Kính thưa quý thính giả.

                 Tình yêu muôn đời được ca tụng. Điều này được thể hiện qua vô số những tác phẩm văn chương, những tác phẩm hội họa, những vầng thơ trữ tình và những bài tình ca bất hủ.

                 Yêu và được yêu là niềm khát khao của hầu hết mọi người. Điều này cũng thật tự nhiên và dễ hiểu, vì Thượng Đế dựng nên con người theo ảnh tượng của chính Ngài. Như Kinh Thánh, trong thơ 1 Giăng 4:8 có khẳng định: “Thượng Đế chính là tình yêu” và vì mỗi chúng ta mang ảnh tượng của Ngài, nên trong quý vị và tôi luôn khao khát yêu và được yêu.

                 Nhưng thay vì nhận ra tình yêu là món quà đến từ Thượng Đế, để biết ơn và để thờ phượng Ngài, con người lại có khuynh hướng thi vị hóa, lãng mạn hóa, thần tượng hóa, tôn sùng tình yêu hay tôn sùng người mình yêu cao hơn ngay cả chính Đấng cho ban cho tình yêu.

                 Ca sĩ nổi tiếng John Lennon, đã từng hát như sau: “All you need is love” hay có nghĩa là “Tất cả mà bạn cần có là tình yêu”. Sứ điệp mà John Lennon muốn chuyển tải qua những bài hát của mình là con người không cần đến Thượng Đế, cũng như không cần biết có thiên đàng hay địa ngục hay không, nhưng điều duy nhất mà con người cần có là tình yêu.

                 Thi sĩ Vũ Hoàng Chương diễn tả sự cần thiết của một người tình trong cuộc đời, như ông có viết:

                 Em ơi, lửa tắt bình khô rượu; 
                 Đời vắng em rồi, vui với ai.

                 Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, trong bài tình ca “Tạ Tình” thật nổi tiếng, đã thần tượng hóa tình yêu đến cực điểm, như lời bài ca có viết như sau:

                 Tình yêu này em nhớ ơn anh
                 Tình yêu này em nhớ ơn thêm.
                 Tình yêu này, tình quá ngọt ngào,
                 Và tình còn quá tràn đầy.
                 Tình quá tràn đầy làm lòng cảm thấy nghẹn lời,
                 Lòng thấy nghẹn lời vì tình hồng rực rỡ một trời.

                 Em tôn thờ anh suốt đời.
                 Em tôn thờ anh suốt đời.

                 Quý thính giả thân mến,

                 Tình yêu là tốt lành. Tuy vậy, khi một người nâng tình yêu hay nâng người mình yêu lên trên cả Thượng Đế, để biến những điều này trở nên thần tượng của cuộc đời mình, thì điều này sẽ khiến cho người đó trở nên nô lệ của tình yêu hay trở nên mù quáng trong con đường tình và trong cuộc đời của mình nữa. Như mọi thần tượng đều dẫn đến một kết cuộc bi thảm, thì khi một người theo đuổi thần tượng tình yêu, đặt mọi kỳ vọng của mình vào đó, người đó có thể rơi vào một chung cuộc hoàn toàn tuyệt vọng và không lối thoát.

                 Đây là một sự thật xảy ra mỗi ngày trong đời sống và Kinh Thánh minh họa sự tai hại của thần tượng tình yêu qua câu chuyện tình của chàng Gia-cốp và hai người thiếu nữ là Lê-a và Ra-chên.

                 Gia-cốp có một người anh sinh đôi là Ê-sau. Cha của Gia-cốp là ông Y-sác và mẹ là Rê-bê-ca. Cha thương Ê-sau hơn, nhưng mẹ lại thương Gia-cốp hơn. Khi Y-sác đã già, mắt đã mù và biết mình sắp qua đời, nên ông có ý định chúc phước cho Ê-sau sẽ nên người nối dõi, thì Rê-bê-ca lợi dụng chồng mù lòa, nên đã cải trang Gia-cốp thành Ê-sau để Gia-cốp được nhận lãnh lời chúc phước từ cha. Ê-sau, sau khi biết Gia-cốp đã nhận mọi lời chúc phước tốt lành từ cha, thì đã muộn màng, nên chàng nổi nóng, căm giận em mình và có ý định giết Gia-cốp.

                 Do vậy, chàng Gia-cốp phải rời gia đình để về bên ngoại mà nương náu. Tại đây, Gia-cốp chăn chiên cho người cậu là La-ban và câu chuyện tình bắt đầu, như trong Kinh Thánh, sách Sáng Thế Ký 29:16-21 có ký thuật như sau:

                 “La-ban có hai cô con gái, cô chị tên Lê-a có cặp mắt yếu, còn cô em, tên Ra-chên, có một thân hình cân đối, dung nhan tuyệt đẹp. Gia-cốp yêu Ra-chên nên đề nghị với cậu: “Cháu xin giúp việc cho cậu bảy năm nếu cậu gả cho cháu cô Ra-chên, con gái út của cậu!” La-ban chấp thuận ngay: “Thà cậu gả nó cho cháu, còn hơn gả cho người ngoài, hãy ở với cậu!” Vậy Gia-cốp phục dịch cậu suốt bảy năm để được cưới Ra-chên. Nhưng vì yêu Ra-chên, nên Gia-cốp coi bảy năm như bằng đôi ba ngày. Gia-cốp nhắc La-ban: “Cháu đã làm đầy đủ, xin cậu gả nàng cho con để chúng con chung sống.”

                 Như vậy, trong hai cô con gái của người cậu, với Lê-a mắt yếu và tầm thường, với Ra-chên dung nhan tuyệt đẹp tuyệt xinh, chàng Gia-cốp đã đem lòng yêu Ra-chên tha thiết. Gia-cốp đã làm công, phục dịch không công cho người cậu tới bảy năm, là một giá quá lớn để cầu hôn trong thời đó, nhưng chàng chỉ coi như đôi ba ngày. Sau khi thời hạn bảy năm đã mãn, Gia-cốp đã nhắc lại lời hứa của cậu mình, để xin được cưới Ra-chên ngay lập tức. Trong ngôn ngữ nguyên thủy của tiếng Hê-bơ-rơ, lời nhắc lại của Gia-cốp thật mãnh liệt và sống sượng, nói lên sự khao khát như hun đốt trong lòng chàng. Gia-cốp thèm khát tình cảm và nhục dục, hướng trọn mọi ao ước và mong đợi nơi Ra-chên. Tại sao vậy?

                 Vì cuộc đời của Gia-cốp lúc đó thật là trống rỗng. Cha không thương Gia-cốp, chỉ còn người mẹ thân yêu mà giờ đây chàng phải xa cách, chẳng biết bao giờ mới gặp lại, vì chàng phải trốn tránh người anh đang căm giận, đang kiếm cách giết mình. Do vậy, Gia-cốp đã đặt hình ảnh của nàng Ra-chên xinh đẹp vào lòng, để khỏa lấp mọi nỗi sầu muộn và trống vắng. Nàng Ra-chên không chỉ là người yêu, nhưng trong lòng Gia-cốp, nàng đã được tôn sùng lên ngôi, để trở thành “vị cứu tinh”, là toàn bộ niềm hy vọng và mục đích của cuộc đời chàng Gia-cốp lúc ấy. Gia-cốp nghĩ rằng, nếu lấy được Ra-chên, thì cuộc đời của chàng sẽ bước qua một khúc rẽ tươi sáng, chàng có thể rủ sạch mọi phiền muộn cũ của quá khứ, để làm lại cuộc đời.

                 Những ai theo đuổi thần tượng thì người đó trở nên nô lệ, làm mồi cho thần tượng đó và bị nó sai khiến. Biết được lòng Gia-cốp đang si tình, người cậu là La-ban đã lợi dụng để bắt chàng làm công phục dịch tới bảy năm, tức là khoảng bốn lần cái giá để cầu hôn thời đó. Thế nhưng sự lợi dụng không chấm dứt tại đó, như sách Sáng Thế Ký 29:21-29 có kể tiếp câu chuyện như sau:

                 Gia-cốp nhắc La-ban: “Cháu đã làm đầy đủ, xin cậu gả nàng cho con để chúng con chung sống.” La-ban bèn đặt tiệc lớn, mời tất cả những người trong cộng đồng đến dự lễ cưới. Nhưng đêm ấy, La-ban đánh tráo Lê-a thay cho Ra-chên. Gia-cốp ngủ với Lê-a. La-ban cũng cho đầy tớ gái Xinh-ba theo hầu Lê-a. Sáng hôm sau, Gia-cốp thức dậy thấy Lê-a! Gia-cốp nói với La-ban: “Sao cậu gạt tôi vậy? Tôi phục dịch cậu chỉ vì Ra-chên.” La-ban đáp: “Phong tục đây là thế! Không được gả em trước chị sau. Cháu cứ đợi qua tuần trăng mật với Lê-a, cậu sẽ gả luôn Ra-chên cho, với điều kiện cháu giúp việc thêm cho cậu bảy năm nữa!” Gia-cốp đồng ý. Sau tuần ấy, Laban gả luôn Ra-chên cho Gia-cốp và cho cô đầy tớ gái Bi-la theo hầu Ra-chên. Gia-cốp sống với Ra-chên và yêu Ra-chên hơn Lê-a. Gia-cốp phục dịch La-ban thêm bảy năm nữa.

                 Kính thưa quý thính giả,

                 Gia-cốp đã từng thành công trong việc lừa đảo người khác, thế nhưng vì quá tôn sùng tình yêu, nên chàng đã bị mù quáng, đã bị lợi dụng thật thảm thương. Người cậu La-ban hiểu rõ tâm trạng của Gia-cốp, nên lợi dụng chàng làm công không, không phải chỉ bảy năm, nhưng tới mười bốn năm, vừa thu cho mình nhiều lợi lộc để giàu có, vừa giải quyết được chuyện hôn nhân cho hai cô con gái, nhất là gả được cô Lê-a xấu xí cho Gia-cốp mà bình thường chẳng làm sao có thể gả được cho ai.

                 Tuy vậy, trong câu chuyện của Gia-cốp, Lê-a và Ra-chên, Lê-a là nạn nhân đau khổ nhất trong khi đeo đuổi theo thần tượng tình yêu. Vì Lê-a có dung nhan tầm thường, nên cha cô là La-ban cũng chẳng thương yêu gì cô, nhưng chỉ kiếm cách gả cô đi cho rãnh nợ. Khi làm vợ của Gia-cốp, cô bị chồng hất hủi và chỉ là một chiếc bóng mờ nhạt bên cạnh người em xinh đẹp của mình là Ra-chên. Lê-a đối với chồng chỉ là một nắm cơm nguội nhạt nhẽo, như ca dao Việt có ví von:

                 Chàng ơi, phụ thiếp làm chi,
                 Thiếp như cơm nguội, lỡ khi đói lòng.

                 Cũng giống như Gia-cốp trước kia, trong lòng của Lê-a là một khoảng trống vắng thật to lớn. Cũng giống như Gia-cốp từng đeo đuổi thần tượng Ra-chên, thì giờ đây Lê-a cũng đặt mọi hy vọng của cuộc đời mình vào tình yêu của chồng là Gia-cốp. Theo truyền thống thời đó, Lê-a mong mỏi sinh cho Gia-cốp những đứa con, với hy vọng chồng sẽ quan tâm lại đến mình.

                 Kinh Thánh, sách Sáng Thế Ký 29:31-34 có ký thuật dòng tâm sự đau thương của Lê-a khi bị chồng đối xử lạnh nhạt như cơm nguội như sau:

                 Chúa thấy Lê-a bị ghét, bèn cho nàng sinh sản còn Ra-chên phải son sẻ. Lê-a thụ thai sinh con trai đầu lòng, đặt tên là Ru-bên, vì bà nói: “Chúa thấy nỗi đau khổ của tôi; bây giờ chồng tôi sẽ yêu tôi.” Lê-a thụ thai nữa, sinh con trai thứ nhì, đặt tên là Si-mê-ôn, vì bà nói: “Chúa đã nghe rằng tôi bị ghét bỏ, nên ban nó cho tôi.” Lê-a thụ thai lần thứ ba, sinh con trai và đặt tên là Lê-vi vì bà nói: “Bây giờ chồng tôi sẽ khắng khít với tôi, vì tôi sinh được ba con trai cho người!”

                 Như vậy, khi sinh được đứa con đầu lòng, rồi đến đứa con thứ nhì, rồi đến đứa con thứ ba, Lê-a càng ngày càng đắm sâu vào nỗi tuyệt vọng, vì Gia-cốp vẫn luôn luôn ghét bỏ, xa cách Lê-a và vẫn chỉ thương yêu, ấp ủ, kề cận bên Ra-chên mà thôi.

                 Thượng Đế thấu rõ hoàn cảnh đau khổ tuyệt vọng của Lê-a, nên đã can thiệp vào, như Kinh Thánh sáng Sách Thế Ký 29:35 có ghi lại:

                 Lần thứ tư, Lê-a thụ thai, sinh con trai và đặt tên là Giu-đa, vì bà nói: “Bây giờ, tôi ca ngợi Chúa!”

                 Ba lần trước sinh con, Lê-a đặt tên con để nhắc lại sự kỳ vọng của mình nơi chồng, nhưng trong lần sinh đứa con thứ tư, cô đã không còn nhắc đến chồng nữa, nhưng lại đặt niềm hy vọng của mình vào Thượng Đế, cũng như đặt tên con để ca ngợi Ngài.

                 Chính Đấng Tạo Hóa đã phá tan thần tượng giả dối trong lòng Lê-a và chỉ cho nàng thấy chính Ngài mới là nguồn hy vọng duy nhất của đời cô. Như một sự nhiệm mầu, Đấng Tối Cao cũng khiến cho Lê-a cảm nhận một điều gì thật lạ lùng từ đứa con thứ tư là Giu-đa.

                 Lịch sử cho thấy, từ trong giòng dõi của đứa con thứ tư của Lê-a là Giu-đa, mà Chúa Cứu Thế Giê-xu đã vào đời, để cứu nhân loại ra khỏi hệ quả khổ đau đời đời do tội lỗi gây nên.

                 Cũng giống như thân phận của Lê-a như nắm cơm nguội bị chồng khinh bỏ, thì Chúa Cứu Thế Giê-xu cũng bị nhân thế chối từ y như vậy, như tiên tri Ê-sai có loan báo bốn trăm năm trước khi Ngài hạ sinh như sau:

                 Người cũng không có bề ngoài để chúng ta ưa thích.
                 Người bị người ta khinh bỉ và ruồng bỏ;
                 …chúng ta cũng không xem người ra gì. (Ê-sai 53:3)

                 Tại sao Thượng Đế lại chọn những con người bị khinh bỉ và bị ruồng bỏ như vậy để thực hiện chương trình cứu chuộc nhân loại?

                 Như Ngài đã yêu Lê-a với thân phận chỉ là nắm cơm nguội, thì Thượng Đế thương xót người cô thế, người cùng đường, những người bị khinh ghét, những tấm lòng tan vỡ, những nạn nhân điêu đứng vì từng theo đuổi những thần tượng hư không.

                 Qua Chúa Cứu Thế Giê-xu, Thượng Đế muốn nói rằng Ngài mới chính là tình yêu thật, niềm hy vọng thật, là chàng rễ thật, là người chồng thật của những ai đơn chiếc và cũng là người cha thật của những ai mồ côi.

                 Chúa Cứu Thế Giê-xu, chính là Thượng Đế Ngôi Hai, đã tự nguyện giáng trần, sinh ra như một con người, bị thế gian khinh ghét đến nỗi đã đóng đinh Ngài trên cây thập tự. Tuy vậy, đây cũng là ý định của Thượng Đế để cho con người Giê-xu phải chịu chết thật đau thương, để làm của lễ chuộc tội cho muôn người, hầu cho hễ ai ăn năn và tin nhận sự chết thế đó, thì người đó được Thượng Đế tha tội và được hưởng được đời sống hạnh phước muôn đời, như Kinh Thánh có tuyên bố:

                 “Vì Thượng Đế yêu thương nhân loại đến nỗi hy sinh Con Một của Ngài, để tất cả những người tin nhận Con Thượng Đế đều không bị hư vong nhưng được sự sống vĩnh cửu” (Giăng 3:16)

                 Quý thính giả thân mến,

                 Đặt mọi kỳ vọng của mình lên người mình yêu, khiến cho mối quan hệ trở nên căng thẳng, vì không một người nào là hoàn toàn để đáp ứng trọn vẹn những ao ước người mình yêu.

                 Chạy theo thần tượng tình yêu khiến một người trở nên dại dột và mù quáng, có thể dẫn đến một chung cuộc đổ vỡ và tuyệt vọng hoàn toàn.

                 Ước mong quý vị sớm bỏ đi những thần tượng tình yêu mù quáng, để sớm tiếp nhận tình yêu chân thật từ Chúa Cứu Thế Giê-xu vào lòng, như Ngài có từng bày tỏ: “Ta đến để đem lại sự sống sung mãn. Ta là người chăn từ ái. Người chăn từ ái sẵn sàng hy sinh tính mạng vì đàn chiên”.

                 Thân chào quý vị và các bạn.
 

Nguồn: phatthanhhyvong.com