22:47 EDT Thứ bảy, 27/04/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 9


Hôm nayHôm nay : 17466

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 268377

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 22997784

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

“Nhưng, hỡi anh em, xin anh em hãy răn bảo những kẻ ăn ở bậy bạ, yên ủi những kẻ ngã lòng, nâng đỡ những kẻ yếu đuối, phải nhịn nhục đối với mọi người. Hãy giữ, đừng có ai lấy ác báo ác cho kẻ khác; nhưng hãy tìm điều thiện luôn luôn, hoặc trong vòng anh em, hoặc đối với thiên hạ” (câu 14-15).

Xem tiếp...

Một Người Trong Mười Người

Thứ tư - 09/03/2016 20:23
Một Người Trong Mười Người

Một Người Trong Mười Người

Kính thưa quý độc giả, Rudyard Kipling là một nhà văn danh tiếng của Anh quốc vào những thập niên chuyển tiếp giữa cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, đã trở nên giàu có vì ông là tác giả của nhiều tác phẩm rất nổi tiếng và bán rất chạy.




                Kính thưa quý độc giả,

                Rudyard Kipling là một nhà văn danh tiếng của Anh quốc vào những thập niên chuyển tiếp giữa cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, đã trở nên giàu có vì ông là tác giả của nhiều tác phẩm rất nổi tiếng và bán rất chạy. Một ngày kia, một ký giả phỏng vấn văn sĩ Rudyard, đã hỏi ông như vầy: "Thưa văn sĩ, có người đã cộng lại tất cả những số tiền mà anh đã thu được qua tất cả các tác phẩm của anh và nếu chia đều ra, thì trung bình anh thu được 100 đô-la cho một chữ". Nói đến đây, người ký giả bèn rút ra trong túi 100 đô-la, đưa về phía nhà văn danh tiếng và giàu có này, rồi nói tiếp: "Đây là 100 đô-la của tôi. Xin văn sĩ hãy cho tôi một chữ nào của anh mà đáng giá tới 100 đô-la". Văn sĩ Rudyard đưa tay đón nhận tờ bạc 100 đô-la, cho vào túi của mình, nhìn người ký giả rồi nói: "Cảm ơn".

                Thật vậy, từ "cảm ơn" có một giá trị thật to lớn; không chỉ vì nó mang một ý nghĩa quan trọng, nhưng cũng bởi vì chữ "cảm ơn" thường hiếm khi được nói ra với tấm lòng thành thật từ người nói. Và lạ lùng thay, thái độ vô ơn là một tình trạng phổ biến của xã hội ngày nay, nhất là trong các nước giàu có với đời sống vật chất thật tiện nghi và đầy đủ.

                Tại sao chúng ta nhận quá nhiều mà lại biết ơn quá ít?

                Trong Thánh Kinh, sách Lu-ca 17:11-19 có ký thuật lại, một ngày kia Chúa Cứu Thế Giê-xu và các môn đệ trên đường đi đến kinh thành Giê-ru-sa-lem, và trong khi đi qua miền giáp ranh giữa hai miền Sa-ma-ri và Ga-li-lê, thì họ gặp mười người phong cùi.

                Mười người bị phong cùi này đứng xa xa, không dám đến gần Chúa Cứu Thế Giê-xu và các môn đệ của Ngài, bởi vì theo luật pháp Do-thái, họ không được đến gần những người lành lặn, để phòng ngừa sự lây lan căn bệnh quái ác này, làm cho thân thể lở lói và biến dạng. Khi khám và biết một người bị phong cùi, các thầy tế lễ Do-thái giáo tuyên bố người đó là "ô uế" và cấm người đó không được phép bước chân vào đền thờ để thờ phượng Thiên Chúa. Người mắc bệnh phong cùi không được sống với gia đình, nhưng bị cách ly và buộc phải sống một nơi ngoài thành phố. Luật pháp cũng quy định rằng họ phải che mặt và kêu to lên "ô uế" khi thấy có ai đang đến gần.

                Trong ngôn ngữ Hê-bơ-rơ của người Do-thái, từ "mặt" đồng nghĩa với từ "hiện diện" hay "có mặt". Người bị phong cùi phải che mặt; họ tuy đang đứng đấy nhưng bị xem là không có ở đó hay không "hiện diện". Họ bị cách ly; bị tước đi lý lịch; bị tước đi địa vị trong gia đình và ngoài xã hội; cũng như bị loại bỏ ra khỏi các sinh hoạt tôn giáo.

                Khi thấy Chúa Giê-xu và các môn đệ, mười người phong cùi này chỉ đứng từ xa mà kêu cầu lớn tiếng: "Giê-xu ơi! Thầy ơi! Xin thương chúng tôi!".

                Khi Chúa Giê-xu thấy họ van xin khẩn thiết, Ngài liền bảo: "Mấy anh hãy đi trình diện thầy tế lễ đi." Ở đây, Chúa Giê-xu ngụ ý muốn nói với họ rằng, Ngài sẽ chữa cho họ được lành bệnh; như vậy họ hãy mau mau đi kiếm các thầy tế lễ để được xác nhận là mình đã sạch bệnh phong cùi, hầu được khôi phục địa vị và tình trạng của mình. Nghe và tin theo lời Chúa Cứu Thế Giê-xu, họ liền đi và đang khi còn trên đường đi, thì cả mười người thấy thân thể mình bỗng nhiên sạch sẽ và lành lặn.

                Tuy vậy, chỉ có một người trong mười người chữa lành, quay trở lại, lớn tiếng tôn vinh Đức Chúa Trời và sấp mặt xuống đất nơi chân Chúa Giê-xu mà cảm tạ Ngài, và người này là người Sa-ma-ri.

                Dân Sa-ma-ri là giống dân lai giữa dân Do-thái và các sắc dân khác. Người Do-thái thuần chủng xem người Sa-ma-ri là giống dân "lai căng", "hỗn tạp" và "đáng tởm". Do vậy, người Do-thái thường công khai khinh miệt người Sa-ma-ri và không bao giờ giao thiệp với họ.

                Sau khi được các thầy tế lễ khám nghiệm và tuyên bố được sạch khỏi bệnh phung, chín người Do-thái thuần chủng đã được khôi phục địa vị xã hội và địa vị tôn giáo của họ. Ngày trước họ bị cách ly, sống như những người ăn xin, nhờ vào tiền bố thí của xã hội; thì giờ đây họ được hòa nhập lại với cộng đồng, có quyền làm việc để tự nuôi thân và lo chu cấp cho gia đình. Ngày trước họ bị xem là "ô uế', không được bước vào Đền Thờ, thì giờ đây họ được trao trả lại địa vị tôn giáo, được phép tham gia thờ phượng như mọi công dân bình thường khác.

                Thế nhưng tại sao chín người này không quay trở lại, nhưng chỉ có một người Sa-ma-ri, là hạng người bị người Do-thái khinh thường, thì quay trở lại với Chúa Cứu Thế Giê-xu để bày tỏ lòng biết ơn với Người đã chữa lành cho mình?

                Quý độc giả thân mến,

                Có thể chín người Do-thái sau khi được khôi phục địa vị, đang say sưa tận hưởng mọi đặc quyền cao quý của những người Do-thái thuần túy, đến nỗi quên trở lại để cảm ơn Chúa Cứu Thế Giê-xu.

                Sự giàu có và tình trạng sung sướng thường khiến cho bạn và tôi dễ mau quên. Khi gặp khó khăn thì một người van xin Đấng Tạo Hóa cứu giúp, nhưng khi mọi sự đã trở nên tốt đẹp và hanh thông, thì người đó thường dễ quên đi những quá khứ cơ cực đã qua. Ngày nào còn kiếm đường vượt biên thì hết lòng cầu khẩn; khi còn chân ướt chân ráo mới đến xứ người để bắt đầu cuộc mưu sinh thì thiết tha xin được che chở và phù hộ; nhưng sau khi đã được an cư lạc nghiệp rồi thì cũng mau quên đi Thiên Chúa và lòng thương xót của Ngài.

                Chóng quên các ân huệ, để trở nên người vô ơn, là lỗi lầm thông thường nhất của con người. Do vậy, sau khi tuyển dân Do-thái được Thiên Chúa giải thoát ra khỏi ách nô lệ tại Ai-cập và dẫn dưa họ đến vùng Đất Hứa đượm sữa và mật, chính Môi-se là người lãnh đạo đã ân cần dặn họ rằng: "Phải cẩn thận, đừng quên Thiên Chúa... Đừng để khi đã ăn uống thỏa thích, đã xây cất nhà cửa tốt đẹp, đã có nơi ăn chốn ở vững vàng, khi các bầy gia súc sinh sản thêm nhiều, bạc vàng và tài sản gia tăng, phải cẩn thận, đừng lên mặt kiêu căng và quên Chúa, Đức Chúa Trời của anh chị em, là Đấng đã đem anh chị em ra khỏi Ai-cập là đất nô lệ" (Phục Truyền 18:11-14).

                Còn vua Đa-vít của dân Do-thái thì luôn nhắc nhở:

                "Hỡi linh hồn ta, hãy ca tụng Chúa;
                Chớ quên tất cả các ân huệ Ngài" (Thi Thiên 103:2)

                Cũng có thể chín người Do-thái thuần chủng nghĩ rằng, họ là những người xứng đáng. Có thể lắm trong suy nghĩ của họ, nhận được sự chữa lành là một điều hiển nhiên, được khôi phục địa vị là một điều tất yếu, vì họ là những người Do-thái thuần chủng cao quý.

                Khi có thái độ kiêu ngạo, một người thường khó có thể hạ mình để công nhận là mình đã có lần phải nương cậy nơi Đấng Tối Cao. Người tự cao không muốn tự nhận rằng trong quá khứ, mình đã có lần hoàn toàn phụ thuộc vào lòng thương xót và sự cứu giúp của Thiên Chúa. Khi hoàn cảnh ngặt nghèo đã qua, người kiêu ngạo thường kiếm ra mọi lý do để khỏi trốn tránh phải nói lời cảm ơn đến Đấng đã vùa giúp mình. Người đó có thể lý luận như vầy: "Sở dĩ tôi có được công việc làm tốt, đó là do bản thân tôi siêng năng học hành, lại ăn nói giỏi trong lúc phỏng vấn. Còn bệnh đó có hết là do tôi có tiền, lại biết chọn được bác sĩ hay".

                Sự thật là, chẳng phải tài năng, công sức hay tình trạng đạo đức của bạn và tôi đâu, nhưng mọi sự tốt lành đều là món quà đến từ trên cao, là sự ban cho từ lòng thương xót của Đấng Tối Cao, như Kinh Thánh có nhắc nhở: "Những gì tốt đẹp, toàn hảo đều đến từ Thiên Chúa là Nguồn sáng thiên thượng; Ngài chiếu sáng muôn đời, chẳng hề biến đổi, lu mờ" (Gia-cơ 1:17)

                Thiên Chúa rất vui lòng và để ý khi một người bày tỏ ra lòng biết ơn, cũng như ghi nhớ những ai tỏ ra vô ơn nữa, như khi chỉ có một người phong cùi Sa-ma-ri quay trở lại để cảm ơn, thì Chúa Giê-xu đã hỏi rằng: "Không phải mười người đều được sạch cả sao? Còn chín người kia ở đâu? Chỉ có người ngoại quốc nầy trở lại ngợi khen Đức Chúa Trời ư!" (Lu-ca 17:17-18)

                Bạn biết không, Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, vẫn luôn ban ơn cho mọi người, cho dầu bạn và tôi có biết ơn hay tỏ ra vô ơn đối với Ngài, như Kinh Thánh có khẳng định: "Ngài cho mặt trời soi trên kẻ ác cũng như người thiện và ban mưa cho người công chính cũng như kẻ bất chính" (Ma-thi-ơ 5:45).

                Chín người Do-thái thuần chủng, mặc dù tỏ ra vô ơn, nhưng không vì vậy mà Chúa Cứu Thế Giê-xu thu hồi lại phép lạ chữa lành. Nhưng khi họ đã nhận được ơn phước mà không quay trở lại với Ngài để nói lời cảm ơn, thì họ đã tự đánh mất phần ân sủng tuyệt vời nhất mà Ngài để dành cho họ.

                Trong khi đó, người Sa-ma-ri biết rõ thân phận thấp kém của mình, biết rằng căn bệnh phong cùi đã biến mất, là hoàn toàn do lòng thương xót lớn lao của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Anh đã quay lại để thừa nhận đều này và bày tỏ lòng cảm ơn với Đấng có thẩm quyền tuyệt đối đã chữa lành anh.

                Do hành động biết ơn này, người Sa-ma-ri đã nhận được món quà ân huệ thứ nhì, còn cao quý hơn ân huệ thứ nhất nữa. Không những Chúa Giê-xu đã chữa lành bệnh phong cùi cho anh, mà Ngài còn tuyên bố cất đi mọi tội lỗi trong tâm linh của anh, ban cho anh sự cứu rỗi và món quà thiên đàng đời đời, khi Ngài nói với anh: "Hãy đứng dậy mà đi; đức tin ngươi đã cứu ngươi."

                Trong mười người được chữa lành, chỉ có một người biết quay trở lại với Con Trời để bày tỏ lòng biết ơn. Xã hội của chúng ta ngày nay cũng vậy, với chỉ khoảng 10% ít ỏi là sống biết ơn Trời, còn đại đa số 90% còn lại nghĩ rằng mọi điều tốt lành hoặc là do tình cờ mà có được, hoặc do chính công đức của mình tạo nên.

                Bạn và tôi hãy khiêm nhu, nhận biết lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa và bày tỏ lòng biết ơn với Đấng tạo dựng ra mình, như Thánh Kinh có nhủ khuyên:

                "Hãy cảm tạ Đức Chúa Trời trên trời; vì tình yêu thương của Ngài tồn tại đời đời" (Thi Thiên 136:26).

                Khi làm được như vậy, không những bạn và tôi đã làm trọn một trách nhiệm căn bản và quan trọng nhất của mình trước Đấng Tối Cao, nhưng cũng như người Sa-ma-ri biết ơn, bạn và tôi cũng sẽ nhận được món quà quý nhất - đó là mối liên hệ gần gũi và thân thiết đời đời với Đấng thích ban ơn lành trên mỗi chúng ta.

                Thân chào quý vị và các bạn.

Tùng Tri
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn