17:57 EDT Thứ bảy, 27/04/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 18

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 17


Hôm nayHôm nay : 17466

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 267460

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 22996867

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

“Nhưng, hỡi anh em, xin anh em hãy răn bảo những kẻ ăn ở bậy bạ, yên ủi những kẻ ngã lòng, nâng đỡ những kẻ yếu đuối, phải nhịn nhục đối với mọi người. Hãy giữ, đừng có ai lấy ác báo ác cho kẻ khác; nhưng hãy tìm điều thiện luôn luôn, hoặc trong vòng anh em, hoặc đối với thiên hạ” (câu 14-15).

Xem tiếp...

Bí Quyết Thành Công (Bài 1)

Thứ hai - 04/01/2016 20:54
Bí Quyết Thành Công (Bài 1)

Bí Quyết Thành Công (Bài 1)

Kính thưa quý độc giả, Nếu quý vị là người thích đọc các pho tiểu thuyết võ hiệp của nhà văn Kim Dung, mà chúng ta thường gọi là đọc truyện “chưởng”, thì quý vị và các bạn không thể nào không biết đến một nhân vật có một biệt danh lạ lùng là “Độc Cô Cầu Bại”.




                 Kính thưa quý độc giả,

              Nếu quý vị là người thích đọc các pho tiểu thuyết võ hiệp của nhà văn Kim Dung, mà chúng ta thường gọi là đọc truyện “chưởng”, thì quý vị và các bạn không thể nào không biết đến một nhân vật có một biệt danh lạ lùng là “Độc Cô Cầu Bại”.

                 Biệt danh “Độc Cô Cầu Bại” có nghĩa là “cô độc một mình, mong được bại trận”. Theo như Kim Dung mô tả, “Độc Cô Cầu Bại” là một kiếm sĩ với kiếm thuật vô song, tung hoành thiên hạ, cuối đời sống trong cô quạnh, chết trong buồn bã, vì cả cuộc đời, người kiếm sĩ này không thể tìm được một người có thể địch nổi với kiếm thuật của mình, mong muốn một lần thất bại mà không được.

                 Thật trong cả thiên hạ, ai ai cũng mơ ước được thành công, chỉ duy nhân vật “Độc Cô Cầu Bại” mới mong muốn được thất bại mà thôi. Tuy vậy, “Độc Cô Cầu Bại” chỉ là một nhân vật tưởng tượng trong tiểu thuyết mà thôi, chứ trong thực tế, có ai mà không muốn gặt hái thành công.

                 Mặc dù ai cũng muốn thành công, ai cũng muốn được người khác nhìn vào bản thân mình mình như một người thành công, nhưng mỗi người có quan niệm khác nhau về sự thành công.

                 Có nhiều người quan niệm thành công là chiếm hữu thật nhiều của cải.

                 Có nhiều người khác quan niệm thành công là nắm được thật nhiều quyền lực trong tay, có thể sai khiến được nhiều người khác, nắm quyền quyết định trên vận mệnh của một công ty, một tổ chức, của một guồng máy chính quyền hay trên vận mệnh của một quốc gia dân tộc.

                 Một số nữa quan niệm thành công là làm sao đạt được danh tiếng, được nhiều người biết đến, ái mộ và nể trọng.

                 Những người quan niệm như vậy, thường định nghĩa thành công là đạt đến được một địa vị cao trọng trong xã hội, là làm sao đứng cao hơn hẳn, là vươn tới một vị trí trội hẳn hơn người khác trong một số phương diện nào đó. Đây là định nghĩa thông thường nhất của sự thành công, vì những người mà chúng ta kính nể, xem là người thành công trong cuộc sống, có ai mà không rơi đúng vào định nghĩa này?

                 Nếu giàu có đồng nghĩa với thành công, tại sao tiến sỹ Adolf Merckle, tỷ phú người Đức, một trong những người giàu có nhất thế giới, với tài sản hơn 9 tỷ Mỹ kim, đã phóng vào một chiếc xe lửa cao tốc để tự kết lễu đời mình vào một ngày tháng giêng năm 2009?

                 Một người đầy quyền thế và thành công như ông Jack Warner, là phó chủ tịch của Liên Đoàn Bóng Đá Thế Giới FIFA, tại sao vẫn không thỏa mãn với địa vị cao trọng của mình, để rồi bị dính líu đến các vụ scandal hối lộ đầy tai tiếng, đến nỗi buộc phải từ chức trong tháng 6 năm 2011 vừa rồi?

                 Ông Dominique Strauss-Kahn, nguyên chủ tịch Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, vừa giàu có, vừa thế lực, có còn được xem là một nhân vật thành công hay không, sau vụ tai tiếng tình dục trong tháng 5 năm 2011 vừa qua?

                 Nếu tài hoa trong nghệ thuật, sáng chói trên sân khấu và màn bạc, danh tiếng vang dội khắp nơi, là đồng nghĩa với sự thành công, tại sao có quá nhiều ca nhạc sỹ và nghệ sỹ, như họa sỹ Vincent Van Gogh, như nhà văn Ernest Hemingway, không tìm thấy hạnh phúc trong đời sống thật mỗi ngày, gãy đổ trong hôn nhân, rơi vào cảnh nghiện ngập rượu chè và ma túy, thường tự kết lễu cuộc đời trong nỗi chán chường tuyệt vọng?

                 Chúa Cứu Thế Giê-xu có ngụ ý gì, khi Ngài nói: “Người nào dù được cả thế giới mà mất linh hồn mình, thì được ích gì?” (Ma-thi-ơ 16:26)

                 Quý độc giả thân mến,

                 Ngược lại với một số người đầy tham vọng, cố gắng hết mình mong sao mau đạt được “thành công”, thì có một số người khác lại tỏ ra bi quan yếm thế và cho rằng “thành công” được hay không là do khả năng riêng của mỗi người, vì nếu không có “số” thành công, thì dầu có cố gắng đến đâu cũng là vô ích.

                 Cũng có rất nhiều người tìm đến sự “thành công” bằng con đường ngắn nhất, dễ dàng nhất mà không phải ra sức mệt công. Những người này thường mua vé số đợi trúng độc đắc, hay thường dễ bị dụ dỗ, trở nên con mồi ngon của vào các “kế hoạch làm giàu” mau chóng của những người chuyên môn đi lường gạt khác.

                 Mục sư Herbert Armstrong, dựa trên lời Kinh Thánh, là lời của Đấng Tạo Hóa, đã nghiên cứu tìm hiểu về các yếu tố dẫn đến thành công thật. Ông đã đúc kết và đưa ra bảy nguyên tắc cần thiết để giúp cho mỗi chúng ta, làm cách nào để được thành công thật, là sự thành công theo đúng nghĩa của nó, là sự thành công đem đến cho quý vị và tôi một cuộc sống thật phong phú và sung mãn.

                 Trong tuần này và những tuần tới, xin kính mời quý vị cùng khám phá với chúng tôi bảy nguyên tắc để dẫn đến sự thành công thật.

                 Nguyên tắc thứ nhất, đó là phải xác nhận một mục đích thật của đời sống.

                 Quý vị và tôi thường đặt ra cho chính mình những mục tiêu ngắn hạn hay dài hạn, như trồng thêm cây trong vườn, sơn lại ngôi nhà, sửa lại mái ngói, học xong bậc đại học, lập gia đình, có con, học thêm một nhạc cụ vv. Những mục tiêu ngắn hạn hay dài hạn này rất cần thiết, để chúng ta có thể tập trung ý chí và năng lực vào những việc quan trọng trước mặt, khiến đời sống kết quả và phong phú. Tuy vậy, những mục tiêu này chưa phải là mục đích thật sự cho cuộc đời của bạn và tôi.

                 Khi thiếu mục đích đúng đắn cho đời sống, cuộc đời của chúng ta sẽ giống như cảnh “bèo giạt hoa trôi”, để mặc cho dòng nước “hoàn cảnh” lôi cuốn. Khi không có mục đích đúng đắn cho đời sống, chúng ta không biết sắp xếp thứ tự ưu tiên ra sao, cũng không có nền tảng hay tiêu chuẩn nào để nhận biết là mình có thành công hay không.

                 Thế nhưng làm sao bạn và tôi có thể xác định được mục đích thật của đời sống? Có cách nào để chúng ta biết mình có mặt trên đời để làm gì nhỉ?

                 Đây là một trong những câu hỏi lớn nhất, thách thức nhất với tất cả các triết gia và các bậc thông thái qua cả mấy ngàn năm. Tiến sỹ Hugh Moorhead, là giáo sư triết học thuộc đại học Illinois tại Hoa Kỳ, có lần gởi câu hỏi “Mục đích hay ý nghĩa cuộc đời là gì?” đến khoảng 250 nhân vật danh tiếng, trong đó gồm có các nhà triết học, khoa học, nhà văn, các bậc trí thức, các nghệ sỹ. Sau đó tiến sỹ Hugh Moorhead đã thu thập tất cả các câu trả lời và in thành sách. Một số người cho biết họ chỉ có thể phỏng đoán về mục đích thật của cuộc đời. Một số khác công nhận họ tự ý đặt ra mục đích cho cuộc đời. Một số nữa tỏ ra thành thật rằng họ chẳng biết cuộc đời có mục đích gì hay có ý nghĩa gì. Số còn lại thì hỏi ngược lại rằng chính tiến sỹ Hugh Moorhead có khám ra mục đích của cuộc đời ông chưa!

                 Thật may mắn thay, bạn và tôi không cần phải đoán mò về mục đích của cuộc đời mình, vì mục đích đó đã được bày tỏ rõ ràng trong Kinh Thánh, là lời của Đấng tạo dựng ra bạn và tôi. Kinh Thánh, là cuốn sách cẩm nang của Đấng Tạo Hóa, để giải bày cho chúng ta biết tại sao Ngài tạo dựng nên con người, Ngài mong muốn gì ở bạn và tôi, cùng những gì sẽ xảy đến trong tương lai sắp tới.

                 Thật vậy, mục đích cuộc đời mỗi chúng ta lớn lao hơn những ước vọng cá nhân của chính mình, cao hơn mục tiêu bình an và hạnh phúc cho cuộc đời trước mặt, vượt trên cả gia đình, nghề nghiệp hay kể cả những tham vọng điên rồ nhất của cá nhân bạn và tôi.

                 Mục đích cuộc đời của bạn và tôi không bắt đầu từ chính bản thân mình, nhưng xuất phát từ Đấng tạo dựng ra chúng ta. Bạn và tôi có thể trở nên một người giàu có nhất, quyền thế nhất hay danh tiếng nhất, được mọi người xem là “thành công” nhất, nhưng nếu chúng ta không nhận biết và hoàn thành được mục đích của Đấng Tạo Hóa đặt để trên đời sống bạn, thì dẫu những thành tựu cá nhân có to lớn đến đâu, tất cả chỉ là một sự thất bại khổng lồ, cuộc đời vẫn rỗng tuếch, vô nghĩa, chán chường và đầy thất vọng não nề mà thôi. Đó là lý do tại sao những nhân vật dầu danh tiếng, quyền thế và giàu có, phải khỏa lấp nỗi trống vắng của cuộc đời trong nghiện ngập rượu chè, tình dục bê tha hay thậm chí cố ý kết liễu cuộc đời càng sớm càng tốt.

                 Thật là đơn giản; để xác định mục đích của cuộc đời, bạn và tôi phải trở lại với Đấng tạo dựng ra mình và cũng là Đấng ban mục đích cho đời sống chúng ta. Mọi sự đều bắt nguồn và kết thúc trong Đấng Tạo Hóa, như chính Ngài có phán: “Ta là đầu tiên và cuối cùng! Ngoài Ta, không có Chân Thần nào khác” (Ê-sai 44:6)

                 Kính thưa quý độc giả,

                 Nguyên tắc thứ nhì để đạt đến sự thành công thực, là phải luôn luôn trau giồi kiến thức và ham học hỏi.

                 Mọi việc đều đòi hỏi một kiến thức hay một kỹ năng nào đó. Những chuyện đơn giản như bơm bánh xe, thay vòi nước vv. cũng đòi hỏi một chút hiểu biết nào đó. Những chuyện phức tạp hơn, như biểu diễn thành công một nhạc khí, người chơi phải thực tập mỗi ngày qua nhiều năm tháng. Muốn trở nên một kỹ sư, một kiến trúc sư, một nhà chuyên môn, một nhà khoa học, đòi hỏi một người phải ham học hỏi mới có thể thu thập một vốn kiến thức đáng kể, hầu có thể thành công trong nghề nghiệp.

                 Loài vật được Thiên Chúa ban cho bản năng tự nhiên, không cần phải học hỏi hay đi đến trường lớp, nhưng khi sinh ra là tự nhiên có thể làm một số điều cần thiết để sinh hoạt và sinh tồn trong môi trường của chúng. Thiên Chúa không ban cho con người bản năng tự nhiên, nhưng Ngài ban cho chúng ta khả năng thu thập kiến thức để tiếp tục học hỏi và trau giồi sự hiểu biết của mình trong suốt cả cuộc đời.

                 Sự học hỏi không chỉ nên dừng lại ở phạm vi kỹ thuật, khoa học, nghệ thuật hay các ngành chuyên môn, nhưng cũng phải vươn tới những quy luật đạo đức, là nền tảng cần thiết trong các mối quan hệ giữa con người với nhau, cũng như những quy luật thuộc linh, để hiểu biết về vị trí và bổn phận của mình trước mặt Đấng Tạo Hóa.

                 Nếu kiến thức chuyên môn giúp bạn và tôi trở nên thành công trong nghề nghiệp, thì những quy luật đạo đức và thuộc linh càng quan trọng hơn nữa, để dẫn đến một sự thành công thực sự và đem lại ý nghĩa đầy trọn cho cuộc đời, như Kinh Thánh có chép: “Quyển sách kinh luật này chớ xa miệng con, hãy suy gẫm ngày và đêm hầu cho cẩn thận làm theo mọi điều đã chép trong sách; vì như vậy đường lối con mới được thịnh vượng và thành công” (Giô-suê 1:8).

                 Câu Kinh Thánh vừa rồi nhắc nhở hai điều trong quá trình học hỏi: thứ nhất là suy gẫm lời của Đấng Tạo Hóa, thứ nhì là vâng giữ và làm theo những lời đó. Khi bạn và tôi thực hiện hai điều đó, Đấng Tạo Hóa bảo đảm cho chúng ta sự thịnh vượng và thành công thực sự.

                 Nhiều nhà phát minh, nhiều nghệ sỹ danh tiếng, dầu thành đạt trong các lãnh vực chuyên môn, dầu thành công nổi bật trong các ngành nghệ thuật, nhưng vẫn không nếm biết được hương vị của một cuộc đời thành công thực sự, vì họ thiếu hiểu biết về Đấng Tạo hóa, cùng các quy luật thuộc linh và mục đích của Ngài trên cuộc đời của họ.

                 Nếu sự học hỏi chỉ nhắm khả năng chuyên môn, để chỉ vươn tới mục tiêu là giàu có, quyền thế và danh tiếng, thì một người vẫn còn ở quá xa sự thành công thật, như Chúa Cứu Thế Giê-xu có nói: “Vì đời sống con người không cốt ở chỗ giàu có dư dật đâu!” (Lu-ca 12:15)

                 Câu chuyện về bí quyết thành công còn nhiều điều để khám phá với nhau, nhưng vì thời giờ có hạn, nên xin tạm ngưng nơi đây, để mong được tiếp tục hầu chuyện với quý vị trong tuần tới.

                 Thân chào quý vị và các bạn.
 

Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn