12:38 EDT Thứ bảy, 27/04/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 90


Hôm nayHôm nay : 17180

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 265754

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 22995161

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

“Nhưng, hỡi anh em, xin anh em hãy răn bảo những kẻ ăn ở bậy bạ, yên ủi những kẻ ngã lòng, nâng đỡ những kẻ yếu đuối, phải nhịn nhục đối với mọi người. Hãy giữ, đừng có ai lấy ác báo ác cho kẻ khác; nhưng hãy tìm điều thiện luôn luôn, hoặc trong vòng anh em, hoặc đối với thiên hạ” (câu 14-15).

Xem tiếp...

Một Vị Thầy

Thứ hai - 14/05/2018 20:44
Một Vị Thầy

Một Vị Thầy

Kính thưa quý thính giả, Ngã tư đường Phan Thanh Giản và Đinh Công Tráng xưa đã ghi đậm kỷ niệm quãng đời học sinh niên thiếu của tôi.



                Kính thưa quý thính giả,

                Ngã tư đường Phan Thanh Giản và Đinh Công Tráng xưa đã ghi đậm kỷ niệm quãng đời học sinh niên thiếu của tôi. Chỗ bốn góc đường ấy là nơi qui tụ bốn mái ấm học đường của ‘xứ gạo trắng nước trong’.

                Tôi còn nhớ lắm trường Mẫu Giáo Hỗn Hợp, gọi như thế vì con trai và con gái học chung, chỉ có hai lớp học, chiếm một góc đường và đối diện là trường Nam Tiểu Học có lớp Tiếp Liên, lớp Nhất, lớp Nhì; trường Tiểu Học Sơ Cấp nằm ở góc đường bên cạnh và góc đường còn lại thì chễm chệ trường Trung Học Tỉnh Lỵ. Ngoại trừ trường Mẫu Giáo ra thì tôi đã ‘mài đũng quần’ suốt 12 năm dài của đời học sinh trên các băng ghế của ba ngôi trường còn lại.

                Tôi còn nhớ năm đó thầy Sáu dạy lớp chúng tôi, thú thật là tôi không còn nhớ họ của thầy mà chỉ nhớ hai chữ thầy Sáu quen thuộc, lúc đó là lớp Cuối Cấp vì trường Sơ Cấp Tiểu Học chỉ có ba cấp lớp là Cấp Ba, Cấp Tư và Cấp Năm. Khi học sinh học hết các cấp này thì sẽ tự động được chuyển sang trường kế ngay bên nếu gia đình còn đủ sức nuôi cho ăn học. Tôi nhớ học sinh lớp Năm và lớp Tư thì học vào buổi sáng còn một phần còn lại của lớp Tư và lớp Ba thì học vào buổi chiều...có lẽ vì trường nghèo không đủ chỗ?

                Thầy Sáu lúc đó đã ở tuổi về hưu, khoảng 55 gì đó, nhưng thầy vẫn phải nặng nợ gia đình: Thầy còn hai người con, một trai một gái, đang học trường Dược ở trên Sài Gòn, vì vậy mà thầy đã xin Bộ Quốc Gia Giáo Dục lưu dụng thầy thêm từng năm...

                Vợ thầy mà ai cũng gọi là Cô Sáu thì còn trẻ hơn thầy và cũng làm ghề ‘gõ đầu trẻ’ bên trường Nữ Tiểu Học Tỉnh Lỵ vào buổi sáng.

                Tôi còn nhớ, mỗi chiều khoảng 1giờ rưỡi trưa tôi thấy thầy thong thả đạp ‘con ngựa sắt’ đến trường. Cái ‘con ngựa sắt’ của thầy ấy là chiếc xe đạp đàn ông mà người ta lúc bấy giờ gọi là ‘xe đòn vông’ có cái chuông kêu leng keng, có cái đèn pha con với một bình ắc quy nhỏ cọ sát vào bánh xe mà tạo ra điện. Thầy còn có một chiếc cặp táp bằng da nữa, thường được máng chặt vào đòn vông của xe đạp. Trông thầy như một dũng sĩ oai phong khi mọi người sẻ lối nhường bước cho thầy; tiếng trẻ học trò đùa giởn trước cổng trường và ngay cả tiếng rao hàng inh ỏi của những người bán quà vặt trên vỉa hè dường như bỗng im bặt lúc đó. Bọn học sinh con trai mặc đồng phục áo sơ-mi trắng cộc tay quần sọt đen và phần đông là đi guốc vông, dáo dác nhìn nhau khi thầy cặp xe sát lề, thong dong đứng xuống tháo hai cái kẹp ở ống quần rồi dẫn xe vào phòng hội của giáo viên. Sở dĩ thầy dùng kẹp vì muốn tránh cho những ống quần rộng khi thầy đạp xe trong gió phất phơ khỏi vướng vào sợi dây sên mặc dù xe đã sẵn có cái gạc-đờ-sên (garde de chaine), cái chắn dây sên đó mà. Thầy thường có thói quen là ngay sau khi cất xe xong thì đi vào lớp học của chúng tôi nhìn quanh quất khắp mọi chỗ rồi mới quay trở lại phòng hội giáo viên để nhâm nhi tách trà nóng chờ cho đến giờ lên lớp.

                Trường Sơ Cấp chỉ có toàn là nam giáo viên, ngoài thầy Sáu ra tôi còn nhớ tên các thầy khác như thầy Phong, thầy Hùng, thầy Dũng và... chỉ có một lần duy nhất, tôi nhớ mãi, là chúng tôi được học với một cô giáo. Cô này là một sinh viên trường Sư-Phạm Vĩnh-Long sắp tốt nghiệp và đi dạy thực tập ở trường chúng tôi. Làm sao mà quên cho được khi mà lần đầu tiên đến lớp cô đã mang theo cả một hộp bánh pơ-tí-bưa hiệu Luy (Petit Beurre de LU) bằng sắt màu đỏ óng ả để phân chia cho cả lớp chúng tôi!

                Thầy Sáu không chỉ dạy chữ thôi mà còn dạy cả môn Thể Dục nữa. Xem nào, học thì có các môn:

                -Ám Độc phải học thuộc lòng hay Ám Tả là môn Viết Chính Tả, lồng vào đó là các nội dung Sử Địa, Giáo Khoa Luân Lý, Công Dân Giáo Dục....
                -Toán Pháp, học Cửu Chương, toán đố đơn giản, các phép tính cộng trừ nhân chia...
                -Cách Trí và Vệ Sinh Thường Thức, Vạn vật, Sinh vật...

                Trường không có dạy Sinh Ngữ hay Cổ Ngữ và học trò thì ra chơi giữa mỗi giờ suốt buổi học. Trước giờ nhập học mỗi lớp phải luân phiên cử ra một học sinh để vào ban trật tự của trường và hai học sinh khác để trực nhật đến lớp mở cửa vào, mở cửa sổ, quét dọn thu nhặt giấy tờ rác rến phấn vụn từ buổi học trước để lại.

                Tùng! Tùng! Tùng! Tiếng trống vang dội do chú lao công cầm dùi mà đập vào mặt cái trống chầu treo ở phía sau phòng hội giáo viên. Trong tuổi thơ tôi những tiếng trống này đã là tiếng ‘trống tràng thành lung lay bóng nguyệt’ thủa nào trong thơ. Tiếng trống trường tôi vang lên thì vực cả cư dân quanh xóm thức dậy từ những giấc ngủ trưa êm ả. Người ta thường nói: Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò; thế mà tôi để ý suốt ba năm tôi học ở đấy, chẳng có trò nào dám nghịch ngợm mó máy vỗ vào cái trống chầu treo sau phòng hôi giáo viên hết. Thật là ‘Trống treo ai dám đánh thùng’?

                Tùng Tùng Tùng... Như ong vỡ tổ bầy học sinh tràn qua cổng trường, ào vào lớp cất tập vở vào hộc tủ dưới bàn rồi tủa ra sân chạy nhảy lăng xăng, bắn bi, đánh đáo... chờ hồi trống thứ nhì.

                Tùng Tùng Tùng... Lớp nào lớp nấy tề tụ dọc theo tường lớp xếp thành hai hàng dài theo lệnh thầy lần lượt bước vào lớp mình, vừa đi vừa đọc bài cửu chương hay bài ám độc và dù cho bài đã đọc xong vẫn phải đứng im chờ thầy cho phép thì mới ngồi xuống. Sau những giây phút đó là một bầu không khí im lặng bao trùm cả lớp, cái yên lặng phăn phắt khiến người ta có thể nghe được cả tiếng những con ruồi đang bay...

                Vào những ngày mưa, ánh sáng xuyên qua các mắt cáo của cửa sổ gỗ không đủ chiếu sáng thì thầy phải bật ‘đèn sợi tóc’ lên. Ánh sáng vàng vọt lúc ấy phủ lên những gương mặt thơ ngây, xanh xao, gầy guộc... Trong im lặng hàng trăm con mắt theo dõi bàn tay thầy di chuyển xuống rồi lên, lên rồi lại xuống trên cuốn sổ điểm danh và khuyên điểm. Bàn tay thầy bỗng dừng lại.

                “Trò Nguyễn Văn An!”

                A! Tôi thì thầm trong đầu, không phải mình! Trò An là trò ngồi cạnh tôi ở ‘xóm nhà lá’ tức là mấy dãy bàn ở phía cuối lớp. Trò An có dáng người nhỏ thó nhanh nhẹn đứng lên.

                “Trò đọc bài ám đọc ‘Ngày Tựu Trường’ của Thanh Tịnh coi!”

                Trò An vanh vách đọc bài...rồi bỗng dưng ngưng bặt...Một cánh chim vừa bay đập vào cửa sổ. An mím môi, bóp trán, nhìn qua trái rồi phải, phải rồi trái, cố moi trong trí nhớ nhưng vô ích! Dăm phút đã trôi qua nhưng An không thể nhớ hơn nên nhìn thầy chờ quyết định. Trò An kém trí nhớ chăng? Kém thông minh chăng? Tôi không dám võ đoán, tôi chỉ biết trò ấy giải nhanh nhiều bài toán đố... Tôi thấy thầy mỉm cười thông cảm

                “Năm điểm!” An trở về chỗ bên cạnh tôi.

                “Trò Trần Văn Tín!” May quá, lại không phải là tôi! Trò Tín này hơi lười nhưng lại ở ‘xóm nhà ngói’, chộp nhanh lấy quyển vở của trò bên cạnh, may phúc mà thầy đã không thấy...

                “Trò Hưng!” Bọn học trò thì gọi trò này là Hưng nhà quê. Tôi lại hú hồn nhưng may quá vẫn không phải là tôi! Mỗi lần thầy kêu trò này thì nhìn bộ vó sớn sác, mặt mày xanh xao thiểu não, cái áo vuột gấu vá vai, cả lớp lại cười ồ. Nhiều khi cả lớp cười làm thầy cũng không nín cười được. Nhưng trò Hưng thì không cười. Trò đã mất nụ cười trẻ thơ: Trò ấy con nhà nghèo, hôm qua phải đập ống con heo đất lấy tiền mua thuốc cho cha...Vài tuần nữa nếu ba không hết bệnh thì không còn sức mà đạp xích lô...phải nghỉ học giúp má bưng bê gánh mận thúng ổi ra chợ bán kiếm kế sinh nhai....

                Dĩ nhiên lần này Hưng cũng không thuộc bài mà cả vở chép bài cũng không có, người đứng cứng đơ, mắt nhìn xuống nền lớp ấp a ấp úng. Thầy giận quát: “Chắc là cuối tháng phải mời phụ huynh trò đến trường!”. Hưng đã không ứa nước mắt khóc như những trò khác mỗi lần có lỗi bị thầy trách phạt nặng. Có lẽ Hưng đã không còn nước mắt để khóc, ba bệnh, mấy đứa em cũng bệnh còn má thì yếu sức, ngày mai không còn cơ hội đến trường... Chiều tan học về mưa lất phất rơi, tôi thấy Hưng đưa tay vuốt khuôn mặt ướt đẫm mà bao năm qua mỗi khi nhớ lại tôi vẫn tưởng như Hưng đang vuốt những giọt nước mắt của trò...

                Khi nhớ lại những cảnh bất hạnh đó tôi mới thấy những trẻ như mình vẫn còn quá sung sướng, chưa biết làm một cái gì ở tuổi đó, đi học mang theo thức ăn nhiều khi còn lén vứt đi vì sợ nếu mang về sẽ bị ba má rầy la. Cùng một lứa tuổi như nhau mà sao...

                Tôi còn nhớ nhiều kỷ niệm với thầy Sáu một phần có lẽ vì thầy có tài kể chuyện ngụ ngôn, những câu chuyện ngụ ngôn của Lã Phụng Tiên (Les Fables de La Fontaine) thật hấp dẫn kỳ thú như chuyện Con quạ và con chồn, chuyện Con công con quạ, chuyện Cây sồi và cây sậy, chuyện Con cáo và chùm nho...tất cả những câu chuyện ngụ ngôn ấy đều có những bài học dạy tôi sống sao cho khôn ngoan...Một phần khác vì tôi thấy thầy thương trò như thương con của mình. Nhiều lần vào lớp thầy hỏi “Buổi sáng nay có trò nào không ăn sáng không?” Có phải là những lúc đó thầy chạnh lòng nhớ con mình đang ở chốn xa bữa no bữa đói?

                Một lần nọ có trò kia ở nhà vô ý làm bể lọ mực tím. Ba trò ấy viết thơ bảo trò cầm vào lớp đưa cho thầy nhờ thầy phạt giùm trò ấy phải ở lại lớp 30 phút sau buổi học. Thầy mở thơ đọc cho cả lớp nghe, ngoài trò ấy ra chúng tôi đứa nào cũng cười khúc khích, nhưng sau đó thầy gập thơ lại, bỏ vào túi yên lặng mắt thoáng buồn và rồi sau đó cũng chẳng thấy thầy phạt trò ấy. Suốt nửa niên học sau đó cho đến khi tôi chuyển trường, tôi nhớ thầy không còn dùng roi mây để phạt học trò nữa...

                Thông thường thì những bậc tài đức, được người đời tôn trọng thì mới gọi là thầy như là thầy giáo, thầy tu. Luật sư thì được gọi là thầy kiện, thầy cãi. Bác sĩ là thầy thuốc, thầy lang. Nhạc sĩ là thầy đờn. Kịch sĩ là thầy tuồng. Võ sư là thầy nghệ võ. Ngày xưa trong những người có chút quyền thế thì có thầy thông, thầy phán, thầy ký, thầy cai, thầy đội, thầy phú-lít (police). Trong dân gian ta lại có thầy đồ, thầy cò, thầy bói, thầy rắn, thầy ngải, thầy hù v.v... Tô Tần, Khổng Minh, Trương Lương, Hàn Tín là những du sĩ có tài du thuyết bôn ba từ tiểu quốc này sang tiểu quốc kia ở Trung quốc ngày xưa; họ đi đây đó để thuyết phục các bậc vương tử hãy áp dụng triết thuyết của họ vào việc kinh bang tế thế. Những người này được xem như những bậc thầy của các hoàng đế Trung Hoa xưa. Xưa kia ở nước ta vua Gia Long gọi giám mục Bá-đa-lộc là thầy Bi Nhu, còn hoàng đế Quang Trung thì gọi Nguyễn Thiếp là thầy La Sơn Phu Tử.

                Trong Kinh Thánh của Cơ-Đốc Giáo thì đề cặp đến một Vị Thầy của toàn thể nhân loại. Khi Đức Chúa Jêsus hỏi các môn đồ rằng ‘Các ngươi xưng ta là ai?” Thì Phi-e-rơ thưa rằng: “Chúa là Đấng Cứu Thế, Con Đức Chúa Trời hằng sống”. Đấng Cứu Thế chính là Chúa Cứu Thế Giê-xu, Đấng có quyền năng chữa lành mọi bệnh tật từ thể xác đến linh hồn. Cơn bệnh trầm trọng của nhân loại chúng ta là tội lỗi hủy phá đời sống và tâm hồn con người. Chúa Giê-xu chính là Thượng Đế đã nhập thế, rao giảng về nước trời bằng những ví dụ, ngụ ngôn; Ngài dùng những hình ảnh cụ thể trong thiên nhiên, xã hội để minh họa những chân lý thiêng liêng vô cùng quan trọng cho loài người.

                Chúng ta hãy cùng nhau xem Vị Thầy này dạy điều quan trọng gì trong câu chuyện của Ni-cô-đem đã được ghi lại trong đoạn 3 của sách Tin Lành Giăng. Câu chuyện như sau:

                Ni-cô-đem, một người được dân Do Thái thời bấy giờ kính trọng trong vòng những người lãnh đạo: ông được gọi là ‘thầy của dân Y-sơ-ra-ên’, một người rất tri thức. Một đêm kia, Ni-cô-đem tìm đến Chúa Giê-xu mà nói rằng:

                “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là Giáo Sư từ Đức Chúa Trời đến vì những phép lạ Thầy đã làm đó nếu Đức Chúa Trời chẳng ở cùng thì chẳng ai làm được.”

                Đức Chúa Jêsus cất tiếng đáp rằng: “Quả thật, quả thật, ta nói cùng ngươi, nếu một người chẳng sanh lại, thì không thể thấy được nước Đức Chúa Trời”.

                Ni-cô-đem thưa rằng: “Người đã già thì sanh lại làm sao được? Có thể nào trở vào lòng mẹ và sanh lần thứ hai sao?”

                Đức Chúa Jêsus đáp rằng: “Quả thật, quả thật, ta nói cùng ngươi, nếu một người chẳng nhờ nước và Thánh Linh mà sanh thì không được vào nước Đức Chúa Trời. Hễ chi sanh bởi xác thịt là xác thịt; hễ chi sanh bởi Thánh Linh là thần. Chớ lấy làm lạ về đều ta đã nói với ngươi: Các ngươi phải sanh lại. Gió muốn thổi đâu thì thổi, người ta nghe tiếng động; nhưng chẳng biết gió đến từ đâu và cũng không biết đi đâu. Hễ người nào sanh bởi Thánh Linh thì cũng như vậy.”

                Ni-cô-đem lại nói: “Đều đó làm thế nào được?”

                Đức Chúa Jêsus đáp rằng: “Ngươi là giáo sư của dân Y-sơ-ra-ên mà không hiểu biết những điều đó sao! Quả thật, quả thật, ta nói cùng ngươi, chúng ta nói đều mình biết, làm chứng đều mình đã thấy; còn các ngươi chẳng hề nhận lấy lời chứng của chúng ta. Ví bằng ta nói với các ngươi những việc thuộc về đất, các ngươi còn chẳng tin thay; huống chi ta nói những việc thuộc về trời, thì các ngươi tin sao được? Chưa có ai lên trời, trừ ra Đấng từ trời xuống, ấy là Con Người vốn ở trên trời.”(Giăng 3: 3-13)

                Ông Ni-cô-đem đã lựa chọn và cân nhắc thật kỹ những lời lẽ để mở đầu cuộc đối thoại với Chúa Giê-xu và thông thường theo như chúng ta thì Chúa đã cảm ơn Ni-cô-đem về những lời thưa đầy cao trọng mà ông này đã bày tỏ, nhưng ngược lại, Ngài lại đi thẳng vào nhu cầu thực sự mà ông cần phải có, đó là nhu cầu thuộc linh của ông. Khi nói với ông, Ngài dùng danh từ ‘quả thật, quả thật’ đến ba lần để cảnh giác Ni-cô-đem rằng những điều Ngài sắp nói với ông là rất quan trọng. Chữ quả thật được hiểu là ‘Ta nói sự thật thế này...’ hoặc là ‘Sự thật là như thế này này...’ Chúa phán cùng ông rằng điều kiện tiên duy nhất mà một người cần phải có để lập sự tương giao với Đức Chúa Trời là ‘sanh lại’.

                Sanh lại hay từ ngữ Hán Việt là ‘tái sanh’ là ‘sinh ra từ trên’ hay ‘sanh cách mới mẻ’, là có sự biến đổi trong tâm hồn, tư tưởng. Một người qua sự sanh ra thể xác bước vào một gia đình thể nào, người ấy cũng cần phải được sinh ra cách thiêng liêng hay còn gọi là ‘sinh ra cách thuộc linh’ để bước vào gia đình của Đức Chúa Trời thể ấy. Tất cả những người ‘sanh lại’ đều thuộc về nước Đức Chúa trời, đây là vương quốc thiêng liêng, thuộc linh, khác biệt với thế giới vật chất mà chúng ta thấy. Đạo phải ở trong lòng, trong tâm, chớ không phải ở đầu môi chót lưỡi. Đây là điều kiện duy nhất để con người chúng ta tái lập mối liên hệ với Đức Chúa trời, Đấng Sáng Tạo ra tất cả không gian vũ trụ và chúng ta.

                Khi nghe Chúa Giê-xu đề cặp đến sự ‘sinh lại’ thì Ni-cô-đem cảm thấy bối rối và thật ra thì sự bối rối của ông cũng chính là sự bối rối của mỗi chúng ta nói chung. Chúa nói với chúng ta những vấn đề thuộc linh thiêng liêng quan trọng mà chúng ta thì lại hiểu biết theo sự hiểu biết ‘thiên nhiên’ của trần thế. Chúa bảo ‘những sự thuộc về trời’ là một điều kiện cần thiết để chúng ta tương giao mật thiết với Ngài, là Đấng tràn đầy tình yêu thương cho mỗi chúng ta.

                Những câu chuyện ngụ ngôn thật hay mà thầy Sáu kể cho chúng tôi trong tuổi ấu thơ chẳng có ích lợi chi nếu tôi chỉ biết chúng theo cái nghĩa đen mà không chịu hiểu cái ý nghĩa thâm thúy đằng sau mỗi câu chuyện ấy. Các thầy cô ở học đường đem cho các học trò nào là chính tả, công dân giáo dục, toán lý hóa, khoa học, vạn vật, vệ sinh thường thức... những câu chuyện ngụ ngôn hấp dẫn tuổi thơ để cho các học trò trở nên những con người hiểu biết và thành công trên đời. Chúa Cứu Thế Giê-xu, Tạo Hóa của chúng sinh, khi ở thế gian dạy cho con người những điều hết sức quan trọng. Ngài không chỉ dạy chỉ nói không thôi nhưng đã thật sự bày tỏ tình yêu vô biên của Ngài cho loài người. Ngài chịu chết trên đồi Gô-gô-tha hai ngàn năm trước đây để đền mạng thế cho tội lỗi đáng phải chết của mỗi con người chúng ta. Ngài đã làm như vậy để chứng minh cho mỗi chúng ta rằng: ‘Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài (là Chúa Giê-xu) hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời’. Chúa Giê-xu thật xứng đáng là Một Vị Thầy cho mỗi đời sống chúng ta vì Ngài có quyền năng làm cho chúng ta được thành công sung sướng không những chỉ trong cõi đời tạm bợ này mà còn được phước hạnh trường tồn trong cõi vĩnh hằng mai sau. Chúa Giê-xu là Đấng đã phán: “Hãy đến cùng ta những ai mệt mỏi và gánh nặng sầu tư. Ta sẽ ban cho các con được yên nghỉ. Hãy mang lấy ách của ta và học theo ta vì ta có lòng nhu mì và khiêm nhường và các con sẽ tìm được sự nghỉ an cho tâm hồn”. Quý vị có muốn gọi Chúa Giê-xu là Vị Thầy của mình không?
 

Nguyễn Thanh
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn