03:22 EDT Thứ bảy, 04/05/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 41


Hôm nayHôm nay : 7525

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 31582

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23040615

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

“Con Ông Con Bà”

“Con Ông Con Bà”

“Y-sác yêu Ê-sau, vì người có tánh ưa ăn thịt rừng; nhưng Rê-bê-ca lại yêu Gia-cốp” (câu 28).

Xem tiếp...

Bạn Bị Choáng Ngộp hay Bạn Kiểm Soát Gắt Gao? (#1)

Thứ ba - 25/10/2016 21:02
Bạn Bị Choáng Ngộp hay Bạn Kiểm Soát Gắt Gao? (#1)

Bạn Bị Choáng Ngộp hay Bạn Kiểm Soát Gắt Gao? (#1)

Kính thưa quý độc giả, Chúng ta đang ở chương thứ nhất của quyển sách NGHĨ SAO, THÀNH VẬY của Tiến sĩ David Stoop với Chương Đề “Tìm Kiếm Sự Tự Chủ”.



                Kính thưa quý độc giả,

                Chúng ta đang ở chương thứ nhất của quyển sách NGHĨ SAO, THÀNH VẬY của Tiến sĩ David Stoop với Chương Đề “Tìm Kiếm Sự Tự Chủ”. Trong hai tuần liên tiếp vừa qua, chúng ta đã nói đến ba loại cảm xúc căn bản của con người, là cảm xúc yêu thương, giận dữ và sợ hãi. Mỗi cảm xúc đều có sự chuyển động và phương hướng, dẫn đến hành vi cư xử và thái độ của chúng ta khi những cảm xúc ấy tràn ngập trong lòng.

                Tuần trước, chúng tôi đã giải thích rằng trong khi cảm xúc yêu thương đưa chúng ta tiến về phía đối tượng mình yêu thương hay ưa thích, thì sự chuyển động của cảm xúc giận dữ không chỉ đẩy chúng ta hướng tới, mà còn đồng thời nghịch lại đối tượng làm cho mình tức giận. Như vậy, giận dữ là một cảm xúc tạo ra sự ngăn cách. Cảm xúc ấy đẩy chúng ta di chuyển về phía đối tượng của cơn giận mình với một cường độ đáng kể, hoặc là trút đổ sự tức giận xuống đối tượng đó hoặc là đẩy nó đi xa. Cảm xúc giận dữ chuẩn bị chúng ta để hướng đến sự tranh chiến và đối nghịch cùng đối tượng.

                Chúng ta cũng đã nói về sự chuyển động của cảm xúc cơ bản thứ ba, tức cảm xúc sợ hãi, là lánh xa khỏi đối tượng khiến chúng ta sợ hãi. Khi cảm xúc sợ hãi dâng tràn, chúng ta sẽ lùi lại, thậm chí là chạy trốn. Giận dữ và sợ hãi là những cảm xúc theo hướng trái ngược nhau, thường được gọi là những cảm xúc kích hoạt sự tranh chiến đầy tính hỗn loạn. Cả hai cảm xúc giận dữ lẫn sợ hãi đều là những phản ứng trước một mối đe dọa, và điều xảy ra về mặt sinh lý khi chúng ta tức giận hay sợ hãi thì y hệt như nhau.

                Đi xa hơn nữa, chúng ta biết rằng cảm xúc của con người trở nên phức tạp hơn khi ba cảm xúc chủ yếu là yêu thương, giận dữ và sợ hãi pha trộn với nhau để tạo nên vô số các cảm xúc và cảm giác khác như lo lắng, cảm giác tội lỗi, bồn chồn không yên, buồn rầu, phiền muộn, vui sướng, mừng rỡ, hài lòng, v.v. và v.v.. Dù rằng mặt cảm xúc của con người vô cùng phức tạp, nhưng nếu hiểu được ba cảm xúc căn bản và cách thức mà cả ba hoạt động thì chúng ta có thể hiểu rõ hơn vô số những cảm xúc hay cảm giác khác. Việc am hiểu sự chuyển động của cảm xúc cũng sẽ giúp chúng ta phân loại điều mình đang trải nghiệm về mặt cảm xúc khi ở trong một chuỗi sự kiện giống như những điều được miêu tả bên trên vốn có cả ba cảm xúc đang hoạt động cùng một lúc.

                Hiểu được ba cảm xúc căn bản trên, chúng ta sẽ thấy sự liên hệ giữa cảm xúc với sự tự chủ. Cảm xúc giận dữ và sợ hãi là những phản ứng trước những tình huống, sự việc hay những người gây ra mối đe dọa. Ngược lại, yêu thương là cảm xúc của sự tự chủ, vì khi yêu thương là sự đáp ứng của chúng ta, chúng ta có thể hành động trước cuộc sống, chứ không phải phản ứng lại cuộc sống.

                Bạn Bị Choáng Ngộp hay Bạn Kiểm Soát Gắt Gao?

                Kính thưa quý độc giả,

                Khi bị cảm giác hay cảm xúc của mình làm cho bối rối, chúng ta đáp ứng theo một trong hai cách. Hoặc chúng ta bùng nổ lên, để mặc cho những cảm xúc của mình dâng trào ra mọi người quanh mình và kéo họ vào tình cảnh bối rối, dở khóc dở cười; hoặc chúng ta kềm hãm chặt chẽ mọi biểu hiện của mình về mặt cảm giác hay cảm xúc, đồng thời cố gắng khống chế mọi diễn tiến chung quanh mình một cách gắt gao.

                Khi bị áp đảo bởi thế giới quanh mình, chúng ta thường rút lui vào một điều gì đó có vẻ an toàn-một nơi để ẩn náu. Nhưng chẳng bao lâu chúng ta khám phá ra rằng mình vẫn đang mất kiểm soát và cần tìm ra những nơi ẩn náu mới hoặc những cách tránh né mới.

                Marge là một ví dụ thích hợp về một người thấy mình bị cuộc sống áp đảo tới mức choáng ngộp. Cô là một người thân thiện, hay quan tâm đến người khác, luôn dành thời gian để lắng nghe những nan đề của bạn bè. Nhưng gần đây Marge thấy bản thân mình bị kiệt quệ bởi những điều này. Khi màn đêm buông xuống, cô nằm thao thức mãi vì không thể ngủ được, trong khi tâm trí cô cứ ôn đi ôn lại tất cả mọi việc cô cần phải làm ngày hôm ấy nhưng cô đã chẳng hề hoàn tất nổi bất cứ việc nào. Và cứ thế, thay vì ngủ nghỉ, thì Marge nằm đó vật lộn với những giải pháp khả thi để giúp đỡ bạn mình.

                Khi lê người ra khỏi giường vào buổi sáng hôm sau, Marge thấy mình đối diện với chồng bát đĩa bẩn của ngày hôm qua-cộng với những chén đĩa, nồi niêu chưa rửa từ ngày hôm kia. Đống quần áo bẩn cần được giặt sạch dường như chạm tới trần nhà. Và rồi điện thoại lại bắt đầu reo. Giữa các cuộc gọi đó Marge ngã quỵ xuống trên chiếc ghế trường kỷ, đờ người ra khi nghĩ tới tất cả những thứ cần phải làm. Có khi trong sự tuyệt vọng, cô đi đến trung tâm mua sắm chỉ với mục đích cố gắng tránh né mọi người và mọi thứ.

                Khi Marge cố gắng kỷ luật các con mình, thì bọn trẻ dùng đủ cách để làm cô lãng đi không chú ý đến chúng, cho tới khi cuối cùng cô phải chịu thua, đưa tay lên trong tuyệt vọng. Từ lâu, các con cô đã học biết cách làm thế nào để lôi kéo cô vào cảm giác bị áp lực đến mức choáng váng và dùng nó để có lợi cho chúng.

                Phòng làm việc của Marge bày bừa tràn lan ra các phòng khác trong nhà. Cô quan tâm đến các đề án khác nhau, bắt tay vào việc thực hiện chúng với sự nhiệt thành nhưng ít khi có đề án nào được hoàn tất. Cô ước ao mình không phải là một người chần chừ như thế.

                Thỉnh thoảng Marge để cho mọi công việc của cô dồn đống lại và cảm thấy chúng khống chế đời sống cô ở một mức độ nào đó. Cô từng thề thốt là sẽ không bao giờ để cho mọi sự vượt ra khỏi tầm kiểm soát lần nữa-một lời thề thường xuyên bị phá vỡ trong một vài ngày. Cô ao ước có một phương cách hữu hiệu để tổ chức cuộc sống mình, song cô không biết phải bắt đầu như thế nào.

                Đôi khi cảm giác bị choáng ngộp ẩn dưới hình thức của nỗi sợ hãi, như trong trường hợp của Donna. Cô sợ đám đông, sợ độ cao, và sợ bị ở trong một không gian kín. Khi Donna đến văn phòng của tôi lần đầu tiên, cô ngồi trên mép của chiếc ghế trường kỷ với đôi mắt dán chặt vào cánh cửa. Khi chúng tôi trò chuyện, cô kể lại những nỗi lo sợ của cô gần đây đã gia tăng hơn ra sao.

                Thường thì gia đình của Donna tìm cách để thích nghi với những nỗi lo sợ của cô. Họ biết họ sẽ phải đến nhà thờ trễ để cô có thể đứng ở phía sau, gần cửa ra vào. Họ cũng biết họ sẽ ra về sớm để Donna có thể tránh né việc phải nói chuyện với bất cứ ai.

                Fred, chồng của Donna, không xếp thời gian biểu cho nhiều buổi tiệc xã giao. Khi vợ chồng anh buộc lòng phải sắp xếp thì giờ để tham dự những loại tiệc xã giao ấy thì Donna phải đoan chắc rằng họ sẽ đến dự tiệc trễ và ra về sớm - phương cách duy nhất khiến cô cảm thấy an tâm. Thời gian về sau, vợ chồng Fred và Donna đã phải rời khỏi nhiều cuộc chiêu đãi sớm hơn thời gian họ dự định vì Donna đã trải qua những cơn lo lắng và sợ hãi thái quá bao gồm luôn việc cô từng bị ngất xỉu.

                Chứng lo sợ thái quá đến mức vô lý của Donna dường như tăng lên bởi việc Fred sắp được thăng chức làm lãnh đạo nhà máy mới của công ty anh đang công tác. Sự lo sợ này hầu như không còn là một nơi an toàn cho cô ẩn náu nữa, bởi vì việc thăng chức vào vị trí mới của Fred trong công ty đồng nghĩa với những đòi hỏi mới và đầy đe dọa trên cô.

                Trong lòng Donna, những cảm xúc cứ dâng trào như một trận cuồng phong. Rõ ràng là cô không cố tình ngất xỉu. Và cô thật sự không thể kiểm soát những nỗi lo sợ đến mức không lý giải được của mình. Mỗi lần cô cố gắng hòa nhập vào xã hội thì sự lo lắng trong bản thân cô lại càng trở nên tồi tệ hơn. Cô thấy ngột ngạt bởi các cảm xúc và cảm giác mà cô thậm chí không thể hiểu được. Sự thông cảm của gia đình Donna chỉ làm tăng thêm cảm giác tội lỗi vào những nỗi lo sợ của cô.

                Marge và Donna là hai ví dụ của hai người bị áp lực tới mức choáng ngộp bởi cảm xúc và cảm giác. Nhìn vẻ bề ngoài, có thể bạn sẽ không nhận ra rằng Marge hay Donna đang mất khống chế bản thân. Nhưng bên trong, các loại cảm xúc và cảm giác của họ cứ liên tục thay đổi dữ dội, góp phần tăng thêm những nỗi sợ hãi và cảm giác thất bại khiến họ thêm luống cuống.

                Cách đáp ứng ngược lại, tức là việc trở nên muốn kiểm soát toàn diện, kiểm soát quá mức, cũng có thể gây nên hậu quả tàn hại y như trên. Thế nhưng loại người có hành vi cư xử ức chế này thậm chí lại giỏi che giấu sự xung đột bản thân hơn loại người như Marge và Donna. Phương pháp đối đầu này đưa những người như vậy đến chỗ thúc ép bản thân họ và đồng thời cũng thúc ép những người chung quanh họ. Và họ sẽ tiếp tục thúc ép như vậy cho đến khi một điều gì đó xen vào, thường là tình trạng sức khỏe của họ. Rồi thì họ thậm chí trở nên mất kiểm soát càng hơn.

                Kính thưa quý độc giả,

                Hôm nay chúng ta sẽ tạm dừng tiết mục đọc sách tại đây. Tuần sau chúng tôi sẽ trình bày về hai trường hợp khác của Peggy và Arnie, một nam, một nữ, khi họ đối diện với sự hỗn loạn về cảm xúc của mình. Phát Thanh Hy vọng xin kính chúc quý thính giả một tuần thật nhiều niềm vui và bình an bên gia đình cùng bạn bè. Hẹn gặp lại quý thính giả trong chương trình phát thanh lần tới.


Tiến sĩ David Stoop
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn