13:58 EDT Thứ hai, 06/05/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 24


Hôm nayHôm nay : 10119

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 56966

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23065999

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Lan Truyền

Lan Truyền

“Sự rủa sả của Đức Giê-hô-va giáng trên nhà kẻ ác; Song Ngài ban phước cho chỗ ở của người công bình” (Châm Ngôn 3:33).

Xem tiếp...

Giữ Gìn Vệ Sinh

Thứ hai - 20/06/2016 21:15
Giữ Gìn Vệ Sinh

Giữ Gìn Vệ Sinh

Kính thưa quý độc giả, Vào thế kỷ 19, người ta vẫn chưa biết nguyên nhân gây ra các chứng bệnh truyền nhiễm. Thí dụ như vào thời đó, người ta vẫn nghĩ rằng các hơi độc bốc ra từ các ao hồ hay mương rãnh là nguyên nhân gây ra bệnh sốt rét.
 

                 Kính thưa quý độc giả,

                 Vào thế kỷ 19, người ta vẫn chưa biết nguyên nhân gây ra các chứng bệnh truyền nhiễm. Thí dụ như vào thời đó, người ta vẫn nghĩ rằng các hơi độc bốc ra từ các ao hồ hay mương rãnh là nguyên nhân gây ra bệnh sốt rét. Do vậy, bệnh sốt rét, mà trong tiếng Anh được gọi là “malaria”, là xuất phát từ chữ “Mal’aria” trong tiếng Ý, có nghĩa là “khí độc”.

                 Ngày nay, chúng ta ai cũng biết rằng, chính một loại siêu vi khuẩn gây nên bệnh sốt rét và loài muỗi sinh nở trong vùng nước đọng gieo rắc các siêu vi khuẩn này. Có một mối liên hệ thật gần gũi giữa các vùng nước đọng và cơn bệnh sốt rét, tuy vậy, trải qua một thời gian thật dài, không ai biết rõ lý do thật sự nào đã gây ra bệnh sốt rét.

                 Còn biết bao nhiêu chứng bệnh truyền nhiễm khác, mà trước đó, người ta cũng không hề biết các siêu vi khuẩn là nguyên nhân gây bệnh, cũng như không nhận thấy vi khuẩn rất dễ lây lan do sự tiếp cận từ người bệnh sang đến nhiều người chung quanh.

                 Nhưng cách đây hơn 3500 năm, Kinh Thánh đã ghi chép lại các luật lệ cách ly mà Thiên Chúa truyền cho Môi-se để hướng dẫn dân chúng. Các luật lệ này đưa ra những nguyên tắc cách ly thật cần thiết để cô lập những người mắc bệnh truyền nhiễm, hầu tránh được sự lây lan ra khắp cộng đồng, những căn bệnh hiểm nghèo, và những căn bệnh chưa có phương cách để chữa trị.

                 Thí dụ như sách Lê-vi ký 13:1-8, 46 có ghi:

                 “Chúa Hằng Hữu nói với Môi-se và A-rôn: "Nếu người nào thấy trên da mình có chỗ sưng lên, hoặc nổi mụt nhọt, hoặc nổi đốm trắng, thì người ấy phải đến trình với thầy tế lễ A-rôn hoặc một thầy tế lễ con A-rôn, để vị này khám xem người ấy có mắc bệnh phung không. Nếu lông mọc trên chỗ ấy hóa trắng, và nếu chỗ ấy lõm xuống sâu hơn mặt da, đó là bệnh phung. Thầy tế lễ phải tuyên bố người ấy không sạch.

                 Nhưng nếu đốm trắng trên da người ấy không lõm sâu xuống so với mặt da, và lông không hóa trắng, thầy tế lễ sẽ cho người này ở cách ly trong bảy ngày. Sau bảy ngày, thầy tế lễ sẽ khám lại. Nếu thấy vết thương không thay đổi, không lan ra trên da, người ấy sẽ phải ở cách ly trong bảy ngày nữa. Bảy ngày sau, thầy tế lễ lại khám người ấy một lần nữa. Nếu vết thương tái đi, không lan ra trên da, thầy tế lễ sẽ tuyên bố người ấy sạch. Vết thương chỉ là một mụt nhọt thường, người ấy chỉ cần giặt áo xống là được sạch.

                 Nhưng nếu mụt nhọt ấy bắt đầu lan ra trên da sau khi đã được khám, người ấy phải đến gặp thầy tế lễ một lần nữa. Thầy tế lễ khám lại, nếu thấy mụt nhọt đã lan ra trên da, sẽ tuyên bố người ấy không sạch, vì mắc bệnh phung.

                 Suốt thời gian mắc bệnh, người ấy không sạch, và phải ở bên ngoài trại.”

              
                 Kính thưa quý độc giả,

                 Trong những luật vừa nêu ra, nếu chú ý, chúng ta sẽ thấy các bệnh nhân, sau khi bị phát hiện bệnh, sẽ bị cách ly rồi được tái khám sau bảy ngày, cũng giống như ngày nay, các bác sĩ sau khi khám bệnh, nói bệnh nhân rằng: “thôi anh hãy về rồi đến tái khám trong tuần tới”. Thời gian bảy ngày là khoảng thời gian cần thiết để căn bệnh được thuyên giảm hay để xác định bệnh nhân cần phải được cách ly trong khoảng thời gian lâu hơn nữa.

                 Thủ tục cách ly để tránh sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm, mà chúng ta thường nghe gọi là “quarantine” là một từ xuất phát từ tiếng Ý “quaranta”, có nghĩa là “40 ngày”. Trước đây, các thương thuyền có các thủy thủ bị bệnh, thường bị cách ly ở xa bờ, và trong vòng thời gian “quarantine” 40 ngày, tàu không được cập bến, để tránh việc lây lan bệnh tật từ tàu lên đất liền. Sau thời gian cách ly “quarantine” 40 ngày, các thủy thủ mang bệnh, thường là được lành bệnh, hoặc là đã chết vì cơn bệnh.

                 Trong năm 2009 vừa qua, sau khi người ta khám phá ra bệnh cúm heo “swine flu” và trong thời gian nghiên cứu để điều chế vaccine ngăn ngừa loại cúm này, công việc ưu tiên hàng đầu của ngành y tế cũng như chính quyền các nước trên thế giới là thực hiện thủ tục cách ly hay quarantine thật triệt để để ngăn ngừa sự lây lan của nó. Tại các phi trường, những du khách với thân nhiệt cao, bị khả nghi là mang bệnh cúm, liền bị cách ly. Tại Úc châu, là quê hương thứ hai của người viết bài này, khi có một học sinh bị khám phá là có bị cúm heo, không những học sinh đó bị “quarantine”, nhưng cả lớp và cả trường phải đóng cửa nghỉ học ít nhất là một tuần lễ để phòng hờ lây lan. Trong các hãng xưởng văn phòng, những nhân viên bị bệnh cúm heo, được khuyến cáo là không được vào sở làm, cho đến khi hoàn toàn bình phục.

                 Trong khi chỉ trên dưới một thế kỷ, y học mới khám phá ra vi khuẩn gây bệnh và học biết cách nào bệnh tật lây lan, để đề ra những phương pháp cách ly cần thiết hầu phòng ngừa bệnh, thì cách đây hơn 3500 năm, Kinh Thánh đã ghi lại những luật lệ cách ly cần thiết để bảo tồn loài người qua những đe dọa của bệnh tật.

                 Ngày nay, y học đã điều chế ra nhiều loại thuốc trụ sinh thật hữu hiệu để điều trị nhiều chứng bệnh truyền nhiễm, nhưng người ta cũng khám phá ra sự xuất hiện song song của những con siêu vi khuẩn mới, có sức đề kháng với các loại thuốc trụ sinh này. Cho nên, mặc dù có điều chế được thuốc trụ sinh, nhưng qua bao kinh nghiệm thực tế, ngày nay giới y học cũng thừa nhận bên cạnh biện pháp cách ly, vấn đề tẩy sạch để loại trừ vi trùng cũng quan trọng không kém.

                 Ấy vậy mà cách đây mấy ngàn năm trước, Thiên Chúa đã nhắc nhở cách việc cách ly hữu hiệu và triệt để tẩy sạch là hai điều phải đi song song để phòng chống bệnh tật lây lan, như trong sách Lê-vi ký 14:8-9 có ghi:

                 “Người được tẩy sạch sẽ giặt áo xống mình, cạo sạch râu tóc, tắm và được sạch.
                 Sau đó, người này được vào trại, nhưng phải ở bên ngoài lều mình bảy ngày.
                 Sau bảy ngày, người ấy lại cạo tóc, râu, lông mày, giặt áo xống, tắm và được sạch”

                 Trong luật vừa nêu ra, để đề phòng một người chưa hoàn toàn sạch bệnh phung mà được trở lại với cộng đồng một cách quá sớm hay quá hấp tấp, người đó phải tẩy sạch áo quần, cạo sạch râu tóc, tắm rửa sạch sẽ lần thứ nhất, để tiện cho việc xem xét nếu có nơi nào trên thân thể, trên làn da vẫn còn dấu tích của việc nhiễm trùng.

                 Sau bảy ngày cách ly và được xác định là đã được lành bệnh, người lành bệnh cần phải tẩy sạch lần thứ hai, phải giặt áo quần, cạo râu tóc, tắm rửa sạch sẽ lần nữa, để loại trừ hẳn những vi trùng còn sót lại, trước khi người đó được phép trở lại với cộng đồng.

                 Kính thưa quý độc giả,

                 Một trong những vấn nạn của thế giới ngày nay là con người phải đối diện với những bệnh tật lây lan qua dòng nước. Những ký sinh trùng sống bám trong các dòng nước bẩn, gây ra biết bao bệnh tật và tử vong, nhất là trong các quốc gia nghèo chậm tiến. Chỉ vào thế kỷ trước, nhiều thành phố tại Âu châu bị lâm vào các cơn đại dịch, chỉ vì nước cống rãnh tràn ra ngoài đường, làm ô nhiễm các mạch nước ngầm và các giếng nước là nguồn cung cấp nước uống cho dân cư.

                 Vào năm 1854, một trận dịch thổ tả lan tràn khắp Luân Đôn. Sau khi tìm hiểu nguyên nhân, bác sĩ John Snow đã đưa ra bằng chứng là mạch nước uống được bơm lên từ máy bơm nước công cộng ở đường đã bị nhiễm bẩn và mang vi trùng gây bệnh. Sau khám phá này, người ta đình chỉ việc sử dụng máy bơm nước này, bắt buộc người dân Luân đôn phải kiếm nước uống ở một nguồn nước xa hơn nhưng chưa bị ô nhiễm và thế là trận dịch được suy giảm.

                 Nhưng cách đây hàng ngàn năm trước, Môi-se, qua sự hướng dẫn của Thiên Chúa, đã hướng dẫn dân sự giữ gìn vệ sinh, nhất là trong việc phóng uế. Sách Phục Truyền Luật Lệ Ký 23:12-13 có ghi:

                 “Phải dành một khu vực bên ngoài doanh trại để đi vệ sinh. Mỗi người phải có một vật dùng đào đất, để khi đi ngoài xong thì đào đất lấp lại”

                 Giá mà mọi người làm đúng theo nguyên tắc của luật lệ này, biết cô lập vật phóng uế hay nước thải, nước cống rãnh, thì hàng triệu triệu người đã không bỏ mạng vì những cơn đại dịch. Sau hàng ngàn năm, con người mới ý thức được vấn đề giữ gìn vệ sinh chung, mới học biết xây cất hệ thống cống rãnh, xây cất các nhà máy xử lý các nguồn nước dơ, trước khi cho dòng nước này hội nhập trở lại với sông hồ.

                 Nói về vấn đề vệ sinh cá nhân, như tắm rửa mỗi ngày, thay quần áo sạch vv., thì đây cũng là điều khá mới mẻ đối với con người. Người ta kể lại rằng, nữ hoàng Anh quốc Elisabeth Đệ Nhất một năm chỉ tắm một lần mà thôi. Ấy vậy mà, cách đây hàng ngàn năm, Thiên Chúa đã đưa ra những chỉ dẫn thật tường tận về việc giữ gìn vệ sinh cá nhân và vệ sinh công cộng cho tuyển dân Do-thái. Do vậy, thật chẳng ngạc nhiên chút nào, khi những cơn đại dịch bộc phát tại các thành phố lớn tại Âu châu vào thời trung cổ, chỉ duy cộng đồng người Do-thái không bị hề hấn gì trong khi các dân tộc khác có số tử vong rất cao.

                 Do vậy, Kinh Thánh là lời hướng dẫn đi trước thời đại. Những người Do-thái, do học biết và làm theo Kinh Thánh, đã có lối sống vệ sinh đi trước thời đại rất xa, giúp họ tránh được các bệnh tật truyền nhiễm.

                 Quý độc giả thân mến,

                 Kinh Thánh tuy là một cuốn sách cũ xưa, nhưng lại chứa đựng những chỉ dẫn chính xác về y học và sức khỏe có giá trị cho đến ngày nay. Kinh Thánh không những đi trước thời đại trong lãnh vực y khoa, nhưng Kinh Thánh đi trước trong tất cả những lãnh vực khác của khoa học nữa.

                 Điều kinh ngạc và lý thú hơn nữa, đó là Kinh Thánh không phải là cuốn sách mang chủ đề chính về y khoa hay khoa học. Y học hay khoa học là những điều bên lề, chỉ là những chi tiết nhỏ nhặt, đứng bên cạnh một chủ đề to lớn hơn, quan trọng hơn của Kinh Thánh.

                 Trong khi khoa học cố gắng mô tả thế giới vật chất hoạt động như thế nào, thì chủ đề chính của Kinh Thánh là trả lời câu hỏi “tại sao”. Tại sao chúng ta có mặt trên cõi đời này? Tại sao thế giới lại ra như thế này?

                 Kinh Thánh không chỉ đưa ra lời giải thích tường tận cho câu hỏi “tại sao”, nhưng còn chỉ ra những lựa chọn đang đối diện với mỗi cá nhân chúng ta, về một tương lai sắp tới.

                 Kinh Thánh không những giúp ta sống khỏe, sống vui trong mấy mươi năm ngắn ngủi của cuộc đời, nhưng Kinh Thánh còn giúp chúng ta có được chìa khóa để bước sự sống vĩnh phúc đời đời nữa.

                 Vì thời giờ có hạn, chúng ta sẽ tiếp tục cùng nhau khám phá thêm về những điều kỳ diệu của Kinh Thánh trong những tuần tới.

                 Thân chào quý vị và các bạn.
 

Tùng Tri
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn