23:49 EDT Thứ bảy, 27/04/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 28


Hôm nayHôm nay : 17466

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 268526

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 22997933

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

“Nhưng, hỡi anh em, xin anh em hãy răn bảo những kẻ ăn ở bậy bạ, yên ủi những kẻ ngã lòng, nâng đỡ những kẻ yếu đuối, phải nhịn nhục đối với mọi người. Hãy giữ, đừng có ai lấy ác báo ác cho kẻ khác; nhưng hãy tìm điều thiện luôn luôn, hoặc trong vòng anh em, hoặc đối với thiên hạ” (câu 14-15).

Xem tiếp...

Biết Ơn Nhiều, Biết Ơn Ít

Thứ ba - 25/11/2014 20:46
Biết Ơn Nhiều, Biết Ơn Ít

Biết Ơn Nhiều, Biết Ơn Ít

Kính thưa quý độc giả, Có thể nào, hai người cùng nhận những ơn phước, nhưng một người lại biết ơn rất nhiều, trong khi người kia lại biết ơn thật ít?


 

               Kính thưa quý độc giả,

               Có thể nào, hai người cùng nhận những ơn phước, nhưng một người lại biết ơn rất nhiều, trong khi người kia lại biết ơn thật ít?

               Có thể nào, hai người cùng hưởng ơn mưa móc của Đấng Tạo Hóa, nhưng một người chẳng bao giờ nói lời cảm ơn, còn người kia thì không chỉ cảm ơn bằng lời nói suông, nhưng cả đời sống là sự biểu lộ của lòng biết ơn sâu sắc?

               Vì sao có người biết ơn thật nhiều, nhưng có người lại biết ơn thật ít?

               Để trả lời cho câu hỏi này, bác sĩ Lu-ca có ghi lại trong Kinh Thánh một câu chuyện thật, được bắt đầu như sau: "Một người Pha-ri-si mời Chúa Giê-xu ăn; Ngài đến nhà ông và ngồi vào bàn ăn. Trong thành ấy có một người đàn bà trụy lạc. Biết Ngài đang ngồi ăn trong nhà người Pha-ri-si, nàng đem theo một lọ bạch ngọc đựng dầu thơm, đến đứng phía sau bên chân Ngài mà khóc; khi nước mắt rơi ướt chân Ngài, nàng lấy tóc mình lau và hôn chân Ngài rồi xức dầu thơm lên". (Lu-ca 7:36-38).

               Bác sĩ Lu-ca bắt đầu câu chuyện, khi một người Pha-ri-si mời Chúa Cứu Thế Giê-xu về nhà của mình để dùng bữa. Người này được gọi là người Pha-ra-si, vì ông này là một thầy dạy luật, chuyên giảng dạy trong đền thờ, cũng là người trong hàng ngũ lãnh đạo của Do-thái giáo, với thẩm quyền cao trọng, được mọi người Do- thái nể trọng.

               Người Do-thái thường thích tụ tập đứng quanh trước cửa nhà của các thầy dạy luật Pha-ra-si trong giờ ăn, để được chiêm ngưỡng và chờ đợi đón nghe những lời vàng ngọc từ môi miệng của những người chuyên giảng dạy trong đền thờ. Trong đám đông hôm đó, có một người đàn bà với thành tích trụy lạc xấu xa mà cả thành phố ai ai cũng đều rõ mặt. Nghe tin Chúa Giê-xu dùng bữa tại nhà người Pha-ri-si, người đàn bà này đã vội vàng tìm đến, đem theo một bình đựng dầu thơm.

               Trong lúc Chúa Giê-xu đang dùng bữa, nàng đứng phía sau bên chân Ngài rồi bỗng nhiên bật khóc.

               Có thể nàng đã từng được nghe Ngài giảng dạy về tội lỗi, là những hành vi đi ngược lại với nguyên tắc thánh khiết và đầy yêu thương của Đấng Tạo Hóa. Giờ đây, nàng đang đứng trước sự hiện diện thánh khiết của Chúa Cứu Thế Giê-xu, hay chính là Thiên Chúa Ngôi Hai trong thân xác con người. Bỗng nhiên, nàng cảm nhận thật sâu sắc về sự nghiêm trọng trong những thành tích xấu xa của mình. Lòng ăn năn và hối hận về dĩ vãng trụy lạc xấu xa đã qua, đã khiến nàng không cầm được nước mắt.

               Có thể nàng cũng đã từng được nghe Chúa Cứu Thế Giê-xu giảng dạy về sự tha tội và sự cứu rỗi, như Ngài từng tuyên bố:"Lần này Ta đến trần gian không phải để kết tội, nhưng để cứu vớt". Lời hứa tha tội của Con Trời đã đem lại cho người đàn bà xấu nết niềm hy vọng lớn lao quá sức mơ tưởng.

               Tâm hồn thống hối ăn năn, cộng với tấm lòng biết ơn sâu xa, đã khiến cho nàng không ngăn được dòng nước mắt, khi nàng đứng bên chân Chúa Cứu Thế Giê-xu. Những giọt nước mắt của nàng rớt xuống làm ướt chân Ngài. Nàng xỏa tóc mình ra lau khô, hôn chân rồi xức dầu thơm lên chân Chúa Giê-xu, bất chấp cho đám đông có nghĩ gì về mình.

               Khi thấy vậy, người chủ nhà Pha-ra-si vô cùng thắc mắc, không biết Chúa Giê-xu có biết quá khứ trụy lạc của nàng hay không, mà lại chấp nhận để cho nàng lau chân và xức dầu thơm như vậy.

               Bác sĩ Lu-ca có kể tiếp câu chuyện như vầy: Người Pha-ri-si mời Ngài thấy thế, thầm nghĩ: "Nếu người này thật là tiên tri của Chúa, hẳn đã biết người đàn bà đang đụng đến mình là ai, thuộc hạng người nào, vì nàng là người trụy lạc." (Lu-ca 7:39)

               Thầy dạy luật Pha-ri-si này trong lòng nghi ngờ, không nhận ra trước mặt mình là Chúa Cứu Thế hay chính là Thiên Chúa Ngôi Hai trong thân xác con người. Ông cũng không nhận ra tấm lòng ăn năn và đầy thống hối của người đàn bà, nhưng ông vẫn còn nhìn nàng với cái nhìn đầy thành kiến về quá khứ của nàng.

               Biết được Si-môn, là tên người Pha-ri-si, đang nghĩ gì, nên Chúa Giê-xu nói với ông rằng:

               "Si-môn ơi, Ta có một điều cần nói với con!" Si-môn đáp: "Thưa Thầy, xin Thầy cứ dạy!"

               Ngài bảo: "Người chủ nợ kia có hai con nợ. Người này mắc nợ năm trăm đồng đê-na-ri; người kia năm chục. Hai người đều không có tiền trả, nên chủ nợ tha cho cả hai. Trong hai người đó ai thương mến chủ nợ hơn?"

               Si-môn thưa: "Tôi nghĩ là người được tha món nợ lớn hơn!" Chúa khen: "Con nói đúng lắm!" (Lu-ca 7:40-43)

               Khi đưa ra ví dụ về hai con nợ, một người nợ ít và một người nợ nhiều, chắc chắn Chúa Giê-xu ngầm so sánh thầy Si-môn cao trọng là người mắc nợ ít và người đàn bà với quá khứ trụy lạc là người mắc nợ nhiều. Có người sống đạo đức, biết làm lành lánh dữ, chuyên tâm tu tập. Có người sống buông thả, không chán chê trong tội ác, lường gạt, hại người, tham lam, chiếm đoạt vv. Tuy vậy, dầu mắc nợ ít hay mắc nợ nhiều, Chúa Giê-xu xếp chung cả hai đều là "con nợ". Dầu bạn và tôi có đạo đức hay sa đọa, tất cả chúng ta đều đang ở trong tình trạng "mắc nợ" với Đấng Tối Cao, mọi người đều chỉ là tội nhân trước mặt Ngài, như Kinh Thánh khẳng định: "Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời" (Rô-ma 3:23)

Tiếp theo nữa, cả hai con nợ, đều không thể tự trả món nợ của mình. Người sa đọa, vô đạo đức thì có tội quá nhiều đã đành; nhưng người có đạo đức, dầu có ra công làm lành, lánh dữ hay tu tập, vẫn không thể nào trọn vẹn, vẫn không thể tự xóa món nợ tội của mình, như Kinh Thánh xác nhận: "Không có một người nào nhờ giữ luật pháp mà được cứu rỗi" (Ga-la-ti 6:12)

               Cả hai con nợ, được tha cho món nợ, chỉ duy là do chủ nợ rủ lòng thương xót. Thiên Chúa vì yêu chúng ta, nên sai Con Một của Ngài là Chúa Cứu Thế Giê-xu giáng trần làm người cách đây hơn hai ngàn năm, để rồi gánh thay cho tội lỗi của muôn người, chết thế trên cây thập tự, hầu cho hễ ai biết ăn năn tội và tin vào sự chết thế của Ngài, thì được Đấng Tối Cao tha bỗng, để rồi nhận được sự sống đời đời, như Kinh Thánh có tuyên bố: "Vì Đức Chúa Trời yêu thương nhân loại, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, để ai tin nhận Đấng ấy sẽ không bị hư mất nhưng được sự sống vĩnh phúc" (Giăng 3:16)

               Cuối câu chuyện về hai con nợ, Chúa Giê-xu hỏi Si-môn là "giữa người mắc nợ ít và người mắc nợ nhiều, mà cả hai được chủ nợ tha, ai thương mến chủ nợ hơn?". Câu trả lời thật quá dễ dàng và hiển nhiên, thế nhưng tại sao thầy dạy luật Do-thái này bỗng nhiên đâm ra ngượng ngùng, lúng ta lúng túng, đến nỗi phải mở đầu câu trả lời một cách dè dặt: "hưm...tôi nghĩ rằng...".

               Người Pha-ra-si này bỗng thoáng nhận ra điều gì về chính mình qua câu hỏi của Chúa Cứu Thế Giê-xu?

               Quý độc giả thân mến,

T               hầy dạy luật Si-môn bỗng nhiên ngập ngừng khi trả lời câu hỏi của Chúa Giê-xu, vì ông đã thoáng nhận ra lời cảnh cáo của Chúa Giê-xu về tình trạng hờ hững và không mấy biết ơn của mình.

               Mà đúng vậy, như bác sĩ Lu-ca có ký thuật tiếp diễn tiến của câu chuyện, sau câu trả lời của thầy Si-môn, như vầy: "Ngài quay lại phía người đàn bà và bảo Si-môn: "Con thấy chị này không? Ta vào nhà con, con không cho Ta nước rửa chân. Nhưng chị này đổ nước mắt thấm ướt chân Ta rồi lấy tóc mà lau. Con không hôn chào Ta, nhưng từ khi Ta vào đây chị này đã hôn chân Ta không ngớt. Con không xức dầu cho đầu Ta, nhưng chị này lấy dầu thơm xức chân Ta". (Lu-ca 7:44-46)

               Trong khi Si-môn chỉ tiếp rước Chúa theo thông lệ bình thường, thì người đàn bà với quá khứ trụy lạc này đã bày tỏ tấm lòng kính yêu Ngài và thái độ biết ơn thật sâu sắc qua những hành động khác thường.

               Đến đây, Chúa Giê-xu kết luận với Si-môn như sau: "Vậy nên, Ta bảo cho con biết: Dù tội lỗi chị này nhiều lắm, nhưng đã được tha thứ hết, nên chị yêu mến nhiều. Ai được tha thứ ít thì yêu mến ít." (Lu-ca 7:47)

               Trong lời kết luận này, Chúa Giê-xu không hề khẳng định là người đàn bà với quá khứ trụy lạc là có tội nhiều hơn và thầy dạy luật Si-môn cao trọng có tội ít hơn. Ví dụ của Ngài muốn chỉ ra rằng, người đàn bà xấu nết này ý thức rõ ràng về thực trạng tội lỗi gớm ghê của mình, cho nên khi được tha tội thì yêu mến và biết ơn Ngài hơn; còn thầy Si-môn đầy kiêu hãnh thì mù lòa trước thực trạng của mình, cho rằng mình ít tội hơn, có thể tự cứu mình được, chẳng cần nhờ đến công ơn cứu chuộc của Con Trời, cho nên có thái độ tự mãn và gần như vô ơn.

               Thầy dạy luật Si-môn có thể ít tội hơn người đàn bà trụy lạc kia, nhưng cả hai, không ai là ít tội trước mặt Đấng tạo dựng ra mình, vì như trong ví dụ của Chúa Cứu Thế Giê-xu, cả hai con nợ đều mắc nợ quá nhiều, đến nỗi không thể trả nổi nợ.

               Hơn thế nữa, tội lỗi lớn nhất của một người là lòng kiêu hãnh, khiến tâm linh người đó mù lòa, không nhận ra thực trạng tội lỗi gớm ghê của mình trước mặt Đấng Tối Cao, trở nên hờ hững và vô ơn trước công ơn cứu chuộc cao quý của Con Một của Ngài là Chúa Cứu Thế Giê-xu.

               Kính thưa quý độc giả,

               Thiên Chúa là Đấng Chủ Tể, với thẩm quyền tuyệt đối trên mọi thần, trên mọi vua chúa, trên mọi thế lực, trên tất cả mọi người và mọi vật, trong mọi thời đại, như Kinh Thánh có tuyên bố: "Đức Chúa Trời chúng ta ở trên trời, Ngài làm bất cứ điều gì Ngài muốn" (Thi Thiên 115:3)

               Chính Ngài là Đấng ban mọi hơi thở, mọi nhịp đập trong tim, mọi sự sống trên hành tinh này. Vì nhân loại không muốn công nhận sự hiện hữu của Đấng Tạo Hóa, cho nên Ngài có quyền thu hồi lại tất cả, nhưng Đấng Tối Cao lựa chọn yêu thương và chờ đợi trong kiên nhẫn, như Kinh Thánh có ghi: "Ngài cho mặt trời soi trên kẻ ác cũng như người thiện và ban mưa cho người công chính cũng như kẻ bất chính" (Ma-thi-ơ 5:45).

               Chính Ngài là Đấng Thánh Khiết tuyệt đối, có toàn quyền đoán phạt chúng ta, vì bất khiết và đầy tội lỗi, nhưng Ngài đã lựa chọn tha thứ và bày tỏ lòng xót thương, như Kinh Thánh có chép: "Vì Ta không đánh các ngươi mãi, cũng không phiền giận luôn. Nếu Ta tiếp tục, thì cả nhân loại sẽ bị tiêu diệt; các linh hồn Ta dựng nên cũng không còn" (Ê-sai 57:16).

               Trong khi tất cả chúng ta đều vướng vào vòng kiềm tỏa khôn cùng của tội lỗi, không tự mình giải thoát được, thì Thiên Chúa Ngôi Hai đã tự nguyện giáng trần trong con người mang tên Giê-xu, để chịu chết trên cây thập tự, gánh tội thay và chết thế cho bạn và tôi, hầu cứu chuộc chúng ta về lại với Ngài.

               Tội lỗi chúng ta càng nhiều thì giá chuộc tội phải cao.

               Nhìn vào cái giá cực cao, là sự hy sinh đau đớn và nhục nhã trên cây thập tự mà Chúa Cứu Thế Giê-xu phải gánh chịu, là chính là dòng huyết và mạng sống của Con Trời mà Thiên Chúa phải trả, để mua chuộc chúng ta về lại với Ngài, bạn và tôi có vừa nhận ra tình trạng tội lỗi sâu thăm thẳm của chính mình?

               Nhìn thấy Đấng Tối Cao với thẩm quyền tuyệt đối, nhưng lại lựa chọn bày tỏ lòng thương xót để tha tội cho chúng ta, bạn và tôi có vừa mừng rỡ, vừa kinh ngạc, để rồi biết ơn Ngài đến vô cùng tận?

               Biết ơn nhiều hay biết ơn ít, là do bạn và tôi ý thức nhiều hay ít về được thực trạng tội lỗi gớm ghê của mình, để rồi cảm nhận sâu sắc hay hời hợt về ân điển diệu kỳ và tình yêu thương vô hạn của Đấng Tối Cao dành cho mỗi chúng ta.

               Thân chào quý vị và các bạn.
 

Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn