20:15 EDT Thứ ba, 30/04/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 15

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 14


Hôm nayHôm nay : 0

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 279626

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23010275

Trang nhất » Dưỡng linh » Bài giảng

Bài Mới

Nuôi Dạy Con Cho Đức Chúa Trời

Nuôi Dạy Con Cho Đức Chúa Trời

“Kìa, con cái là cơ nghiệp bởi Đức Giê-hô-va mà ra; Bông trái của tử cung là phần thưởng” (câu 3).

Xem tiếp...

Làm Rạng Danh Ai?

Thứ tư - 31/10/2018 20:48
Làm Rạng Danh Ai?

Làm Rạng Danh Ai?

Khuynh hướng phần đông của con người là chỉ muốn làm rạng danh mình, xem mình là cái rún của vũ trụ, nhưng dầu vậy cũng có một số người lại có khuynh hướng khác.



                  Khuynh hướng phần đông của con người là chỉ muốn làm rạng danh mình, xem mình là cái rún của vũ trụ, nhưng dầu vậy cũng có một số người lại có khuynh hướng khác. Một trong số người hiếm hoi đó là trạng trình Mạc Đĩnh Chi. Tuy hình dạng thấp bé, vẻ mặt bên ngoài không có gì hấp dẫn, nhưng bên trong lại tiềm ẩn nét đẹp rạng ngời! Mạc Đĩnh Chi sinh trưởng trong gia đình nghèo, mồ côi cha từ nhỏ. Hằng ngày, hai mẹ con ông phải vào rừng đốn củi bán. Mẹ đã hy sinh tất cả để nuôi ông ăn học. Bà chỉ mong sao cho con mình thoát cảnh nghèo, được đỗ đạt, giúp ích cho đời. Hiểu được lòng mẹ, Mạc Đĩnh Chi không ngừng gắng sức học tập. Ông đọc sách gần như mọi lúc, mọi nơi, kể cả lúc kiếm củi.

                  Mỗi ngày Mạc Đĩnh Chi thức dậy rất sớm, vào rừng đốn củi xong mới về đi học, nhiều lần đến lớp muộn, thầy giáo hiểu được hoàn cảnh nên không trách phạt. Nhiều hôm, thầy còn bảo Mạc Đĩnh Chi ở lại làm thêm việc, cốt để ông được ăn bữa no. Vì quá nghèo nên ông mượn sách của thầy và bạn. Không có tiền mua nến nên phải đốt củi, lá cây để học. Kết quả là trong kỳ thi Giáp Thìn (1304) ông thi đỗ Hội Nguyên, sau đó đỗ luôn trạng nguyên khi mới 24 tuổi. Được làm quan qua ba đời vua Trần Anh Tôn, Trần Minh Tôn và Trần Hiến Tông. Sau đó được lên chức tể tướng lãnh sứ mạng làm sứ giả sang Trung Hoa hai lần.

                  Lần thứ nhất Mạc Đĩnh Chi đã chứng minh tài năng của người Việt, làm vua Nguyên phải phong ông làm trạng nguyên Bắc triều. Chính vì thế mà ông có danh hiệu là Lưỡng Quốc Trạng Nguyên. Số là khi làm sứ thần Việt nam, đứng cạnh sứ thần Cao Ly đứng chầu trước vua Nguyên. Nhà vua cho người trao cho mỗi sứ thần một cây quạt và truyền bảo họ hãy phóng bút đề thơ trên cây quạt. Ông phụng mệnh làm bài thơ của mình vào cái quạt. Sứ thần nước Cao Ly làm xong trước, có 4 câu, 16 chữ, Mạc Đĩnh Chi biết được nội dung bài thơ của sứ thần Cao Ly rồi, liền phiên câu văn đi, lại dẫn thêm 3 câu ở trong truyện làm câu kết. Thế là ông được vua Nguyên khen thưởng về tài năng xuất chúng và nhanh nhẹn của ông.

                  Bài thơ của sứ thần Cao Ly:

                  Uẩn long trùng trùng, 
                  Y Doãn, Chu Công.
                  Vũ tuyết thê thê, 
                  Bá Di, Thúc Tề.

                  Bài của Mạc Đĩnh Chi:

                  Lưu Kim thước thạch 
                  Thiên địa vi lô, 
                  Nhĩ ư tư thời hề 
                  Y Chu cự nho; 
                  Bắc phong kỳ thê 
                  Vũ tuyết tái đồ, 
                  Nhĩ ư tư thời hề 
                  Di Tề ngã phu. 
                  Y, dụng chi tắc hành, 
                  Xá chi tắc tàng, 
                  Duy ngã dữ nhĩ 
                  Hữu như thị phù.

                  Trong thời gian là sứ giả ở Yên Kinh, công chúa nhà Nguyên chết, Mạc Đĩnh Chi được triều đình cử ra để đọc văn tế. Họ thử tài sứ giả nước Việt, quan Bộ Lễ trao cho ông tờ giấy có ghi chỉ có 4 chữ Nhất. Thật là một tình thế hết sức hiểm nghèo, nhưng rồi ông rất bình tĩnh ứng khẩu đọc:

                  Thanh thiên nhất đóa vân,
                  Hồng lô nhất điểm tuyết,
                  Thượng uyển nhất chi hoa,
                  Dao trì nhất phiến nguyệt.
                  Y! Vân tán, tuyết tiêu, hoa tàn, nguyệt khuyết!

                  Bài thơ đó có nghĩa là:

                  Một đám mây trên trời xanh
                  Một bông tuyết trong lò lửa đỏ
                  Một nhành hoa trong vườn thượng uyển
                  Một vầng trăng Dao Trì
                  Ôi! Mây tán, tuyết tan, hoa tàn, trăng khuyết!

                  Ý nói rằng: Trên trời có một đám mây, trong lò lửa có một bông tuyết, trong vườn hoa có một cánh hoa, trong hồ nước có vầng trăng tròn! Nhưng than ôi! mây tan hết, tuyết tan rồi, hoa tàn héo, trăng không tròn!

                  Khi từ giã vua Nguyên để về nước, một vị đại thần của nhà vua đưa cho ông câu đố hiểm hóc: "Có một chiếc thuyền, trong đó có vua, thầy học, và cha mình (quân, sư, phụ) bơi đến giữa sông chẳng may gặp sóng lớn đắm thuyền. Khi ấy quan trạng ở trên bờ ra cứu, nhưng chỉ có thể cứu được một người thôi, thế thì thưa ngài quan trạng, ngài cứu ai?"

                  Vào thời kỳ đó, trả lời sai sẽ bị tội phanh thây, hay bị chém đầu hoặc bị giam trong ngục thất, dẫn đến nước Việt mất nhân tài. Nhưng Mạc Đĩnh Chi không ngần ngại trả lời: "Thần đứng trên bờ, thấy thuyền bị đắm, tất phải vội vã nhảy xuống sông bơi ra cứu, hễ thần gặp ai trước thì thần cứu người ấy trước, bất kể người ấy là vua, thầy học hay cha mình."

                  Vua và các quan Trung Hoa vô cùng thán phục, nhà vua lên tiếng hỏi: "Xin sứ thần nước Việt cho trẫm biết bên nước Việt của sứ thần có bao nhiêu hiền tài giống như sứ thần vậy?" Mạc Đĩnh Chi không cần phải suy nghĩ trả lời rằng: "Bẩm đức vua! Nước Việt của hạ thần, theo hạn thần biết thì có vài người tài ba hơn hạ thần, còn số người giống như hạ thần thì nhiều lắm!" Vua Nguyên giật mình trước câu trả lời đó và bỏ ý định xâm lăng nước ta.

                  Trong giờ phút đó, lưỡng quốc trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi đã không làm rạng danh mình, nhưng người nghĩ đến quê hương đất nước, nghĩ đến người khác hơn là tự tạo danh dự cho bản thân. Thánh Kinh lên án những ai chỉ muốn làm rạng danh mình, mà không biết làm rạng danh Đức Chúa Trời, là Đấng sáng tạo ra mình. Điều nầy đã được Thánh Kinh ký thuật: "Lúc ấy, cả nhân loại đều nói một thứ tiếng. Khi đến phương đông, họ tìm thấy đồng bằng trong xứ Si-nê-a, liền định cư tại đó. Họ bảo nhau: "Chúng ta hãy làm gạch nung trong lửa, xây một thành phố vĩ đại, có cái tháp cao tận trời xanh. Hãy làm rạng danh chúng ta, kẻo chúng ta bị tản lạc khắp mặt đất." Vậy, họ đúc từng tảng gạch lớn, dùng nhựa làm hồ và khởi công xây cất."(Sáng Thế Ký 11:1-4)

                  Thưa quý vị câu nói: "Chúng ta hãy xây một thành phố vĩ đại, có cái tháp cao tận trời xanh. Hãy làm rạng danh chúng ta" cho ta thấy sự ngạo mạn của con người, có hàm ý chống nghịch lại ý muốn của Đức Chúa Trời, Ngài muốn họ sanh sản thêm nhiều và làm cho đầy dẫy mặt đất, tức là lan tràn ra mọi nơi để sinh sống, chớ không phải tập trung lại một chỗ.

                  Tháp Ba-bên là nơi con người khước từ Đấng Tạo Hóa mình, thờ phượng loài thọ tạo thay vì thờ Đấng Sáng Tạo. Trên đỉnh tháp, con người thấy mặt trời, mặt trăng, ngôi sao và rồi thờ phượng các tạo vật đó. Họ nghĩ rằng nhờ tháp cao, con người sẽ không bị hại bởi nước lụt vì trước đó Đức Chúa Trời đã khiến trận Đại Hồng Thủy nổi lên tiêu diệt con người, ngoại trừ gia đình ông Nô-ê, gồm có vợ chồng ông, ba trai và ba dâu là những người kính sợ Chúa, thành tâm đóng một chiếc tàu. Và chiếc tàu nầy đã cứu cả gia đình họ.

                  Đến đây chúng ta hãy tìm hiểu phản ứng của Đức Chúa Trời trước việc con người đang xây tháp Ba-bên. Thánh Kinh cho biết:"Chúa Hằng Hữu xuống xem thành phố và ngọn tháp loài người đang xây. Ngài phán: "Này, nếu chỉ là một dân tộc, nói cùng một thứ tiếng, mà họ đã bắt đầu công việc này, thì chẳng có gì ngăn cản được những việc họ định làm. Chúng Ta hãy xuống làm xáo trộn ngôn ngữ, để họ không hiểu lời nói của nhau." Chúa Hằng Hữu làm họ tản lạc khắp mặt đất, không tiếp tục xây thành phố được. Vì thế, thành phố đó gọi là Ba-bên (nghĩa là xáo trộn), vì Chúa Hằng Hữu đã làm xáo trộn tiếng nói cả thế giới, và phân tán loài người khắp mặt đất." (Sáng Thế Ký 11:1-9)

                  Trước đo tất cả mọi dân tộc đều nói một thứ tiếng, họ không gặp khó khăn về sự truyền thông. Họ hiệp chung nhau dùng mọi sự khôn ngoan và tài nguyên để xây tháp. Chúa phán “chẳng còn chi ngăn cản chúng nó làm điều chúng đã quyết định.” Đức Chúa Trời là Đấng toàn năng cho con người tự do lựa chọn lối đi cho cuộc đời mình. Nhưng con người với bản tánh kiêu ngạo, đã phản loạn, chống nghịch với Đấng sáng tạo mình, hiệp lại chống Đấng sinh thành mình. Vì vậy, Đức Chúa Trời đã hành động. Chúa đã làm lộn xộn tiếng nói của loài người. Chúa Hằng Hữu cũng làm cho loài người tản ra khắp trên mặt đất, khiến công trình xây cất dang dở. Bởi cớ đó thành phố ấy có cái tên là Ba-bên, vì là nơi đó Chúa làm lộn xộn tiếng nói của cả loài người, và từ đó Ngài làm cho loài người tản ra khắp trên mặt đất.

                  Thưa quý vị, bức tường ngăn cách về ngôn ngữ, là hậu quả của tội kiêu ngạo của con người! Bức tường đó còn cao hơn Vạn Lý Trường Thành của Trung Hoa, hiểm trở hơn cả bức tường Bá-linh của Đức Quốc trước khi bị phá vỡ. Ngôn ngữ ngăn cách con người truyền thông lẫn nhau còn cao hơn bức tường biên giới ngăn cách các quốc gia. Đức Chúa Trời đã làm lộn xộn ngôn ngữ ngay khi họ đang xây cất tháp Ba-bên, làm họ không còn hiểu nhau nữa, công trình xây cất phải dừng lại và đi vào quên lãng và con người đã rời khỏi tháp Ba-bên, tản lạc khắp đất. Giờ đây quý vị biết tại vì sao con người ngày nay có nhiều ngôn ngữ khác nhau, gây sự khó khăn khi nói chuyện với nhau.

                  Thưa quý vị! Một trong những tội trọng của con người đối với Đấng Tạo Hóa là sự kiêu ngạo, lấy bụng mình làm chúa mình, chỉ muốn làm rạng danh mình, mà không nghĩ đến Đấng Tạo Hóa là Đấng sinh thành mình. Chính vì tội lỗi nầy mà con người phải sống trong khổ đau và phải chết trong tuyệt vọng. Để giải cứu con người ra khỏi tội lỗi và sự ngạo mạn ấy mà Chúa Cứu Thế Jesus là Thượng Đế Ngôi Hai đã phải phải giáng trần. Trong đêm giáng sinh đầu tiên ấy, các thiên thần đã cất tiếng hát một bài Thần ca, chúc tụng danh Thánh Chúa Trời với lời ca là “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, Bình an dưới thế cho người được ơn.” (Lu-ca 2:11). Qua bài Thần ca nầy ta thấy hai lãnh vực Đức Chúa Trời được rạng danh. Lãnh vực thứ nhất ở trên trời. Cả thiên đàng đều rạng danh Đức Chúa Trời. Lãnh vực thứ nhì là dưới trần thế nầy Đức Chúa Trời cũng được rạng danh.

                  Một khi quý vị tiếp nhận ơn cứu rỗi của Chúa, được ân ban của Ngài, quý vị sẽ làm rạng danh Chúa! Đời sống quý vị tỏa sáng vinh quang Chúa. Chúa Cứu Thế Jesus dạy rằng: "Sự sáng các con hãy soi trước mặt người ta như vậy, đặng họ thấy những việc lành của các ngươi, và ngợi khen Cha các con ở trên trời." (Ma-thi-ơ 5 :16)

                  Thưa quý vị! Làm rạng danh Đấng Tạo Hóa là bổn phận của mỗi chúng ta, không có người con hiếu thảo làm mà không làm rạng danh cha mẹ mình! Chúng ta làm rạng danh Đức Chúa Trời vì chúng ta yêu Ngài, đồng thời cũng muốn tất cả mọi người sống quanh ta nhận biết Chúa, hết lòng yêu Chúa và làm rạng danh Chúa.

                  Trở lại câu chuyện của quan trạng Mạc Đĩnh Chi, ông đã không tự cao muốn làm rạng danh mình mà chỉ muốn rạng danh đất nước mình, đồng bào mình. Ước mong những ai thuộc về Chúa lúc nào cũng sống vì Chúa và làm rạng danh Chúa.

                  Chúa yêu quý vị, Chúa đã giáng trần, rồi chết thế cho quý vị, và đã sống lại để cứu quý vị ra khỏi án phạt của tội lỗi và sự chết. Rất mong quý vị tiếp nhận ơn cứu rỗi Chúa, mời Chúa ngự và tâm hồn, làm Chủ đời sống mình ngay giờ nầy để quý vị có một đời sống phước hạnh. Mỗi ngày đời sống của quý vị là bài ca tôn cao danh Chúa. Đời sống của quý vị lúc nào cũng tươi mới và rạng ngời ánh vinh quang của Chúa.

                  Kính chào quý vị và các bạn.
 

Mục sư Tiến sĩ Ngô Minh Quang
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn