01:07 EDT Thứ năm, 12/09/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 62

Máy chủ tìm kiếm : 6

Khách viếng thăm : 56


Hôm nayHôm nay : 6354

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 116820

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 25548182

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Nỗi Buồn Của Sứ Đồ Phao-lô

Nỗi Buồn Của Sứ Đồ Phao-lô

“Tôi buồn bực lắm, lòng tôi hằng đau đớn. Bởi tôi ước ao có thể chính mình bị dứt bỏ, lìa khỏi Đấng Christ, vì anh em bà con tôi theo phần xác” (câu 2-3).

Xem tiếp...

Qua Lớp Sương Mù

Thứ ba - 14/10/2014 21:29
Qua Lớp Sương Mù

Qua Lớp Sương Mù

Kính thưa quý độc giả, Tại sao nghịch cảnh lại xảy đến với một người ăn ở hiền lành? Tại sao một người kính sợ Thiên Chúa mà lại gánh chịu bao đớn đau? Niềm tin kính của người đó của người đó có thể chưa đến nỗi vỡ tan thành từng mãnh, nhưng dù vậy, có thể bị dập vùi và thương tổn trầm trọng.



               Kính thưa quý độc giả,

               Tại sao nghịch cảnh lại xảy đến với một người ăn ở hiền lành? Tại sao một người kính sợ Thiên Chúa mà lại gánh chịu bao đớn đau?

               Niềm tin kính của người đó của người đó có thể chưa đến nỗi vỡ tan thành từng mãnh, nhưng dù vậy, có thể bị dập vùi và thương tổn trầm trọng.

               Thiên Chúa đạt được điều gì khi Ngài để những điều bất công như vậy xảy ra?

               Để trả lời cho những thắc mắc như vậy của nhiều người, Kinh Thánh, là lời của Đấng Tạo Hóa, trong sách Giăng đoạn 11, có ký thuật một câu chuyện như sau:

               “Ở làng Bê-tha-ni có một người tên La-xa-rơ lâm bệnh. Bê-tha-ni là nơi mà Ma-ri và chị là Ma-thê cư ngụ. Ma-ri là người đã xức dầu thơm lên chân của Chúa, rồi lấy tóc mình mà lau. La-xa-rơ, người bị bệnh là anh của Ma-ri.

               Hai chị em Ma-ri và Ma-thê nhờ người đến báo tin cho Chúa Giê-xu hay, “Thưa Chúa, người Chúa yêu đang bị bệnh.” (Giăng 11:1-3)

               Câu chuyện bắt đầu với một người tên là La-xa-rơ bị bệnh nặng. La-xa-rơ là một người giàu có và rộng rãi, đã từng mở rộng ngôi nhà của mình để tiếp đãi Chúa Giê-xu. La-xa-rơ và hai em gái là Ma-thê và Ma-ri đều yêu mến và tin kính Chúa Giê-xu. Cả ba anh em là những người bạn chí thân của Ngài.

               Khi anh mình là La-xa-rơ bị bệnh nặng, dĩ nhiên Ma-thê và Ma-ri nghĩ ngay đến Chúa Giê-xu và cho người đi báo tin cho Ngài ngay lập tức. Chúa Giê-xu đã từng chữa bệnh cho bao nhiêu người không quen trên đường phố, trong kẻ chợ, thì chắc là khi nghe báo tin dữ, Ngài sẽ đến với người bạn thân La-xa-rơ tức thì để ra tay chữa lành.

               Lạ thay, sự thật không xảy ra như vậy, như câu chuyện có kể tiếp:

               “Khi được tin, Chúa Giê-xu bảo, “Bệnh nầy không đến nỗi chết đâu nhưng để làm vinh hiển Thượng Đế và Con Ngài cũng được rạng danh.” Chúa Giê-xu yêu quí Ma-thê, em cô, và La-xa-rơ. Khi nghe tin La-xa-rơ lâm bệnh thì Ngài ở nán thêm hai ngày nữa nơi Ngài đang ở” (Giăng 11:4-6)

               Đây là một điều vô cùng khó hiểu. Tại sao Chúa Cứu Thế Giê-xu yêu quý La-xa-rơ, nhưng khi nghe tin bạn thân của mình đang lâm bệnh nặng, Ngài không đến ngay lập tức để chữa bệnh cho, mà còn nấn ná nơi mình đang ở thêm hai ngày nữa? Đó là chưa kể, đi tới làng Bê-tha-ni phải mất vài ngày đường nữa.

               Trong khi đó, Ma-thê và Ma-ri mong chờ, trông ngóng từng giây mà bóng dáng người bạn thân Giê-xu sao chưa xuất hiện. Rồi La-xa-rơ chết. Sự trông đợi mỏi mòn của Ma-thê và Ma-ri giờ đây đã biến thành nỗi sầu thảm nặng nề với cái chết của người anh, cộng với bao cay đắng và hoài nghi về người bạn Giê-xu.

               Từ nơi mình đang ở, Chúa Giê-xu biết rõ diễn tiến mọi sự, kể cả lúc La-xa-rơ chết, như Ngài có nói với các môn đệ:

               “La-xa-rơ, bạn chúng ta đang ngủ” (Giăng 11:11)

               Lạ thay, tuy biết hết mọi diễn tiến và tình trạng cấp bách đến dường nào, nhưng Chúa Giê-xu vẫn không vội vã lên đường. Chưa hết, như để sát thêm muối vào vết thương, Ngài lại còn tuyên bố rằng:

               “La-xa-rơ chết rồi! ...Ta mừng vì không có mặt Ta tại đó” (Giăng 11:14-15)

               Làm sao Chúa Giê-xu có thể nói rằng Ngài “mừng”, trong khi một người bạn thân vừa mới chết, khiến cho hai người bạn thân còn lại đau khổ đến tột cùng?

               Chính câu trả lời cho câu hỏi này là chiếc chìa khóa để mở mọi bí mật cho những đau thương nghịch cảnh xảy đến với nhiều người, với bạn và tôi nữa.

               Chúa Giê-xu đang dự định điều gì thật quan trọng, khiến Ngài dám chấp nhận rủi ro làm tổn thương đến niềm tin của Ma-thê và Ma-ri? Chúa Giê-xu đang đặt mục tiêu nào đáng giá hơn, khiến Ngài đành để cho những người bạn thân yêu của mình phải trải qua nỗi đớn đau cùng cực như vậy?

               Quý độc giả thân mến,

               Khi Chúa Giê-xu đến nơi, La-xa-rơ đã được an táng bốn ngày rồi. Ma-thê đi đón Ngài trước, rồi sau đó là Ma-ri, như câu chuyện tiếp diễn như sau:

               “Ma-ri đi đến nơi Chúa Giê-xu đang đứng. Vừa thấy Ngài, Ma-ri quì xuống nơi chân Ngài nức nở, “Lạy Chúa, nếu có Chúa đây thì anh con không chết.”

               Chúa Giê-xu thấy Ma-ri khóc và những người đi theo cô cũng khóc, lòng Ngài bồi hồi và vô cùng xúc động.

               Ngài hỏi, “Các anh em chôn anh ấy ở đâu?”

               Họ thưa, “Lạy Chúa, xin hãy đến xem.”

               Chúa Giê-xu khóc.

               Người Do-thái bảo nhau, “Xem kìa, ông ta yêu ông ấy quá chừng!”

               Nhưng một vài người trong đám họ nói, “Nếu ông ta đã mở mắt người mù được chẳng lẽ không thể khiến La-xa-rơ khỏi chết sao?”

               Ngài lại mủi lòng nữa liền bước đến mộ.” (Giăng 11:32-38)

               Câu chuyện đến đây lại càng khó hiểu hơn nữa, vì thái độ của Chúa Giê-xu.

               Ngài bồi hồi và khóc trước cái chết của người bạn thân La-xa-rơ. Ngài xúc động rơi nước mắt khi thấy Ma-thê và Ma-ri trong cảnh tang chế buồn đau. Nếu Chúa Giê-xu thương tiếc người bạn La-xa-rơ và đồng cảm với hoàn cảnh đau xót của Ma-thê và Ma-ri, tại sao Ngài đã không đến sớm hơn để chữa bệnh?

               Chắc chắn có một mục đích nào đó vô cùng quan trọng và vô cùng đáng giá, đáng để tạm làm gián đoạn niềm vui, đáng để gián đoạn sức khỏe có ảnh hưởng đến mạng sống của những người Ngài thương yêu, để thực hiện và hoàn tất mục đích đó cho bằng được!

               Vì Cứu Chúa Giê-xu bồi hồi và khóc, chúng ta cũng nhận ra rằng, bạn và tôi không phải là những con chốt thí vô nghĩa trong một ván cờ lạnh lùng vô cảm của Đấng Tạo Hóa.

               Khi chúng ta bị thương tổn trong nghịch cảnh đớn đau, Đấng Tạo Hóa cũng bị tổn thương và do vậy, Ngài hoàn toàn cảm thông với bạn và tôi, như Kinh Thánh có bày tỏ:

               “Chúa Giê-xu, Con Thượng Đế, là Thầy Tế lễ tối cao đã từ trời giáng thế ..Thầy Tế lễ ấy cảm thông tất cả những yếu đuối của chúng ta” (Hê-bơ-rơ 4:15)

               Dầu vậy, Ngài sử dụng nghịch cảnh để hoàn tất những mục đích quan trọng trong cuộc đời của bạn và tôi, cho lợi ích lâu dài của chính chúng ta và cho những người chung quanh chúng ta.               

               Tuy nhiên, những nghịch cảnh cay đắng, cuối cùng có thể đem đến những kết quả ngọt ngào được hay không hay cho chính bạn và tôi, phần lớn phụ thuộc vào thái độ của chúng ta khi đứng trong nghịch cảnh nữa.

               Mục sư Charles Stanley, người thành lập nhà thờ First Baptist Church, tại Atlanta, tiểu bang Georgia, Hoa Kỳ, là một nhà thờ rất lớn, với khoảng 15000 tín hữu. Ông cũng là tác giả nhiều quyển sách nổi tiếng, được biết nhiều qua các chương trình truyền thanh và truyền hình khắp thế giới.

               Mục sư Charles Stanley tự thuật rằng, ông mồ côi cha khi chỉ vừa được bảy tháng; mẹ của ông làm việc lam lũ trong một hãng dệt và ông phải vất vả tự lập khi còn rất nhỏ tuổi. Mặc dù không có cha như bao nhiêu đứa trẻ khác, phải chịu nghèo khổ thấp hèn, nhưng thay vì nổi loạn và chống nghịch với Thiên Chúa, từ thuở nhỏ, Charles Stanley quyết định tin cậy và giao phó cuộc đời của mình trong sự hướng dẫn của Ngài mỗi ngày.

               Một người con trai của Mục sư Charles Stanley tên là Andy, đã trưởng thành, lập gia đình và có con, một ngày nọ tâm sự với cha mình rằng:

               “Ba ơi, vì nhờ ba mồ côi cha từ lúc còn nhỏ, nên giờ đây chúng con hưởng thật nhiều phước hạnh”.

               Thật ngạc nhiên, Mục sư Charles Stanley hỏi lại: “Con nói như vậy là sao, ba không hiểu?”

               Andy trả lời: “Vì ba mồ côi, nên ba chỉ biết nương dựa vào Chúa mà thôi. Chúng con do ảnh hưởng từ ba, nên cũng chỉ biết nương dựa vào Ngài. Cháu của ba bây giờ cũng vậy, nên gia đình chúng ta, từ thế hệ này sang thế hệ khác, tràn đầy phước hạnh”.

               Câu trả lời của người con trai đã làm sáng tỏ một trong các mục đích tốt lành của Thiên Chúa cho nghịch cảnh mồ côi mà Mục sư Charles Stanley phải gánh chịu trong suốt cả cuộc đời.

               Kính thưa quý độc giả,

               Trở lại với câu chuyện của Chúa Giê-xu, tại sao Ngài trì hoãn việc chữa bệnh của La-xa-rơ, đến nỗi người bạn thân của Ngài phải chết? Ngài có mục đích và chương trình quan trọng nào, đến nỗi đã để cho những người Ngài yêu thương và trân quý vô cùng, lại phải trải nhiều đớn đau thử thách như vậy?

               Câu trả lời nằm trong lời tuyên bố của Chúa Giê-xu khi Ngài vừa nhận được tin La-xa-rơ bị bệnh, như sau:

               “Bệnh nầy không đến nỗi chết đâu nhưng để làm vinh hiển Thượng Đế và Con Ngài cũng được rạng danh.” (Giăng 11:4)

               Như vậy, ngay từ đầu, mục đích của Chúa Giê-xu không phải là để La-xa-rơ chết, cũng không phải để gây nỗi đớn đau cho Ma-thê và Ma-ri, nhưng “để làm vinh hiển Thượng Đế và Con Ngài cũng được rạng danh”.

               Bằng cách nào, Chúa Giê-xu làm vinh hiển Thượng Đế và làm rạng danh Ngài chính là Con Trời giáng trần trong thân xác con người?

               Câu chuyện tiếp theo với một sự kiện có một không hai trên đời, xảy ra trước cửa mộ của La-xa-rơ như sau:

               “Mộ là một cái hang có tảng đá lớn chận miệng lại.

               Chúa Giê-xu bảo, “Lăn tảng đá đi!”

               Ma-thê, em gái người chết thưa, “Lạy Chúa sẽ có mùi hôi xông ra vì anh ấy bị chôn bốn ngày rồi!”

               Chúa Giê-xu đáp, “Ta đã chẳng nói với con là nếu con tin thì sẽ thấy sự vinh hiển của Thượng Đế sao?”

               Họ liền lăn tảng đá đi.

               Chúa Giê-xu ngước mắt lên trời nói, “Lạy Cha, con tạ ơn Ngài vì Ngài nghe lời con. Con biết rằng Cha nghe lời Con luôn luôn nhưng con nói những lời nầy là vì những người đứng đây, để họ tin rằng Cha sai con đến.”

               Nói xong Ngài kêu lớn, “La-xa-rơ ơi, hãy đi ra!”

               Người chết đi ra, tay chân còn quấn vải liệm, có miếng vải phủ qua mặt.

               Chúa Giê-xu bảo họ: “Hãy mở vải liệm để anh ấy đi.” (Giăng 11:38-44)

               La-xa-rơ đã chết hơn bốn ngày, xác chết bắt đầu hôi thúi, nhưng dưới lời kêu gọi của Chúa Giê-xu, đã sống lại và bước ra trước cửa mộ.

               Quyền năng tuyệt đối của Đấng Tối Cao, thẩm quyền tuyệt đối trên sự sống và sự chết của Đấng Tạo Hóa, đã được bày tỏ đầy vinh quang.

               Mọi người trước cửa mộ, đã nghe tận tai, thấy tận mắt rằng, thẩm quyền tuyệt đối đó, được giao trọn vẹn cho Chúa Giê-xu và họ đã nhận ra Ngài chính là Cứu Chúa đến từ Trời.

               Ma-thê và Ma-ri phải chịu đau khổ một ít lâu, niềm vui của họ tạm gián đoạn, nhưng qua đó nhiều người nhận ra Chúa Cứu Thế Giê-xu và nhận được sự cứu rỗi.

               Chúa Cứu Thế Giê-xu cho phép những nghịch cảnh đớn đau xảy đến với những người đã thuộc về Ngài, để qua đó, cứu những người chưa biết đến danh của Ngài.

               Không có gì gây chú ý đến mọi người cho bằng một Cơ-Đốc nhân đang đương đầu trong nghịch cảnh với một tâm hồn đầy hy vọng và một niềm tin sắt son. Lời nói trong thuận cảnh không thể so sánh được với lời tâm tình đầy nước mắt của một con người thánh đang phải vật lộn với nhiều khổ đau.

               Đó cũng là trường hợp của thanh niên Nick Vujicic tại Úc Đại Lợi, sinh ra không có tay, mà chẳng có chân, đang thu hút hàng triệu người khắp thế giới đến với Cứu Chúa Giê-xu, qua đời sống đầy vui mừng và bình an của anh.

               Đó cũng là trường hợp của một người bạn của tôi nữa. Chị là một bác sĩ chuyên môn tại Melbourne. Trước đây, vì hôn nhân đổ vỡ đã khiến chị nản lòng và nao núng trong niềm tin. Một cơn bạo bệnh đã xảy đến với chị và các bác sĩ đồng nghiệp cho biết cơ hội sống sót hay chữa lành rất ít. Qua cơn giải phẫu, nhiều phép lạ đã xảy đến. Không những chị được chữa lành, được phục hồi niềm tin, mà ba me cùng nhiều người thân trong gia đình phải thừa nhận thẩm quyền tuyệt đối của Con Trời, do vậy đã bằng lòng tin nhận Chúa Giê-xu. Bệnh tật và hoạn nạn của chị đã đem đến cơ hội cho những người thân yêu của chị nhận được món quà sự sống đời đời từ Cứu Chúa đầy nhân từ.

               Quý độc giả thân mến,

               Nếu quý vị chưa biết đến Chúa Cứu Thế Giê-xu và Ngài có thể đã đến với quý vị bằng nhiều phương cách mà quý vị vẫn chưa nhận ra, thì nghịch cảnh là phương pháp hữu hiệu nhất để Ngài lôi kéo quý vị đến với tình yêu đời đời của Ngài.

               Có ích gì nếu chúng ta cứ mãi khỏe mạnh, rồi qua đời, thân xác cuối cùng cũng hư nát mà linh hồn phải đi đến trong nơi đọa đày vĩnh viễn?

               Có ích gì nếu dòng đời cứ mãi êm đềm trôi qua, để rồi một ngày kia, khi phải đối diện với Đấng tạo dựng ra mình thì đã quá trễ khi bạn chợt nhận ra rằng, tội lỗi mình chưa được tha, linh hồn mình chưa được cứu?

               Đôi khi, Thiên Chúa phải làm niềm vui của bạn và tôi gián đoạn. Nhiều khi Ngài phải tước đi mọi sự nương cậy trong cuộc đời này, để chúng ta mới có thể kịp thời nhận ra thẩm quyền tuyệt đối của Ngài, cùng tình yêu vô đối và món quà sự sống của Chúa Cứu Thế Giê-xu, là Đấng đã giáng trần, chết thay cho tội lỗi của con người trên cây thập tự cách đây hơn 2000 năm.

               Khi Ma-thê còn chần chừ chưa muốn lăn hòn đá chận trước cửa mộ, Chúa Giê-xu khẳng định với cô: “Ta đã chẳng nói với con là nếu con tin thì sẽ thấy sự vinh hiển của Thượng Đế sao?” (Giăng 11:40)

               Bạn và tôi đừng để nghịch cảnh bóp chết chúng ta trong nghi ngờ và tuyệt vọng.

               Hãy nhìn xuyên qua lớp sương mù, hãy đặt niềm tin vào Chúa Cứu Thế Giê-xu ngay giờ này, để chứng kiến được sự vinh hiển của Thiên Chúa, để nhận được sự tha thứ và bình an từ Con Trời và để bắt đầu nếm trải hương vị thiên đàng, ngay hôm nay cho đến vĩnh viễn.

               Thân chào quý vị và các bạn.
 

Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn