUYỄN
Nguồn: songdaoonline.com
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn