13:22 EDT Thứ bảy, 27/04/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 77

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 75


Hôm nayHôm nay : 17466

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 266441

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 22995848

Trang nhất » Dưỡng linh » Bài giảng

Bài Mới

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

“Nhưng, hỡi anh em, xin anh em hãy răn bảo những kẻ ăn ở bậy bạ, yên ủi những kẻ ngã lòng, nâng đỡ những kẻ yếu đuối, phải nhịn nhục đối với mọi người. Hãy giữ, đừng có ai lấy ác báo ác cho kẻ khác; nhưng hãy tìm điều thiện luôn luôn, hoặc trong vòng anh em, hoặc đối với thiên hạ” (câu 14-15).

Xem tiếp...

Ngôi Sao Giáng Sinh

Thứ ba - 26/12/2017 20:19
Ngôi Sao Giáng Sinh

Ngôi Sao Giáng Sinh

Vào năm 1809, cả thế giới xôn xao vì Hoàng đế Napoleon của nước Pháp đã càn quét nước Áo. Máu đã chảy khắp nơi. Những hài nhi trên thế giới được sinh trong khoảng thời gian nầy không được quan tâm nhiều.


                 Vào năm 1809, cả thế giới xôn xao vì Hoàng đế Napoleon của nước Pháp đã càn quét nước Áo. Máu đã chảy khắp nơi. Những hài nhi trên thế giới được sinh trong khoảng thời gian nầy không được quan tâm nhiều. Nhưng một số hài nhi đó lại trở thành những vĩ nhân của thế giới như William Gladstone là một chính khách tài ba nhất của nước Anh; Alfred Tennyson là nhà thơ của thế giới, thơ của ông viết về những đề tài muôn thuở: Tình yêu, Cuộc sống và Cái chết. Thế Vận Hội tại London năm 2012 đã chọn câu thơ của ông làm khẩu hiệu ‘Quyết phấn đấu, quyết kiếm tìm, quyết không bỏ cuộc’; và Olive Wendell Holmes thẩm phán tối cao pháp viện của nước Mỹ suốt 3 thập niên.

                 Tất cả những nhân vật tên tuổi nầy được sanh ra vào năm đó, không thể nào so sánh với Chúa Jesus là Cứu Chúa của nhân loại giáng sinh cách đây hơn 2000 năm. Ngày Chúa xuống đời đã chia đôi giòng lịch sử nhân loại, là mốc thời gian cho mọi triều đại, niên kỷ v.v… Thời gian trước Chúa Giáng Sinh (BC là chữ viết tắt Before Christ trong tiếng Anh) và thời gian Sau Chúa Giáng Sinh (AD là chữ viết tắt Ano Domini trong tiếng La tinh - có nghĩa là Năm Của Chúa Chúng Ta).

                 Điều đặc biệt hơn nữa là khi Chúa giáng sanh, trên bầu trời xuất hiện một vì sao lạ, dẫn đường những nhà thông thái bên đông phương tìm đến Ấu Chúa, tôn thờ Ngài. Thánh sử ký thuật lại rằng: "Khi Đức Chúa Jesus đã giáng sinh tại thành Bết-lê-hem miền Giu-đê, vào thời trị vì của vua Hê-rốt, có mấy nhà thông thái ở đông phương đến thành Giê-ru-sa-lem hỏi rằng: “Vua dân Do Thái vừa sinh tại đâu? Vì chúng tôi đã thấy ngôi sao Ngài bên đông phương nên đến để tôn thờ Ngài.” (Ma-thi-ơ 2:1-2)

                 Biến cố nầy đã xảy ra đúng như lời tiên tri được loan báo trước đó 1400 năm:

                 "Tôi thấy Ngài, nhưng chẳng phải bây giờ; 
                 Tôi trông Ngài, nhưng không phải ở gần; 
                 Một ngôi sao hiện ra từ Gia-cốp, 
                 Một vương trượng sẽ trỗi dấy từ Y-sơ-ra-ên; 
                 Ngài sẽ đập vỡ màng tang của Mô-áp và vương miện của dòng dõi Sết". (Dân Số Ký 24:17)

                 Thuvienvatly.com có bài viết về ngôi sao giáng sinh, trong bài viết nầy tác giả đã đặt ra câu hỏi về thực chất của ngôi sao giáng sinh.

                 (1) Ngôi sao nầy không phải là một thiên thạch. Chúng ta biết rằng, thiên thạch là khối đất đá trôi dạt trong vũ trụ. Khi những khối đá nầy bay vào bầu khí quyển của trái đất với tốc độ cực lớn, chúng bị ma sát với không khí và bốc cháy, tạo nên một vệt sáng vụt ngang qua bầu trời đêm. Tuy nhiên, các thiên thể bay vụt ngang qua bầu quyển theo nhiều phương hướng và chúng chỉ tồn tại trong vài giây ngắn ngủi, nên không thể là ngôi sao giáng sinh dẫn đường cho các nhà thông thái để tìm đến nơi Chúa Jesus giáng sinh được.

                 (2) Ngôi sao Chúa giáng sinh không phải là sao chổi. Bởi vì là một khối băng chuyển động quanh Mặt trời theo một quỹ đạo rất lớn (thường mất vài năm đến vài chục năm để hoàn thành một chu kỳ). Sao chổi mọc ở hướng đông và xuất hiện trong nhiều ngày. Nhưng điều rất quan trọng là các tài liệu thiên văn không ghi nhận sự xuất hiện của một sao chổi nào trong khoảng thời gian năm Chúa giáng sinh,tức là khoảng 4 năm trước Công nguyên. Một chi tiết nữa để bác bỏ giả thuyết nầy là bởi vì nếu sao chổi xuất hiện vào lúc Chúa giáng sinh thì vua Herod đã biết rồi, dầu nhà vua không có kiến thức đặc biệt về các ngôi sao như các nhà thiên văn nên ông không cần phải tập họp giới tri thức và các nhà Kinh Luật Do Thái để nhờ họ cắt nghĩa về sự kiện nầy.

                 (3) Một sao siêu mới. Giả thuyết nầy cũng không được chấp nhận. Bởi vì sao siêu mới là ngôi sao vừa mới được hình thành sau một vụ nổ trong vũ trụ. Siêu sao nầy có thể xuất hiện trong thời gian dài. Nhưng theo lịch sử của các nhà thiên văn, ngôi sao ấy không xuất hiện trong thời gian Chúa giáng sinh.

                 (4) Sự giao hội của sao Kim với sao Mộc gần với sao Regulus (là ngôi sao sáng nhất trong chòm sao Sư Tử). Khi tìm hiểu các hành tinh trong quay chung quanh mặt trời, được gọi Thái Dương Hệ, chúng quay với tốc độ khác nhau: Hành tinh nào càng gần mặt trời thì chuyển động càng nhanh so với các hành tinh ở xa mặt trời. Cho nên khi ta quan sát từ trái đất, ta sẽ thấy có những lúc hành tinh này vượt qua hành tinh kia. Hiện tượng này được gọi là “giao hội”, xảy ra khá phổ biến trên bầu trời đêm. Khi hai hoặc nhiều hành tinh tiến đến rất gần nhau rồi thẳng hàng với nhau, ta nhìn thấy như chúng nhập vào với nhau thành một hành tinh rất sáng. Vào thế kỷ thứ 17 nhà thiên văn học Johannes Kepler tính ra năm ba ngôi sao giao hội 7 năm trước Chúa Giáng Sinh, không rơi và thời điểm Chúa giáng sinh, nên không thể cho là ngôi sao giáng sinh được.

                 Cũng theo nhà thiên văn nầy ngôi sao giáng sinh được mô tả là một ngôi sao lạ theo như lời Thánh Kinh ký thuật, ngôi sao nầy nói đến sự hiện diện vinh hiển ngời sáng của Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa khi Đức Chúa Trời Ngôi Hai giáng trần trong hình hài và thể xác của con người. Ngài không dùng những ngôi sao bình thường trong thiên nhiên để dẫn đường cho những tấm lòng khát khao tìm kiếm thờ phượng Ngài, với quyền năng siêu việt Ngài tạo ra ngôi sao lạ. Điều kỳ diệu nữa chính các nhà viết sử Trung Hoa và Triều Tiên đã ký thuật lại bên vùng trời tây, có ngôi lạ xuất hiện trong một thời gian dài, vào đúng thời điểm Chúa Giáng Sinh. Chính ngôi sao kỳ diệu nầy báo hiệu Con Trời lâm thế, dẫn đường những nhà thông thái tìm đến tôn thờ Cứu Chúa. Những nhà thông thái nầy được ngôi sao hướng dẫn từ nơi xuất phát của họ là đất nước Ba Tư cách xa nơi Chúa giáng sinh 1200 dặm, ngôi sao nầy hướng dẫn tường tận, từng dậm đường và chỉ đến tận nhà, nơi trú ngụ của hài nhi Jesus, để rồi khi gặp Chúa, họ đã quỳ xuống thờ lạy Ngài.

                 Thánh sử ký thuật lại rằng: Chúa Jesus giáng sinh tại Bết lê hem xứ Giu-đê vào đời vua Hê-rốt. Lúc ấy, có các nhà thông thái từ Đông phương đến thủ đô Giê-ru-sa-lem tìm hỏi: “Vua dân Do-thái mới ra đời hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy ngôi sao Ngài bên Đông phương nên tìm đến thờ phượng Ngài.” Được tin ấy, vua Hê-rốt rất lo ngại; dân chúng thủ đô cũng xôn xao. Vua liền triệu tập các nhà lãnh đạo Do-thái vào triều chất vấn: “Các tiên tri thời xưa có nói Chúa Cứu Thế sẽ sinh tại đâu không?” Họ đáp: “Muôn tâu, tại làng Bết lê hem xứ Giu-đê vì có nhà tiên tri đã viết: Bết lê hem tại xứ Giu-đê không còn là một làng quê tầm thường. Đã thành trú quán Thiên Vương, là Người chăn giữ, dẫn đường dân Ta.” Vua Hê-rốt gọi riêng các nhà thông thái, hỏi cho biết đích xác ngày giờ họ nhìn thấy ngôi sao xuất hiện. Rồi vua sai họ đến Bết-lê hem và căn dặn: “Các ngươi cứ đến đó tìm Ấu Chúa. Khi nào tìm được, nhớ trở về đây báo cáo, để trẫm cũng đến thờ phượng Ngài.” Các nhà thông thái tiếp tục lên đường. Ngôi sao họ đã thấy bên Đông phương lại mọc lên sáng rực, hướng dẫn họ đến tận nơi Con Trẻ ở. Thấy lại ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. Vào đến nhà, thấy Con Trẻ và mẹ Ngài, các nhà thông thái liền quỳ xuống thờ lạy Ngài, rồi dâng hiến vàng, trầm hương và nhựa thơm. Sau đó, trong giấc chiêm bao, Đức Chúa Trời bảo họ không được trở lại gặp vua Hê-rốt, nên họ đi đường khác về quê hương mình." (Ma-thi-ơ 2:1-12)

                 Đây là biến cố lịch sử quan trọng, đúng vào thời trị vì của vua Hê rốt. Thánh sử đã ký thuật cuộc viếng thăm, tìm thờ Ấu Chúa của các nhà thông thái. Vua Hê-rốt sau khi nghe tin ấy đã vô cùng bối rối vì vua nầy có thói đa nghi như Tào Tháo. Hê-rốt là bạo chúa đã giết ngay chính con ruột của mình, hôn quân nầy không bao giờ nhân nhượng bất cứ cuộc tranh đấu nào! Những nhà thông thái nầy đến từ các vùng khác nhau của nước Ba Tư. Họ đã nghiên cứu các ngôi sao, rồi khi nhìn thấy ngôi sao lạ, họ hiệp nhau tìm đến nơi có ngôi sao đó để tôn thờ Đấng vừa mới hạ sanh. Họ tin chắc rằng Đấng ấy chính Vua Trời giáng sinh.

                 Câu hỏi được đặt ra đây là: Làm thế nào những nhà thông thái đoan chắc rằng ngôi sao đó chính là ngôi sao Giáng Sinh? Câu trả lời là rất có thể họ được những người Do Thái lưu vong, những người bị đày qua xứ Ba Tư nói rõ về sự giáng thế của Vua Trời. Thánh Kinh được viết 1400 năm về trước có lời tiên tri về một vương quyền ra từ Do Thái. Ngôi sao và Vương quyền đó đi đôi với nhau. Cho nên khi họ thấy ngôi sao lạ đã xuất hiện trên bầu trời Do Thái, họ tin rằng lời tiên tri ấy nay đã ứng nghiệm.

                 Các nhà thông thái phải đi bằng lạc đà, không như chúng ta ngày nay đi bằng xe hơi hay phi cơ, và cuộc hành trình rất vất vả mất nhiều thời gian. Trong suốt cuộc hành trình dài, dầu rất mệt mỏi nhưng họ lúc nào cũng mong chờ, hy vọng là sẽ tìm gặp được Vua Trời và dâng cho Ngài lễ vật họ đã chuẩn bị sẵn. Thánh Kinh chép: Vào đến nhà, thấy Con Trẻ và mẹ Ngài, các nhà thông thái liền quỳ xuống thờ lạy Ngài, rồi dâng hiến vàng, trầm hương và nhựa thơm. Sau đó Đức Chúa Trời bảo họ không được trở lại gặp vua Hê-rốt, nên họ đi đường khác về quê hương. (Ma-thi-ơ 2:10-12)

                 Đến đây ta thấy sự can thiệp của Đức Chúa Trời vào ý định của những nhà thông thái nầy. Ngài cho thiên sứ báo mộng để họ phải đi đường khác về xứ mình. Nếu không, họ tưởng rằng vua Hê-rốt là người có lòng thành, thực sự muốn thờ phượng Ấu Chúa. Họ không dè y là bạo chúa, chỉ muốn sát hại Ngài.

                 Thưa quý vị, ngày xưa dầu ánh sao dị thường sáng rực thành Bết-lê-hem nơi Chúa sinh ra, nhưng mọi người vẫn mê ngủ, tiếp tục bận rộn với bao công việc trong cuộc sống. Trong khi tại nơi xa xôi ở miền đông lại có những tấm lòng khao khát Chúa, họ đã không ngại mất thì giờ, không ngại đường xa, không sợ mất địa vị chức tước, họ bất chấp mọi trở ngại, quyết lòng đến tôn thờ ấu Chúa và đã gặp được Ngài. Lời Chúa hứa: Các ngươi sẽ tìm Ta, và gặp được, khi các ngươi tìm kiếm Ta hết lòng. (Giê-rê-mi 29:13)

                 Thưa quý vị! Đức Chúa Trời thực sự hiện hữu và đang tể trị cả vũ trụ trong đó có quả đất nầy. Ngài là Thần, là Đấng vô hình, Ngài đã trở thành con người qua hình hài và thể xác của con người là Chúa Cứu Thế Jesus để con người có thể trò chuyện, tiếp xúc Ngài, nhất là dâng lên Ngài lời cầu nguyện, trình lên mọi nhu cầu và khó khăn của đời sống mình.

                 Một nhân chứng là sứ đồ Giăng thuật lại rằng: Chúa Cứu Thế đã có từ ban đầu, từ trước khi sáng tạo vũ trụ, thế mà chính mắt tôi đã được hân hạnh thấy Chúa, chính tai tôi đã nghe Chúa dạy và tay tôi đã rờ Chúa. Chúa là Lời Hằng Sống của Đức Chúa Trời. Sự Sống đã đến trần gian và chúng tôi xin xác quyết chúng tôi đã thấy Sự Sống ấy: tôi nói về Chúa Cứu Thế, Nguồn Sống vĩnh cửu! Ngài ở với Chúa Cha và đã xuống đời, sống với chúng tôi. Một lần nữa, tôi xin nhắc lại, tôi đang kể cho anh em những điều mắt thấy tai nghe tường tận, để anh em có thể cùng chúng tôi vui hưởng mối giao hảo với Chúa Cha và Con Ngài là Chúa Cứu Thế. Chúng tôi viết cho anh em những điều ấy để niềm vui chung của chúng ta được hoàn toàn. (1 Giăng 1:1-3)

                 Qua lời chứng của Giăng, ta thấy ông biết Đức Chúa Trời thật cụ thể và riêng tư, chính lỗ tai ông nghe lời Chúa dạy, mắt ông thấy Ngài. Tay ông rờ Ngài. Có lần ông đã nghiêng mình vào ngực Chúa.

                 Ngày nay tuy cả nhân loại không nhìn thấy Chúa, vì Ngài đã về trời và ngồi trên ngai trời, nhưng chúng ta có thể cảm nhận được sự hiện diện của Ngài trong mỗi phút giây của đời sống. Điều nầy được một môn đệ thân tín khác của Chúa là sứ đồ Peter nói rằng: "Chúa là Đấng anh em không thấy mà yêu mến; dầu bây giờ anh em chưa thấy Ngài, nhưng anh em tin cậy Ngài nên lòng rộn rực một niềm vui thiên thượng khó tả." (I Phi-e-rơ 1:8)

                 Sadhu Sundar Singh, người Ấn Độ, một đêm kia đã thiết tha muốn gặp Chân Thần, ông hết lòng cầu khẩn: "Chúa ôi! Nếu thật có Chúa xin Ngài hiện ra cho con." Chúa đã nhậm lời khẩn xin của ông, Ngài hiện ra cho ông. Sau khi mặt đối mặt với Chúa, Sadhu đã dâng trọn đời sống mình cho Chúa, đến Tây Tạng giảng Tin Lành. Nhờ vậy có nhiều người tại đó tiếp nhận Chúa Cứu Thế Jesus làm Cứu Chúa mình.

                 Chúa Jesus đã giáng trần vì quý vị! Nước Thiên đàng của Ngài mở ra cho quý vị. Đây là dịp tiện để quý vị trở lại tôn thờ Chân Thần là Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa mình, tiếp nhận Chúa Cứu Thế Jesus để tội được tha, linh hồn được cứu và hưởng được sự sống vĩnh phúc trong cõi vĩnh hằng. Rất mong ngay giờ nầy quý vị mời Chúa Cứu Thế vào đời sống mình, làm chủ cuộc đời mình, ngay mùa Giáng Sinh năm nay.

                 Kính chào quý vị và các bạn.
 

Mục sư Tiến sĩ Ngô Minh Quang
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn