06:12 EDT Thứ sáu, 03/05/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 49

Máy chủ tìm kiếm : 7

Khách viếng thăm : 42


Hôm nayHôm nay : 7238

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 21277

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23030310

Trang nhất » Dưỡng linh » Văn - Thơ - Nhạc

Bài Mới

Nỗi Lòng Cha Mẹ

Nỗi Lòng Cha Mẹ

“Chớ mang ách chung với kẻ chẳng tin. Bởi vì công bình với gian ác có hội hiệp nhau được chăng? Sự sáng với sự tối có thông đồng nhau được chăng?” (II Cô-rinh-tô 6:14).

Xem tiếp...

Đôi Bàn Tay Cha

Thứ ba - 28/08/2018 20:23
Đôi Bàn Tay Cha

Đôi Bàn Tay Cha

Quý thính giả thân mến, Khi gặp gỡ hoặc được giới thiệu với một ai đó, thì đặc điểm mà quý thính giả thường để ý đến nơi người đối diện mình là gì? Đôi mắt? Nụ cười? Chiều cao và vóc dáng? Mái tóc? Hay là lối phục sức của người ấy?



                     Quý thính giả thân mến,

                     Khi gặp gỡ hoặc được giới thiệu với một ai đó, thì đặc điểm mà quý thính giả thường để ý đến nơi người đối diện mình là gì? Đôi mắt? Nụ cười? Chiều cao và vóc dáng? Mái tóc? Hay là lối phục sức của người ấy?

                     Nữ sĩ Quỳnh Giao thường để ý đến đôi mắt của người đối diện trong lần gặp gỡ đầu tiên. Trong tiểu thuyết của bà, đôi mắt to và đen của nhân vật nữ sẽ được đề cập đến trước tiên. Bà thường miêu tả những cô gái có vóc người nhỏ nhắn, gầy nhưng xinh xắn. Điểm đặc biệt, nổi bật nhất trên khuôn mặt của nhân vật nữ luôn là một đôi mắt to, đen, có sức thu hút như nam châm, quyến rũ lạ lùng. Nhân vật nam trong tiểu thuyết của Quỳnh Giao thường là những người đàn ông cao và gầy, có đôi mắt sáng nằm dưới đôi chân mày thật đậm đầy vẻ nam tính.

                     Còn quý thính giả thì sao? Mỗi chúng ta thường bị thu hút và chú ý đến một đặc điểm nào đó nơi người khác, và sự thu hút này rất có thể đã bắt nguồn từ trong tiềm thức thuở ấu thơ của chúng ta. Phải thú thật là bản thân tôi thường để ý đến đôi bàn tay của người khác. Việc này bắt nguồn từ ký ức của thời thơ ấu mà cha tôi đóng một vai trò hết sức quan trọng.

                     Thuở còn trẻ, cha tôi đã từng học qua ngành điều dưỡng, nhưng sau khi hành nghề tại bệnh viện một thời gian, ông nhắm đồng lương không đem lại sự sung túc cho gia đình đông con nên đã đổi sang ngành thương mại. Tuy vậy, ông đem những kiến thức đã thu thập được về vấn đề vệ sinh thường thức áp dụng trong nếp sống gia đình và giáo dục con cái.

                     Lúc anh chị em chúng tôi còn nhỏ xíu, vấn đề vệ sinh trong xã hội Việt Nam thời ấy còn rất yếu kém. Tôi còn nhớ cha tôi có sắm một chiếc máy chiếu phim để thỉnh thoảng chiếu phim cho chúng tôi xem. Ông còn cho phép chúng tôi mời những đứa bạn trong xóm đến xem phim chung. Ngoài các phim hoạt họa và phim hài hước của vua hề Charlot, cha tôi thường chiếu những phim tài liệu về vấn đề vệ sinh thường thức để giáo dục chúng tôi nữa. Cũng nhờ vậy nên dù còn bé tí teo, tôi cũng đã ý thức được tầm quan trọng của việc giữ gìn vệ sinh cá nhân, lý do cần phải chủng ngừa để ngăn chặn những căn bệnh chết người nơi trẻ em, tác hại của việc lây lan bệnh truyền nhiễm khi không giữ vệ sinh đúng mức, vân vân.

                     Gia đình chúng tôi có đến 8 anh chị em, nhưng cha luôn để ý xem có đứa nào vắng mặt tại bàn ăn hay không. Hình như sự vắng mặt của 1 đứa con trên bàn ăn sẽ làm cho cha tôi không yên tâm. Cũng vì vậy mà chúng tôi luôn cố gắng đi học về đúng giờ để hiện diện đầy đủ trong các bữa ăn gia đình. Cha thường để ý đến bàn tay của từng đứa con và tập cho chúng tôi thói quen rửa tay thật sạch trước khi ngồi vào bàn ăn. Lúc chị của tôi đến tuổi dậy thì, bắt đầu đỏm dáng và để móng tay dài, cha tôi không thích thú gì lắm về việc này. Tuy không phản đối hay cấm đoán, ông chỉ thỉnh thoảng nhắc nhở: Vệ sinh quan trọng hơn là thẩm mỹ. Đó là những cái ổ vi trùng nằm phục kích dưới móng tay chứ quý báu gì đâu! Cần nhất là rửa thật kỹ phần dưới móng tay với xà bông trước khi đụng vào thức ăn đấy!” Có lẽ yêu cầu của ông cũng không phải là quá đáng xét về phương diện vệ sinh. Dù sao đi nữa, thì lời nhận xét về những chiếc móng tay dài đã đi sâu vào tâm khảm tôi, nên mãi cho đến bây giờ tôi vẫn luôn có những chiếc móng tay ngắn gọn.

                     Hôm qua anh tôi đến chơi. Tiết trời đầu mùa xuân ở thành phố Melbourne vẫn còn lạnh lắm, nhưng vì những tia nắng ấm và bầu trời xanh thẫm ngoài kia mà chúng tôi quyết định đi bộ quanh để ngắm cảnh. Hai anh em yên lặng đi dưới những tàng cây thật lớn của một công viên gần nhà. Anh tôi tần ngần do dự như có điều muốn nói. Im lặng trong giây lát, sau cùng anh cũng đưa tay ra khỏi túi của chiếc áo khoác lớn. Anh rút chiếc găng tay ra rồi chìa bàn tay mặt cho tôi xem. Bàn tay anh bầm tím, ngón tay đeo nhẫn của anh bị gói cứng trong mớ bông băng thật lớn. Tôi giật mình mấp máy đôi môi:

                     - Không đứt lìa hả anh?
                     - Không, nhưng có lẽ anh sẽ không còn móng tay nữa vì phần trên đã bị bào mất rồi. Anh hy vọng là vết thương sẽ lành lại, nếu không thì phải cưa mất một đốt tay.

                     Hai anh em chuyện trò một lát, anh tôi thoáng buồn. Anh nói như một tiếng than:

                     - Anh đã làm việc cật lực trong nhiều năm, nhưng bây giờ thì anh cũng đã đứng tuổi rồi, đâu còn sung sức như thời trai trẻ. Lúc này anh cảm thấy mệt mỏi quá, sức khỏe kém nhiều và làm việc gì cũng chậm chạp hơn xưa. Không biết rồi anh còn làm việc này được bao lâu nữa. Anh không nói cho mấy đứa nhỏ và chị biết, sợ mẹ con nó lo... nhưng sao anh thấy buồn quá ...

                     Đàn ông ít khi nào bộc lộ sự buồn rầu, lo âu hoặc nói lên sự đau đớn hay cảm xúc của mình, vì vậy, nghe vài câu nói là tôi cũng hiểu tâm trạng buồn bực của anh tôi đã đến mức nào. Nhìn bàn tay của anh còn đang băng cứng, tôi cảm thấy xót xa. Đâu còn nữa bàn tay thư sinh ngày nào. Giờ đây bàn tay ấy thô nhám, đầu ngón tay chai sạn vì công việc. Đó là đôi bàn tay của người đàn ông mỗi ngày làm việc vất vả từ sáng sớm đến chiều tối để nuôi sống gia đình trong suốt bao năm qua. Đó là đôi bàn tay của một người đã từng qua một thời thanh xuân thơ mộng giờ đang đi đến tuổi xế chiều của một đời người.

                     Tôi ngước mắt lên nhìn những chòi lá xanh đầy sức sống đang phất phơ trong cơn gió nhẹ, tắm dưới những tia nắng vàng rực rỡ. Lòng tôi bồi hồi nhớ lại tàng cây mận đào thật lớn trong sân nhà ở Sài Gòn mà anh em tôi đã trải qua những ngày ấu thơ tươi đẹp. Tôi lại nhớ đến cha tôi. Ông có đôi bàn tay rất đẹp. Vì thường làm việc bằng sự vận dụng trí óc hơn là công việc chân tay, nên bàn tay ông mịn màng và mềm mại. Tôi luôn yêu thích những chiếc móng tay hồng hào, vuông vắn, cắt gọn gàng, sạch sẽ của cha tôi. Từ sự ưa thích ấy, tôi luôn để ý và quý đôi bàn tay của chính mình cũng như của những người khác. Đó quả là tặng vật quý báu mà Thượng Đế đã ban cho con người.

                     Quý thính giả có bao giờ ngồi yên lặng và ngắm đôi bàn tay của mình không? Quý thính giả có trân quý đôi bàn tay mình và cảm ơn Đấng Tạo Hóa là Đức Chúa Trời quyền năng đã cho chúng ta đôi bàn tay ấy? Nhờ chúng mà chúng ta đã làm được biết bao nhiêu là công việc khác nhau.

                     Phái nữ thường để ý chăm sóc cho đôi bàn tay mình được thon mềm với nhiều loại kem dưỡng da có mùi thơm rất dịu. Có người chịu khó dành thì giờ để chăm chuốt những ngón tay dài, dũa gọn. Có người làm loại móng tay bột sơn nhiều hình thật đẹp khiến ta liên tưởng đến câu hát “Bàn tay năm ngón em vẫn kiêu sa...” Tôi bâng khuâng tự hỏi mỗi chúng ta đã bao lần dành thì giờ để ngắm đôi bàn tay của người mình yêu thương? Quý vị có bao giờ ngắm đôi bàn tay của cha mình không?

                     Hãy ngắm nhìn đôi bàn tay ấy. Đôi bàn tay đã phục vụ chúng ta thật nhiều trong suốt những tháng năm dài. Đôi bàn tay ấy giờ có nhăn nheo, thô nhám và yếu đi nhiều, thậm chí có những ngón tay không còn co vào, duỗi ra một cách dễ dàng như xưa nữa, nhưng đó là đôi bàn tay đã không ngừng làm việc và xây dựng cuộc sống của ta. Đôi bàn tay của cha lắm khi dơ bẩn vì lấm bùn đất, sưng tấy lên vì những vết sướt, vết cắt khi cha làm việc.

                     Đôi tay thương yêu của cha đã vụng về đưa ra đón nhận, bồng ẵm đứa con đầu lòng và những đứa con kế tiếp trong gia đình. Đôi tay ấy đã đỡ chúng ta dậy mỗi lần chúng ta vấp ngã khi còn là một đứa bé chập chững tập đi, đã đút cho ta ăn, đã tắm rửa và mặc quần áo cho ta. Bởi đôi bàn tay đầy chở che của người cha mà những giọt nước mắt của chúng ta đã được lau khô. Thật vậy, người đã âu yếm nâng niu, bồng ẵm chúng ta từ ngày mới mở mắt chào đời, dạy ta những bước chân đầu tiên, tập cho ta đi xe đạp, chơi bóng rổ, tập nhảy dây, chơi trượt băng. Bàn tay to lớn của người đã nắm lấy bàn tay nhỏ bé của ta mà dắt ta băng qua đường lộ, đu đưa chúng ta trên chiếc xích đu và dang ra để đỡ chúng ta trên những chiếc cầu tuột trong sân chơi...

                     Nếu quý thính giả vẫn còn cha mẹ, thì quý thính giả thật là một người có phước. Nếu quý thính giả vẫn còn được gần gũi cha mẹ mình, thì sự phước hạnh đó lại tăng lên gấp trăm lần. Nhưng nếu quý thính giả nhận biết và tin rằng mình còn có một người Cha Thiên Thượng là Thiên Chúa nhân từ, thì sự phước hạnh của quý thính giả lại được tăng lên muôn ngàn lần hơn nữa. Người cha trong gia đình yêu thương chúng ta thật nhiều, nhưng người Cha Thiên Thượng, là Đấng Tạo Hóa đã tạo dựng nên chúng ta, lại còn yêu quý ta bội phần.

                     Đấng Tạo Hóa vĩ đại ấy, tức là Thiên Chúa Toàn Năng, đã vì yêu chúng ta mà ban cho chúng ta thế giới xinh đẹp bao la, tạo dựng mỗi người theo cách Ngài muốn và gọi chúng ta là con của Ngài. Tiên tri Ê-sai đã được Đức Chúa Trời khải thị mà chép lại một trong những lời hứa của Đức Chúa Trời cho những ai tin và trông cậy nơi Ngài, rằng:

                     Đừng sợ vì Ta ở cùng con.
                     Chớ kinh hoàng vì Ta là Đức Chúa Trời của con.
                     Ta sẽ thêm sức cho con, giúp đỡ con.
                     Ta sẽ gìn giữ con bằng tay phải công chính của Ta. (Ê-sai 41:10)

                     Hãy nghe Ta. Ta đã bồng con từ khi mới sinh.
                     Ta đã bế con từ trong lòng mẹ.
                     Cho đến khi các con già cả, Ta vẫn là Đấng ấy;
                     Cho đến lúc tóc bạc, Ta sẽ gánh vác các con (Ê-sai 46:3b-4)

                     Tôi tin chắc rằng Thiên Chúa đã đưa tay ra nắm lấy tay cha tôi mà dẫn đưa người về bên Ngài. Khi đôi tay tôi âu yếm ôm lấy các con của mình, tôi vẫn thường nghĩ đến cha tôi. Đã mấy năm này tôi không còn được gởi thiệp mừng, gọi điện thoại về Việt Nam trong ngày Father’s Day để nói với cha tôi rằng tôi rất yêu ông. Tôi nhớ cha tôi thật nhiều. Lòng tôi ghi sâu đậm tình yêu ông dành cho tôi và công ơn sinh thành dưỡng dục của ông. Tuy vậy, tôi không thấy buồn và cũng không khóc khi nhớ đến cha, vì tôi biết rằng giờ đây ông đang được Thiên Chúa bồng ẵm và yêu thương mãi mãi.

                     Phát Thanh Hy Vọng xin kính chúc quý thinh giả thân yêu một ngày Father’s Day thật vui vẻ bên gia đình cùng bạn bè. Ước mong quý thính giả để lòng trông cậy nơi Đức Chúa Trời và luôn được Ngài gìn giữ, chăm sóc và ban mọi phước lành theo lời hứa của Ngài.

Ngọc Diệp
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn