10:20 EDT Thứ bảy, 04/05/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 25


Hôm nayHôm nay : 10621

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 34678

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23043711

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

“Con Ông Con Bà”

“Con Ông Con Bà”

“Y-sác yêu Ê-sau, vì người có tánh ưa ăn thịt rừng; nhưng Rê-bê-ca lại yêu Gia-cốp” (câu 28).

Xem tiếp...

Một Kinh Nghiệm Rất Đau Thương

Thứ tư - 05/04/2017 20:57
Một Kinh Nghiệm Rất Đau Thương

Một Kinh Nghiệm Rất Đau Thương

Kính thưa quý độc giả, Chúng ta đang ở chương thứ tư trong quyển sách NGHĨ SAO, THÀNH VẬY của Tiến sĩ David Stoop với Chương Đề: Điều Gì Hình Thành Sự Tự Nhủ Của Chúng Ta?



              Kính thưa quý độc giả,

              Chúng ta đang ở chương thứ tư trong quyển sách NGHĨ SAO, THÀNH VẬY của Tiến sĩ David Stoop với Chương Đề: Điều Gì Hình Thành Sự Tự Nhủ Của Chúng Ta? Trong mấy tuần qua, chúng tôi đã liên tiếp trình bày cùng quý thính giả việc lạm dụng hay những thiếu sót của các thế hệ tổ tiên trong quá khứ có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành sự Tự-Nhủ của thế hệ kế tiếp khi họ lớn lên. Chúng tôi cũng đưa ra những ví dụ để minh chứng rằng việc hiểu được gia đình gốc của mình đã hình thành các mẫu Tự-Nhủ của chúng ta cùng những hệ thống niềm tin về cuộc sống của chúng ta trong hiện tại sẽ giúp chúng ta nhận ra được khuôn mẫu chung của những kinh nghiệm tiêu cực mà chúng ta có thể có một cách vô thức trong suốt những năm tháng chúng ta trưởng thành. Điều này hết sức quan trọng, vì chỉ khi nào chúng ta nhận thức được rằng sự hạn chế mình có trong hiện tại bắt nguồn từ quá khứ lâu đời nơi gia đình gốc, chúng ta mới có khả năng thách thức những loại suy nghĩ tiêu cực ấy và can đảm làm một sự thay đổi.

              Chúng ta đã nghe về sự thiếu vắng vai trò lãnh đạo trong gia đình của Becky, và cô bất đắc dĩ phải đứng lên đảm nhiệm vai trò mà đáng lý ra phải là của bố mẹ cô. Chúng ta cũng đã nghe về việc vi phạm các ranh giới trong gia đình, đưa đến những thế hệ nối tiếp bị ảnh hưởng lệch lạc trong suy nghĩ và hành vi cư xử, trở thành nạn nhân của bạo hành về tình dục và việc xâm phạm thân thể. Kết quả còn tệ hại hơn nữa, vì thực tế đã chứng minh rằng những người lớn lên trong gia đình kiểu này có khi tự nguyện biến mình thành nạn nhân để nhận sự ngược đãi của kẻ khác với mong ước nhận được sự chú ý của người hành hạ, ngược đãi mình.

              Sang đến vấn đề thứ ba, chúng tôi đã trình bày về việc những người thường xuyên bị khước từ ngay trong chính gia đình của mình thường có lối hành xử y như những gì cha mẹ họ đã làm trong gia đình gốc. Thí dụ như gia đình của Áp-ra-ham và bà Rê-be-ca. Sự ra đời của Y-sác nảy sinh ra sự thiên vị và đố kỵ trong gia đình, vì thế Ích-ma-ên và mẹ ruột đã bị đuổi ra khỏi nhà. Khi Y-sác chuẩn bị kết hôn, rất có thể Y-sác đã tự nhủ rằng cậu sẽ có lối hành xử khác đi và không thiên vị con cái. Đây là một trong những khuôn mẫu của sự Tự-Nhủ mà nhiều người cũng đã từng suy nghĩ, rằng “Mình sẽ hành động cách khác hẳn với bố mẹ mình.” Tiếc thay, đa số chúng ta lại vấp ngã trong lề lối cũ và cuối cùng lại làm những việc mà mình thật lòng mong muốn tránh xa.

              Gia đình Y-sác cũng đã bị chia đôi khi hai đứa bé trai song sinh chào đời. Rê-bê-ca yêu thương đứa nhỏ tên Gia-cốp. Y-sác yêu thích Ê-sau, đứa con trai đầu lòng. Như vậy là giờ đây một người cha hay mẹ khước từ một đứa con, và đứa con bị khước từ bởi người cha hay mẹ đó lại được người cha hay người mẹ kia chấp nhận. Khi lớn lên, Ê-sau bị Gia-cốp lừa gạt cha mà cướp lấy sự chúc phước. Trong cơn giận dữ điên cuồng của Ê-sau, bà mẹ Re-bê-ca đành để Gia-cốp đi lánh nạn. Vì thế đối với thế hệ thứ nhì tiếp nối theo, một đứa con trai lại phải rời khỏi nhà.

              Sang đến thế hệ thứ ba của gia đình Áp-ra-ham, vấn đề thậm chí còn trầm trọng hơn nữa khi sự yêu thích của Gia-cốp trên Giô-sép, đứa con trai do chính bà vợ Ra-chên ông yêu quý sinh hạ, khiến 11 đứa con trai khác của ông thấy tức giận vì chúng bị cha mình khước từ. Khi sự oán giận của 11 người con trai này lên đến đỉnh điểm, họ đã quăng cậu xuống một cái hố định giết cậu đi. Sau cùng, họ quyết định bán Giô-sép đi cho khuất mắt. Đây là thế hệ thứ ba của gia đình Áp-ra-ham. Trong thế hệ đầu tiên, Ích-ma-ên bị đuổi đi khỏi nhà vì cớ lòng ghen ghét của Sa-ra. Trong thế hệ thứ hai, Gia-cốp bị đuổi đi xuất phát từ nỗi lo sợ cho mạng sống cậu. Khuôn mẫu của sự khước từ thường xuyên và sự thiên vị đã gia tăng hơn trong thế hệ thứ ba, đến nỗi, một lần nữa, một đứa con trai bị đuổi đi khỏi nhà, và lần này cậu ta vừa mới thoát khỏi việc bị các anh mình sát hại.

              Một Kinh Nghiệm Rất Đau Thương

              Kính thưa quý độc giả,

              Không phải tất cả chúng ta đều có thể đồng nhất với vấn đề về sự xâm phạm ranh giới hoặc về sự khước từ thường xuyên trong suốt những năm mình lớn lên. Nhưng nhiều người trong chúng ta có thể nhớ một biến cố chấn thương tinh thần khi chúng ta lo sợ cho bản thân mình hoặc cho một người nào đó mình yêu thương. Chúng ta có thể đã phát triển những cách suy nghĩ và hành xử dựa trên sự lo sợ vốn phát sinh từ một hoặc nhiều biến cố chấn thương tinh thần trong đời sống mình.

              Mẹ của Gary bị bệnh nhiều năm trong suốt thời thanh niên của anh. Bà dường như ở trong tình trạng mấp mé sự chết liên tục. Trong suốt thời gian vô cùng lo lắng này, Gary phát triển một khuôn mẫu của việc bị buộc cần phải chạm vào một công tắc đèn mỗi khi anh đi ngang qua một công tắc ở đâu đó trong nhà. Gary nói, “Tôi cảm thấy rằng nếu tôi không chạm được thậm chí một công tắc đèn thì điều đó sẽ khiến cho mẹ tôi phải chết.” Gary đã tìm thấy một cách thức để làm nhẹ bớt những nỗi lo lắng của anh qua tính chất ép buộc của anh, nhưng theo thời gian và thậm chí sau khi mẹ anh đã hồi phục, những nỗi lo lắng của anh trở nên tập trung vào những hành vi có tính ép buộc của mình. Anh dành ngày càng nhiều thời gian hơn trong việc cần phải chạm vào công tắc đèn khi anh đi ngang qua và sẽ thường xuyên phải quay bước trở lại để chắc chắn là mình đã làm đúng. Mẹ anh không còn là vấn đề nữa, nhưng các mẫu ám ảnh cưỡng chế vốn đã từng được sử dụng để làm giảm bớt sự lo lắng, ám ảnh của anh về việc mẹ anh có thể qua đời bất cứ lúc nào giờ đây đã biến thành một thói quen thường nhật trong đời anh. Mỗi ngày, phần lớn lối suy nghĩ và hành xử của anh đều tập trung quanh mẫu ám ảnh cưỡng chế này.

              Đôi lúc chúng ta có thể bị ảnh hưởng sâu sắc bởi một điều gì đó xảy ra trên phạm vi rộng lớn hơn trong bối cảnh gia đình mở rộng hoặc thậm chí trong phạm vi hàng xóm láng giềng của mình, đặc biệt là nếu chúng ta cảm thấy rằng cha mẹ chúng ta không có khả năng bảo vệ chúng ta trong tình huống đó. Ví dụ, lúc chúng ta còn nhỏ thì có một người anh hay chị em trong nhà qua đời, và cha mẹ chúng ta đã chìm đắm trong sự đau buồn đến nỗi họ gần như lãng quên chúng ta, họ cứ để mặc chúng ta đối diện với nỗi đau buồn của chính mình. Hoặc vì một người bạn của chúng ta đã bị xâm phạm bởi một kẻ tâm thần mắc chứng bệnh thích phô trương chỗ kín, và cha mẹ chúng ta đã phản ứng với sự sợ hãi tột độ, rồi xuất phát từ nỗi lo lắng rằng một điều tương tự có thể xảy ra cho chúng ta, cha mẹ đã nghiêm khắc hạn chế những hoạt động riêng tư của chúng ta.

              Trong cả hai ví dụ này, các bậc phụ huynh bị lấn át thái quá bởi nỗi đau thương hoặc lo sợ đến nỗi họ không có khả năng tạo cho chúng ta một ý thức về vòng đai an toàn. Điều này có thể khiến chúng ta cảm thấy bị tổn thương và lo âu, đưa đến việc gia tăng tác động của những biến cố gây tổn thương tinh thần trong sự hình thành loại suy nghĩ và niềm tin của chúng ta về bản thân, về sự an toàn của cá nhân mình trong thế giới bao la.

              Những Niềm Tin Méo Mó, Lệch Lạc của Cha Mẹ

              Kính thưa quý độc giả,

              Đôi khi những năm tháng trưởng thành của chúng ta khá bình yên, không có nhiều biến cố xảy ra, nhưng những cuộc đối thoại của cha mẹ và những người khác trong gia đình với lối suy nghĩ bị bóp méo, lệch lạc, hạn hẹp của họ có thể đã ảnh hưởng và góp phần hình thành các hệ thống niềm tin cùng sự Tự-Nhủ của chúng ta. Cha hay mẹ của chúng ta rất có thể đã bị ám ảnh hay chỉ tập trung vào một số đề tài nào đó và hoàn toàn thờ ơ với những vấn đề quan trọng hơn, chẳng hạn như sự xung đột trong hôn nhân hay việc nghiện ngập của một thành viên trong gia đình.

              Ba mẹ của Charlie là như vậy đó. Charlie nhớ lại rằng khi người anh trai bắt đầu lạm dụng ma túy và bỏ học giữa chừng, thì những điều này không hề được đem ra bàn cãi trong gia đình. Các cuộc trò chuyện trong bữa ăn tối của gia đình thường tập trung vào những vấn đề của nhà thờ, về vị mục sư và việc ông mục sư sẽ phải xin từ chức như thế nào trước khi hội thánh tàn lụi. Trong suốt nhiều năm, cả ba lẫn mẹ của Charlie dường như bị ám ảnh về những vấn đề của vị mục sư tại hội thánh, trong khi ấy, họ lại bỏ mặc những nan đề về người anh trai nghiện ngập của Charlie. Những nỗ lực của Charlie nhằm bù đắp lại cho những suy nghĩ lệch lạc, méo mó của ba mẹ anh lại tạo nên một sự bóp méo, lệch lạc ngược lại cho anh và các con mình-đó là, những vấn đề tại hội thánh không bao giờ được bàn cãi, đặc biệt là tại bàn ăn tối. Những loại cư xử hay suy nghĩ méo mó, lệch lạc của cha mẹ thường tạo ra những suy nghĩ méo mó tương tự trong khuôn mẫu suy nghĩ của con cái hoặc những suy nghĩ và hành xử lệch lạc ở thái cực hoàn toàn ngược lại, như Charlie đã làm.

              Kính thưa quý độc giả,

              Hôm nay chúng ta sẽ tạm dừng tiết mục đọc sách tại đây. Chúng tôi ước mong những gì được chia sẻ trong tiết mục này sẽ giúp quý thính giả hiểu thêm về bản thân mình, từ đó học cách chuyển đổi tư duy nhằm xây dựng một cuộc sống hạnh phúc cho mình và gia đình. Phát Thanh Hy vọng xin kính chúc quý thính giả một tuần thật nhiều niềm vui và bình an bên gia đình cùng bạn bè. Hẹn gặp lại quý thính giả trong chương trình phát thanh lần tới.
 

Tiến sĩ David Stoop
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn