04:18 EDT Thứ ba, 30/04/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 11

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 10


Hôm nayHôm nay : 2939

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 278359

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23007766

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Trẻ Em Và Những Cảm Xúc

Thứ hai - 25/02/2019 19:37
Trẻ Em Và Những Cảm Xúc

Trẻ Em Và Những Cảm Xúc

Kính thưa quý thính giả, Trong tuần trước, tiến sĩ Ross Campbell hướng dẫn chúng ta về yếu tố quan trọng đầu tiên để xây dựng một nền tảng vững chắc cho việc nuôi dạy con cái thành công. Yếu tố đầu tiên này là tình yêu vô điều kiện của cha mẹ đối với con cái.



                 Kính thưa quý thính giả,

                 Trong tuần trước, tiến sĩ Ross Campbell hướng dẫn chúng ta về yếu tố quan trọng đầu tiên để xây dựng một nền tảng vững chắc cho việc nuôi dạy con cái thành công. Yếu tố đầu tiên này là tình yêu vô điều kiện của cha mẹ đối với con cái.

                 Trong tuần này, tiến sĩ Ross Campbell sẽ trình bày cách đối xử và hành động của chúng ta có ảnh hưởng như thế nào đến cảm xúc và suy nghĩ của các em. Về vấn đề này, tiến sĩ Ross Campbell bắt đầu như sau:

                 Bạn còn nhớ dải quang phổ giữa sự giao tiếp thông qua cảm xúc và sự giao tiếp thông qua nhận thức ở chương trước không? Theo bạn, trẻ em nằm ở điểm nào trên dải quang phổ đó? Đúng vậy! Trẻ em nằm về phía bên trái. Trẻ em được sinh ra trên thế gian này với một khả năng kỳ diệu. Đó là chúng có thể cảm nhận được những tình cảm. Đặc biệt, trẻ sơ sinh cực kỳ nhạy cảm với những cảm xúc của mẹ chúng. Khi người ta đem một em bé vừa mới sinh đến cho mẹ nó, sẽ thật tuyệt nếu người mẹ thật sự muốn có đứa con này. Đứa trẻ sẽ tỏ ra hòa hợp với cơ thể của người mẹ và chúng ta có thể thấy rõ vẻ hài lòng của bé.

                 Nhưng nếu mẹ của bé là người không muốn có con thì đứa trẻ sẽ phản ứng một cách khác. Đứa trẻ sơ sinh đó sẽ tỏ vẻ không hài lòng, thường bú rất ít, quấy khóc nhiều, và rõ ràng là bé tỏ ra không vui. Điều này cũng có thể xảy ra khi người mẹ lo lắng hay buồn phiền, mặc dù người mẹ không hề tỏ ra điều gì khác thường khi chăm sóc bé.

                 Một điều quan trọng mà chúng ta cần nhận ra là từ khi mới sinh, trẻ em đã rất nhạy cảm đối với những cảm xúc. Đó là vì lượng kiến thức của trẻ lúc ấy còn quá hạn hẹp nên cách trẻ giao tiếp với thế giới quanh mình căn bản chỉ ở mức độ cảm xúc. Điều này hết sức quan trọng. Bạn có thấy vậy không? Những ấn tượng đầu tiên của một đứa trẻ về thế giới này là thông qua cảm xúc. Điều này thật tuyệt vời nhưng cũng thật đáng sợ khi chúng ta suy nghĩ về tầm quan trọng của nó. Tình trạng cảm xúc của trẻ sơ sinh sẽ quyết định cái nhìn và cách cảm nhận của đứa trẻ đó sau này về cha mẹ, gia đình và bản thân.

                 Đây chính là nền tảng của tất cả những cái khác. Chẳng hạn như nếu một đứa trẻ thấy rằng thế giới xung quanh mình là sự khước từ, không có tình yêu, không có sự quan tâm, và nỗi hận thù thì cảm giác lo sợ của trẻ sẽ trở thành kẻ thù lớn nhất ngăn cản sự tăng trưởng của trẻ. Điều đó cũng sẽ có hại đến việc nói năng, cư xử, mối quan hệ của trẻ với những người xung quanh và cả khả năng học tập của trẻ. Điều đó cho thấy rằng trẻ em không chỉ là những người hết sức nhạy cảm mà cũng rất dễ bị tổn thương.

                 Hầu hết những nghiên cứu mà tôi biết đều đưa ra một vấn đề, đó là mọi đứa trẻ đều muốn biết cha mẹ có yêu chúng hay không. Trẻ em hỏi câu hỏi liên quan đến cảm xúc này chủ yếu thông qua những hành vi của chúng chứ ít khi bằng lời nói. Câu trả lời cho câu hỏi đó thật sự là điều quan trọng nhất đối với cuộc sống của một đứa trẻ.

                 “Bố mẹ có yêu con không?” Nếu chúng ta yêu trẻ bằng một tình yêu vô điều kiện, thì câu trả lời mà trẻ nhận được sẽ là “Có.” Nhưng nếu chúng ta yêu trẻ một cách có điều kiện, chúng sẽ có cảm giác không chắc chắn về tình yêu của cha mẹ mình và trẻ rơi vào sự lo lắng. Câu trả lời của chúng ta trước câu hỏi hết sức quan trọng đối với trẻ “Bố mẹ có yêu con không” sẽ quyết định thái độ cơ bản của trẻ đối với cuộc sống. Câu trả lời đó thật sự rất quan trọng.

                 Vì trẻ em thường đặt câu hỏi này với chúng ta thông qua những hành vi của mình nên chúng ta cũng thường trả lời cho trẻ thông qua những việc chúng ta làm. Thông qua những hành vi của mình, trẻ sẽ cho chúng ta biết trẻ cần gì, phải chăng trẻ cần được yêu nhiều hơn nữa, được kỷ luật nhiều hơn nữa, được người lớn chấp nhận và hiểu mình nhiều hơn nữa? (Chúng ta sẽ bàn chi tiết hơn về vấn đề này sau, còn bây giờ hãy tập trung vào nền tảng không gì có thể thay thế được, đó là một tình yêu vô điều kiện.)

                 Kính thưa quý thính giả,

                 Chỉ khi nào chúng ta đặt mối quan hệ với trẻ trên nền tảng là một tình yêu vô điều kiện, chúng ta mới có thể đáp ứng những nhu cầu của trẻ thông qua những hành vi của mình. Xin hãy chú ý cụm từ “thông qua những hành vi của mình.” Cảm xúc thương yêu con trong lòng bạn có thể rất mạnh mẽ nhưng như thế vẫn chưa đủ. Trẻ cần thấy được tình yêu thông qua những hành vi của cha mẹ chúng. Tình thương của chúng ta được truyền tải đến cho trẻ thông qua những hành vi mà trẻ nhận được, kể cả những điều chúng ta nói và làm. Nhưng những việc chúng ta làm quan trọng hơn những lời nói rất nhiều. Trẻ em bị ảnh hưởng nhiều bởi hành động hơn là lời nói.

                 Một khái niệm quan trọng khác mà cha mẹ cần phải biết đó là trong bất cứ đứa trẻ nào cũng đều có một bể chứa cảm xúc. Dĩ nhiên, bể chứa cảm xúc này là ở nghĩa bóng, tuy nhiên nó vẫn là một điều có thật. Mỗi em nhỏ đều có một số nhu cầu tình cảm nào đó (chẳng hạn như các em cần được yêu thương, cần được thông hiểu, cần sự kỷ luật v.v…) và việc những nhu cầu về cảm xúc đó có được đáp ứng hay không sẽ quyết định nhiều thứ khác. Trước hết, điều đó sẽ quyết định việc trẻ cảm thấy như thế nào: trẻ có hài lòng hay không, trẻ đang giận dữ, đang buồn hay đang vui. Kế đến, nó ảnh hưởng đến những hành vi của trẻ: trẻ sẽ vâng lời hoặc không vâng lời, trẻ sẽ ngồi một chỗ hay bị cuồng chân, trẻ sẽ tỏ ra hoạt bát, hiếu động hay sống khép kín. Bể chứa cảm xúc của trẻ càng được đầy thì tự nhiên những cảm nhận của trẻ càng trở nên tích cực và những hành vi của trẻ sẽ tốt hơn.

                 Vậy ở đây, chúng ta rút ra được một câu quan trọng trong quyển sách này: chỉ khi nào bể chứa cảm xúc của một đứa trẻ được đổ đầy thì người lớn mới mong trẻ trở thành những con người tốt nhất và cư xử một cách tốt nhất. Thế thì, trách nhiệm đổ đầy bể chứa cảm xúc ấy thuộc về ai? Chắc bạn cũng đoán được câu trả lời: người đó không ai khác hơn là cha mẹ của trẻ. Hành vi của trẻ thể hiện tình trạng của bể chứa cảm xúc trong trẻ. Về sau, chúng ta sẽ bàn về cách để đổ đầy bể chứa cảm xúc đó. Nhưng bây giờ, bạn cần hiểu rằng bể chứa cảm xúc ấy cần phải được giữ để luôn đầy, và chỉ có chúng ta, những bậc làm cha mẹ mới làm được điều đó. Chỉ khi nào bể chứa đó được đầy thì đứa trẻ mới thật sự có hạnh phúc, mới có thể bày tỏ những khả năng của mình và đáp ứng những nguyên tắc mà cha mẹ đặt ra. “Chúa ơi, xin giúp chúng con có thể đáp ứng được những nhu cầu thật của con cái mình như Ngài đã làm với chúng con” và Philip 4:19 sẽ trả lời chúng ta: “Đức Chúa Trời tôi sẽ làm cho đầy đủ mọi sự cần dùng của anh em”.

                 Kính thưa quý thính giả,

                 Trong tuần sau, tiến sĩ Ross Campbell sẽ dùng câu chuyện của Tom và ông bà Smith để minh họa nền tảng quan trọng cho việc nuôi dạy con cái là dựa trên tình yêu vô điều kiện và sự đổ đầy bể chứa tình cảm. Xin hẹn gặp lại quý vị.
 

Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn