17:34 EDT Thứ năm, 02/05/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 23


Hôm nayHôm nay : 8964

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 15741

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23024774

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Dạy Con Cháu Theo Chúa

Dạy Con Cháu Theo Chúa

“Đừng làm theo đời này, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào” (Rô-ma 12:2).

Xem tiếp...

Gia Đình Hạnh Phúc

Thứ hai - 30/10/2017 21:38
Gia Đình Hạnh Phúc

Gia Đình Hạnh Phúc

Kính thưa quý độc giả, Gia đình rất gần gũi với trái tim của Đấng Tạo Hóa, vì chính Ngài đã đề xướng và thiết lập nên gia đình. Ngay từ nguyên thủy, sau khi Thiên Chúa dựng nên con người đầu tiên là A-đam, Ngài nói rằng: "Người sống cô độc không tốt”


                Kính thưa quý độc giả,

                Gia đình rất gần gũi với trái tim của Đấng Tạo Hóa, vì chính Ngài đã đề xướng và thiết lập nên gia đình. Ngay từ nguyên thủy, sau khi Thiên Chúa dựng nên con người đầu tiên là A-đam, Ngài nói rằng: "Người sống cô độc không tốt” (Sáng Thế Ký 2:18). Do vậy, Ngài đã dựng nên người nữ đầu tiên là Ê-va, để trở nên một người “giúp đỡ thích hợp" cho A-đam. Thiên Chúa đã chúc phước cho gia đình đầu tiên như sau: “Hãy sinh sản, tăng thêm cho đầy dẫy địa cầu, và chinh phục đất đai.” (Sáng Thế Ký 1:28). Sau khi loài người bội nghịch và sống xa cách Thiên Chúa, phạm nhiều tội ác gớm ghê, Thiên Chúa đã quét sạch cả nhân loại qua trận Đại Hồng Thủy, nhưng chỉ cứu sống gia đình của Nô-ê. Ngài đã tiếp tục chương trình gia đình khi chúc phước cho Nô-ê và con cái của ông là gia đình duy nhất còn sót lại như sau: “Hãy sinh sản thêm nhiều cho đầy mặt đất” (Sáng Thế Ký 9:1). Trong suốt cả chiều dài lịch sử ghi lại trong Kinh Thánh, Thiên Chúa luôn sử dụng gia đình để bắt đầu một kế hoạch hay một chương trình trọng đại. Ngài đã chọn ông Áp-ra-ham là một người đặt niềm tin trọn vẹn vào Ngài để bắt đầu một gia đình mới. Ngài đã ban cho Áp-ra-ham một quý tử trong lúc tuổi ông đã già nua, và từ gia đình của Áp-ra-ham, Thiên Chúa đã dựng nên một tuyển dân để chứng kiến và kinh nghiệm về quyền năng vô hạn và tình yêu vô đối của Ngài, và cũng chính trong tuyển dân này, Chúa Cứu Thế Giê-xu đã hạ sinh, mang lại sự cứu rỗi cho cả nhân loại.

                Trải qua mọi thời đại, các bậc cha mẹ được Thiên Chúa trao phó cho thiên chức vô cùng quan trọng là phải nuôi dạy con cái hiểu biết, kính sợ và yêu mến Đấng Tạo Hóa, như lời tiên tri Môi-se có nhắc nhở: “Phải hết lòng, hết linh hồn, hết sức yêu kính Chúa Hằng Hữu, Thượng Đế mình. Cũng phải ân cần dạy dỗ những lời này cho con cái mình khi ở nhà, lúc ra ngoài, khi đi ngủ, lúc thức dậy” (Phục Truyền 6:5,7). Tiếc thay, trong xã hội ngày nay, có mấy bậc cha mẹ thực sự tin cậy và kính sợ Thiên Chúa là Đấng thiết lập hôn nhân và gia đình, là Đấng nắm giữ những nguyên tắc cần thiết để xây dựng một gia đình thực sự hạnh phúc? Thậm chí trong vòng những người biết kính sợ Thiên Chúa, có một số bậc cha mẹ tỏ ra e dè, ngần ngại khi dạy dỗ con cái mình về sự hiện hữu của Thiên Chúa và những nguyên tắc tốt lành của Ngài. Các bậc cha mẹ này bào chữa rằng mình không nên ỷ mình là cha mẹ mà ép buộc con cái phải đi theo niềm tin của riêng mình. Thực ra thì con cái chúng ta mỗi ngày đều bị tấn công hay bị “tẩy não” một cách có hệ thống và đầy tinh vi, qua những phim ảnh, sách giáo khoa trong các trường học, về thuyết tiến hóa là lý thuyết phủ nhận Thiên Chúa và cho rằng mọi sự chẳng qua là kết quả của những tình cờ và ngẫu nhiên mà thôi. Nếu các bậc cha mẹ không tích cực hướng dẫn con cái mình về Đấng Tạo Hóa và những nguyên tắc yêu thương của Ngài, thì các em sớm muộn cũng sẽ tin rằng mọi sự chẳng qua là tình cờ, rằng gia đình và các mối liên hệ chỉ là ngẫu nhiên và vô mục đích mà thôi.

                Quý độc giả thân mến,

                Gia đình là tác phẩm của Thiên Chúa và chỉ những luật lệ và nguyên tắc từ Ngài mới có thể bảo đảm được một gia đình hạnh phúc. Gia đình là vô cùng quan trọng đối với Thiên Chúa, vì từ trong một gia đình hạnh phúc, một cá nhân mới được trưởng dưỡng một cách đúng mức, từ sức khỏe, tình cảm và tâm linh, để có thể trở nên một con người tốt lành theo như ý định của Đấng Tạo Hóa. Trong ánh sáng của Thánh Kinh, một gia đình hạnh phúc cần phải có những điểm căn bản sau đây:

                1. Sự Tôn Trọng

                Kinh Thánh cho biết rằng: “Phải hiếu kính cha mẹ” là điều răn đầu tiên có kèm theo lời hứa: nhờ đó con mới được phúc và sống lâu trên đất. (Ê-phê-sô 6:2). Trong một gia đình lành mạnh, con cái phải hiếu kính cha mẹ, vì đây là một mạng lịnh của Thiên Chúa, có kèm theo lời hứa chúc phước cho những ai vâng giữ theo điều răn này. Vợ chồng cần đối xử với nhau bằng tấm lòng tử tế, dào dạt tình thương, và cả hai phải làm gương tốt cho các con noi theo. Trong các gia đình Việt nam, chúng ta thường nhắc nhở con cái phải kính trọng cha mẹ, nhưng lại không quan tâm lắm đến vấn đề cha mẹ nên tôn trọng con cái mình. Nếu trẻ con thường xuyên bị ngắt lời, lời nói các em không ai quan tâm đến, những lời đề đạt của các em bị bỏ ra ngoài tai, các em dễ bị chán nản và cảm thấy mình chẳng có giá trị nào trước mặt cha mẹ. Ngược lại, khi cha mẹ tỏ lòng tôn trọng con cái mình, qua thái độ khuyến khích các em, cho các em được quyền quyết định, dĩ nhiên là trong những hoàn cảnh và điều kiện cho phép, các em thấy mình được cha mẹ tin cậy và đánh giá cao và đây là điều cần thiết để các em phát triển lòng tự trọng cùng với nhân cách.

                Có một lần tôi được dự bữa ăn tối với một gia đình người bạn, trong đó có vợ chồng người bạn, con cái và cha mẹ già của họ cùng ngồi chung vào bàn. Trong một bữa ăn tối có khách mời, có cha mẹ, ông bà cùng hiện diện, người bạn tôi đã mời đứa con mới lên 5 tuổi thay mặt mọi người cầu nguyện để cảm ơn Thiên Chúa trước khi dùng bữa chung với nhau. Đứa nhỏ thật là hãnh diện vì được mời cầu nguyện và sau lời cầu nguyện thật ngắn ngủi và đơn sơ của cậu bé, mọi người cùng đồng thanh nói vang “A-men” và điều này chắc chắn đã đem đến cho cậu bé một kinh nghiệm được tôn trọng thật là khó quên.

                Hãy giúp cho con cái ý thức lòng tôn trọng qua những lời nói nhã nhặn và lịch sự như “Cảm ơn con”, “Làm giùm mẹ cái này nhe con”, “Giúp ba việc này đi” thay vì nạt nộ, quát tháo hay gắt gỏng. Trẻ em cần được nuôi dưỡng mỗi ngày bằng những nhận định tích cực hay những lời khuyến khích lành mạnh, vì những lời phê bình tiêu cực, mắng nhiếc như “đồ đần”, “đồ làm biếng chảy thây” vv. chỉ làm con trẻ mặc cảm, tự ti và thấy mình thấp kém, tồi tàn. Lời Kinh Thánh cho biết rằng “Cha mẹ không nên chọc giận con cái, nhưng phải nuôi nấng, sửa trị, dạy dỗ chúng theo đường lối Chúa.” (Ê-phê-sô 6:4). Hãy tôn trọng những đồ án nhỏ nhoi của con như vẽ tranh, làm đồ chơi, vv... và xem các công việc của các con cũng quan trọng như công việc làm ăn to tát của mình. Trước mặt con cái, các bậc cha mẹ không nên khỏa lấp những yếu điểm và thiếu sót của chính mình, đừng làm như mình là những con người hoàn hảo, không bao giờ phạm lỗi lầm. Vì trẻ con biết mình thường xuyên thiếu sót và khi so sánh mình với cha mẹ thật là hoàn hảo, khiến các em rụt rè và dễ đánh mất lòng tự trọng bản thân.

                2. Khám phá và trau giồi tài năng

                Mỗi người là một tạo vật quý giá do tay Thiên Chúa sáng tạo nên. Mỗi cá nhân đều có những tài năng nào đó để phục vụ tha nhân, để tận hưởng đời sống và hoàn thành những mục tiêu Thiên Chúa dự định cho họ. Gia đình chính là môi trường mà tài năng của mỗi cá nhân cần được khám phá, công nhận, khích lệ và trau giồi. Gia đình sẽ trở nên một nơi chốn thú vị, hấp dẫn, gắn bó và mang lại lợi ích cho nhau khi các thành viên trong gia đình khám phá, khích lệ và giúp đỡ nhau trau giồi những năng khiếu riêng. Điều này không chỉ áp dụng cho trẻ em nhưng đối với các bậc cha mẹ nữa. Vợ chồng nên khuyến khích nhau để khám phá và khuyến khích nhau trong những năng khiếu đặc biệt nào đó. Cha mẹ nên dành thời giờ và sức lực để khám phá Thiên Chúa ban tặng cho con cái mình những năng khiếu nào và giúp đỡ chúng nó phát triển và trau giồi những tài năng thiên phú ngay khi còn nhỏ.

                3. Bày tỏ tình thương

                Nhu cầu tình cảm lớn nhất của mọi người, đó là yêu và được yêu. Nơi chốn tốt đẹp nhất để bày tỏ tình yêu thương, để trở nên sâu đậm trong tình cảm, để thực hiện những công việc của tình thương; đó là ngay trong mái ấm gia đình. Khi mọi thành viên trong gia đình thương yêu nhau, bày tỏ tình thương chân thật và rõ ràng với nhau, điều này xây đắp những cử chỉ thật lành mạnh và gia đình sẽ trở nên một nơi ẩn nấp thật an toàn trước những phong ba bão tố của cuộc đời. Cha mẹ cần phải bày tỏ một cách công khai về tình thương của mình dành cho con cái. Điều này cũng sẽ khiến cho các con trẻ cũng học cách bày tỏ công khai và cởi mở về tình thương của các em dành cho cha mẹ. Khi được như vậy, các em sẽ có những cảm nghĩ thật lành mạnh về tình thương và khi trưởng thành, các em có thể truyền đạt tình thương của mình đến với những chung quanh, người phối ngẫu và con cái của mình. Việc bày tỏ tình thương một cách công khai đến với con cái là một việc còn khá mới mẻ trong những gia đình Việt Nam, nhất là quý ông thường muốn che dấu những cảm xúc của mình. Chúng ta cần biết rằng quý ông lẫn quý bà, đều là những tạo vật quý giá của Thiên Chúa, được dựng nên theo như bản tính của Ngài, có nghĩa là chúng ta có xúc cảm, có vui, có buồn. Hãy tập bày tỏ tình thương và cảm xúc của mình với người vợ và với con cái một cách tích cực và lành mạnh, để mọi người đều cảm nhận tình thương dưới mái ấm gia đình. Đôi khi trong gia đình chúng ta không thiếu tình thương, nhưng tình thương không được bộc lộ một cách rõ ràng và đầy đủ mà thôi. Hành động yêu thương, như lo lắng đi làm, chở con đi học, làm việc này việc kia giúp đỡ người phối ngẫu v.v., là rất quan trọng, tuy vậy lời nói bộc bạch tình thương luôn luôn cần thiết vì lời nói yêu thương mang đến sự cam đoan chắc chắn trong tận trái tim của người chúng ta yêu quý.

                4. Công nhận những giới hạn cần thiết

                Mọi lãnh vực trong đời sống đều có ranh giới với những luật lệ và nguyên tắc, có những điều cần làm và những điều phải tránh. Gia đình là nơi chốn để tập rèn sự vâng phục, tôn trọng thẩm quyền và luật lệ. Các thành viên trong gia đình, khi bước ra ngoài xã hội, có trở thành những nhân vật thành đạt hay không, phần lớn phụ thuộc vào thái độ tôn trọng luật lệ, nguyên tắc và thẩm quyền. Các bậc cha mẹ nên làm gương cho con cái, không chỉ bằng lời nói suông, nhưng qua hành động nữa, về thái độ tôn trọng luật pháp và thẩm quyền trong cộng đồng và quốc gia. Nên cương quyết dạy dỗ con cái theo đường ngay lẽ thật, xuất phát từ lòng thương yêu vô điều kiện, giống như Thiên Chúa sửa phạt vì lợi ích lâu dài và lớn lao của mỗi chúng ta, như lời Kinh Thánh có hướng dẫn “Này con, đừng coi thường sự sửa phạt của Chúa Hằng Hữu. Đừng bực mình khi Ngài trừng trị. Vì Chúa Hằng Hữu sửa dạy người Ngài thương yêu, như cha đối với con yêu dấu” (Châm Ngôn 3:12). Là cha mẹ yêu thương con cái, chúng ta lẽ nào nhắm mắt làm ngơ khi con chạy ra giữa đường với xe cộ qua lại tấp nập? Cũng tương tự như vậy, dạy con biết tôn trọng luật pháp, hướng dẫn và giải thích cho con về công lý để giúp chúng nó khỏi sa vào những cạm bẫy đen tối đầy dẫy trong cuộc đời tương lai sắp tới.

                5. Phát triển suy nghĩ tích cực về bản thân

                Một đứa bé đầy lòng tự tin và có suy nghĩ tích cực về chính bản thân mình sẽ vượt qua được nhiều thử thách đang chờ đợi nó trong cuộc đời. Hãy giúp cho con mình phát triển những suy nghĩ tích cực về bản thân, trau giồi lòng tự tin và đây là hành trang lớn lao quý vị có thể ban tặng cho con mình để có thể hội nhập với cuộc đời, chấp nhận hoàn cảnh và vươn lên khỏi những tình huống khó khăn. Vợ chồng và con cái, hãy tập lắng nghe và thường xuyên khích lệ nhau, cũng như nhắc nhở với nhau rằng chúng ta là những tạo vật vô cùng quý giá của Thiên Chúa, đến nỗi Ngài đã bằng lòng hy sinh Con Một của Ngài là Chúa Cứu Thế Giê-xu, Đấng đã chết đau thương trên cây thập tự cách đây hơn 2000 năm trước, để gánh thế mọi hậu quả của tội lỗi cho chúng ta và mở cho chúng ta một con đường để trở lại với Đấng tạo ra mình. Xin hãy nhớ rằng, những suy nghĩ và hành động của chúng ta, thường là dựa trên cảm nghĩ của chúng ta về giá trị bản thân của chính mình.

                6. Chia sẻ trách nhiệm tài chánh

                Trong một gia đình hạnh phúc, vợ chồng và cả con cái đều phải cùng nhau chia sẻ về trách nhiệm tài chánh. Hãy dạy cho con trẻ biết về ngân sách gia đình, phân biệt giữa những nhu cầu và sự xa hoa lãng phí cùng những giới hạn trong chi tiêu. Hãy giúp cho con trẻ biết giá trị của công việc làm, tiền bạc, lợi ích của sự tiết kiệm và việc đầu tư. Hãy giải thích cho chúng biết tiền bạc chỉ là phương tiện của cuộc sống, tuyệt đối không phải là mục tiêu của cuộc đời. Cũng hãy nhắc nhở chúng trong thái độ biết ơn Thiên Chúa là Đấng chu cấp mọi nhu cầu trong gia đình khi ban cho cha mẹ sức khỏe, kỹ năng cùng cơ hội để có công ăn việc làm. Cũng hãy làm gương trong việc giúp đỡ, chia sẻ những gì mình có cho những người kém may mắn hơn.

                7. Gánh vác trách nhiệm

                Mọi thành viên trong gia đình, bất luận tuổi tác hay khả năng, đều phải lãnh một phần trách nhiệm trong gia đình. Các bậc cha mẹ, đừng quá ôm đồm, lo lắng công việc không được thực hiện theo đúng ý mình, nhưng hãy giao cho con cái những trách nhiệm phù hợp với khả năng và mức độ trưởng thành của chúng, để chúng có cơ hội làm việc và đóng góp chung. Khi có trách nhiệm, trẻ con sẽ cảm thấy tự tin hơn và cảm nghĩ tích cực về bản thân hơn, cũng như chuẩn bị cho con cái khi bước vào cuộc đời tự lập và phải chịu trách nhiệm cho gia đình của chúng trong tương lai.

                Kính thưa quý độc giả,

                Gia đình là tác phẩm của Thiên Chúa và Ngài dùng gia đình để chuẩn bị cho một cá nhân được sẵn sàng về thể chất, tinh thần và tâm linh, trước khi bước vào cuộc đời với những công việc và chương trình mà Ngài dự bị cho cá nhân đó. Ước mong quý vị trở lại với Đấng Tạo Hóa là Đấng nắm giữ mọi chìa khóa để xây dựng một gia đình thật sự hạnh phúc. Thân chào quý vị.
 

Tùng Tri
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn