06:58 EDT Chủ nhật, 28/04/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 15

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 14


Hôm nayHôm nay : 4022

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 270062

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 22999469

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

“Nhưng, hỡi anh em, xin anh em hãy răn bảo những kẻ ăn ở bậy bạ, yên ủi những kẻ ngã lòng, nâng đỡ những kẻ yếu đuối, phải nhịn nhục đối với mọi người. Hãy giữ, đừng có ai lấy ác báo ác cho kẻ khác; nhưng hãy tìm điều thiện luôn luôn, hoặc trong vòng anh em, hoặc đối với thiên hạ” (câu 14-15).

Xem tiếp...

Nguồn Khích Lệ Vô Tận

Thứ năm - 18/08/2016 21:01
Nguồn Khích Lệ Vô Tận

Nguồn Khích Lệ Vô Tận

Kính thưa quý độc giả, Trong chương trình phát thanh tuần trước, chúng ta có dịp tìm hiểu về sự quan trọng và lợi ích của lời khích lệ. Thực ra, lời khích lệ là một trong những yếu tố quan trọng nhất, cần có nhất trong mỗi cuộc đời chúng ta.



                 Kính thưa quý độc giả,

                 Trong chương trình phát thanh tuần trước, chúng ta có dịp tìm hiểu về sự quan trọng và lợi ích của lời khích lệ. Thực ra, lời khích lệ là một trong những yếu tố quan trọng nhất, cần có nhất trong mỗi cuộc đời chúng ta. Lời khích lệ nâng một người ra khỏi những ảm đạm, tăm tối của cuộc đời, hướng người đó đến một tương lai đầy thú vị và nhiều hứa hẹn. Lời khích lệ giúp chúng ta tiến tới thay vì bỏ cuộc, đập tan nỗi sợ hãi khi chúng ta đang đứng trong thử thách, thêm sức lực cho chúng ta khi chúng ta đang nản lòng. Lời khích lệ giúp chúng ta lựa chọn những điều tốt đẹp hơn cho tương lai. Khi khích lệ một người nào đó, chúng ta đang làm ơn cho người đó, giúp họ thoát ra những ngõ cụt bế tắc của cuộc đời.

                 Quý độc giả thân mến,

                 Lời khích lệ là quan trọng như thế, nhưng thật ngạc nhiên thay, thế giới chúng ta đang sống rất thiếu vắng lời khích lệ. Lời khích lệ có thể thay đổi tương lai của một đời người, nhưng thật đáng buồn thay, rất ít người trong thế giới ngày nay biết dùng lời khích lệ để nâng đỡ người khác. Chính quý vị hãy ngồi suy nghĩ lại, trong ngày hôm nay, có ai đó đã dùng lời nào đó để khích lệ quý vị không? Quý vị hãy hồi tưởng lại, trong tuần qua, trong tháng qua, trong nửa năm qua, có ai đó dùng những lời lẽ tốt lành để khích lệ quý vị trong một trách nhiệm hay công việc nào đó không? Và chính quý vị, trong ngày hôm nay, trong tuần vừa qua, trong những tháng qua, có dùng những lời khích lệ để hỗ trợ tinh thần cho người vợ, người chồng, cho con cái, cho một người thân của quý vị hay cho một người nào khác chưa?

                 Thật đáng tiếc là thế giới ngày nay, thay vì có thật nhiều lời khích lệ, dường như người ta chỉ tuôn ra những lời khích bác hay những lời khêu khích nhau nhiều hơn. Các nghiên cứu cho biết phải cần có bảy lời tích cực để loại trừ ảnh hưởng tai hại của một lời tiêu cực, lời chói tai hay thật nặng nề. Cho nên, hơn lúc nào hết, con người rất đói khát những lời khích lệ nhau. Thế nhưng từ lúc nào, con người lãng quên, không hề quan tâm, không hề để ý đến tầm quan trọng của những lời khích lệ. Sau đây là một vài lý do mà xã hội ngày nay hầu như thiếu vắng lời khích lệ thường xuyên và cần thiết:

  • Nhiều người không ý thức được tầm quan trọng trong việc khích lệ người khác. Có nhiều người không bao giờ dừng lại một vài giây phút để suy nghĩ những lợi ích của lời khích lệ vì họ quá bận rộn với những công việc cho bản thân mình. Chào nhau vào mỗi buổi sáng, dùng những lời khích lệ nhau để cùng bắt đầu một ngày mới, sẽ đem thật nhiều vui vẻ và kết quả trong công việc mỗi ngày.
  • Một số người không quen khích lệ người khác vì chính bản thân họ chẳng hề nhận được sự khích lệ nào, nhất là trong thời kỳ trẻ thơ và lúc mới trưởng thành. Sự khích lệ chưa là phần trong đời sống của họ và những người như vậy thường có khuynh hướng chỉ tập trung vào những khuyết điểm của người khác. Quý vị và tôi nên tập một thói quen mới, đó là hãy ưa thích những người mình tiếp xúc qua những ưu điểm của họ, đừng quá chú trọng đến những khuyết điểm không thôi mà sinh ra ác ý với họ.
  • Một số người không thể khích lệ người khác được vì họ thiếu tự tin. Những người này thường tự đáng giá bản thân mình rất thấp và sợ người khác xem thường hay bỏ qua ngoài tai những lời nói hay những lời khích lệ của mình. Thái độ tự ti, mặc cảm này có thể xuất phát từ những kinh nghiệm thời thơ ấu, khi người đó chưa xây dựng được một giá trị bản thân, hoặc thiếu vắng sự nâng đỡ, khẳng định từ cha mẹ hay các người thân thuộc trong gia đình. Khi trưởng thành, những người này thường e dè, khép kín và thiếu can đảm để chia sẻ, động viên những người chung quanh.
  • Một số người khó lòng mở miệng khích lệ người khác vì đời sống tâm linh thật nghèo nàn, thiếu vắng niềm vui sâu đậm trong tâm hồn, chẳng có mối liên hệ với Thiên Chúa là nguồn của an bình và phước hạnh. Những người thiếu vắng trong đời sống tâm linh, dễ thấy mình giao động, lạc lõng, hụt hẫng vì không biết rõ mục tiêu, hướng đi của cuộc sống nên cũng khó mà có đủ cam đảm để khích lệ người khác.

                 Quý độc giả thân mến,

                 Một tin thật vui, là dẫu quý vị và tôi là một người đang ở trong tình trạng như thế nào, chúng ta vẫn có thể thay đổi để trở thành một người biết khích lệ, nâng đỡ người khác. Để có thể trở thành một người khích lệ hữu hiệu, điều đầu tiên mỗi chúng ta rất cần, đó là chính bản thân chúng ta cần được khích lệ thật dồi dào. Ai sẽ người cảm thông và khích lệ chúng ta luôn luôn, trong mọi hoàn cảnh, trong mọi tình huống của cuộc đời? Người đó chính là Thiên Chúa, là nguồn khích lệ vô tận, luôn luôn sẵn sàng đến với chúng ta trong bất cứ lúc nào và bất cứ hoàn cảnh nào.

                 Kinh Thánh cho biết, khi Thiên Chúa sáng tạo ra hai con người đầu tiên là A-đam và Ê-va, Ngài đã đặt hai người này vào vườn địa đàng xinh đẹp, với bao nhiêu hoa thơm, trái ngọt. Thiên Chúa sau đó đã khích lệ cặp vợ chồng đầu tiên này "Hãy sinh sản, tăng thêm cho đầy dẫy địa cầu, và chinh phục đất đai. Hãy cai quản các loài cá dưới biển, loài chim trên trời và loài thú trên mặt đất." (Sáng Thế Ký 1:28). Chính Thiên Chúa đã đem Ê-va xinh đẹp đến cho A-đam, để cả hai có bầu bạn, để nâng đỡ, để yêu thương và để khích lệ nhau. Thiên Chúa cũng không để cho A-đam và Ê-va lẻ loi trong vườn địa đàng, nhưng chính Ngài đã kề cận, kết bạn và gần gũi với họ mỗi ngày. Kể cả sau khi A-đam và Ê-va phạm tội, lựa chọn bội nghịch lại với Thiên Chúa, Ngài cũng không nỡ từ bỏ con người, để mặc cho nhân loại chết chìm đời đời trong tội lỗi, nhưng chính Ngài, với tình thương vô bờ bến, đã hoạch định và sau đó thực thi một chương trình cứu rỗi nhân loại thật kỳ diệu.

                 Chính Thiên Chúa, cách đây hơn 2000 năm, đã sai Con Một của Ngài giáng thế làm người, trong một con người mang tên Giê-xu. Chúa Cứu Thế Giê-xu, chính là Thiên Chúa Ngôi Hai trong thân xác loài người, đã sống một đời sống tràn đầy yêu thương, cảm thông và khích lệ, cuối cùng đã hiến mạng sống của chính mình trên cây thập tự, làm của lễ chuộc tội cho muôn người, trong đó có quý vị và tôi. Để thoát đi hệ quả đau khổ đời đời trong hỏa ngục, để trở về bên Đấng Tạo Hóa, để nối kết lại với suối nguồn ân sủng và phước hạnh, quý vị và tôi chỉ cần ăn năn về những vi phạm của mình, tin vào tình thương và sự hy sinh chết thế của Chúa Giê-xu, thì Thiên Chúa sẽ xóa bôi mọi tội lỗi của chúng ta, cũng như khôi phục chúng ta trở lại địa vị làm con của Ngài.

                 Quý độc giả thân mến,

                 Trong khi chúng ta đang vô vọng, yếu đuối, dễ phạm tội và không sao dám đối diện với Thiên Chúa, thì lời khuyên mời đầy khích lệ của Ngài đến với chúng ta như sau: "Hãy đến thảo luận với Ta. Dù tội ác các ngươi đen như mực, Ta sẽ tẩy sạch như tuyết; dù đỏ như son, Ta sẽ phiếu trắng hơn lông chiên.” (Ê-sai 1:18).

                 Trong lúc chúng ta đang nghi ngờ thiện chí cứu rỗi của Ngài, thì chính lời của Cứu Chúa Giê-xu đánh tan mọi thắc mắc “Ta đến trần gian không phải để kết tội, nhưng để cứu vớt” (Giăng 12:47).

                 Trong lúc chúng ta đang lo lắng, không biết cần bao nhiêu công đức, tu tập thì mới mong được Đấng Tạo Hóa chấp nhận, thì lời Ngài cho biết sự cứu rỗi là một món quà tặng không từ Ngài, chỉ cần lấy niềm tin mà nhận, như sứ đồ Phao-lô đã nói thật rõ“Vậy anh em được cứu nhờ ân phúc Thượng Đế, do đức tin nơi Chúa Cứu Thế. Sự cứu rỗi là tặng phẩm của Thượng Đế, chứ không do anh em tự tạo. Không phải là kết quả của công đức anh em” (Ê-phê-sô 2:8-9).

                 Trong lúc những hoàn cảnh đau thương nhận chìm chúng ta trong than van, oán trách và lòng chúng ta đầy những cay đắng đối với Đấng tạo dựng nên mình, thì lời Thiên Chúa nhắc nhở sự hy sinh tột cùng của Ngài như sau: “Vì Thượng Đế yêu thương nhân loại đến nỗi hy sinh Con Một của Ngài, để tất cả những người tin nhận Con Thượng Đế đều không bị hư vong nhưng được sự sống vĩnh cửu” (Giăng 3:16)

                 Trong lúc chúng ta cô đơn, lẻ loi trong cuộc đời, chẳng có một ai cảm thông với những nỗi niềm riêng tư, thì lời Ngài thiết tha, đeo đuổi chúng ta rằng “Chắc chắn Ta ở với các con luôn luôn, từ nay cho đến ngày tận thế!” (Ma-thi-ơ 28:20). Lời Ngài đầy sự nhân từ và ủi an như “Những ai đang nhọc mệt và nặng gánh ưu tư, hãy đến với Ta, Ta sẽ cho các con được nghỉ ngơi. Ta có lòng khiêm tốn, dịu dàng; hãy mang ách với Ta và học theo Ta, các con sẽ được an nghỉ trong tâm hồn. Vì ách Ta êm dịu và gánh Ta nhẹ nhàng.” (Ma-thi-ơ 11:28–30)

                 Lời Kinh Thánh, là lời của Thiên Chúa, là lời khích lệ nhất mà nhân loại nhận được từ cổ chí kim, xuất phát từ trái tim của Đấng Tạo Hóa gởi cho con người là tạo vật dấu yêu nhất của Ngài, mà sứ đồ Phao-lô đã tuyên bố: “Tôi tin chắc rằng dù cái chết, cái sống, thiên sứ, thần linh, việc hiện tại, việc tương lai, quyền lực, những gì bên trên chúng ta, bên dưới chúng ta, hoặc bất cứ biến cố nào trên thế giới, không gì có thể phân cách chúng ta khỏi tình yêu mà Thượng Đế đã bày tỏ ra trong Giê-xu, Đấng Cứu Thế, Chúa chúng ta” (Rô-ma 8:38–39)

                 Quý độc giả thân mến,

                 Nếu quý vị muốn tràn đầy can đảm và nghị lực, vững bước giữa cuộc đời đầy chông gai này, hãy đến với Cứu Chúa Giê-xu là nguồn khích lệ vô tận cho mỗi đời sống chúng ta.

                 Khi được Thiên Chúa khích lệ và hướng dẫn, cũng hãy tập thói quen khích lệ những người chung quanh như gương của sứ đồ Phao-lô “Cảm tạ Thượng Đế, Cha của Chúa Cứu Thế Giê-xu, Đấng đầy lòng thương xót và an ủi. Ngài an ủi chúng tôi trong mọi cảnh khó khăn, nên chúng tôi có thể dùng sự an ủi ấy mà an ủi những người cũng gặp đồng hoàn cảnh” (II Cô-rinh-tô 1:3-4)

                 Ai cần đến lời khích lệ? Tất cả những người chung quanh quý vị đều cần lời khích lệ. Đó là người vợ, người chồng, con cái, bạn bè, người cộng sự. Đừng nghĩ rằng một người lãnh đạo tài ba, một người từng trải, dồi dào kinh nghiệm mà không cần đến lời khích lệ. Những người yếu đuối, ngã lòng và kể cả những người mạnh mẽ, đang mang lấy những trọng trách nặng nề, đều cần đến lời khích lệ của quý vị và tôi mỗi ngày.

                 Khi quý vị và tôi có được thói quen khích lệ người khác, Thiên Chúa sẽ xem quý vị là bạn cộng sự của Ngài, dùng những lời an ủi, động viên để cứu vớt bao cuộc đời ra khỏi những bế tắc đen tối của cuộc đời. Khi quý vị và tôi học được thói quen khích lệ người khác, Thiên Chúa sẽ sử dụng quý vị để đưa dẫn nhiều người sống theo những mục đích tốt lành mà Ngài đã dự định cho họ.

                 Kính chúc quý vị nhận được nhiều sự khích lệ từ Thiên Chúa, từ người khác và cũng sẵn lòng khích lệ những người chung quanh mình. Thân chào quý vị và các bạn.
 

“The Gift of Encouragement” by Dr. Clyde Narramore - Tùng Tri lược dịch
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn