20:01 EDT Thứ ba, 30/04/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 21

Máy chủ tìm kiếm : 9

Khách viếng thăm : 12


Hôm nayHôm nay : 0

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 279626

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23010237

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Nuôi Dạy Con Cho Đức Chúa Trời

Nuôi Dạy Con Cho Đức Chúa Trời

“Kìa, con cái là cơ nghiệp bởi Đức Giê-hô-va mà ra; Bông trái của tử cung là phần thưởng” (câu 3).

Xem tiếp...

Bạn Có Thể Được Tự Do Trong Bất Cứ Hoàn Cảnh Nào

Chủ nhật - 03/04/2016 21:24
Bạn Có Thể Được Tự Do Trong Bất Cứ Hoàn Cảnh Nào

Bạn Có Thể Được Tự Do Trong Bất Cứ Hoàn Cảnh Nào

Kính thưa quý độc giả, Chúng ta đang ở Chương 24 trong quyển sách Yêu Thương Và Tôn Trọng của Tiến Sĩ Emerson Eggerichs với chương đề Lẽ Thật Có Thể Khiến Bạn Thật Sự Được Tự Do.



                Kính thưa quý độc giả,

                Chúng ta đang ở Chương 24 trong quyển sách Yêu Thương Và Tôn Trọng của Tiến Sĩ Emerson Eggerichs với chương đề Lẽ Thật Có Thể Khiến Bạn Thật Sự Được Tự Do. Để yêu thương vô điều kiện và tôn trọng vô điều kiện, mọi người cần có sự thông hiểu để chung sống với người phối ngẫu không-hoàn-hảo lắm của mình. Như tôi thường chia sẻ với quý thính giả, bí quyết duy nhất để được ở trong Chu Kỳ Được Ban Thưởng chính là yêu thương và tôn trọng vô điều kiện.

                Trên thực tế, thường thì bạn cảm thấy mình như một nạn nhân và muốn được giải cứu khi thấy mình không được yêu thương hay không được tôn trọng như ý mình mong muốn. Bạn bắt đầu bực tức người phối ngẫu của mình và những người khác bởi vì họ không chữa lành những thương tổn của bạn hoặc yên ủi bạn. Điều tôi muốn nhắc nhở, là bạn hãy loại bỏ lối suy nghĩ mình là nạn nhân ấy đi! Hãy nhận thức rằng sự chữa lành và sự yên ủi đích thực duy nhất bạn sẽ nhận được là bởi việc trông cậy nơi Chúa và phó thác cho Ngài tình cảnh đau thương của mình, y như thực trạng của nó. Bạn phải nắm vững nguyên tắc này:

                CHO DÙ NGƯỜI PHỐI NGẪU CỦA TÔI CÓ THỂ LÀM TÔI THẤT VỌNG HOẶC TỨC BỰC ĐẾN ĐÂU ĐI NỮA, THÌ SỰ ĐÁP ỨNG LẠI LÀ TRÁCH NHIỆM CỦA TÔI

                Tuần qua, tôi đã nêu ví dụ điển hình về sự phản ứng của con mắt và con trai khi bị cát bay vào. Nếu cát bay vào trong mắt một người, nó gây ra sự kích thích, rồi sự nhiễm trùng, và nếu không được chăm sóc thì cuối cùng dẫn đến việc mắt bị mất thị lực. Nhưng hãy đặt cùng hạt cát ấy vào trong một con trai. Nó gây ra sự kích thích, rồi sự bài tiết, và cuối cùng con trai hình thành một hạt ngọc trai. Như vậy, cát là tác nhân cho thấy những tính chất bên trong của con mắt và của con trai. Trong một ý nghĩa đích thực, khi cuộc sống với người phối ngẫu của bạn gây ra sự khó chịu bực tức, bạn có thể để cho nó phát triển thành một sự nhiễm trùng hoặc bạn có thể cho phép nó trở nên một viên ngọc trai.

                Người phối ngẫu của bạn đôi lúc là một nhân tố gây bực dọc khó chịu hoặc tạo áp lực trên bạn, có những sự trông mong nơi bạn, thậm chí trút sự giận dữ trên bạn nữa. Trong những tình huống đầy áp lực này, bạn luôn đối diện một sự chọn lựa: phản ứng trong một cách thức tin kính hoặc trong một cách thức tội lỗi. Nếu bạn chọn con đường đổ lỗi, kết cuộc bạn chỉ là một nạn nhân và bạn mất cơ hội để nhận sự ban thưởng của Đức Chúa Trời.

                Khi áp lực vây quanh và khi sự giận dữ trút xuống, bạn phải nhớ tự nhủ, “Là một người trưởng thành với sự tự do bên trong để thực hiện những sự chọn lựa của chính mình, tôi biết rằng sự đáp ứng của tôi thực sự là trách nhiệm của tôi.” Sống theo điều này thật không dễ dàng. Nhưng Chúa Giê-xu thì có thể, và Ngài có thể giúp bạn.

                Kính thưa quý độc giả,

                Trong Phúc Âm Giăng, chương 8, Chúa Giê-xu đang tranh luận sôi nổi với các thầy thông giáo và những người Pha-ri-si, cố gắng giúp họ hiểu được Ngài là ai và vì sao họ cần phải đi theo Ngài. Một số người trong đám đông tỏ ra tin Ngài như có chép trong câu 30 rằng: “Bởi Đức Chúa Giê-xu nói như vậy, nên có nhiều kẻ tin Ngài.” Kế đó Chúa Giê-xu phán, “Nếu các ngươi cứ tiếp tục vâng giữ lời Ta, thì các ngươi là môn đồ thật của Ta. Các ngươi sẽ biết chân lý và chân lý sẽ giải thoát các ngươi cho được tự do” (câu 31-32). Lúc này có dấu hiệu của sự phản đối. Người Do-thái không hiểu được điều này. Xét cho cùng, họ là dòng dõi Áp-ra-ham và chưa hề làm nô lệ của bất cứ ai. Chúa Giê-xu muốn nói gì qua lời phán về việc trở nên tự do? Chúa Giê-xu đáp, “Quả thật, quả thật, Ta nói cùng các ngươi, ai phạm tội là nô lệ của tội lỗi... nếu Con ban tự do cho các ngươi, thì các ngươi sẽ thật sự được tự do” (Giăng 8:34, 36).

                Lời phán của Chúa Giê-xu về sự tự do có liên hệ gì với bạn và cuộc hôn nhân của bạn? Câu trả lời là: Mọi thứ. Khi Chúa Giê-xu phán, “Các ngươi sẽ thật sự được tự do,” Ngài không đang nói về sự tự do về mặt chính trị theo một kiểu nào đó. Ngài đang nói về sự tự do bên trong, thuộc lãnh vực tâm linh, tức là sự tự do khỏi tội lỗi. Ngay cho dù người phối ngẫu của bạn có đang khó tính, đáng ghét, hoặc đầy sự khinh miệt, Chúa Giê-xu vẫn có thể giúp bạn tỏ ra đáng tôn trọng và đầy yêu thương. Đừng đổ lỗi cho người phối ngẫu của mình về những phản ứng tiêu cực của bạn. Nếu bạn làm thế, bạn đang để cho những phản ứng tiêu cực đó điều khiển con người bề trong của mình. Bạn đang trở nên một nạn nhân bất lực, vô vọng. Khi người phối ngẫu của bạn thiếu yêu thương hay thiếu tôn trọng, nếu mọi điều bạn có thể làm chỉ là phản ứng cách tiêu cực thì bạn hẳn sẽ gặt lấy điều bất hạnh mà thôi. Nhưng theo lời Chúa Giê-xu phán, bạn được tự do nếu bạn muốn như thế. Người phối ngẫu của bạn có thể ảnh hưởng đến bạn, nhưng người phối ngẫu của bạn không điều khiển bạn. Bạn có thể trải nghiệm sự thất vọng, nhưng thiếu tôn trọng hoặc thiếu yêu thương là điều bạn chọn. Hãy ghi nhớ và sống theo nguyên tắc này:

                TÔI CÓ THỂ KINH NGHIỆM SỰ TỔN THƯƠNG, NHƯNG CĂM GHÉT LÀ ĐIỀU TÔI CHỌN LỰA

                Một người vợ thuật lại rằng từ khi cô quyết tâm chọn phương cách có được “sự tự do bên trong”, chồng cô đôi lúc vẫn tỏ ra thiếu yêu thương. Cô viết:

                Nhưng nếu tôi tỏ ra thiếu tôn trọng đối với anh ấy, Đức Thánh Linh cáo trách TÔI phải xin lỗi! Kinh khiếp thật! Nhưng tôi cảm thấy tốt hơn thật nhiều sau đó, thật đáng như vậy. Tôi biết không phải là tôi đang xin lỗi chồng tôi đâu, mà là chính Chúa Giê-xu. Tôi hy vọng và cầu nguyện rằng mắt của chồng tôi sẽ được mở ra đối với Đức Thánh Linh, nhưng tôi nhường việc này cho Đức Chúa Trời vì tôi biết rằng một mình Ngài mới có thể thay đổi tấm lòng anh ấy.

                BẠN CÓ THỂ ĐƯỢC TỰ DO TRONG BẤT CỨ HOÀN CẢNH NÀO

                Kính thưa quý độc giả,

                Trong I Phi-e-rơ 2:16-17, Phi-e-rơ nói, “Hãy sống như những người tự do... Hãy bày tỏ sự tôn trọng đúng đắn đối với mọi người: Hãy yêu thương anh em cùng niềm tin”. Có hai lẽ thật ở đây dành cho một người phối ngẫu đang cố gắng tiến bước trên Chu Kỳ Được Ban Thưởng. Trước tiên, cụm từ “hãy sống như những người tự do” (c. 16), ám chỉ cùng sự tự do bên trong mà Chúa Giê-xu miêu tả trong Giăng 8. Như sứ đồ Phi-e-rơ sẽ bày tỏ trong chương 3 của bức thư ông viết, sự tự do bên trong này phải được thực hành trong hôn nhân cũng như trong phạm vi của những người đồng quốc. Trong bất cứ bối cảnh nào, bạn có thể trải nghiệm sự tự do bên trong không phụ thuộc vào hoàn cảnh bạn đang đối diện.

                Bạn có nhớ người chồng đã bị bắt vì bạo hành trong gia đình (được nói đến ở chương 5) không? Trong mấy đêm bị giam giữ, anh ta đã trải nghiệm điều mà anh gọi là một “sự hiển linh của Chúa.” Khi anh ăn năn và xưng tội, anh kinh nghiệm sự hiện diện không giải thích được của năng quyền Đức Chúa Trời. Một điều gì đó đã diễn ra bên trong người chồng đó. Mặc dù ở trong tù, anh ta đã nói, “Tôi được tự do hơn đã từng có trước đây.” Một số người gọi đây là một sự gặp gỡ với Đức Chúa Trời hằng sống trong năng quyền Ngài. Chúng ta không thể nào hiểu thấu điều đó xảy ra như thế nào, nhưng tất cả những gì chúng ta biết là một điều gì đó hành động trong tấm lòng chúng ta. Như sứ đồ Phao-lô đã viết trong thơ Philíp chương 4 câu 7 rằng,“Sự bình an của Đức Chúa Trời, vượt quá mọi sự hiểu biết, sẽ giữ gìn lòng và ý tưởng anh em trong Đức Chúa Jesus Christ”.

                Thứ hai là, chúng ta nhìn thấy chứng cớ rằng chúng ta có sự tự do bên trong khi chúng ta có thể tôn trọng và yêu thương người khác. Khi sứ đồ Phi-e-rơ viết bức thư này trong thế kỷ đầu tiên, ông đang cố gắng giúp đỡ các tín hữu vốn đối diện với đủ loại nan đề—với chính quyền, với người lân cận, và với nhau. Tôi chắc rằng họ đang nói với Phi-e-rơ, “Hãy nhìn đi, tôi không thể tôn trọng hay yêu thương những người đã xúc phạm mình.” Hay là bạn chẳng nghe một người vợ nói với Phi-e-rơ, “Tôi không thể nào tôn trọng người chồng thiếu yêu thương của mình được” sao? Hay có thể một người chồng đang nói với ông, “Tôi không thể nào yêu thương người vợ thiếu tôn trọng của mình.” Thực ra thì Phi-e-rơ đang nói rằng nếu bạn có sự tự do bên trong, bạn có thể làm những điều dường như bất khả thi này. Nếu bạn không làm những điều này thì đó là nan đề của bạn. Bạn không được tự do.

Tiến sĩ Emerson Eggerichs
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn