08:40 EDT Thứ tư, 01/05/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 18

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 17


Hôm nayHôm nay : 1658

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 3799

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23012832

Trang nhất » Dưỡng linh » Bài giảng

Bài Mới

Nuôi Dạy Con Cho Đức Chúa Trời

Nuôi Dạy Con Cho Đức Chúa Trời

“Kìa, con cái là cơ nghiệp bởi Đức Giê-hô-va mà ra; Bông trái của tử cung là phần thưởng” (câu 3).

Xem tiếp...

TÌNH YÊU VÔ ĐIỀU KIỆN

Thứ ba - 24/04/2018 21:22
TÌNH YÊU VÔ ĐIỀU KIỆN

TÌNH YÊU VÔ ĐIỀU KIỆN

Không ai có thể cắt nghĩa được tình yêu. Người nào cho rằng là mình có thể cắt nghĩa được tình yêu là người chưa biết tình yêu là gì. Như lời của cụ Nguyễn Công Trứ : Chữ tình là chữ chi chi, Dầu chi chi cũng chi chi với tình Sầu ai lấp cả vòm trời, Biết chăng chăng biết hỡi người tình chung.



                 Không ai có thể cắt nghĩa được tình yêu. Người nào cho rằng là mình có thể cắt nghĩa được tình yêu là người chưa biết tình yêu là gì. Như lời của cụ Nguyễn Công Trứ :

                 Chữ tình là chữ chi chi, 
                 Dầu chi chi cũng chi chi với tình
                 Sầu ai lấp cả vòm trời,
                 Biết chăng chăng biết hỡi người tình chung.

                 Nhà thơ Ngô Xuân Diệu trong bài thơ ‘Vì Sao’ cũng than lên rằng:

                 Làm sao cắt nghĩa được tình yêu!
                 Có nghĩa gì đâu, một buổi chiều
                 Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt,
                 Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu...

                 Ca dao nước ta dù nhắc đến rất nhiều về tình yêu nhưng cũng không sao giải thích hết ý nghĩa của chữ ấy.

                 Yêu nhau xa mấy cũng gần, 
                 Ghét nhau cách một bàn chân chẳng gần

                 Có yêu thì nói rằng yêu,
                 Chẳng yêu thì nói một điều cho xong.
                 Làm chi dở đục dở trong,
                 Lờ lờ nước hết cho lòng tương tư.
                 Đa tình là dở
                 Đã mắc vào đố gỡ cho ra!

                 Nhưng cái hay của ca dao nước ta là diễn tả được nỗi lòng của người đang yêu hoặc là của chàng trai hay là cô gái.

                 Cô kia má đỏ hồng hồng,
                 Cô chưa lấy chồng cô đợi chờ ai?
                 Tròng trành như nón không quai
                 Như thuyền không lái như ai không chồng.

                 Rồi chàng trai nói tiếp:

                 Vào vườn trảy quả cau con,
                 Anh thấy em giòn, muốn kết nhân duyên.
                 Hai má có hai đồng tiền,
                 Càng nom càng đẹp càng nhìn càng ưa.

                 Người con gái thẹn thùng hỏi:

                 Anh đã có vợ con chưa?
                 Mà anh ăn nói gió đưa ngọt ngào.

                 Chàng trai biết được lòng dạ của ai kia nên thừa thắng xông lên:

                 Bây giờ mận mới hỏi đào,
                 Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?
                 Mận hỏi thì đào xin thưa,
                 Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào!
                 Nhìn lên mây trắng trời xanh
                 Lấy ai cũng vậy lấy anh cho rồi!

                 Theo phong tục nước ta ngày xưa, người con gái ít khi nào tỏ tình ra mặt, mà chỉ bày tỏ qua những cử chỉ thầm kín, nếu người con trai chú ý đến mình, thì người mới nhận ra được:

                 Bắt cầu anh chẳng đi qua,
                 Để tốn công thợ, để sầu lòng em.

                 Một trong những phương tiện để tỏ tình giữa người con trai với người con gái là ánh mắt, nụ cười, điệu bộ và sau cùng là lời nói:

                 Trời sinh con mắt là gương,
                 Người ghét ít ngó, người thương ngó hoài.
                 Ai về đằng ấy hôm mai,
                 Gửi dăm cái nhớ, gửi vài cái thương.
                 Gửi cho đến chiếu đến giường,
                 Gửi cho đến tận quê hương chàng nằm.
                 Chèo mau cho thiếp gặp chàng
                 Hai ta hiệp lại cho thành một đôi.

                 Nói đến tình yêu, không có cuộc tình nào êm đềm, suôn sẻ, tươi đẹp cho nên có những vần thơ không rõ tác giả là ai được họa lên để nói lên điều nầy:

                 Tình chỉ đẹp khi còn dang dở, 
                 Tình mất vui khi đã vẹn câu thề

                 Trong bài tân cổ giao duyên tựa đề là ‘Yêu’ của soạn giả Viễn Châu cũng đã nói đến niềm đau của những kẻ đang yêu:

                 Tình chẳng bền lâu! Yêu chỉ mang điều đau sầu! Nước mắt của những kẻ khóc vì yêu đã ngập tràn như biển khổ để rồi xô đuổi những con tim cho đắm lụy giữa ba đào! Nói một tiếng yêu mà mấy lượt nghẹn ngào! Nhắn nhủ những ai đang vui trong hạnh phúc hay những tâm hồn đã lụy vì yêu. Ly rượu ngọt ngào thấm thía bao nhiêu càng dễ say sưa tê tái lòng người, cũng như men yêu tuy thắm thiết đậm đà nhưng cũng làm cho bao tâm hồn đau khổ!

                 Yêu đương sao không mời cũng tới? Khách giữa đường dù lạ cũng quen! Nhưng không bao lâu rượu lạt hơi men. Hoa dầu giải nắng mưa đã lạt hương nhụy. Từ ngày xưa họ gọi nhau là tri âm tri kỷ nay gọi nhau là thù hận mà thôi!

                 Trong biển yêu và sóng ái ân, và trong men rượu lắm hương tình, ban đầu họ nói thơ và mộng, rốt cuộc yêu bằng chuyện tử sinh. Yêu là chi mà tuổi thanh xuân nhuộm đầy mơ mộng? Yêu mà chi mà chôn lấp quãng ngày xanh trong bể hận sông sầu? Lỡ một lần yêu là mang hận đến bạc đầu.

                 Đừng đùa trên lửa đỏ, đừng khinh thường khi nhắc đến yêu đương, hãy nói tiếng yêu như nói đến một cái tên xa lạ không quen để đời khỏi chết mòn trong u tối. Bởi ai cũng ai cũng muốn yêu và được yêu mãi mãi để rồi đớn đau trong thực tế phủ phàng! Đừng ai mong đem liều thuốc thời gian để hàn gắn con tim cũng đừng ai mong tìm nguồn hạnh phúc trên thuyền tình bể ái. Đời là một canh bạc mà thua nhiều hơn được. Thì yêu đương tự muôn đời vẫn là đau khổ vạn con tim. Muốn nghiền ngẫm tiếng yêu hãy chờ khi tâm hồn lắng cạn, nằm gác tay trên trán trong những đêm vắng canh tàn.

                 Thánh Kinh cho biết Tình yêu là tặng phẩm của Đấng Tạo Hóa ban cho nhân loại. Chính vì thế tình yêu là một tình cảm thiêng liêng và cao quý. Cho nên tình yêu không phải để đôi co, giành giật mà là ban cho người mình yêu. Khi ta yêu ai, ta phải phải sống cho người ấy. Và cao điểm của tình yêu được thể hiện qua sự hy sinh tánh mạng cho người mình yêu.

                 Tại thành phố Melbourne, Úc Đại Lợi có Đài Tưởng Niệm Các Chiến Sĩ Vì Nước Vong Thân. Trong đài tưởng niệm nầy có một chiếc bàn, trên mặt bàn đó có khắc những dòng chữ mà hằng năm đến đúng ngày lễ Anzac ánh sáng mặt trời xuyên qua một nhỏ trên trần nhà chiếu thẳng vào những dòng chữ được khắc đó là lời phán của Chúa Cứu Thế Jesus được một môn đệ thân tín của Chúa là sứ đồ Giăng ký thuật lại: "Chẳng có tình yêu nào lớn hơn là vì bạn hữu mà hy sinh tính mạng mình." (Giăng 15:13) Thánh Kinh cũng chép: "Trong khi chúng ta còn hoàn toàn bất lực, đến đúng thời điểm Chúa Cứu Thế đã chết thay cho người có tội. Vì dễ gì có ai bằng lòng chết thay cho người công chính; họa hoằn lắm mới có người chịu chết thay cho người thiện lành. Còn Đức Chúa Trời đã biểu lộ tình yêu của Ngài đối với chúng ta, trong khi chúng ta còn là người có tội, Chúa Cứu Thế đã chết thay cho chúng ta." (Rô-ma 5:6-8)

                 Trải qua bao nhiêu thế kỷ, con người vẫn khao khát tình yêu của Chúa, nhưng không biết tìm kiếm nơi đâu! Đức Chúa Trời đã không để loài người mong đợi trong vô vọng. Ngài đã sai Con Ngài là Chúa Cứu Thế Jesus đến trần gian để đem đến cho mọi người tình yêu chan hòa, làm thỏa mãn những tâm hồn khao khát. Qua Chúa Cứu Thế Jesus, lần đầu tiên trong lịch sử, con người được thấy và được trải nghiệm tình yêu tuyệt đối chân chính này, bằng trái tim chứ không phải chỉ bằng sự khao khát hay ước đoán.

                 Tình yêu Chúa Cứu Thế đem đến cho chúng ta không phải là loại tình yêu có điều kiện. Chúa yêu chúng ta vì Ngài yêu, thế thôi. Dù chúng ta xấu xa, tình yêu của Ngài vẫn không thay đổi. Dù cho càng ngày chúng ta càng sa đọa và phản bội, Ngài vẫn yêu chúng ta với tình yêu tràn đầy. Ngài yêu chúng ta chẳng phải vì được một lợi lộc nào. Chúng ta không cần phải thỏa mãn một đòi hỏi hoặc hội đủ một điều kiện nào cả!

                 Bằng cớ nào để minh chứng điều này? Chính cái chết của Chúa Cứu Thế trên thập tự giá là bằng chứng rõ ràng nhất. Chúa Jesus là Đức Chúa Trời Ngôi Hai đã đến trần gian, sống nhân đức và yêu thương mọi người. Ngài đã phục vụ những kẻ khốn khổ, thấp hèn, là những người không có gì để đền đáp ơn Ngài. Ngài đã trả một giá rất đắt để phục vụ những người không thể nào báo đáp ơn Ngài. Ngài thường bị chỉ trích vì Ngài gần gũi và hòa mình với đám dân nghèo nàn, bệnh hoạn, dốt nát, trụy lạc, bị xã hội ruồng bỏ. Và cuối cùng, Ngài đã chấp nhận cái chết trên thập tự giá vì tội lỗi của nhân loại. Ngay cả đang khi Chúa chịu đau đớn trên thập tự giá, Ngài vẫn yêu những kẻ giết Ngài, Ngài thưa với Đức Chúa Cha rằng: “Lạy Cha, xin tha tội cho họ vì họ không biết điều mình làm” (Lu-ca 23:34).

                 Tình yêu của Chúa Cứu Thế không phải là một lý thuyết hay một giáo lý suông, nhưng là một điều đã được minh chứng cụ thể. Đây cũng không phải chỉ là một gương sáng nêu cho chúng ta hai ngàn năm trước, mà ngay cả ngày nay tình yêu này vẫn sẵn sàng đến với bất cứ người nào muốn tiếp nhận. Chúa Jesus đã không chết luôn, đến ngày thứ ba, Chúa đã từ kẻ chết sống lại và hiện nay Ngài đang sống, Ngài đang ở gần quý vị đang khi quý vị nghe chương trình phát thanh nầy. Ngài yêu quý vị với tình yêu vô điều kiện. Quý vị chỉ cầu đến nhận tình yêu ấy và chỉ cần thưa với Chúa một lời đơn giản: “Lạy Chúa, con muốn nhận được tình yêu của Chúa ngay giờ nầy” Rồi quý vị sẽ biết ngay rằng đây là một trải kinh có thật chứ không phải là điều tưởng tượng, mơ hồ.

                 Thưa quý vị, khác với những tình yêu thường tình của con người là tình yêu có điều kiện. Vì tình yêu này đòi hỏi cố gắng và gây căng thẳng không ngừng. Rất có thể có người cảm thấy tự mãn khi được yêu vì mình có những cái đáng yêu! Vì mình đẹp, vì mình giỏi, vì mình những ưu điểm v.v… Người ấy hẳn phải là người có những nét đáng yêu. Do đó, tình yêu này dễ đưa con người đến chỗ tự kiêu.

                 Trong khi tình yêu vô điều kiện có vẻ như hạ thấp người mình yêu. Chẳng hạn như không có người con gái nào lại chịu nhận lời cầu hôn của người con trai đến nói với mình rằng: “Em yêu quý nhất của đời anh, dù em chẳng ra gì đi nữa, anh cũng sẽ cưới em”. Tuy nhiên, đó chính là điều Chúa đang nói với chúng ta. Ngài không yêu chúng ta vì chúng ta như thế này hoặc thế kia, nhưng Ngài yêu dù chúng ta là những tội nhân xấu xa hay cho dù chúng ta là con người như thế nào đi nữa. Chúng ta không thể làm gì để được Chúa yêu mà cũng không bao giờ xứng đáng với tình yêu của Ngài. Thế mà Ngài yêu chúng ta. Chúng ta chỉ có thể tiếp nhận tình yêu của Chúa như một món quà vô giá.

                 Do đó, quyết định chọn tình yêu của Chúa không phải là chuyện dễ! Vì chúng ta phải trả giá bằng cách đập tan tính kiêu ngạo và nhận mình là người không xứng đáng gì trước tình yêu ấy. Nếu quý vị sẵn sàng đến với Chúa và tiếp nhận tình yêu của Đức Chúa Trời, qua Chúa Cứu Thế Jesus, thì quý vị là người được có diễm phúc nhất. Xin quý vị hãy tiếp nhận tình yêu Chúa ngay bây giờ.

                 Nhưng làm sao con người có thể tiếp nhận tình yêu của Đức Chúa Trời? Quý vị có thể bắt đầu bằng lời thầm nguyện đơn sơ như vầy: “Cám ơn Chúa, con xin tiếp nhận tình yêu của Ngài dù con biết con không xứng đáng gì! Kính lạy Chúa Jesus, con biết rằng con là người có tội, xin Chúa tha thứ cho con. Con tin cậy Chúa là Đấng duy nhất có quyền cứu rỗi linh hồn con. Con cảm ơn Chúa vì Ngài đã chết đền tội cho con, Ngài cũng đã từ cõi chết sống lại để ban sự sống vĩnh cửu cho con. Giờ đây con xin rộng mở tâm hồn và đời sống tiếp nhận Ngài làm Chúa Cứu Thế và Chúa của đời con. Xin Chúa đổi mới lòng con và dìu dắt con trên con đường suốt đời theo Chúa. Con thành kính tạ ơn Chúa và cầu xin những điều nầy trong danh Chúa Cứu Thế Jesus. A-men.” Rất mong quý vị dâng lên Chúa lời cầu nguyện như thế.

                 Kính chào quý vị và các bạn.
 

Mục sư Tiến sĩ Ngô Minh Quang
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: tình yêu, chi chi

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn