10:53 EDT Thứ năm, 02/05/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 13


Hôm nayHôm nay : 8400

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 13475

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23022508

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Dạy Con Cháu Theo Chúa

Dạy Con Cháu Theo Chúa

“Đừng làm theo đời này, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào” (Rô-ma 12:2).

Xem tiếp...

Mùa Vọng (Phần 1)

Thứ ba - 08/12/2015 20:26
Mùa Vọng (Phần 1)

Mùa Vọng (Phần 1)

Kính thưa quý độc giả, Mười hai tháng bận rộn của một năm sắp qua đi, mùa Giáng Sinh lại về một lần nữa, mang đến cho chúng ta những cảm giác thật xao xuyến khó tả. Mùa Giáng Sinh với những cuộc họp mặt, bên cạnh người thân hay bè bạn, để trao nhau những nụ cười và mở những món quà giáng sinh gói trọn cả tấm lòng.



                Kính thưa quý độc giả,

                Mười hai tháng bận rộn của một năm sắp qua đi, mùa Giáng Sinh lại về một lần nữa, mang đến cho chúng ta những cảm giác thật xao xuyến khó tả. Mùa Giáng Sinh với những cuộc họp mặt, bên cạnh người thân hay bè bạn, để trao nhau những nụ cười và mở những món quà giáng sinh gói trọn cả tấm lòng. Mùa Giáng Sinh với những bài thánh ca êm đềm, thánh thoát, đưa tâm hồn chúng ta rời xa những lao xao trong hiện tại, đem chúng ta trở về một miền trời xa vắng, tĩnh mịch của tiểu thôn Bết-lê-hem đêm nào. Mùa Giáng Sinh với đèn sao lấp lánh, với hình ảnh của chàng Giô-sép mộc mạc, nàng trinh nữ Ma-ri hiền hòa và hài nhi Giê-xu ngây thơ nằm trong máng cỏ, như muốn nhắc nhở cho chúng ta một sự kiện huyền diệu nhất trong dòng lịch sử nhân loại.

                Hai từ “giáng thế” và “sinh ra” được kết hợp lại với nhau để có nên từ “giáng sinh”. Trọng tâm của mùa Giáng Sinh chính là hài nhi Giê-xu, hay chính là Con Một của Thiên Chúa, đã giã từ thiên đàng vinh hiển, giáng thế xuống trần và được sinh ra trong thân xác một con người. Vì sao Con Độc Sanh của Thiên Chúa lại phải giáng thế xuống trần? Tại sao Đấng Tạo Hóa lại phải trở nên một loài thọ tạo? Lý do nào Con Trời lại phải lìa xa thiên đàng đẹp đẽ để hạ sinh ra trong thế gian này, trong hình hài một em bé, giữa một chuồng chiên dơ bẩn tồi tàn?

                Kinh Thánh, là lời của Thiên Chúa, trình bày thật rõ ràng mục đích giáng sinh của hài nhi Giê-xu như sau: “Ngài sẽ cứu dân Ngài khỏi xiềng xích tội lỗi” (Ma-thi-ơ 1:21)

                Quý độc giả thân mến,

                Sứ mạng của Chúa Giê-xu là cứu vớt nhân loại, giải thoát tạo vật yêu dấu của Thiên Chúa, ra khỏi những ràng buộc và hệ quả khủng khiếp của tội lỗi. Tội lỗi là gì, nghiêm trọng ra sao đến nỗi Con Trời phải thân chinh giáng thế làm người, chính tay Người phải thực hiện công việc cứu rỗi này? Mùa Giáng Sinh cứ thủy chung trở về với nhân loại trong hơn 2000 năm qua, Thiên Chúa muốn gởi gắm đến cho mỗi chúng ta sứ điệp quan trọng nào đây?

                Ước mong mẫu chuyện ngắn sau đây sẽ minh họa một phần nào sự cần thiết của giáng sinh:

                “Trong cuộc nội chiến tại Hoa Kỳ, một gia đình kia có người cha và hai đứa con trai cùng nhập ngũ. Người cha và một đứa con trai chẳng may bị tử trận, khiến cho người con trai còn sống sót trở nên người đàn ông duy nhất trong gia đình để nối dõi. Viên sĩ quan cấp trên thông cảm hoàn cảnh của anh, cho anh nghỉ phép vài hôm để tìm gặp tổng thống hầu xin được giải ngũ.

                Khi anh tới được tòa Bạch Ốc, những người lính canh nói với anh rằng: “Không, không, anh không thể gặp tổng thống được. Bộ anh không thấy chiến tranh đang ác liệt sao? Ngài tổng thống đang bận lắm. Anh hãy đi đi, hãy trở về đơn vị của mình và chiến đấu thật dũng cảm!”

                Anh này đau khổ lắm, bèn ra một công viên gần đó, ngồi và khóc. Trong lúc đó, một cậu thiếu niên đến gần anh và hỏi: “Này chú ơi, tại sao chú khóc vậy?” Anh lính có người hỏi đến, bèn tâm sự rằng anh có người cha và người anh đã bị tử trận, anh là người đàn ông duy nhất còn sót lại trong gia đình; anh muốn được giải ngũ, quay trở về nhà để giúp đỡ mẹ già và em thơ, trông coi công việc trong nông trại mỗi ngày.

                Nghe xong, cậu thiếu niên liền bảo: “Chú hãy đi với tôi”. Rồi cậu dắt tay anh lính đi vào tòa Bạch Ốc, băng qua không biết bao nhiêu trạm gác và cửa kiểm soát, mà những người lính gác không hề cản trở và hỏi một tiếng nào, thậm chí có những sĩ quan cao cấp đứng nghiêm chào khi thấy cậu bé đi qua. Trong khi anh lính còn đang ngạc nhiên sửng sốt, thì cậu bé đã dẫn anh tới ngay trước văn phòng tổng thống và bước ngay vào mà không hề gõ cửa báo trước. Tổng thống Abraham Lincohn, lúc đó đang bàn thảo kế hoạch hành quân với vị bộ trưởng quốc phòng, khi vừa nhìn thấy cậu bé, vội ngẩng đầu lên và hỏi: “Con kiếm ba có chuyện gì không, Todd?”

                Cậu bé liền trả lời: “Ba ơi, chú lính này có chuyện thật quan trọng muốn được gặp ba!”

                Kính thưa quý độc giả,

                Trong câu chuyện vừa rồi, giữa người lính mang nỗi niềm tâm sự và vị tổng thống uy quyền là một khoảng cách vô cùng to lớn, bình thường không có cách gì vượt qua được, nếu không có cậu thiếu niên là con ruột của vị tổng thống tình nguyện làm người dẫn đường cho anh lính. Cũng tương tự như vậy, giữa con người chúng ta và Đấng Tạo Hóa, giữa những khổ đau và thiên đàng phước hạnh; giữa những nỗi cô đơn, tủi nhục và suối nguồn yêu thương; giữa những tạm bợ, dối trá và sự chân, thiện, mỹ vẹn toàn, là một khoảng cách vô tận, mà bình thường, không ai trong chúng ta có thể vượt qua được, cho đến khi Chúa Giê-xu là Con Một của Thiên Chúa, tự nguyện làm một nhịp cầu giữa Trời và người.

                Thế nhưng tại sao lại có một khoảng cách bao la giữa Thiên Chúa và loài người? Có phải Đấng Tạo Hóa không quan tâm và chẳng muốn gần gũi với con người chúng ta? Thực ra, chúng ta được dựng nên bởi tình yêu và để trở nên đối tượng yêu thương của Đấng Tạo Hóa. Trong ngôi vườn Ê-đen tuyệt hảo, với các loại cây đẹp đẽ, sinh quả ngon ngọt, Thiên Chúa đã sáng tạo ra hai con người đầu tiên là A-đam và Ê-va. Họ đã tận hưởng tình bạn thật gần gũi và thân mật với Đấng Tạo Hóa. Đắm mình trong tình yêu trọn vẹn và trong suốt, A-đam và Ê-va chưa bao giờ biết thế nào là tủi hờn, khổ đau, xa cách hay mặc cảm, như lời Kinh Thánh có ký thuật rằng: “A-đam và vợ đều trần truồng, nhưng không hổ thẹn” (Sáng Thế Ký 2:25).

                Thế nhưng, sau khi A-đam và Ê-va nghe lời dụ dỗ bùi tai của quỷ vương trong lốt con rắn xinh đẹp, phỉnh gạt họ về những vinh quang giả tạo của một cuộc đời gạt bỏ Thiên Chúa, cả hai đã quyết định bội nghịch với Đấng Tạo Hóa, đưa tay hái lấy trái cấm mà ăn. Chính sự bội nghịch của thủy tổ loài người đã gieo tội lỗi vào nhân loại, phá vỡ mối quan hệ giữa con người và Thiên Chúa và dựng nên một khoảng cách vô biên, như lời Kinh Thánh cho biết “Chính lỗi lầm của các ngươi đã phân cách các ngươi với Thiên Chúa các ngươi; chính tội lỗi các ngươi đã khiến Ngài ẩn mặt để khỏi nhìn, khỏi nghe các ngươi.” (Ê-sai 59:2)

                Quý độc giả thân mến,

                Những hành động như trộm cắp, nói hành, lường gạt, v.v., chỉ là một phần nhỏ của tội lỗi xuất phát từ thái độ và suy nghĩ trong lòng như kiêu ngạo, ganh tị, tham vọng, ích kỷ, thiếu thủy chung, v.v. Tội lỗi không chỉ là những hành động thiếu yêu thương nhưng còn là tình trạng thụ động và lãnh đạm, lẽ ra phải làm mà không làm. Tội lỗi là lý luận để đi ngược lại với đường lối của Thiên Chúa. Tội lỗi đã ăn sâu vào trong bản chất của mỗi người chúng ta, ảnh hưởng trên hành vi, lời nói và suy nghĩ của mọi người, như lời Kinh Thánh khẳng định: “Thật vậy, mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa” (Rô-ma 3:23)

                Chúng ta thường đùa giỡn rằng tội lỗi là những điều đem đến những lạc thú, nhưng hậu quả cuối cùng của tội lỗi luôn luôn là sự hủy diệt. Thiên Chúa ghét tội vì tội lỗi cản trở dự định tốt lành của Ngài trên đời sống của mỗi người, đem đến lo sợ, cô đơn, khổ đau, mặc cảm, và sự trống vắng vô nghĩa trong cuộc đời. Thiên Chúa ghét tội vì tội lỗi khiến chúng ta đeo đuổi theo những thần tượng giả dối như tiền tài, danh vọng, tôn giáo, triết lý thay vì kính sợ Ngài là chân thần duy nhất. Thiên Chúa ghét tội vì tội lỗi phân ly chúng ta với Ngài, phân cách giữa chúng ta với nhau trong mối quan hệ vợ chồng, bằng hữu, cha mẹ và con cái. Thiên Chúa ghét tội vì Ngài là Đức Chúa Trời trọn vẹn thánh khiết và kỵ tà. Thiên Chúa ghét tội vì Ngài quá yêu mỗi chúng ta. Thiên Chúa ghét tội vì tội lỗi là nguyên nhân của mọi cái chết, mang chúng ta đi xa Ngài vĩnh viễn, đẩy chúng ta xuống một nơi tăm tối đọa đầy cho đến đời đời.

                Trong khi chúng ta hoàn toàn bất lực và tuyệt vọng dưới nanh vuốt của tội lỗi, Thiên Chúa Ngôi Hai, cách đây hơn 2000 năm, đã tự nguyện giáng trần để lãnh thế cho chúng ta món nợ tội, mua chuộc chúng ta trở lại Ngài. Để có thể đại diện nhân loại lãnh thế tội lỗi, Con Trời phải trở nên con người như mỗi chúng ta, phải sinh ra như một hài nhi mang tên Giê-xu. Để có thể làm một của lễ chuộc tội trọn vẹn, Đấng Thánh Khiết tuyệt đối phải giáng thế giữa trần gian ô tội này. Con Một của Thiên Chúa đã phải gánh chịu sự sỉ nhục và hy sinh chính mạng sống của mình, để làm một nhịp cầu tình yêu, xóa bỏ đi khoảng cách vô cùng tận giữa chúng ta và Đấng tạo dựng ra mình, như lời Kinh Thánh bày tỏ: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Giăng 3:16).
 

Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: giáng sinh

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn