09:07 EDT Thứ sáu, 10/05/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 26

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 25


Hôm nayHôm nay : 10540

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 99503

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23108536

Trang nhất » Dưỡng linh » Bài giảng

Bài Mới

Điều Gì Làm Tôi Chết?

Điều Gì Làm Tôi Chết?

“Nhưng ấy là tội lỗi đã làm cho tôi chết, hầu khi nó nhân điều lành làm chết tôi, tự bày ra nó là tội lỗi; đến nỗi tội lỗi nhân điều răn trở nên cực ác” (câu 13b BTT).

Xem tiếp...

Đấng Chăm Sóc

Thứ hai - 13/11/2017 19:34
Đấng Chăm Sóc

Đấng Chăm Sóc

Có một câu chuyện ngụ ngôn về một con chuột nhắt, lúc nào cũng sống trong sợ hãi. Sự sợ hãi nầy đã áp chế nó, khiến nó sống trong sự khốn khổ lo âu.



                     Có một câu chuyện ngụ ngôn về một con chuột nhắt, lúc nào cũng sống trong sợ hãi. Sự sợ hãi nầy đã áp chế nó, khiến nó sống trong sự khốn khổ lo âu. Nó sợ ngay cả chiếc bóng của chính mình. Nó sợ những sự bất trắc thình thình ụp đến. Nó cũng không biết rằng chính sự sợ hãi đó khiến cho nó lúc nào cũng sống trong sự nghi ngờ. Sự sợ hãi đã khiến cho nó cảm thấy đâu đâu cũng là trở ngại, khiến cho "việc bé xé to". Chính sự sợ hãi ấy trở thành gánh nặng cho đời sống của nó.

                     Một ngày kia chuột ngồi khóc cho số phận hẩm hiu của mình, rồi nó tự nhủ “Ước gì mình là mèo. Khi đã trở thành mèo thì mình không cần gì phải sợ!” Khi gặp Đấng Tạo Hóa, chuột run lẩy bẩy, miệng lắp bắp thưa: "Đấng Tạo Hóa ơi! Con lúc nào cũng sống trong phập phòng lo sợ, xin Ngài vui lòng biến con trở thành mèo. Con tin rằng nếu trở thành mèo con sẽ không còn sống trong sự sợ hãi nữa!" Đấng Tạo Hóa liền biến chuột thành ra mèo.

                     Khi trở thành mèo, chuột hiên ngang đi tới đi lui, không một chút lo sợ. Nhưng thình thình một con chó xuất hiện sủa inh ỏi. Mèo kinh khiếp, rút vào xó tối. Sau khi chó đi khỏi, Đấng Tạo Hóa lại hiện ra, chuột van xin: "Ngài ơi! Xin Ngài biến con thành chó. Một khi đã trở thành chó thì con sẽ không phải lo sợ nữa." Lập tức mèo biến thành chó. Chó cảm thấy tự tin, nó chạy vào rừng, vượt đèo vượt suối, nó tự đắc về hình vóc của mình. Nhưng sau đó chó đổi sắc mặt khi nghe tiếp gầm thét của sư tử! Cũng may là Đấng Tạo Hóa hiện diện nơi đó, khiến cho nó an lòng. Nó liền cầu xin với Đấng Tạo Hóa: "Ngài ơi! Nếu Ngài biến con thành sư tử, thì con sẽ chẳng còn gì phải sợ hãi". Đến đây Đấng Tạo Hóa nghiêm nghị phán: "Ta sẽ biến người trở thành chuột trở lại, bởi vì lòng ngươi là lòng chuột, nên dầu người trở thành loài vật nào, thì ngươi vẫn là chuột. Ngươi phải thỏa lòng, sống an vui với thân phận của mình."

                     Thưa quý vị,

                     Có bao giờ quý vị thỏa lòng với thân phận mình không? Thánh Kinh cho biết loài người chúng ta được Đấng Tạo Hóa yêu thương, chăm sóc, tình yêu của Ngài là tình yêu của người cha từ ái. Tấm lòng của Ngài như tấm lòng của người mẹ hiền. Thánh Kinh ký thuật lại bài giảng của nhà lãnh tụ Môi-se:

                     "Cả trời lẫn đất hãy nghe Ta! 
                     Lời Ta êm nhẹ như sương sa, có lúc tầm tã như mưa móc, nhuần tưới đồng xanh và thảo mộc. Ta tung hô Danh Chúa Vĩnh Hằng, Ca tụng công ơn Ngài vĩ đại. Chúa là Vầng Đá hiên ngang. Đường lối Ngài chính là công lý. Tuyệt đối chính trực và công bằng, luôn thành tín, không hề nhiễm tội. Nhưng Y-sơ-ra-ên phản phúc bất thần, nên không tình nghĩa cha con. Họ là một giống nòi lừa đảo, thông gian. Phải chăng đây là cách báo đền ơn Chúa? Hỡi dân tộc khờ khạo, điên cuồng! Chúa là Thiên Phụ từ nhân, chăn nuôi dưỡng dục, tác thành con dân. Thử nhớ lại những ngày dĩ vãng, thử hỏi xem các bậc trưởng thành, họ sẽ ân cần dạy bảo. Khi Đấng Tối Cao phân chia lãnh thổ, phân phối dòng dõi A-đam khắp thế gian, cho mỗi dân tộc đều hưởng một phần, thì Ngài căn cứ trên số dân của cộng đồng con cái Chân Thần. Nhưng Chúa là phần của Y-sơ-ra-ên, Vì Gia-cốp thuộc về Ngài. Chúa tìm thấy họ trong sa mạc, giữa tiếng gào thét của chốn hoang vu; Bảo vệ họ như con ngươi tròng mắt. Như phụng hoàng lay động tổ, bay quanh các con bé bỏng mình, dang cánh ra hứng đỡ, rồi cõng đàn con trên cánh. Dân ta cũng được Ngài dắt dìu. Chỉ có Chúa, chẳng có thần nào khác. Ngài cho họ ở trên đồi cao, hưởng hoa mầu của đất. Đá lửa bỗng phun dầu, Khe núi tuôn dòng mật. Họ được sữa bò, cừu dư dật, lấy giống cừu, dê Ba-san, gieo giống lúa mì thượng hạng, và uống rượu nho thuần chất." (Phục Truyền 32:1-14)

                     Thưa quý vị, Đức Chúa Trời ví Ngài như chim phụng hoàng mẹ hết lòng chăm sóc đàn con là dân sự Ngài như những chim phụng hoàng con bé bỏng được phụng hoàng mẹ nuôi nấng dạy dỗ. Đặc biệt là trong quá trình dạy dàn con học bay, đàn chim non phải trải qua 6 bước:

                     1. Thao diễn: Đây là bước khởi đầu của những phụng hoàng con phải lìa xa tổ ấm ở trên hóc đá cao của đỉnh núi. Chim mẹ hất đàn con ra khỏi tổ, để chúng tự đập cánh bay.

                     Thưa quý vị, trước khi chim phụng hoàng con chưa biết vươn cánh bay, thì nó được ở trong trong tổ, được cha mẹ nó tha mồi về cho chúng ăn mỗi ngày, và bảo vệ chúng lúc ban đêm. Nhưng đến một ngày kia, chim mẹ đẩy đàn con mình ra khỏi tổ ấm, bị rơi từ trên cao xuống, nên bắt buộc chim con phải vươn cánh ra tập bay. Nếu có một chim con nào chưa biết bay được thì chim mẹ sà tới ngay và dùng cánh nâng đỡ con mình, sau đó đem về tổ cho nó nghỉ ngơi, và tiếp tục nuôi ăn thêm một thời gian nữa! Sau đó không lâu chim mẹ đẩy chim con ra khỏi tổ và thử lại lần thứ hai.

                     Đây là cách Đức Chúa Trời chăm sóc con cái của Ngài. Có đôi lúc Đức Chúa Trời đẩy chúng ta ra khỏi tổ ấm của Ngài, không phải vì Ngài không yêu chúng ta, nhưng bởi vì Ngài muốn chúng ta tập bay, Ngài muốn chúng ta học để sống cho Ngài. Tục ngữ Do Thái có câu ‘Đường cùng của loài người là cơ hội của Đức Chúa Trời’ Khi loài người chúng ta cùng đường, bế tắc! Chúng ta kêu cầu Chúa, Ngài lắng nghe, đưa tay giải cứu ta như chim phụng hoàng mẹ, dang cánh hứng đỡ con mình.

                     Thánh Kinh dạy: "Đang khi chúng ta bó tay tuyệt vọng, Chúa Cứu Thế đã đến đúng lúc để chết thay cho chúng ta, là người tội lỗi, xấu xa. Thông thường, ít thấy ai chịu chết cho người công chính, hiền lương, nhưng dù sao, nghĩa cử ấy còn có thể xảy ra. Nhưng Đức Chúa Trời đã chứng tỏ tình yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi Chúa Cứu Thế chịu chết thay chúng ta là người tội lỗi." (Rô-ma 5:6-8).

                     Triết gia Paul đã trải nghiệm được tình yêu nầy ông nói: "Đây là lời trung thực, đáng được mọi người tin nhận: Chúa Cứu Thế Jesus đã xuống trần gian để cứu vớt người tội lỗi. Trong những người được cứu, ta nặng tội nhất. Nhưng Chúa rộng lòng thương ta, kẻ xấu xa nhất, để chứng tỏ lòng kiên nhẫn vô hạn của Ngài, và dùng ta làm gương cho người khác tin Ngài để được sống đời đời." (1 Ti-mô-thê 1:15-16)

                     2. Huấn Luyện: Đây là bước khó hơn, Thánh Kinh mô tả hình ảnh của Đức Chúa Trời như chim phụng hoàng mẹ lượn bay quanh tổ mình, bay lượn bên trên, giục các con nhỏ của nó tập bay, hất chúng ra khỏi tổ, rơi từ trên cao xuống, rồi lẹ làng lượn xuống, dang cánh ra cõng các con nó trên lưng, đưa chúng lên trời cao bằng đôi cánh của mình rồi tiếp tục làm như vậy cho đến khi các bắp thịt các chim non vững mạnh và tự bay trên vòm trời xanh thẳm.

                     3. Huấn Nhục: Đây là bước càng khó hơn. Bước đường theo Chúa không phải lúc nào cũng êm ả như mặt nước hồ thu, Đức Chúa Trời cho phép sóng gió nổi lên dể huấn luyện con dân Ngài, được trưởng thành. Một nhân vật trong Thánh Kinh là ông Gióp đã trải nghiệm điều nầy, ông than thở với Chúa rằng:

                     Khi con đợi phước hạnh, tai họa từ đâu lại đến; 
                     Khi con chờ ánh sáng, bóng tối cứ lù lù hiện ra. 
                     Ruột gan con rối bời, và con không thể nào an nghỉ; 
                     Những ngày khốn khó đã ập đến trên con. (Gióp 30:26-27)

                     Nhưng sau khi được Chúa huấn luyện ông tuyên bố rằng: "Trước lỗ tai tôi có nghe đồn về Chúa, nhưng bây giờ, mắt tôi đã thấy Ngài: Vì vậy, tôi lấy làm gớm ghê tôi, và ăn năn trong tro bụi." (Gióp 32:5-6)

                     4. Bước Quyết Định: Đây cũng chính là bước đi của mỗi chúng ta trên bước đường theo Chúa. Vua David trong Kinh Thánh cũng đã trải nghiệm được bước đường nầy, người nói:

                     Trước khi chưa bị hoạn nạn, thì tôi lầm lạc; 
                     Nhưng bây giờ tôi gìn giữ lời Chúa. (Thi Thiên 119:67)

                     Trở lại quá trình học bay, đang khi các chim phụng hoàng con được huấn luyện, chúng phải có một quyết định: Một là phải hết sức bay để tự do bay lượn trên tầng trời cao ngất, hai là phải để bị rơi vào vực sâu bên dưới là những chỏm đá nhọn kinh khiếp để rồi phải nhận cái chết bi thảm!

                     5. Bước Hành Động: Trách nhiệm của đại bàng mẹ là dạy con bay chớ không thể bay cho con. Đức Chúa Trời cũng thế, Ngài dạy con dân Ngài phải sống theo đường lối Ngài chớ không thể sống thay họ. Thánh Kinh dạy: Vì ai sẽ gánh lấy riêng phần nấy. (Ga-la-ti 6:5) Câu nầy có nghĩa là mỗi chúng ta phải có trách nhiệm cho số phận mình. Chúa đã chết thay ta, nhưng Ngài không sống thay ta. Mỗi cá nhân ta phải tự quyết định và phải sống theo niềm tin của mình. Như chim phụng hoàng con phải nỗ lực để bay để khỏi phải rơi vào vực sâu theo sức hút của quả đất! Một khi quý vị thuộc về Chúa, quý vị phải tiếp tục đặt đức tin vào Chúa và tiếp tục theo Chúa bằng cách đi nhà thờ, học lời Thành Kinh và có mối liên hệ mật thiết với Chúa và con dân Ngài trong Hội Thánh lả Đại Gia Đình của Chúa.

                     6. Bước Giải Thoát: Đây là bước cuối cùng và hình ảnh đẹp nhất như lời Thánh Kinh dạy:

                     Chúa tìm thấy họ trong sa mạc, giữa tiếng gào thét của chốn hoang vu; 
                     Bảo vệ họ như con ngươi tròng mắt. 
                     Như phụng hoàng lay động tổ, 
                     Bay quanh các con bé bỏng mình, dang cánh ra hứng đỡ, 
                     Rồi cõng đàn con trên cánh. (Phục Truyền 32:10-11)

                     Thưa quý vị,

                     Khi quý vị đặt niềm tin vào Chúa Cứu Thế Jesus là Đấng đã giáng trần hai ngàn năm trước, đã chết thế tội cho quý vị, đến ngày thứ ba Chúa đã sống lại, rồi về trời, quý vị sẽ được làm con cái Đức Chúa Trời, được phép gọi Ngài là Cha, được Ngài dắt dìu mỗi phút giây trong đời sống. Sự dẫn dắt của Ngài cho quý vị như chim phụng hoàng cõng dàn con trên cánh ở trên đồi cao.

                     Ước mong ngay giờ nầy quý vị tiếp nhận tình yêu và sự chăm sóc của Chúa, từ nay quý vị sẽ không còn là một lữ hành sợ hãi cô đơn trên bước đường đời của mình. Chúa yêu thương và lúc nào cũng kề cận chăm sóc quý vị. Rất mong quý vị mở lòng mình ra đón nhận tình yêu và sự chăm sóc Chúa. Ngài chẳng những là Vị Cứu Tinh của quý vị mà cũng là người Bạn thân, sẽ cùng bước với quý vị trong mọi lối đi của cuộc đời.

                     Kính chào quý vị và các bạn.
 

Mục sư Tiến sĩ Ngô Minh Quang
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Mục sư Tiến sĩ Ngô Minh Quang
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn