20:13 EDT Thứ tư, 08/05/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 55

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 54


Hôm nayHôm nay : 10672

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 79216

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23088249

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Tội Lỗi Và Ân Sủng

Tội Lỗi Và Ân Sủng

“Vả, luật pháp đã xen vào, hầu cho tội lỗi gia thêm; nhưng nơi nào tội lỗi đã gia thêm, thì ân điển lại càng dư dật hơn nữa” (Rô-ma 5:20).

Xem tiếp...

Ca Khúc Khải Hoàn

Thứ ba - 07/04/2015 21:17
Ca Khúc Khải Hoàn

Ca Khúc Khải Hoàn

Kính thưa quý độc giả, Dầu theo tiêu chuẩn của tôn giáo hay của thế tục, thì mọi người phải công nhận rằng Chúa Giê-xu là nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất trên cả thế giới này. Thời điểm Chúa Giê-xu giáng sinh đã được các nhà sử học làm một định mốc để chia đôi dòng lịch sử nhân loại.



             Kính thưa quý độc giả,

             Dầu theo tiêu chuẩn của tôn giáo hay của thế tục, thì mọi người phải công nhận rằng Chúa Giê-xu là nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất trên cả thế giới này. Thời điểm Chúa Giê-xu giáng sinh đã được các nhà sử học làm một định mốc để chia đôi dòng lịch sử nhân loại. Không ai thắc mắc rằng Chúa Giê-xu có thật hay không, tuy vậy một số học giả nghi ngờ sự kiện Chúa Giê-xu phục sinh, hay nói một cách khác, họ không tin Chúa Giê-xu đã sống lại từ cõi chết. Những kẻ hoài nghi lý luận rằng sự phục sinh của Chúa Giê-xu chỉ là một câu chuyện hão huyền, do các môn đệ của Chúa thêu dệt nên, để giải tỏa niềm thất vọng và che dấu sự sĩ nhục của họ, khi những môn đệ thấy Cứu Chúa của mình bị lính La-mã xử tử nhục nhã trên cây thập tự.

             Nhân mùa kỷ niệm biến cố hy sinh thật đau thương trên thập hình của Cứu Chúa Giê-xu đã chết thay cho tội lỗi của cả nhân loại và nhắc lại niềm hy vọng thật lớn lao qua sự kiện Cứu Chúa đã chiến thắng tử thần và sống lại đầy vinh quang, chúng ta hãy cùng nhau xem xét lại ý nghĩa quan trọng của sự kiện này.

             Kính thưa quý độc giả,

             Đầu tiên, nếu Chúa Giê-xu không sống lại, thì những lời tuyên bố của Ngài trước đó trở thành hoàn toàn vô nghĩa. Khi Ngài nói:“Tôi và Chúa Cha là một” (Giăng 10:30) là Ngài khẳng định mình chính là Thiên Chúa Ngôi Hai trong thân xác con người. Ngài cũng nói: “Ta nói quả quyết, trước khi Áp-ra-ham ra đời đã có Ta” (Giăng 8:58) để khẳng định Ngài tự hữu và có mặt trước cả loài người.

             Ba mươi ba năm trong thân xác con người, Ngài bày tỏ thiên tính của mình khi tha tội người khác, đuổi quỷ, chữa bệnh và cho phép người chết sống lại. Chính Ngài đã kêu người bạn thân La-xa-rơ bước ra khỏi hầm mộ sau khi người bạn này đã chết được bốn ngày. Điều này chứng tỏ Ngài chính là Chúa của Sự Sống và có thẩm quyền trên sự sống và sự chết của muôn loài, như Ngài đã quả quyết: “Ta là sự Sống lại và Nguồn sống. Người nào tin Ta dù chết rồi cũng sẽ sống” (Giăng 11:25).

             Trong buổi ăn cuối cùng với các môn đệ trước khi bị hành hình, Chúa Giê-xu đã thổ lộ rằng: “Nhưng sau khi sống lại, Ta sẽ qua xứ Ga-li-lê trước để gặp các con.” (Mác 14:28). Chính Ngài cũng đã nói hình bóng về sự kiện phục sinh sau ba ngày Ngài bị chôn trong mồ, khi Ngài trả lời người trông coi đền thờ: “Cứ phá Đền Thờ này đi, trong ba ngày tôi sẽ xây lại!” (Giăng 2:19)

             Kính thưa quý độc giả,

             Chúa Giê-xu chính là Thiên Chúa trong thân xác con người, giáng trần để chết thế cho tội lỗi của mỗi chúng ta. Vì Ngài là Nguồn Sống, nên sau khi bị xử chết, Ngài đã đắc thắng tử thần để sống lại. Ai tin nhận sự chết thế của Ngài thì tội lỗi sẽ được xóa bôi. Ai tin nhận vào sự phục sinh của Ngài thì không còn ở dưới sự đoán phạt đời đời nữa, nhưng được Thiên Chúa đổi mới, để có thể bước vào sự sống hạnh phước vĩnh cữu với Ngài trên thiên đàng.

             Kính thưa quý độc giả,

             Các môn đệ của Chúa Giê-xu có thêu dệt nên câu chuyện phục sinh không? Nếu chú ý, chúng ta thấy câu chuyện tường thuật sự kiện sống lại của Chúa Giê-xu bắt đầu với hai phụ nữ làm nhân chứng. Đây là điều đáng chú ý, vì chúng ta biết rằng, cách đây 2000 năm, trong xã hội Do thái, những người không phải là công dân Do thái, những hạng “chăn chiên tầm thường” và “đàn bà con gái” bị quý ông Do thái khinh dễ và không được ban cho tư cách làm nhân chứng cho những vấn đề pháp luật quan trọng. Trong bối cảnh “trọng nam, khinh nữ” như vậy, nếu các môn đệ của Chúa thêu dệt nên câu chuyện phục sinh, thì họ đã không để cho “các bà” làm nhân chứng, hầu cho câu chuyện ghe thật “hợp tình, hợp lý”. Nhưng cả bốn tác giả khác nhau trong Thánh sử đều tường thuật rằng các phụ nữ là những người đầu tiên chứng kiến Chúa sống lại và được gặp Ngài, chắc chắn là vì sự thật đã xảy ra như vậy.

             Sau khi sống lại, Chúa Giê-xu đã đến với các môn đệ và hơn 500 người khác nữa cùng một lúc. Có lẽ nào một đám đông người có thể thấy cùng một ảo giác cùng một lúc? Sự kiện phục sinh được ghi vào Thánh Sử vào khoảng 20 năm sau khi Chúa Giê-xu thăng thiên về trời. Trong thời gian này, rất nhiều nhân chứng còn sống, nếu sự tường thuật không trung thực, thì rất dễ bị lật tẩy và lời tường thuật này không sao có thể tồn tại được cho đến ngày nay.

             Có người nghi ngờ sở dĩ ngôi mộ của Chúa Giê-xu đã trở nên trống sau ba ngày là vì có người ăn cắp xác Ngài đem đi giấu. Ai có thể lén vào được ngôi mộ đã bị niêm phong, có hòn đá nặng cả tấn chặn cửa hang và dưới sự canh chừng cẩn mật ngày lẫn đêm của toán lính La-mã nhà nghề? Các nhân chứng đầu tiên là những phụ nữ chân yếu tay mềm chắc chắn không làm nổi việc này. Các nhà lãnh đạo Do-thái, những người đã dồn Chúa lên thập hình, không dại gì ăn cắp xác Chúa rồi dấu nhẹm, vì làm như vậy chẳng khác nào giúp người ta tin rằng Chúa đã sống lại, là điều kẻ thù của Chúa cố tránh. Mà cứ cho là những nhà lãnh đạo Do thái ăn cắp được xác Chúa rồi giấu đi, nhưng sau khi nghe người ta nói rằng Chúa đã phục sinh, thì chắc là họ sẽ chưng xác Chúa ra làm bằng chứng để dập tắt mọi lời đồn đãi trên. Nhưng trong thực tế, họ không có một bằng cớ nào chưng ra, vì Chúa Giê-xu đã thực sự sống lại.

             Còn các tên lính La-mã có thể ăn cắp xác Chúa không? Thứ nhất, họ đứng bên ngoài sự tranh chấp với người Do thái. Thứ nhì, họ là một toán quân nhà nghề và kỷ cương, nếu xác Chúa bị mất, thì họ chắc phải mất mạng. Họ chắc không muốn mất mạng vì một chuyện không dính líu gì đến mình.

             Có người tưởng tượng xa hơn, cho rằng sau khi Chúa Giê-xu bị mang xuống từ cây thập tự, Ngài đã không chết hẳn và sau ba ngày, đã phục hồi trong hang lạnh, rồi đủ sức tự lăn tảng đá nặng cả tấn và ra đi an toàn trước sự canh gác nghiêm ngặt của toán lính La mã! Ai có thể sống nỗi trước sự tra tấn dã man, rồi bị đóng đinh và treo cây thập tự? Làm sao Chúa Giê-xu còn sống nổi khi có cả một đoàn người đông đúc muốn xử tử Ngài và muốn chứng kiến Ngài chết?

             Kính thưa quý độc giả,

             Khi người ta bắt Chúa Giê-xu ra trước hội đồng quốc gia Do thái để hạch hỏi, thì Phi-e-rơ, một môn đệ nhiệt tâm và thân thiết của Ngài, sợ hãi quá đỗi, đến nỗi đã phủ nhận tới ba lần mình là môn đệ của Chúa, khi bị một cô đầy tớ gái nhận mặt và chất vấn. Khi Chúa bị tra tấn, bị sĩ nhục, đóng đinh và chịu xử tử, các môn đệ của Ngài vô cùng hoang mang, kiếm đường lẫn trốn. Trước tình trạng kiệt quệ về tinh thần và niềm tin như vậy, các môn đệ này làm sao đủ sức lực và can đảm để vượt qua hàng rào canh gác của lính La mã, lén lấy xác Chúa từ trong hang mộ? Nhưng cứ cho rằng các môn đệ này đã lén lấy được xác Ngài, thì tình trạng tuyệt vọng của họ vẫn y như cũ. Nếu họ chứng kiến Chúa Giê-xu đã chết, không sống lại và xác Ngài còn ở đấy, thì niềm hy vọng của họ về một Cứu Chúa đã vỡ tan tành.

             Thế nhưng, sau khi tin Chúa Giê-xu phục sinh được loan ra, thì Cơ-đốc giáo bùng nổ một cách mạnh mẽ. Phi-e-rơ ngày nào sợ sệt, tự dưng trở nên can đảm lạ thường. Lần đầu tiên, khi ông mạnh dạn công bố về sự cứu rỗi của Chúa Giê-xu, đã khiến khoảng 3000 người tin nhận Ngài. Các môn đệ khác sau đó cũng hăng hái loan báo tin vui của Chúa Cứu Thế và phần lớn đã bị tử vì đạo, như Phi-e-rơ bị treo ngược trên thập giá, Thô-ma thì bị đâm, Giăng thì bị bỏ trong vạc dầu vv. Điều gì đã khiến những môn đệ này trước đó chết nhát, nhưng sau lại trở nên những anh hùng thật can đảm trong sứ mạng loan truyền tin vui phục sinh của Chúa Giê-xu? Vì những người này đã tận mắt chứng kiến Chúa Giê-xu đã sống lại, kề cận, trò chuyện và ăn chung với họ. Chính sự thật về Chúa phục sinh không những đã hoàn toàn thay đổi cuộc đời họ, nhưng nhiều thế hệ tiếp nối sau đó nữa.

             Kính thưa quý độc giả,

             Chúa Giê-xu phục sinh là một ca khúc khải hoàn, rộn ràng niềm vui và hy vọng cho tất cả chúng ta. Nanh vuốt tử thần đã bị bẻ gãy. Hầm mộ tối tăm không thể giam hãm chúng ta được nữa. Những ai công nhận mình thiếu sót với Thiên Chúa, tin vào sự chết thế và sự phục sinh của Cứu Chúa Giê-xu, thì sẽ được bôi xóa mọi vi phạm, thoát khỏi sự đoán phạt đời đời và được sống lại với Ngài trong nơi Thiên quốc phước hạnh muôn đời.

             Ngôi mộ trống của Chúa Giê-xu là một bài thơ tuyệt vời cho cả hành tinh này, dẫu trong lời thơ có chen tiếng khóc của một hài nhi chào đời trong một chuồng chiên dơ bẩn, có ấn lên những lằn roi hung tợn trên lưng một người thợ mộc hiền lành, có vang lên tiếng than ai oán của một tử tội trong giờ phút lâm chung, nhưng bài thơ đã chấm dứt với một tiếng cười rạng rỡ, tiếng cười đắc thắng tử thần, tiếng cuời tràn đầy hạnh phúc

             Từ vườn Ê-đen năm xưa, nơi A-đam và Ê-va sa chân lỡ bước vào bẫy rập của Quỷ vương, cho đến máng rơm nghèo nàn, trải qua thập hình ghê rợn và khi đến ngôi mộ trống, lịch sử nhân loại đã giở ra một trang mới: sự chết không còn là đoạn kết đau khổ, nhưng là cửa ngõ để chúng ta trở lại mái nhà xưa thân yêu mà Đấng Tạo Hóa đang ngày đêm mong đợi. Tất cả đã trở thành sự thật ngọt ngào cho chúng ta, vì Chúa Giê-xu đã thực sự phục sinh, đã thực sự sống lại từ cõi chết.
 

Nguồn:phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn