14:03 EDT Thứ bảy, 04/05/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 35


Hôm nayHôm nay : 11494

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 36058

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23045091

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

“Con Ông Con Bà”

“Con Ông Con Bà”

“Y-sác yêu Ê-sau, vì người có tánh ưa ăn thịt rừng; nhưng Rê-bê-ca lại yêu Gia-cốp” (câu 28).

Xem tiếp...

Nguyên Tắc Thứ 4: Chúng Ta Suy Nghĩ Bất Hợp Lý

Thứ hai - 09/01/2017 20:28
Nguyên Tắc Thứ 4: Chúng Ta Suy Nghĩ Bất Hợp Lý

Nguyên Tắc Thứ 4: Chúng Ta Suy Nghĩ Bất Hợp Lý

Kính thưa quý độc giả, Chúng ta sắp kết thúc chương thứ hai của quyển sách NGHĨ SAO, THÀNH VẬY của Tiến sĩ David Stoop. Những tuần qua, chúng tôi đã trình bày nguyên tắc thứ nhất suy nghĩ của một người tạo nên cảm xúc của người ấy.




                   Kính thưa quý độc giả,

                   Chúng ta sắp kết thúc chương thứ hai của quyển sách NGHĨ SAO, THÀNH VẬY của Tiến sĩ David Stoop. Những tuần qua, chúng tôi đã trình bày nguyên tắc thứ nhất suy nghĩ của một người tạo nên cảm xúc của người ấy. Những cảm xúc như vui, buồn, giận dữ, yêu, ghét, chán nản hay phấn khích đều bắt nguồn từ suy nghĩ trong lòng. Thế giới vẫn xoay đều theo nhịp điệu của nó, và sự việc quanh ta cũng có thể không, hoặc chưa thay đổi, nhưng cảm xúc của một người có thể thay đổi theo chiều hướng họ suy nghĩ tích cực hay tiêu cực về sự việc mà thôi. Suy nghĩ của một người không những có ảnh hưởng đến mặt cảm xúc, mà còn ảnh hưởng đến hành vi cư xử của người ấy nữa. Đó là nguyên tắc thứ hai. Sự nhút nhát là một thí dụ cụ thể xác nhận nguyên tắc này. Sự nhút nhát được đặt cơ sở trên một hệ thống niềm tin. Bạn hành xử như một người nhút nhát bởi vì hành vi của bạn bị điều khiển bởi niềm tin rằng bạn nhút nhát. Nói tóm lại, sự Tự-Nhủ, hoạt động qua những cảm xúc của con người, là một yếu tố chính yếu định đoạt hành vi cư xử của họ.

                   Chúng ta cũng đã trình bày nguyên tắc thứ ba, rằng trung tâm điều khiển nhận thức của một người có ảnh hưởng đến hành vi cư xử của họ, bởi vì những gì người ấy tin về điều đang xảy ra mới thật sự là vấn đề. Nguyên tắc này được minh họa bằng phân đoạn 13 của Sách Dân Số Ký trong Thánh Kinh, ký thuật lại việc mười hai người được Môi-se sai đi do thám xứ. Cùng nhìn thấy những giống người trong xứ, cùng xem xét mọi thứ về vùng đất đượm sữa và mật ấy trong bốn mươi ngày, nhưng nhận thức của họ lại khác nhau. Trong khi Giô-suê và Ca-lép trở về với một thái độ đầy phấn khích, sẵn sàng tiến tới trước như Ca-lép kêu gọi, “Chúng ta hãy đi lên và chiếm xứ đi, vì chúng ta thắng hơn được”, thì mười người kia lại chùn bước. Họ suy nghĩ đến những người Nê-phi-lim (tức là giống người cao lớn trong xứ). Rồi họ bắt đầu biến những kẻ cao lớn này thành những người tàn bạo dữ tợn và đồng thời thấy hình vóc mình nhỏ bé lại. Lời tường trình của họ trước tuyển dân cho thấy xứ sở đượm sữa và mật mà họ nhìn thấy đã biến đổi thành “một xứ nuốt dân sự mình; hết thảy những người chúng tôi đã thấy tại đó đều là kẻ hình vóc cao lớn. Chúng tôi có thấy những người Nê-phi-lim (tức là con cháu của A-nác, thuộc về giống người Nê-phi-lim giềnh giàng); chúng tôi thấy mình khác nào con cào cào, và họ thấy chúng tôi cũng như vậy”. Đó là sự nhận thức của họ về tình huống này.

                   Những người này đã phát triển một “mặc cảm con cào cào.” Suy nghĩ của họ đã phóng đại kích thước của tất cả những người nam trong xứ theo cùng cách thức sự Tự-Nhủ của họ đã phóng đại những nhược điểm của chính họ.

                   Kính thưa quý độc giả,

                   Tuần trước chúng tôi đã trình bày sơ qua về nguyên tắc thứ tư, đó là chúng ta thường có khuynh hướng suy nghĩ một cách phi lý. Có lẽ một ví dụ rõ rệt là câu chuyện về một cô gái xinh đẹp nhưng lại cho rằng mình xấu xí. Mỗi lần có ai đó khen cô về vẻ bề ngoài xinh đẹp của cô, cô lại quả quyết rằng mình trông kinh khủng ra sao. Và khi có người cố tìm cách khẳng định lời khen ngợi dành cho cô thì cô lại càng mô tả bản thân mình là xấu xí và thô kệch. Không gì có thể thuyết phục được cô, bởi vì cô suy nghĩ bất hợp lý.

                   Bởi khuynh hướng suy nghĩ một cách phi lý, chúng ta thường hành động trong một cách thức nào đó mà sau này sẽ làm cho mình bối rối. Khi mọi người đã nguôi ngoai và mọi việc lắng dịu, chúng ta có thể nhận ra rằng ý kiến của mình lúc đó bất hợp lý biết dường nào. Những tranh cãi, giận dữ, nghi vấn, lời buộc tội chúng ta đặt ra nhiều lúc làm tổn thương những người mình thương yêu nhất. Chúng ta nói những điều mình không hàm ý và rồi những lời nói ấy sẽ ám ảnh chúng ta sau đó khiến chúng ta cảm thấy có lỗi vì đã làm tổn thương người khác. Chúng ta tự trách bản thân mình vì đã nói những điều ngốc nghếch như thế. Tất cả chỉ bởi vì chúng ta suy nghĩ phi lý hoặc bất hợp lý.

                   Một trong những minh họa tốt nhất của lối suy nghĩ bất hợp lý là trong sự ký thuật về ông Gióp. Tôi đã luôn thấy thật khó mà hiểu được nhân vật Gióp. Mọi sự xảy đến với ông dường như quá bất công! Nhưng gần đây tôi đã có cái nhìn khác hẳn về Gióp.

                   Ông Gióp có mọi thứ mà một người có thể trông mong. Ông đủ giàu có để có thể sử dụng thời gian của mình theo ý thích. Các con của ông có thể tự lập và công việc của ông tiến triển hoàn toàn tốt đẹp. Nhưng Gióp lại là một người hay lo lắng! Trong chương đầu chúng ta gặp gỡ ông khi ông dâng các của lễ thiêu cho từng đứa con của mình, vì Gióp nói, “Dễ thường các con ta có phạm tội, và trong lòng từ chối [rủa sả] Đức Chúa Trời chăng.” Rồi câu 5 thêm nói thêm, “Gióp hằng làm như vậy”! Hành vi cư xử của ông có xu hướng ép buộc.

                   “Điều gì xảy ra nếu như…” có thể là khẩu hiệu của Gióp. Kết quả là ông trở nên tỉ mỉ trong sự thờ phượng và trong đời sống mình. Rồi điều này dẫn đến những vấn đề ông đối diện. Ở giữa bài ai ca của ông, chúng ta khám phá một manh mối cho thấy vì sao những điều kinh khiếp này lại xảy đến cho ông. Trong sách Gióp 3:20-26 ông hỏi:

                   "Cớ sao ban ánh sáng cho kẻ hoạn nạn,
                   Và sanh mạng cho kẻ có lòng đầy đắng cay?
                   Người như thế mong chết, mà lại không được chết;
                   Cầu thác hơn là tìm kiếm bửu vật giấu kín;
                   Khi người ấy tìm được mồ mả,
                   Thì vui vẻ và nức lòng mừng rỡ thay.
                   Người nào không biết đường mình phải theo,
                   Và bị Đức Chúa Trời vây bọc bốn bên, sao lại được sự sống?
                   Vì trước khi ăn, tôi đã than siết,
                   Tiếng kêu van tôi tuôn tôi như nước.
                   Vì việc tôi sợ hãi đã thấu đến tôi; 
                   Điều tôi kinh khủng lại xảy ra cho tôi.
                   Tôi chẳng được an lạc, chẳng được bình tịnh, chẳng được an nghỉ;
                   Song nỗi rối loạn đã áp đến!" Gióp 3:20-26

                   Kính thưa quý độc giả,

                   Hoàn toàn rõ ràng, Gióp có lý do để đau buồn và ước ao kết thúc sự sống ông. Nỗi đau đớn và khốn khổ của ông thật sâu xa. Nhưng hãy lưu ý câu 25: “Vì việc tôi sợ hãi đã thấu đến tôi; Điều tôi kinh khủng lại xảy ra cho tôi.” Chúng ta đã thấy rằng Gióp là một người lo lắng, nhưng chúng ta chỉ không biết là ông lo lắng đến mức nào. Chúng ta hầu như có thể hình dung ông khi ông đi đến quảng trường thành phố để dành cả ngày hôm ấy trò chuyện với những người khôn ngoan khác. Ông bước đi chậm rãi và lo lắng nhiều. Ông lo lắng về bầy chiên. Có con nào bị trộm mất chăng? Các đầy tớ của ông có đủ thành thật với ông chăng? Ông lo lắng về thời tiết và hiệu quả nó sẽ tác động trên các vụ mùa của ông. Ông lo lắng về vợ con mình. Có lẽ ông thậm chí cũng lo lắng về bản thân mình nữa, rằng liệu ông có che đậy mọi tội lỗi có thể xảy ra với của lễ ông mới vừa dâng chăng. Có lẽ ông thậm chí cũng lo lắng về các của lễ của mình, rằng liệu con sinh tế có thật sự là con tốt nhất chăng, hay nếu ông đã dành thêm một ít thời gian nữa thì ông đã có thể tìm thấy một con tốt hơn. Tâm trí ông thường xuyên đầy ắp sự lo lắng.

                   Từ tất cả những biểu hiện bề ngoài, Gióp hoàn toàn không có gì để phải lo lắng cả. Ông có mọi thứ mình cần. Nhưng ông lại lo lắng về mọi thứ! Và tới chương thứ ba, những điều Gióp lo lắng trở thành hiện thực.

                   Hãy hình dung cảnh tượng trên thiên đàng như được miêu tả trong các chương đầu của sách này. Sa-tan ra mắt Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Trời khen ngợi Gióp, tôi tớ Ngài. Gióp là một người kính sợ Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Trời chỉ rõ điều đó ra. Nhưng Sa-tan nhắc Đức Chúa Trời về hàng rào Ngài đã dựng chung quanh Gióp. Nhưng hàng rào không có ở đó! Sự bảo vệ của Ngài không còn nữa!

                   Gióp đã bận rộn cắt tỉa hàng rào ấy với những nỗi lo lắng của mình. Mỗi ngày ông đều đi ra và cố gắng làm cho hàng rào thẳng hơn một chút, gọn gàng hơn một chút. Nhưng ông không bao giờ thỏa mãn với công việc của mình. Và ông đã cắt tỉa cho đến khi hàng rào không còn nữa! Sự Tự-Nhủ đầy lo lắng của ông đã cắt tỉa cái hàng rào, tạo cho Sa-tan một cơ hội để tấn công. Sự Tự-Nhủ của Gióp thật bất hợp lý!

                   Chúng ta đã tự xây dựng một đường xoắn ốc làm cho mình ngã lòng. Nếu suy nghĩ của chúng ta tạo nên cảm xúc của mình, và nếu suy nghĩ của chúng ta ảnh hưởng đến hành vi cư xử của mình, và nếu chính trung tâm điều khiển nhận biết được của chúng ta cũng ảnh hưởng đến hành vi của mình, và nếu hết thảy chúng ta đều có xu hướng suy nghĩ bất hợp lý, thì chúng ta có cơ may nào để giành được quyền làm chủ bản thân và những cảm xúc của mình? Làm thế nào chúng ta có thể phá vỡ chu kỳ này?

                   Kính thưa quý độc giả,

                   Hôm nay chúng ta sẽ tạm dừng tiết mục đọc sách tại đây. Tuần sau chúng ta sẽ tìm câu giải đáp cho câu hỏi này. Chúng tôi ước mong quý thính giả sẽ tiếp tục lắng nghe tiết mục đọc sách hàng tuần để chúng ta cùng nhau sánh bước trên hành trình tìm hiểu bản thân, học cách chuyển đổi tư duy theo chiều hướng tích cực nhằm xây dựng một cuộc sống hạnh phúc cho mình và gia đình. Phát Thanh Hy vọng xin kính chúc quý thính giả một tuần thật nhiều niềm vui và bình an bên gia đình cùng bạn bè. Hẹn gặp lại quý thính giả trong chương trình phát thanh lần tới.
 

Tiến sĩ David Stoop
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn